1. Mở đầu
Rào đón là một hiện tượng thường gặp trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ. Tìm hiểu thành phần rào đón là việc cần thiết đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp. Việc nghiên cứu về rào đón trong các tác phẩm văn học đã được nhiều người chú ý.
Trong nhiều tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, những vấn đề về giao tiếp, hội thoại, rào đón được thể hiện khá sâu sắc, hấp dẫn. Để thực hiện việc tìm hiểu thành phần rào đón trong một số tác phẩm của nhà văn Tô Hoài, bài viết trình bày một vài nét khái quát về tác giả Tô Hoài, một số tác phẩm điển hình của ông mà bài viết lựa chọn để tìm hiểu về thành phần rào đón như: Dế Mèn phiêu lưu ký, Truyện Tây Bắc, Chiều chiều, Cát bụi chân ai...
Trong ngôn ngữ, rào đón là một động từ nói năng chỉ được dùng theo chức năng miêu tả mà không được dùng trong chức năng ngữ vi nên biểu thức ngữ vi của hành vi rào đón là biểu thức ngữ vi nguyên cấp, gọi chung là biểu thức rào đón (BTRĐ) . Theo ngữ liệu khảo sát trong một số tác phẩm của Tô Hoài, chúng tôi tìm được 169 ngữ liệu có các yếu tố rào đón (YTRĐ). Các YTRĐ tương đối đa dạng thể hiện cách sử dụng ngôn ngữ phong phú và tài tình của nhà văn. Xét về mặt cấu tạo ngữ pháp, BTRĐ trong một số tác phẩm của nhà văn Tô Hoài được chia thành nhiều dạng như phần trình bày sau.
2. Các hình thức rào đón trong một số tác phẩm của nhà văn Tô Hoài
Thành phần rào đón do từ đảm nhiệm
Có thể xem xét và phân loại YTRĐ được cấu tạo bằng một từ tiếng Việt ở nhiều góc độ như: căn cứ vào đặc điểm ngữ pháp, đặc điểm ngữ nghĩa hay đặc điểm phong cách của từ được sử dụng… Ở đây, chúng tôi sẽ căn cứ vào đặc điểm ngữ pháp của từ được sử dụng để miêu tả và phân loại kiểu BTRĐ này.
BTRĐ được cấu tạo bằng một từ đơn: này, khoảng, chắc, độ, như… trong các câu như: “Chắc hỏi thì cái Hến, thằng Toàn cũng chẳng biết” (Chiều chiều); “Chắc vì bài thơ đấy cũng ngang như con cua” (Chiều chiều); “Này, chúng nó đồn ầm lên ông mới nói, nếu ông còn trẻ ông cũng bỏ đất này ông đi” (Chiều chiều); “Chắc năm nay cũng thế” (Cát bụi chân ai); “Chắc Chu Ngọc đã khoe với ông phó cạo” (Chiều chiều); “Bân lại đùng đùng quất ngựa chạy nhanh, như càng giận dữ điều gì” (Truyện Tây Bắc); “Ly Chờ năm ấy còn non tuổi, độ mười lăm” (Cát bụi chân ai); “Phòng mổ căng vải dù trắng như trạm sơ cứu tiền phong” (Cát bụi chân ai). Các rào đón: này, khoảng, chắc, độ, như là một từ đơn. Trong đó, BTRĐ chắc trong các cuộc thoại của Tô Hoài chiếm số lượng lớn.
BTRĐ được cấu tạo bằng một từ ghép: từ ghép được dùng để làm YTRĐ có thể là ghép đẳng lập, có thể là ghép chính phụ. BTRĐ này chiếm số lượng khá lớn trong ngữ liệu đã khảo sát. Các từ được dùng để làm BTRĐ có thể thuộc lớp từ tình thái: hình như, có lẽ, có thể, nghe nói, phỏng chừng, chắc chắn… hoặc có thể thuộc lớp động từ: làm ơn, làm phúc, nói dại… hoặc cũng có thể là một phó từ đi cùng với các động từ ngữ vi để bổ sung ý nghĩa cho các hành vi ở lời do động từ đó biểu hiện như: chân thành, chân tình, bảo thực…
Ví dụ: “Bảo thực, nhưng các cậu có nghe thì mới nói” (Cát bụi chân ai); “Có lẽ chẳng ai để ý cái ngang ngược, cái dốt ấy, chỉ có tôi tò mò” (Chiều chiều); “Có lẽ chẳng bao giờ” (Chiều chiều); “Chắc chắn những tài liệu sổ tay ghi chép của tôi chính dùng có ích hơn tôi” (Chiều chiều); “Có thể đi đằng cổng làng được, vì cổng làng vẫn mở” (Những người thợ cửi); “Nghe nói Hòn Gai, đường sắt Hải Phòng - Vân Nam ta cũng chuộc mất nhiều tiền” (Cát bụi chân ai); “Có thể vì tôi bỏ Trăm Hoa anh Trúc Đường không bằng lòng tôi” (Cát bụi chân ai).
Thành phần rào đón do cụm từ đảm nhiệm
Cụm từ tự do: là những cấu trúc gồm hai từ trở lên, chúng kết hợp tự do với nhau theo những kiểu quan hệ ngữ nghĩa, ngữ pháp nhất định nhưng chưa thành câu. BTRĐ trong lời thoại nhân vật cũng có thể do đơn vị ngữ pháp này đảm nhận với số lượng không nhỏ: 204/694 (chiếm tỉ lệ 29%).
Ví dụ: “Nguyên Tuân chắc không phải do sách vở” (Cát bụi chân ai); “Cũng có thể không lạ, sự dị ứng trái ngược” (Dế mèn phưu lưu ký); “Khi chuyển cơ quan trên Việt Bắc về, xem lại các quyển lý lịch, hầu hết đều thiếu” (Truyện Tây Bắc).
Cụm từ cố định: tham gia cấu tạo BTRĐ ở đây là các quán ngữ. Quán ngữ là những cụm từ được dùng lặp đi lặp lại trong các diễn từ thuộc nhiều phong cách khác nhau, để đưa đẩy, rào đón, nhấn mạnh hoặc để liên kết trong diễn từ.
Các quán ngữ có dạng: theo A (người nói), theo thiển ý của A, theo ngụ ý của A, theo dụng ý của A... Nghĩa của từ theo trong các trường hợp trên là: dựa vào, căn cứ vào nguồn tin hay ý kiến nào đó.
Ví dụ: “Theo lệ làng, phạt mỗi trẻ con đẻ hoang thì mẹ nó phải đem nộp làng mười hai đồng bạc hoa xòe” (Cát bụi chân ai); “Theo tục trong mường, mỗi khi một nhà bỏ nương cũ thì để lại người già trông nương, trông kho đựng thóc và nuôi gà, bao giờ con cháu làm xong nương mới, có lúa ăn đầy đủ mới về đón cụ đi” (Cát bụi chân ai).
Trong các ví dụ trên, có thể thấy, đây đều là những nhận định. Nội dung đưa ra đều nằm trong suy nghĩ chủ quan của người nói dựa trên phong tục, tập quán có sẵn của đồng bào miền núi, chưa có gì đảm bảo tính chân thực của chúng. Do đó, BTRĐ được người nói sử dụng trong cả hai ví dụ trên khiến người nghe cảm thấy không bị áp đặt.
Còn khi đi kèm với một số hành động có tính chất đe dọa như: cầu khiến, đề nghị, khuyên bảo, trách móc... các quán ngữ dạng này có tác dụng rào đón điều kiện chân thành (tức là bản thân người nói chân thành muốn một hành động nào đó được thực hiện), đồng thời cũng để cho người nghe quyền lựa chọn của họ, có thể thực hiện hoặc không thực hiện mong muốn của người nói (tức là không mang tính áp đặt).
Các quán ngữ dạng: như A đã nói/ đã trình bày, như B (người nghe) đã biết, B biết rồi đấy, B thấy đấy, như C (người thứ ba) đã nói/ đã trình bày... thường dùng để rào đón phương châm về lượng và phương châm cách thức, tức là người nói muốn nhắc lại một phần thông tin nào đó mà cả người nói và người nghe đều biết nhưng không muốn bị xem là vi phạm các quy tắc hội thoại.
Ví dụ: “Con cũng biết đấy, mấy năm nay, quan huấn không về chùa. Mới đây, được tin người đã khuất núi rồi” (Rồi thì người ở một mình).
Các quán ngữ dạng: nghe nói, nghe người ta nói/ bảo, nghe đâu, nghe như, nghe đồn... được dùng để rào đón các phương châm hội thoại.
Nếu BTRĐ dạng theo tôi có tác dụng báo trước cho người nghe biết rằng nội dung chính mà người nói thông báo là chủ ý riêng của người nói, người nghe có quyền tin hoặc không tin, thực hiện hoặc không thực hiện; đồng thời, khi sử dụng BTRĐ theo tôi cũng tức là người nghe ngầm cam kết sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với điều mình nói ra... thì BTRĐ dạng nghe nói lại có tác dụng báo cho người nghe biết rằng nội dung thông báo trong lời của người nói là của những người khác, cũng tức là người nói không phải chịu trách nhiệm pháp lý về điều mình đã nói.
Ví dụ: “Nghe nói ông mới có phòng mới. Ông lại bán cái đất có thật để ra xây cái tổ uyên ương trên cành lau ở bờ sông Thao Tây” (Chiều chiều); “Người ta đồn thế nào nơi nào rồi cũng phải lên hợp tác, lại càng hái những đồn đại” (Chiều chiều); “Nghe nói mậu dịch thu mua, da thì vào nhà máy thuộc da, còn ngầu pín để xuất khẩu đi Hồng Công” (Cát bụi chân ai); “Người ta bảo anh em Mèo có nhà ở rừng làm nương bị mật sống với cán bộ đấy” (Truyện Tây Bắc).
Các nội dung được người nói trình bày ở các ví dụ trên đều chưa có gì để bảo đảm tính chân thực của chúng. Tất cả chỉ mới ở mức độ nghe nói, nghe đồn, nghe người ta kháo... do đó mà người nói không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những điều mình nói ra, người nghe cũng không có lý do gì để bắt bẻ về tính chân thực của các thông tin đó.
Quán ngữ dạng: hỏi khí không phải, hỏi thật, nói dại mồm dại miệng…. được dùng để rào đón trong rất nhiều trường hợp khác nhau.
Ví dụ: “Này, hỏi khí không phải, bác là cái nhà hàng dầu dạo trước đã vào đây bán” (Rồi thì người ở một mình).
Thành phần rào đón do một kết cấu C-V đảm nhiệm
Cấu trúc của biểu thức rào đón không chỉ là một từ, một ngữ (tức cụm từ) mà còn là một kết cấu C-V, tức một phát ngôn hoàn chỉnh, chiếm tỉ lệ cao nhất (52%). Khảo sát vị từ trong các kết cấu C-V làm biểu thức rào đón, chúng tôi nhận thấy có hai nhóm động từ tham gia tích cực vào kiểu kết cấu này là động từ xin lỗi và động từ hỏi/ nói.
Ví dụ: “Này, có dám sang Xiêm không? Sang hẳn Xiêm, mà đến hẳn Vọng Các. Ở Vọng Các ăn mày cũng sướng gấp nghìn đời thằng cu li đồn điền bên ta” (Cát bụi chân ai); “Tôi không được gặp để hỏi xem khi Khơrutxốp qua đời đám ma thưa thớt, Eptuchenkô đã đi đưa, viếng độc hột bông hoa cẩm chướng. Câu chuyện ấy ra sao, tôi đọc tin tức nói thế” (Cát bụi chân ai); “Em hỏi thế thôi, bao giờ anh tỉnh rượu thì anh hãy trả lời em Tôi không biết Lưu Quyên bấy giờ cộng tác ở đâu. Nhưng tôi đã gặp” (Truyện Tây Bắc); “Lưu Quyên khi phụ trách báo Cứu Quốc khu Ba” (Cát bụi chân ai).
Động từ xin lỗi và nhóm động từ hỏi/ nói/ bảo/ thưa... là những yếu tố tham gia tích cực tạo nên các biểu thức rào đón do từ và cụm từ đảm nhận (là những kiểu cấu trúc ít nhiều còn mang đậm tính khẩu ngữ). Việc sử dụng chúng để tạo ra các biểu thức rào đón là kết cấu C-V (tức phát ngôn hoàn chỉnh) cho thấy nhà văn rất có ý thức tạo nên những chuẩn mực của ngôn ngữ.
Thành phần rào đón do kết hợp từ nhiều dạng
Rào đón được thực hiện thông qua hành vi trần thuật.
Trần thuật (declarative) là hành động kể lại, thuật lại một sự tồn tại của hiện thực khách quan (trong quá khứ, hiện tại) bằng tín hiệu ngôn ngữ. Nó là hành động tồn tại với nhiều cách gọi tên nhất so với các hành động được phân loại theo lực ngôn trung: trần thuật, trần thuyết, câu kể... Hành động trần thuật là hành vi phản ánh một sự kiện thực có, những điều mà người nói đã được nghe, được chứng kiến với mục đích là cung cấp cho người nghe những thông tin cần thiết và mong muốn người nghe tin vào những điều mình nói.
Ví dụ: “Tôi thật tình nói: Chị đã quen công việc ở thành phố chị nên…” (Chiều chiều).
Ngoài ra, để ngăn ngừa phản ứng tiêu cực của người nghe, các nội dung được nói đến ở hành động trần thuật phải tỏ ra tôn trọng triệt để các phương châm hội thoại của Grice (1). Vì thế, để thực hiện hành vi trần thuật, các BTRĐ sẽ có các kiểu phổ biến như: nghe nói, nghe đồn, nghe người ta kháo, tôi không chắc lắm, tôi không rõ lắm, tôi cũng chưa có bằng chứng về việc này, không chắc có đúng không...
Cụm từ dạng nghe nói sẽ không trở thành BTRĐ nếu đặt nó sau chủ thể phát ngôn, vì lúc đó phát ngôn chứa nó sẽ mang màu sắc của một phát ngôn trần thuật thông báo. Điều kiện căn bản của hành động trần thuật là phản ánh một sự kiện thực có.
Rào đón được thực hiện thông qua hành vi hỏi.
Hành động hỏi là một trong những hành động ở lời có nguy cơ đe dọa đến thể diện người nghe: làm hao tổn thời gian, sức lực và thậm chí còn đụng chạm đến nhu cầu được khẳng định, được người khác tôn trọng của người nghe, vì thế hành động hỏi thường được kèm theo hành động rào đón lịch sự.
Rào đón cho hành động hỏi trong các ngữ liệu thu thập được của nhà văn Tô Hoài chiếm số lượng không nhiều. Dựa trên các điều kiện để thực hiện hành động hỏi và khảo sát YTRĐ cho hành động hỏi trong các tác phẩm của Tô Hoài, chúng tôi thống kê được hai kiểu rào đón cho hành động hỏi cơ bản như sau:
Trường hợp người nói thực hiện hành vi hỏi nhưng không phải với mục đích là được cung cấp thông tin hay giải đáp thắc mắc mà là để thăm dò thái độ, tình cảm hay khả năng của người đối thoại với thông tin mà mình sắp nói:
Ví dụ: “Này, tao bảo, mày công nhận với tao không. Trời có mắt hết, ác giả là ác báo. Cứ hiền lành, không biết hại ai như tao dễ sống” (Kẻ cắp Bến Bỏi); “Em tưởng anh đi lính cho Tây để giữ của, giữ người cho làng, mà sao anh để Tây vào làng lấy của, lấy người khổ hại thế này à?” (Truyện Tây Bắc).
Hành động rào đón phần lớn được người nghe nhận biết và ngầm chấp nhận. Thái độ đó của người nghe biểu hiện qua tham thoại hồi đáp, tức là người nghe sẽ hồi đáp cho hành động chủ hướng mà không hồi đáp cho YTRĐ.
Ví dụ: “Cháu hỏi khí không phải, Bà T là thế nào? T là t chứ một, hai, ba, bốn gì nữa, năm à? Năm, sáu, bảy đến mời mơi người ta cũng không thiếu” (Rồi thì người ở một mình).
Hành vi hỏi nhưng ngăn ngừa những phản ứng tiêu cực của người nghe khi hỏi một thông tin nào đó không chắc chắn. Khi đó các YTRĐ cho hành động hỏi thường tuân thủ phương châm cách thức.
Ví dụ: “Anh có nghĩ khi nào tìm đến chơi?” (Cát bụi chân ai); “Có phải cậu vừa ăn rồi?” (Cát bụi chân ai); “Này, có dám sang Xiêm không?” (Cát bụi chân ai); “Sang hẳn Xiêm, mà đến hẳn Vọng Các” (Cát bụi chân ai); “Chờ anh Hiền về thì lâu quá. Nhưng nếu không chờ anh Hiền, cũng không biết làm thế nào?” (Những người thợ cửi).
Đặc trưng dễ thấy của các biểu thức ngữ vi có sử dụng BTRĐ gồm các phương tiện chỉ dẫn hiệu lực ở lời, thông thường bao gồm các đại từ nghi vấn: gì, nào, đâu, bao giờ, có phải, không… Phương tiện từ vựng kèm ngữ điệu hỏi.
Rào đón được thực hiện thông qua hành vi cầu khiến
Hành động cầu khiến được hiểu là những cố gắng của người nói sao cho người nghe thực hiện một hành động nào đó.
Các BTRĐ sử dụng lời cầu khiến ngoài hiệu lực ngăn ngừa hiểu lầm hay phản ứng tiêu cực của người nghe đối với hành động cầu khiến, còn có khả năng gia tăng hiệu lực cho hành động cầu khiến đó. Khiến người nghe khó có khả năng từ chối việc thực hiện yêu cầu của người nói.
Ví dụ: “Bây giờ tôi tính thế này. Ông cho thằng Bân nhà tôi đến ở rể lấy con Mát. Phần ruộng của thừng Bân thì ông lấy về nhà nuôi ông. Vừa con tôi có vợ, vừa nhà ông có ruộng, có người làm như khi ông còn thằng Sạ, ông không mất gì” (Những người thợ cửi); “Người già không biết. Phải đi hỏi bộ đội. Em nói người nào nói cái gì không biết, cứ đi hỏi bộ đội thì biết hết” (Những người thợ cửi).
Ở hai ví dụ trên, người nói đã thuyết phục người nghe bằng các lý do chính đáng khi làm theo yêu cầu của người nói dựa trên các điều kiện khách quan và chủ quan.
3. Kết luận
Có thể thấy, hình thức rào đón nói chung và hình thức rào đón trong tác phẩm của Tô Hoài là một hành vi ngôn ngữ. Nội dung của mệnh đề rào đón là các chỉ dẫn về phạm vi, cách lĩnh hội phát ngôn, đồng thời dọn đường cho hành vi chủ hướng, làm tăng hoặc giảm lực ngôn trung của nội dung phát ngôn với mục đích ngăn chặn sự hiểu lầm và phản ứng không hay của người nghe về điều mà mình sắp hoặc đã nói.
Xét về mặt cấu tạo ngữ pháp, BTRĐ có thể chỉ là một từ, một cụm từ hoặc một câu hay một chuỗi các câu. Đối với các sự tình luôn cần phải có sự rào đón thường xuyên, lặp đi lặp lại, trở thành yếu tố văn hóa trong giao tiếp thì hàm ý rào đón thường được từ ngữ hóa để tiện dụng. Khi đó BTRĐ có cấu tạo ngữ pháp chỉ gồm một từ hoặc cụm từ cố định. Các dạng BTRĐ có cấu tạo là câu và chuỗi các câu thường ít xuất hiện hơn và chỉ được sử dụng trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, mang tính cá biệt.
Khảo sát chiến lược rào đón cho ba hành động tiêu biểu trong lời thoại nhân vật là hỏi, trần thuật, cầu khiến, chúng tôi nhận thấy, việc lựa chọn và sử dụng BTRĐ như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào tính chất của hành động được rào đón. Hành động hỏi và hành động cầu khiến là những hành động có nguy cơ đe dọa thể diện của người nghe nên khi thực hiện, người nói thường sử dụng các BTRĐ lịch sự quy ước để tăng tính lịch sự và giảm thiểu tối đa nguy cơ đe dọa thể diện đó. Hành động trần thuật ít khi đe dọa thể diện người nghe nhưng ngược lại đòi hỏi cao tính chân thực của nội dung trần thuật, do đó, nhiệm vụ của người nói là phải tạo dựng niềm tin ở người nghe ngay từ lúc đầu.
___________________
1. Grice, Dụng học (nhóm biên dịch: Hồng Nhâm, Trúc Thanh, Ái Nguyên, Diệp Quang Ban), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
Tài liệu tham khảo
1. Diệp Quang Ban (Chủ biên), Ngữ pháp Tiếng Việt, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2000.
2. Đỗ Hữu Châu, Đỗ Việt Hùng, Giáo trình ngữ dụng học, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2007.
3. Nguyễn Đức Dân, Ngữ dụng học, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
4. Nguyễn Văn Độ, Về việc nghiên cứu lịch sự trong giao tiếp, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1, 1995.
5. Nguyễn Thiện Giáp, Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.
6 Nguyễn Thiện Giáp, Những lĩnh vực ứng dụng của Việt ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2006.
7. Nguyễn Hòa, Phân tích diễn ngôn - Một số vấn đề lí luận và phương pháp, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2008.
8. Đỗ Thị Kim Liên, Ngữ nghĩa lời hội thoại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999.
9. Vũ Thị Nga, Rào đón trong hội thoại Việt ngữ, Luận văn thạc sĩ, Đại học Sư Phạm Hà Nội, Hà Nội, 2002.
10. Vũ Thị Nga, Hành vi rào đón và phép lịch sự trong hội thoại Việt ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4, 2008.
11. Vũ Thị Nga, Lời rào đón điều kiện sử dụng hành vi ở lời của phát ngôn trong giao tiếp tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 8, 2009.
12. Vũ Thị Nga, Rào đón trong hội thoại Việt ngữ, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, 2010.
VŨ KIM ANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 566, tháng 4-2024