Tự nhiên và văn hóa: Biển như một phản đề về đô thị trong sáng tác của Albert Camus

Giữa những biến động của xã hội và chính trị TK XX, Albert Camus nổi lên như một tiếng nói văn chương ghi lại bản chất của sự tồn tại con người trong một thế giới vật lộn với sự phi lý và xa lạ. Các tác phẩm của ông bắt nguồn sâu sắc từ triết học hiện sinh, đã khám phá các chủ đề về cá nhân, tự do và sự tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới không có trật tự hay mục đích vốn có. Biển cả - một môtíp thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của Camus, vượt ra ngoài sự biểu thị vật lý của nó để mang một biểu tượng sâu sắc phản ánh tình trạng con người. Nó đại diện cho cả sự quyến rũ của tự do và vực sâu của tuyệt vọng, sự rộng lớn của khả năng và gánh nặng đè nén của sự giam cầm.

1. Khởi nguồn từ biển và một hình dung về thời đại trong văn học hiện sinh, phi lý

Một cuốn sách mang tên Le thème de l’eau dans la littérature (Chủ đề nước trong văn học) (1) đã tập hợp các bài viết từ hội nghị quốc tế được tổ chức tại Gdansk nghiên cứu ý nghĩa của biểu tượng nước và biển trong văn chương. Từ nước của sự thanh tẩy đến nước của sự hủy diệt, nước chứa đựng biểu tượng về tự nhiên và văn hóa. Trong Thần thoại Hy Lạp, con người có thể bị xóa sạch trí nhớ khi chạm vào dòng nước âm phủ. Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã minh định về biển: “là nước trong sự chuyển động, biển tượng trưng cho trạng thái quá độ giữa các khả năng còn phi hình và các thực tại đã hiện hình, cho một tình thế nước đôi, tình thế bấp bênh, đầy hồ nghi, chưa quyết định và có thể kết thúc tốt hay xấu. Từ chỗ đó biển là hình tượng vừa của sự sống, vừa của sự chết” (2). Có thể nói, cùng với thực thể nước, biển mang đến dự cảm sự bấp bênh và rạn vỡ, lưu đày và vương quốc, tù ngục và tự do, đối lập thành phố với một thế giới bất an.

Văn học thập niên 50 của TK XX được đánh dấu bởi sự chú ý sâu sắc việc phản ánh của một thế giới bất ổn (d’un monde largement déstabilisé). Các nhà văn không đưa chúng ta đến những câu trả lời cố định và vĩnh cửu. “Kể từ nửa sau thế kỷ XX, lời nói cô đơn, được sinh ra từ sự phân ly của đối thoại và thông báo, gắn với bản chất của một kiểu sân khấu trên quan điểm bản thể luận bị đối lập với thông báo. Bởi nó làm gia tăng lời, hình ảnh biểu tượng, nó thiết lập nên một dạng cụm trong ngôn ngữ, nó vượt ra khỏi sự công cụ hóa thuần túy đối với mã ngôn ngữ học. Lời nói, như Novarina đã nhấn mạnh khi gợi lại những huyền thoại cổ xưa, phát ra từ nơi ẩn náu trong ngôn ngữ. Bởi vì lời đã được hóa thân một cách thiết yếu, bởi vì nó vượt ra khỏi khái niệm hóa, nó phát ra từ một nơi ẩn náu” (3). Tác phẩm của Albert Camus nói riêng và văn học hiện sinh, phi lý là kết quả của sự phát triển xã hội, nói lên tâm trạng của giới trí thức, sự khủng hoảng tinh thần trong đời sống phương Tây, sự phân liệt của tư duy, của quan hệ xã hội. Trong các công trình tổng kết về lịch sử, xã hội phương Tây TK XX, người ta thường bắt gặp các từ: tăng tốc, nổ tung, đoạn tuyệt, đặt lại vấn đề... Quả thực, đây là giai đoạn tăng tốc của những cơn biến động lịch sử, những đổi thay về kinh tế, xã hội. Chỉ trong nửa đầu thế kỷ, chiến tranh và khủng hoảng kinh tế tạo nên cú sốc trong xã hội, để lại những vết thương không hàn gắn.

Mô hình tiểu thuyết như biên niên sử của thời đại theo cách viết của Balzac đã dần thay đổi. Dòng văn học nội tâm, tự vấn đã đề xuất một lối tư duy, thẩm mỹ mới cho văn học. Ở đó, nhà văn như một kiến trúc sư tài ba, dẫn dắt người đọc vào mê cung của thế giới nội tâm chằng chịt, đa tầng. Mê cung đó là tổng hòa của những ký ức, tưởng tượng được tái tạo một cách sống động. Nhân vật được miêu tả với những bí mật tâm lý và thâm nhập vào đó chẳng hề dễ dàng. Với dòng văn học này, người đọc không còn gặp những cốt truyện chi chít sự kiện và biến cố như tiểu thuyết TK XIX. Những biến động của xã hội, những dấu mốc của lịch sử được lọc qua lăng kính cảm giác nên không xuất hiện theo kiểu biên niên, mà nhiều khi bị chắp vá, cắt rời trong hỗn hợp của tâm tư. Sự tìm tòi về nghệ thuật nhằm chuyển tải nội dung mới của thời đại: cảm thức về một thế giới phi lý và những âu lo của con người. Sự trình hiện về biển gắn với thông điệp mà nó mang lại và sức mạnh tưởng tượng mà nó gợi lên. Marcel Proust đã miêu tả biển Balbec và kỳ nghỉ của người kể chuyện nơi bãi biển óng ánh như rượu. Đô thị trở thành nơi bị đóng kín và tắc nghẽn, nơi sự chật chội và nhàm chán giam hãm con người. Có thể nói, biển như một cảnh quan mời gọi sự khám phá và phiêu lưu. Biển là biểu tượng của sự tinh khiết để thanh tẩy và chữa lành. Biển là biểu tượng của sự bất định và tìm kiếm. Cơn khát của Gargantua và Pantagruel trong tác phẩm của Francois Rabelais khi nhân vật sinh ra đã đòi “uống, uống”, trở thành cơn khát của sự chiếm lĩnh thiên nhiên và tri thức. Nước và biển cần thiết để duy trì sự sống, nhưng nó cũng có thể trở thành một lực lượng hủy diệt. Nước có thể kết nối và tách rời, có thể dẫn đến sự cứu chuộc và tan rã.

Thông qua cách nhà văn mô tả về biển, người ta có thể đọc ở đó những câu hỏi lớn của một thời đại bùng nổ thông tin và sự phát triển khoa học kỹ thuật, nhưng đi kèm với đó là sự bất an và trống rỗng của con người. Một nỗi ám ảnh về biển và nước đã thể hiện trong tác phẩm của những nhà văn thập niên 50 của TK XX, cho phép độc giả có thể đọc được những hy vọng cũng như bất an của con người khi đối mặt với thế giới phi lý. Cách thức mà Camus đã trình hiện biển trong sáng tác của ông cho thấy, việc tìm kiếm bản sắc của một nhà văn gốc Algeria. Biển trong tác phẩm của Camus vừa thể hiện sự hỗn loạn và trật tự, chuyển động và ổn định, sự sống và cái chết, những đối lập được hình thành theo tính chất nước đôi. Người đọc có thể nhận thấy các dấu hiệu phản ánh bản chất về sự mênh mông và rợn ngợp mất phương hướng của biển.

2. Đi về phía biển: hành trình rời xa đô thị và tìm kiếm tự do

Một câu hỏi về sự di chuyển của con người từ đô thị tới biển và ngược lại được Camus thể hiện trong: L’Etranger (Người xa lạ -1942), La Peste (Dịch hạch -1947), La Chute (Sa đọa -1956). Có thể nói, hình tượng biển cho phép Camus ghi dấu trong tác phẩm của mình, hành trình dấn thân và sa đọa của con người nơi trần thế, nơi mà con người như bị lưu đày trong một thế giới rợn ngợp mất phương hướng. Biển có một chiều kích thần thoại trong tác phẩm của Albert Camus. Nhà văn đã tạo ra một cuộc trò chuyện liên văn bản rộng lớn, nơi biển đã trở thành những chỉ dấu được trở đi, trở lại và kết nối với nhau. Khi thì chở che, khi xa cách, biển dao động từ cực này sang cực khác và mang lại cho sáng tác của Camus một dòng chảy kết nối mạnh mẽ tưởng chừng như không bao giờ dừng lại. Biển thuộc về cảnh quan tự nhiên đã mang những biểu tượng văn hóa. Biển là một phần của những huyền thoại và những câu chuyện về nguồn gốc và sáng tạo. Các nhà văn đã tạo ra những liên văn bản về biển. Như quan niệm của Barthes, mọi văn bản đều là liên văn bản, trong đó mỗi văn bản đều thẩm thấu ở các cấp độ khác nhau những văn bản trước đó. Những nhà văn thập niên 50 của TK trước đã hình dung về sự chuyển động của cuộc sống như sự chuyển động của biển khơi: trạng thái chuyển tiếp giữa sự vô hạn và hữu hạn, giữa tự do và tù đày, giữa sự sống và cái chết. Con người ngụp lặn trong biển, đi dạo bên bờ biển, nghe tiếng sóng vỗ đều như một cách khám phá tự nhiên và khám phá chính tâm hồn mình. Biển vừa dữ dội, vừa dịu êm, không ngừng chuyển động, như cuộc sống tiếp nối trong các nhịp điệu và chu kỳ. Những nhân vật của Camus khi thì tìm kiếm biển, khi lại chạy trốn khỏi biển. Nhịp điệu truyện kể biến hóa khôn lường, tác giả có khi dành nhiều trang sách để miêu tả một chi tiết rất nhỏ, những hình dung về biển diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn trong tâm trí nhân vật, nhưng lại có sức lay động mạnh mẽ. Ký ức, cảm giác được lựa chọn một cách ngẫu nhiên, ở một thời điểm ngẫu nhiên nào đó trong cuộc đời con người. Những ẩn ức, những cảm giác thoáng qua, sự mơ tưởng về biển đã trở thành chất liệu để nhà nhà văn gửi vào đó suy tư về thân phận.

Những chồng xếp và dịch chuyển không gian giữa đô thị và biển được Camus tái hiện qua các tác phẩm của mình. Hành trình của nhân vật như: Martha, Meursault, Rieux, Tarrou từ đô thị tới biển và trở về đô thị cũng tương đồng với sự dấn thân của nhân vật trong cuộc sống. Trong vở kịch Le Malentendu (Sự hiểu lầm), Camus miêu tả nhân vật Martha và mẹ sau khi quẩn quanh trong những vùng đất ngột ngạt như không có chân trời thì cảm thấy cần phải đến bên biển để quên đi quá khứ và rửa sạch tội lỗi. Biển mang màu sắc của huyền thoại về Lethé biểu thị sự tẩy trắng và quên lãng. Trong Dịch hạch, Camus đã dùng yếu tố nước là trận mưa làm sạch thành phố Oran, báo hiệu dịch bệnh sắp kết thúc và thành phố sẽ hồi sinh sau đại dịch. Không phải ngẫu nhiên mà trong Dịch hạch, Camus lại miêu tả nhân vật không dễ dàng nhìn thấy biển mà cần phải dấn thân vào hành trình kiếm tìm. Khi cuộc sống con người nơi đô thị bị bao vây và đe dọa bởi dịch bệnh, biển trở thành một nguồn tài nguyên vô giá thanh tẩy và chữa lành. Biển là nơi duy nhất mà bệnh dịch hạch không thể xâm chiếm được. Bị mắc kẹt trong thành phố Cádiz và Oran, các nhân vật hướng về biển như những tù nhân nghĩ về tự do. Từ trên cao của tòa nhà, Rieux và Tarrou nhìn về phía biển đang hiện lên từ xa xa. Trong khoảnh khắc đó, Camus miêu tả biển và bầu trời hòa vào nhau trong một màu xanh bất tận như một khoảnh khắc của sự hòa giải và bình an, nơi dịch bệnh sẽ kết thúc. Trong Người xa lạ, Camus đã miêu tả Meursault tìm thấy ở biển sự giải thoát khỏi đô thị ngột ngạt và những con người đầy định kiến hà khắc. Meursault đã tìm thấy sự kết nối với Maria khi cả hai chìm đắm trong nước. Meursault muốn đắm mình trong biển để tìm kiếm cảm giác bình an. Có thể nói, nhân vật Meursault nuôi dưỡng một sự gắn bó trực giác với nước. Trong Người xa lạ, biển đảm nhiệm một vai trò trung tâm. Giữa một đô thị giả tạo và ngột ngạt với các mối quan hệ về quyền lực và đồng tiền, Meursault trở thành lạc loài bên cạnh các luật sư, thẩm phán và tu sĩ. Chỉ khi đắm mình trong nước, Meursault mới tìm thấy ở đó niềm vui của sự sống và kết nối với tình bạn, tình yêu.

Có thể nói, trái ngược với đô thị với những thể chế giam cầm, biển thể hiện một khao khát về sự tự do và bình yên. Thành phố Oran trong Dịch hạch, thành phố Alger trong Người xa lạ đều được miêu tả quay lưng về phía biển. Ý tưởng về sự cản trở, giam giữ và phi lý của đô thị đối lập với dòng chảy miên viễn và mênh mông vô tận của biển. Biển được trình hiện như một biểu tượng cho phép Albert Camus phân tích thành một động cơ nhân vật hướng tới tự do. Trong không gian đô thị, nhân vật cảm thấy bị giam cầm và chỉ cảm thấy được tự do khi hòa mình vào cảnh quan khoáng đạt của biển khơi. Đó là lý do tại sao trong tác phẩm của mình, Camus lại để nhân vật đứng từ tầng cao của tòa nhà để nhìn thấy biển từ xa như trong Dịch hạch. Nhân vật Meursault trong Người xa lạ, khi ở phòng giam đã nghĩ đến biển như một sự giải thoát. Trong vũ trụ phi lý, con người đặt câu hỏi về sự tồn tại, nước chính là giải thoát khỏi sự tù đày. Giữa bốn bức tường của nhà tù, Meursault nghĩ về biển: “Tôi muốn được ở trên bãi biển và đi xuống biển. Khi tôi tưởng tượng tiếng ồn của những con sóng đầu tiên dưới chân tôi, sự xâm nhập của cơ thể vào nước và sự giải thoát mà tôi tìm thấy trong biển, tôi đột nhiên cảm thấy những bức tường của nhà tù gần nhau như thế nào” (4). Chúng ta từng biết tới những màn độc thoại của ông lão trong Ông già và biển cả của Hemingway. Giữa đại dương mênh mông, ông lão tự độc thoại với đủ loại đối tượng: cá kiếm, cá mập, con chim bay ngang qua, và thậm chí nói chuyện với cả cánh tay tê dại của lão. Nếu như sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa siêu thực đã phản ánh rất rõ cảm nhận và tâm lý thời đại thì sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa hiện sinh đã cộng hưởng với tâm tư của cả một thế hệ trí thức. Con người cảm thấy bơ vơ và mất phương hướng trong một thế giới đổ vỡ, và học thuyết của J.Sartre mang đến hy vọng về “cơ may có thể sống là người tự do”.

3. Biển và sự bất khả giải thoát trong thế giới lưu đày

Biển vừa được miêu tả đối lập với đô thị chật chội, nhưng cũng vừa là thiên nhiên hoang vắng và cô đơn. Hành trình nhân vật đi tới biển là một hành trình bế tắc và rốt cục không mang lại sự giải thoát thực sự. Bị ném vào một thế giới phi lý, nhân vật của Camus gặp những trở ngại trong việc tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Sự dao động giữa đô thị và biển thể hiện một cuộc nổi loạn và đấu tranh trong tâm trí, nơi nhân vật mất phương hướng trong hành trình của mình. Điều này khiến cho sáng tác của Albert Camus gần gũi với những nhà viết kịch phi lý như: Samuel Beckett và Ionesco. Rhinocéros (Những con tê giác) của Ionesco diễn ra tại quảng trường nhỏ ở một tỉnh lẻ. Không gian đó phút chốc trở thành nỗi khiếp đảm bởi những con tê giác xuất hiện. Thành phố đã biến thành một cái chuồng tê giác khổng lồ. Cuộc sống loài người đã bị biến thành vườn thú, chỉ còn lại một kẻ lạc loài là Bérenger. Bối cảnh Cendres (Tro tàn) của Samuel Beckett là hình ảnh của biển với âm thanh của tiếng sóng vỗ. Nhưng biển không vỗ về làm dịu lòng Henry mà trở nên hoang lạnh hơn bao giờ hết, bởi nó chỉ gợi lên hình ảnh người cha đã chết. Không gian im ắng đến mức nghe rất rõ tiếng bước chân của Henry trên đá cuội. Những tiếng bước chân lạo xạo, khô khốc đưa nhân vật vào một hành trình vô định. Người ta không còn nghe thấy gì ngoài tiếng biển cả. Vở kịch có tên là Tro tàn, phải chăng tất cả đã không thể cứu vãn, tất cả đã nguội lạnh và không gì có thể nhen bừng lên những kỷ niệm của Henry. Được viết năm 1963, Cascando của Samuel Beckett là một vở kịch truyền thanh, ba nhân vật liên quan đến ba nguồn gốc âm thanh, đặt tên là Ouvreur, Voix và Musique. Giọng nói kể lại câu chuyện của Manu - chuyện ông rời bỏ căn nhà tồi tàn để đi về phía biển. Nỗi khắc khoải đi ra biển cả ấy chúng ta dường như được gặp lại trong Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp.

Biển vừa là tự do, vừa là tù đày. Con người bị ném vào một thế giới không thể hiểu được. Sự rợn ngợp của biển nuốt chửng con người một nhà tù bất tận. Trong Sa đọa của Camus, hòn đảo Marken được miêu tả là một không gian ngập trong nước, gợi nhớ về cảnh lũ lụt trong Kinh thánh. Những cơn mưa lũ tràn ngập tất cả các vùng đất của thành phố, biến không gian thành một nhà tù nước rộng lớn. Trong Le Roi se meurt (Đức vua sắp chết) của Ionesco, mặt trời tắt lụi, biển phá hỏng con đập, gây ra cảnh lụt lội. Vào cùng thời điểm Duras xuất bản lần đầu Un barrage contre le Pacifique (Đập ngăn Thái Bình Dương). Được xuất bản vào năm 1950, Đập ngăn Thái Bình Dương miêu tả về biển như một biểu tượng về sự sống và cái chết. Các nhà phê bình đã thảo luận vai trò của biểu tượng của biển tại Duras. Mọi thứ đều đổ về Thái Bình Dương, như cách Duras đã viết trong L’Amant (Người tình). Biển bao la có thể chứa đựng mọi thứ. Nhân vật người mẹ trong Đập ngăn Thái Bình Dương ghi dấu chính hình bóng của mẹ nhà văn, người phụ nữ góa đã mòn mỏi tiêu hết số tiền dành dụm hơn mười năm trời mua đồn điền ven biển và phải chống chọi với thiên nhiên và những viên chức thuộc địa. Nhan đề tác phẩm chỉ dẫn một sự vật phi thực tế, pha lẫn giọng điệu giễu nhại về một “con đập” độc đáo ngăn nước Thái Bình Dương. Đó là một dự án không cân xứng, một sự điên rồ, một giấc mơ bất khả thi và dẫn tới thất bại. Người con trai tin chắc tối nào mẹ cũng tiến hành lại việc xây đập ngăn Thái Bình Dương. Xung quanh ngôi nhà trong vở Les Chaises (Những cái ghế) của Ionesco toàn là nước của biển cả, nước ở ngay dưới cửa sổ, kéo dài đến tận chân trời. Không gian bưng bít mọi lối thoát, bên trong phòng là những chiếc ghế xâm lấn, bên ngoài phòng chỉ là nước biển, khiến ông già 95 tuổi và bà già 94 tuổi phải lao qua cửa sổ, gieo mình vào đại dương mênh mông. Thiên nhiên không tạo nên cảm giác thoáng đãng mà như một cái lồng nhốt khổng lồ vây bủa con người, khiến họ trở nên bơ vơ, mất hướng. Jean-Paul Sartre đặt nhan đề cho một vở kịch của mình là Huis-clos (Cửa đóng). Căn phòng không phải là chỗ trú ẩn bình yên và đầm ấm, mà trở thành nơi giam hãm con người. Điều đặc biệt là kiểu không gian này tạo nên một sự ngăn cách giữa hai thế giới: thế giới bên trong và thế giới bên ngoài. Trong không gian chật hẹp đó, con người trở thành những kẻ lẩn thẩn, bị đồ vật xâm lấn. Cửa sổ không thể là một lối thoát cho nhân vật, bởi ngoài kia chỉ là sự trống rỗng, xám xịt, chỉ là thiên nhiên hoang vắng. Ngọn hải đăng biến mất trên một hòn đảo trong Những cái ghế của Ionesco. Còn bên ngoài toàn là nước đọng hôi thối, Paris - kinh đô Ánh sáng, lụi tắt cách đây bốn trăm nghìn năm. Qua cửa sổ căn phòng trống rỗng trong Fin de partie (Tàn cuộc), Clov nhận thấy một chân trời u ám. Mặt trời biến mất. Trong hình ảnh xám xịt của ngày tận thế, vũ trụ dường như dần tan rã. “Bên ngoài chỗ này, đó là cái chết”. Giấc mơ về biển cũng không thể trở thành cứu cánh cho sự hiện tồn của nhân vật. Họ tồn tại trong một thế giới xa lạ và bị giam cầm trong một định mệnh không thể tránh khỏi. Bên ngoài căn phòng giữa biển của ông bà già trong Những cái ghế, không còn mặt trời, chỉ thấy bóng tối, sáu giờ chiều trời đã tối. Cứ quẩn quanh mãi trong những lời lảm nhảm, cuộc sống của nhân vật dường như sắp đông đặc lại, kín mít. Chẳng có điều gì làm cho nhân vật mơ ước, khát vọng. Phía ngoài căn phòng của Hamm trong Tàn cuộc, biển không một cánh buồm, không ngọn sóng.

Cùng với những nhân vật trong tác phẩm của Beckett, Ionesco, Duras, nhân vật trong tác phẩm của Albert Camus đã trải qua quá trình bất an trong việc tìm kiếm ý nghĩa tồn tại và tìm cách định vị mình giữa đô thị và thiên nhiên biển cả. Biển trở thành một không gian mênh mông gợi ra một nơi chốn của sự chữa lành và hy vọng, rồi lại trở thành nơi ghi dấu sự đổ vỡ và cô đơn của con người trước cuộc sống bất an. Không phải ngẫu nhiên mà nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh cho rằng: “Dịch hạch là một sự thể hiện cái phi lý mang tính chất toàn cầu, một sự thể hiện cảm hứng từ tấn bi kịch của châu Âu thời kỳ 1939-1945” (5). Tác giả cuốn Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học Âu châu thế kỷ XX, 1900-1959 (6) lại dành hẳn một mục Dưới gầm trời đại loạn để nói về bối cảnh lịch sử, xã hội thập niên 40-50 của thế kỷ này. Hoàn cảnh xã hội đã tác động đến tâm lý, gây nên tình trạng bất an cho con người. Sáng tác của Albert Camus đã ra đời trong bối cảnh đó. Cảnh quan biển đã kết thành một mạng lưới trong tâm cảnh. Nỗi cô đơn và bất an đã trở thành một trở lực trong hành trình sinh tồn của nhân vật. Đi về phía biển, nhân vật ý thức được sự tồn tại của bản thân, ý thức về thân phận mất phương hướng. Biển trở thành một không gian bất định, không gian mang tính phi lịch sử và trừu tượng. Thế giới đó gắn với quá trình giải huyền thoại và luôn là phản đề với những gì êm đềm đẹp như tranh vẽ. Biển gắn với dự cảm của nhân vật về cuộc đời. Bằng cách sử dụng biểu tượng biển, Albert Camus thông qua tác phẩm của mình gợi hình dung về một cuộc sống bấp bênh giữa nhà tù và tự do. Có thể nói, biển có một chiều kích huyền thoại trong tác phẩm của Albert Camus. Với cảm quan hiện sinh, biển thường không được hiện diện một cách cụ thể qua hệ thống địa danh mà đối lập với đô thị của đường phố, cao ốc. Biển như một phản đề về đô thị, chứa đựng một hệ thống ký hiệu gợi suy tư về thời đại và số phận con người.

___________________

1. Le thème de l’eau dans la littérature (Chủ đề nước trong văn học), Uniwersytetu Gdanskigo, Gdansk, 2005.

2. Chevalier Jean, Gheerbrant Alain, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, 2002, tr.80.

3. Patrice Pavis, Vers une théories de la pratique théâtrale (Hướng tới một lý thuyết về thực hành sân khấu), Nxb Universitaire du Septentrion, Paris, 2000, tr.191.

4. Albert Camus, L’Etranger (Người lạ), Gallimard, Paris, tr.63.

5. Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XX, tập III, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005, tr.419.

6. R.M.Albérès (Vũ Đình Lưu dịch), Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học Âu châu thế kỷ XX, 1900-1959, Nxb Lao động, 2003.

Tài liệu tham khảo

1. R.M.Albérès, Cuộc phiêu lưu tư tưởng văn học Âu châu thế kỷ XX, 1900-1959, Vũ Đình Lưu dịch, Nxb Lao động, 2003

TS NGUYỄN THÙY LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 578, tháng 8-2024

 

;