Giá trị nghệ thuật của hệ thống hình tượng trong thơ Nguyễn Duy

Sử dụng hệ thống hình tượng là một trong những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của thơ Nguyễn Duy. Đọc thơ Nguyễn Duy, nhất là những bài thơ viết sau 1975, ta thấy hệ thống hình tượng xuất hiện với một tần số rất cao. Hình tượng tham gia vào nhiều yếu tố cấu trúc bài thơ, giúp thơ của ông được xây dựng bằng nhiều điểm sáng, có sức ám ảnh tâm trí người đọc. Đó cũng là cơ sở để tạo nên những điểm nhìn mới, giọng điệu mới cho tác phẩm và tạo nên nét độc đáo trong thơ Nguyễn Duy.

Dưới góc độ văn học, hình tượng luôn được khẳng định là một phương tiện tạo hình và biểu đạt. Hình tượng có thể được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm và có giá trị gợi cảm cao. Hệ thống hình tượng được sử dụng như những nghệ thuật trong thơ Nguyễn Duy, thể hiện cái nhìn độc đáo của nhà thơ về thế giới và khẳng định phong cách cá nhân, cá tính sáng tạo của nghệ sĩ.

1. Hình tượng quê hương

Quê hương hiện diện trong thơ Nguyễn Duy qua lớp từ chỉ địa danh. Đó là xứ Lạng với “nàng Tô Thị ngàn năm”, là Thủ đô Hà Nội với “Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích”, “Thê Húc cong cong một nét lông mày”, với buổi chiều Hồ Tây dạo “vòng vèo qua quán bánh tôm”. Rồi những buổi “hoàng hôn mận Hậu tuyệt vời” đứng trên cầu mới Thăng Long “để nghe Hồng Hà nước vật mình mà trôi”, là quê hương Thanh Hóa yêu thương với những tên quen thuộc, gần gũi: Quảng Xá, Đò Lèn, Lam Sơn, đình nhà Lê, Cống Na, chợ Bình Lâm, chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng, chè xanh Ba Trại…; là xứ Huế mộng mơ với dòng Hương Giang trữ tình, thành nội cổ kính, chợ chiều Bến Ngự, dốc Phú Cam, trường Đồng Khánh…; là Đà Lạt tình tứ, là Nha Trang với “Hòn chồng lõa thể”, “Hòn vợ thẹn thò”, là sông Thao một lần tắm, là “Sông Cửu Long gãn mình ra bể”…

Vẻ đẹp của quê hương đất nước được nhà thơ thể hiện qua những hình ảnh giản dị, gần gũi: cánh cò, con sông, ngọn núi, khúc dân ca, sắc mây xa, cây tre, ổ rơm… Ở bất cứ sự vật nào của quê hương, ông cũng đều tìm được điệu hồn dân tộc ấm áp, mặn mà. Bài thơ Tre Việt Nam không chỉ viết về cây tre, đời tre - một thứ cây gần gũi mang đậm hồn quê hương. Mà qua hình ảnh cây tre, chúng ta thấy bóng dáng của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam với những phẩm chất đáng quý được lưu giữ từ ngàn đời nay: “Rễ siêng không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù” (Tre Việt Nam).

Nguyễn Duy đã đi nhiều miền quê nhưng vẫn dành một tình cảm thiết tha sâu nặng cho vùng quê nghèo xứ Thanh, nơi ông sinh ra và gắn bó suốt thời thơ ấu. Hình ảnh quê cha đất tổ dường như ngấm sâu trong máu thịt, làm nên những vần thơ thực sự xúc động: Tuổi thơ, Cầu Bố, Đò Lèn, Về làng, Về đồngViết về quê hương yêu dấu, Nguyễn Duy sử dụng những hình ảnh bình dị dân dã: bờ tre, gốc rạ, ruộng bùn, luống cày phơi ải, vỏ cánh hoa bim bờ dậu, bờ đê quán lá, cánh cò cánh vạc… thậm chí chân thực đến mức là cỏ úa vàng, bãi tha ma vắng… Với chất liệu đồng quê mộc mạc, quen thuộc ấy, Nguyễn Duy đã tạo nên một gương mặt làng quê của riêng mình, gần gũi mà thiêng liêng, giản dị mà gợi thương, gợi nhớ: “Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng/ Cỏ và lúa, hoa và cỏ dại/ Vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải/ Bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua” (Tuổi thơ).

Trong dòng thơ viết về quê hương của Nguyễn Duy, Về đồng là một bài thơ đặc sắc. Dường như đây là dòng cảm xúc tuôn trào từ tâm hồn của một thi sĩ luôn mang trong mình một tình yêu quê hương chân thành, sâu nặng. Gương mặt quê hương như được bước ra từ một thế giới hoài niệm: “Rơm rạ ơi ta trở về đây/ Gió sùng sục mùi bùn nặng ngấu/ Mộc mạc tím cánh hao bìm bờ dậu/ Vắt vẻo cành tre sáo sậu gọi tên mình” (Về đồng).

Quê hương được nhà thơ miêu tả bằng những nét bút nổi bật nhất, nói lên được cái hồn của tạo vật. Bằng ngôn ngữ chọn lọc, những từ ngữ đặc trưng: Rơm rạ, sùng sục mùi bùn, cánh hoa bìm mộc mạc tím, sáo sậu vắt vẻo cành tre, nắng long lánh…, tác giả đã vẽ nên một vẻ đẹp đồng quê dân dã. Với ngôn từ vừa giản dị, mộc mạc, vừa trong sáng, giàu sức biểu cảm, Nguyễn Duy đã viết nên những dòng thơ nhẹ nhàng tha thiết, đủ sức lay động lòng người. Nhờ nội lực và sức mạnh của ngôn ngữ cộng với trái tim trĩu nặng quê hương, ông đã sáng tạo nên những câu thơ đầy ma lực: “Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị/ Chân đất đi xem lễ đền Sòng/ Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm/ Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng” (Đò Lèn).

Ngược dòng thời gian trở về với phong trào Thơ Mới, chúng ta gặp lại nhà thơ “của các xứ đồng, của cánh diều bay, của dây hoa thiên lý, của mưa thưa, mưa bụi”, đó là Nguyễn Bính. Thi sĩ này cũng ưa dùng những chất liệu đồng quê gần gũi, mộc mạc để thể hiện cái tình quê, hồn quê, chân quê. Song là một nhà thơ lãng mạn, ông đã tập trung tô điểm thi vị hóa để những chất liệu ấy trở nên gợi cảm, chuyển tải được những quan niệm thẩm mỹ của thời đại. Ta thấy quê hương trong thơ ông luôn là những hình ảnh tươi sáng mộng mơ và tràn đầy thi vị như: hoa chanh, hoa cam, hoa bưởi ngào ngạt hương bay, những cánh đồng lúa xanh mượt như nhung, mưa xuân phơi phới bay, hoa xoan rụng lớp lớp… So với Nguyễn Bính thì ngôn ngữ thơ Nguyễn Duy giàu chất hiện thực hơn. Ông từng tự bạch: “Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo/ Quen cái thói hay nói về gian khổ/ Dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm”. Bởi vậy, không thi vị hóa làng quê, và bằng ngôn ngữ chân thực, gần gũi với ca dao, lối tự sự giản dị, lối miêu tả hiện thực tỉnh táo, góc cạnh, Nguyễn Duy đã dựng lên hình ảnh làng quê chân thực như nó vốn có. Đó là quê hương cũ xưa không hề thay đổi: “Gốc cây hòn đá cũ càng/ Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay”, “Vẫn đồng cạn, vẫn đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, “Nhà bên xay lúa ù ù/ Vẫn chày cố thậm thịch như thuở nào”. Đó là không gian vắng lặng của cái đói, cái nghèo đang bám riết cuộc sống của người nông dân “Gian ngoài thông thống gian trong”, “Nhà ta xơ xác hơn nhà ta xưa”, “Bữa cháo bữa khoai đi cày và đi học/ Bụng cồn cào con chữ chạy xiêu xiêu”. Cái đói được nhấn mạnh thành điệp khúc: “Đói thâm niên/ Đói truyền đời/ Điệu múa cổ cũng chậm chậm như đói (Đánh thức tiềm lực).

Đứng trước cảnh tiêu điều xơ xác của quê hương, nhà thơ không khỏi xót xa, chạnh lòng. Nhà thơ tự đặt nhiều câu hỏi boăn khoăn day dứt: “Suốt đời làm lụng sao không có gì?”, “Máu và nước mắt sao không có gì?”, “Thanh bình thuở ấy sao không có gì?”. Những câu hỏi kiểu này thường mang tính hướng nội, thể hiện điều suy tưởng nào đó của nhân vật trữ tình. Như cảm thấy mắc lỗi với quê hương, con người ấy luôn mang trong mình tâm trạng dằn vặt, hối hận: “Xin cúi lạy vong linh làng mạc”, “Ta đi mơ mộng trên đời/ Để cha cuốc đất một đời chưa xong”…

 Nguyễn Duy không chỉ viết về cánh đồng, dòng sông, cây tre, cây lúa mà còn viết về cả những cuộc đời gắn bó trên mảnh quê nghèo khó ấy. Những con người thân thuộc ấy luôn khắc khoải, day dứt tâm hồn nhà thơ. Đó là ông, bà, cha, mẹ… Những con người bình dị, thân quen với kiếp sống lam lũ, vất vả: “Bà và mẹ hóa cánh cò, cánh vạc/ Ông và cha mang mác kiếp trâu cày”. Bằng ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, những con người thân yêu ấy được Nguyễn Duy miêu tả chân thực, cảm động với những thân phận vẻ đời khác nhau: “Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế/ Bà mò cua xúc tép ở Đồng Quan/ Bà đi gánh chè xanh Ba Trại/ Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn” (Đò Lèn).

 Có thể nói hình ảnh quê hương luôn là nỗi ám ảnh trong thơ Nguyễn Duy. Nhà thơ đã sử dụng bút pháp tả thực cùng hệ thống ngôn từ giản dị. Bởi vậy, quê hương hiện lên trong thơ ông thật gần gũi thân thương. Nguyễn Duy đã viết nên những vần thơ thực sự có sức lay động và thức tỉnh tâm hồn người đọc.

 2. Hình tượng: mẹ và vợ

 Nguyễn Duy viết về mẹ với tất cả niềm thành kính của mình. Hình ảnh mẹ gắn với quê hương, nói đến quê hương là nói đến mẹ. Khác với nhiều nhà thơ, Nguyễn Duy không tả mẹ với những chiến công, mà những bài thơ câu thơ ông viết về mẹ luôn nhỏ nhẹ như những lời tâm sự: “Mẹ ta không có yếm đào/ Nón mê thay nón quai thao đội đầu/ Rối ren tay bí tay bầu/ Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa).

Những câu thơ thật cảm động, hình ảnh người mẹ hiện lên quen thuộc: vất vả, cơ cực, đói nghèo mà vẫn giàu lòng yêu thương, vị tha. Mượn hình ảnh “yếm đào, quai thao”, Nguyễn Duy không nhằm tô đậm vẻ đẹp hình thức của nhân vật qua trang phục theo lối miêu tả của ca dao, ông muốn tô đậm cái nghèo, cái cơ cực đắng cay của miền quê đã sinh thành và nuôi dưỡng tâm hồn mình. Thông qua sự đối lập đó, hình ảnh người mẹ hiện lên thật đẹp đẽ, giàu nhân ái.

Trong không khí thiêng liêng và thành kính, Nguyễn Duy đã mở đầu bài thơ của mình bằng những lời thơ chứa đầy cảm xúc, lắng sâu của sự nhớ thương và hoài niệm: “Bần thần hương huệ thơm đêm/ Khói nhan vẽ nẻo đường lên niết bàn”. Chỉ chừng ấy thôi tác giả cũng khiến người đọc phải lắng lòng trong tâm thế nhập dần vào cõi tâm linh, nối liền với hoài niệm mà cảm xúc nghĩ suy.

Cái tôi trữ tình như sâu lắng, hòa quyện hơn bởi nhịp thơ đều đều, chậm chậm: “Cái cò sung chát đào chua/ Câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Lời thơ của Nguyễn Duy không đưa ta vào giấc ngủ của ca dao mà là lời ru gợi thức, thức dậy trong ta những suy tư, trăn trở. Phía sau những vần thơ mượt mà, lắng sâu vẫn cộm lên bao điều phải suy nghĩ. Lời ru như nhắc nhở nhẹ nhàng mà có giá trị thức gợi sâu sắc. Câu hỏi trữ tình về trách nhiệm làm con được thốt lên một cách tự nhiên khi nhận thức về nghĩa mẹ cao cả đã thực sự đằm sâu.

Dù lớn đến chừng nào, trước mẹ, con vẫn là đứa con bé bỏng cần sự nuôi dưỡng, chăm sóc. Vì thế, kỷ niệm thời thơ ấu cứ chợt ẩn, chợt hiện, chợt đi, chợt về: “Nhìn về quê mẹ xa xăm/ Lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa/ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Nhớ mẹ là nhớ về cuội ngồn, là nhớ đến công ơn. Hình ảnh của mẹ là hình ảnh sâu đậm, thiêng liêng quá đỗi. Sự tần tảo, hy sinh của mẹ là điểm nhớ đầu tiên khi con người hướng về nơi quê nhà nghèo đói lam lũ.

Trong thơ Nguyễn Duy, ta còn thấy hình ảnh người vợ - nửa quan trọng nhất của cuộc đời thi sĩ. Đặc biệt, Nguyễn Duy dành hẳn cho vợ tập thơ Vợ ơi. Một tập thơ đầy tâm trạng. Người vợ mang bóng dáng của người mẹ suốt đời lặng lẽ, chịu đựng hy sinh, luôn nhận khó khăn vất vả, nhường nhịn cho chồng, cho con… là nỗi day dứt, ám ảnh suốt năm tháng cuộc đời Nguyễn Duy. Tình cảm với vợ ở Nguyễn Duy là tình cảm yêu thương vô cùng mặn mà, sâu sắc. Người chồng ấy thấu hiểu cặn kẽ những mất mát của người vợ - đó là sắc đẹp của một thời thiếu nữ thanh xuân mà chỉ trong một thời gian chớp mắt đã qua đi, tay đã nổi gân xanh và mắt đã “giăng sương khói”. Đó là nỗi lo lắng một cuộc sống túng thiếu, vất vả đã sớm hằn lên những nếp nhăn ưu tư trên nét mặt hao gầy.

Vợ là cánh buồm đưa con thuyền sang bến bờ hạnh phúc. Vậy mà “con thuyền” ấy đã nhiều lúc tròng chành, nghiêng ngả. Sống giữa đời, nhà thơ cảm thấy như trong mơ, ngật ngưỡng để mặc vợ lật đật, để mặc “cha mẹ trong lụt bão nắng trời” và rồi từ người vợ, nhà thơ đã tự nhận ra: “Ta rất gần với bể rộng, trời cao/ Để xa cách những gì thân thuộc nhất” (Bán vàng).

Đó là tất cả sự chân thành, lo lắng, là trách nhiệm, cũng là tình thương yêu của nhà thơ đối với vợ. Tình thương yêu ấy còn được gửi vào những câu thơ đùa đùa vui vui tặng vợ khi vợ ốm: Nghìn tay nghìn việc không tên/ Mình em làm cõi bình yên nhẹ nhàng…/Việc thiên việc địa việc nhà/ Một mình anh vãi cả ba linh hồn (Vợ ốm)

Đùa mà không tếu. Cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Duy không chỉ cảm thông với vợ những vất vả mà muốn chia sẻ với vợ những nhọc nhằn đời thường với người mình yêu, đem lại chút an nhàn cho vợ “trả cho nhau chút xót thương luân hồi”.

 Năm hết, Tết đến ! Tất cả tình yêu mến, mặn nồng được nhà thơ gửi cả vào chén rượu: “Mỗi năm Tết có một lần/ Mời em ly rượu tay nâng ngang mày”. Bao nhiêu lo toan, tất bật đã quên đi để có mộ giây phút bình dị mà ấm nồng tình nghĩa: “Vợ cười chưa uống đã say/ Ngọt ngào thì nổi, đắng cay thì chìm/ Gót chân ăn vẹt bậc thềm/ Quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân” (Mời vợ uống rượu).

Suốt một năm dãi dầu, lo toan tất bật, ngày đầu xuân ấm cúng, vui vẻ là vậy nhưng nó thật ngắn ngủi: “Tóc loay hoay bạc bạc dần/ Mỗi năm tết có một lần thôi em”. Câu thơ trĩu nặng bởi sự xót xa, ngậm ngùi, nuối tiếc… bởi thời gian không ngừng trôi, không chờ đợi con người. Thời gian đã điểm bạc lên tóc, điểm buồn lên mắt những người thân yêu để thi nhân trăn trở, băn khoăn: “Từ hồi trót nói lời thương/ Cuộc vui gió cuốn để buồn cho em”.

Sau mẹ, hình ảnh người mẹ trong thơ Nguyễn Duy không kém phần trang trọng, sâu lắng. Với anh, vợ là “cõi về” thân thiết. Về với vợ là “về với tình vợ chồng bình dị mà vô hạn”. Vợ hóa thân trong từng hơi thở, trong nỗi nhớ quê hương, nguồn cuội.

Nhìn vào trong thơ Nguyễn Duy, ta thấy phần thơ viết về mẹ và vợ chiếm một vị trí thật quan trọng. Tầm quan trọng của hai hình tượng thơ này không chỉ thể hiện về mặt số lượng, hình thức mà còn thể hiện ở phần nội dung, tư tưởng. Bởi hình tượng mẹ và vợ không chỉ là cuội nguồn của mọi sáng tạo trong thơ Nguyễn Duy mà còn là nơi thân thương nhất, là cõi đi về của tác giả sau những đắng cay, đau khổ của cuộc đời. Bằng sự cảm nhận thiêng liêng của bản thân và thế hệ mình, hình ảnh người mẹ, người vợ trong thơ Nguyễn Duy trở thành biểu tượng cho sức sống tiềm tàng và bất tận của Tổ quốc, của nhân dân, của thời đại mà nhà thơ đang cầm bút và cầm súng.

Trong suốt chặng đường sáng tác, Nguyễn Duy đã không ngừng tìm tòi những sắc thái mới cho các hình tượng nghệ thuật của mình. Các hình tượng trong thơ ông đã dần chuyển từ tính chất lãng mạn sang hiện thực, từ đơn sang kép, nhiều tầng nghĩa và ngày càng đa dạng, phức tạp. Chúng tạo thành một hệ thống hình tượng độc đáo, đa nghĩa, đa chức năng: vừa lãng mạn vừa hiện thực: vừa lý tưởng vừa đời thường: ý thức xen lẫn vô thức; đầy tính chất biến ảo mà lại thực tế; đẫm chất triết lý chất trữ tình; truyền thống mà rất cách tân, hiện đại... Chính điều đó góp phần làm nên sự đặc sắc trong thơ Nguyễn Duy.

Tác giả: Đậu Thị Thùy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

;