Một số môtip trong truyện cổ tích của người Chăm

     1. Vài nét về văn hóa và truyện cổ tích của người Chăm

     Người Chăm ở Việt Nam có dân số hơn 161.000 người (số liệu năm 2009), sinh sống rải rác ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, TP.HCM, trong đó Ninh Thuận và Bình Thuận là nơi tập trung đông nhất và hiện nay còn bảo lưu được một số di sản văn hóa Chăm. Trong quá trình hình thành và phát triển, người Chăm sáng tạo ra một nền văn minh rực rỡ. Theo các nhà nghiên cứu, người Chăm đã sáng tạo ra chữ viết khá sớm, từ TK II (bia Võ Cạnh - Nha Trang) và rõ nhất là TK IV (bia Đồng Yên Châu). Người Chăm thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai - Đa đảo, cùng chung ngôn ngữ với các dân tộc Raglai, Churu, Ê đê và Gia rai. Hoạt động kinh tế truyền thống của người Chăm là khai thác rừng, làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ.

     Trang phục truyền thống của người Chăm rất đa dạng: đàn ông búi tóc, mặc váy, thắt dây lưng, áo quạ và khăn đội đầu; đàn bà mặc áo dài, váy, đầu đội khăn, có đeo vòng cổ và còng tay. Ngày nay, trang phục truyền thống chỉ được mặc trong ngày hội, ngày thường họ mặc âu phục.

     Người Chăm còn khoảng hơn 500 di tích đền tháp, thánh đường và khoảng 97 nghi lễ, lễ hội khác nhau; có nhiều điệu múa đặc sắc như múa quạt, múa khăn, múa chèo thuyền…

     Những năm gần đây, văn hóa Chăm được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, đã xuất bản nhiều công trình có giá trị. Riêng truyện cổ tích, “Theo kết quả thống kê từ thời Pháp thuộc đến nay (2016) có 8 công trình. Trong đó, ngoài một số công trình nghiên cứu ở nước ngoài thì ở Việt Nam chưa có công trình sưu tầm truyện cổ Chăm nào xuất bản song ngữ (Chăm - Việt) hoặc tiếp cận, khai thác văn bản truyện cổ Chăm một cách trọn vẹn” (1). Vì vậy, tác giả Sakaya cùng Sử Văn Ngọc, Gia Trang, Phước Thuyết đã tiến hành sưu tầm và biên dịch lại Truyện dân gian của người Chăm, xuất bản năm 2017 nhằm giúp thế hệ trẻ Chăm cảm thụ truyện dân gian Chăm qua văn bản và lời kể bằng ngôn ngữ Chăm gốc bên cạnh lời dịch tiếng Việt.

     Truyện cổ tích của người Chăm cũng được các nhà nghiên cứu phân thành 3 tiểu loại: truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt.

Phần minh họa chuyện cổ tích Chăm của họa sĩ Tôn Nữ Thị Bích Trâm

     Đặc điểm của truyện cổ tích loài vật của người Chăm cũng như các dân tộc khác, nói về các loài vật, mối quan hệ giữa các loài vật và xem loài vật là đối tượng thẩm mỹ trực tiếp, đối tượng chủ yếu của sự nhận thức và lý giải.

     Truyện cổ tích thần kỳ rất đậm yếu tố thần kỳ gồm có: nhân vật thần kỳ, vật thần kỳ, sự biến hóa và hoàn cảnh thần kỳ. Tiểu loại này thường xuất hiện kiểu nhân vật đội lốt vật và nhân vật xấu xí, nhân vật mồ côi, nhân vật đi ở... Các nhân vật này thường nhận được sự hỗ trợ của các nhân vật siêu thực, tìm được hạnh phúc, gặp may mắn thì cái lốt được cởi bỏ hoặc có sự thay đổi về thân phận, địa vị. Những ước mơ, khao khát của người Chăm về một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, công bằng, lý tưởng được gửi gắm rõ nét ở tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ.

     Truyện cổ tích sinh hoạt của người Chăm phản ánh mọi mặt sinh hoạt của cuộc sống đời thường, phản ánh những nhược điểm của con người trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày từ đó giáo dục con người sống và lao động tốt hơn.

     Trong quá trình nghiên cứu, làm sáng tỏ một số môtip trong truyện cổ tích của người Chăm, chúng tôi nhận thấy, văn học dân gian của người Chăm nói chung, truyện cổ tích của người Chăm nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Để góp phần vào việc giữ gìn và phát triển văn hóa, văn học dân gian của người Chăm, chúng tôi đã chọn một vấn đề thuộc về thi pháp của truyện cổ tích Chăm đó là các môtip để nghiên cứu. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi tập trung nghiên cứu một số môtip tiêu biểu như: sự hiếm muộn, mang thai và sinh nở thần kỳ, sự thử thách, sự bắt chước bị thất bại sự lên ngôi qua 41 truyện được giới thiệu trong Truyện dân gian của người Chăm do Sakaya chủ biên (2) và Truyện cổ dân gian Chăm do Trương Hiến Mai, Nguyễn Thị Bạch Cúc, Sử Văn Ngọc, Trương Tốn dịch, biên soạn, tuyển chọn (3).

     2. Một số môtip trong truyện cổ tích của người Chăm

     Môtip“sự hiếm muộn”

     Môtip sự hiếm muộn xuất hiện trong 7 truyện (17,1%). Quan niệm “phận của đàn ông là chiến đấu, phận của đàn bà là sinh nở” (4) chi phối và ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật xây dựng nhân vật người phụ nữ trong truyện cổ tích Chăm. Nhân vật người phụ nữ được đặt trong hoàn cảnh éo le: hiếm muộn, tuổi đã cao nhưng vẫn chưa thể có con. Vì vậy, nhân vật luôn khao khát, mong muốn có con bởi không có con tức là không hoàn thành bổn phận của mình. Ý thức rất rõ điều đó nên nhân vật phụ nữ đã đi cầu thần linh mong ban cho mình một đứa con. Môtip này xuất hiện ngay mở đầu câu chuyện và hoàn cảnh của nhân vật được miêu tả ngắn gọn: “Ngày xưa có hai ông bà lấy nhau đã lâu mà không có con”(Nàng bàn tay) (5). Tác giả dân gian dùng từ “đã lâu”, “năm, sáu năm” để nhấn mạnh thời gian dài hay dùng cách nói về tuổi “đã nhiều tuổi” để khẳng định sự hiếm muộn của các nhân vật. Nhân vật hiếm muộn thường tin vào thầy bói, tin vào sự linh nghiệm của các vật, tin vào Trời và các thần linh. Nhân vật trong Nàng bàn tay đã thực hiện theo lời của thày bói, tìm cây cà cỏ cô đơn, mỗi nhánh có bảy trái và hái bảy trái đó về ăn để có con. Nhân vật trong Nàng Candiéng đã cầu xin thần linh ban cho một đứa con. Những nhân vật quyền lực như nhà vua cũng có niềm tin và cầu con như những người bình dân (Vua không có con, Chàng khổ II, Cái ná chín rãnh).

     Khác với các truyện trên, truyện Trạng nhỏ xây dựng nhân vật phụ nữ hiếm muộn xuất hiện ở cuối câu chuyện và có con không phải do cầu thần linh mà do có quan hệ với người đàn ông khác mà người chồng không hay biết. Xây dựng chi tiết này, tác giả dân gian Chăm vừa không đồng tình với hành động phản bội của nhân vật, vừa có sự đồng cảm với mong ước, khát khao có con của người phụ nữ.

     Môtip“mang thai và sinh nở thần kỳ”

     Môtip này xuất hiện trong 7 truyện (17,1%). Nhân vật phụ nữ mang thai chín tháng mười ngày - thời gian mang thai bình thường, đủ tháng, đủ ngày nhưng lại sinh ra người con không bình thường, một bàn tay (Nàng bàn tay), một người bé bằng ngón tay út (Nàng Candiéng). Sự thần kỳ của truyện còn được thể hiện qua chi tiết mang thai là do thần linh giúp đỡ (Nàng Candiéng), do ăn một thứ quả (Nàng bàn tay), do nhìn ánh hào quang tỏa ra từ mặt trời mà giật mình dẫm vào quả bí và mang thai, sinh ra một quả bí đỏ (Cái ná chín rãnh), do uống nước từ một tảng đá lớn (Sọ Dừa), hay do thèm ăn xoài và trèo lên cây hái quả (Sự tích bò thần Kapin)... Môtip “mang thai và sinh nở thần kỳ” cho thấy rõ sự ảnh hưởng của tín ngưỡng của người Chăm đến nghệ thuật truyện cổ tích. Môtip này xuất phát từ ý niệm về sự thụ thai trinh khiết từ niềm tin nguyên thủy cho rằng đứa trẻ không phải là kết quả trực tiếp của quan hệ giữa nam và nữ mà trong trường hợp này thì bất cứ sự cố nào như nhìn lên mặt trời hay ăn bảy quả cà cũng là nguyên nhân mang thai và sinh ra đứa trẻ. Nhưng cũng có truyện lại cho thấy quan niệm tiến bộ của người Chăm xưa khi cho rằng đứa trẻ là kết quả trực tiếp của quan hệ giữa nam và nữ (Trạng nhỏ). Như vậy, dù quan niệm về việc mang thai và sinh nở có khác nhau theo thời gian nhưng tất cả đều chứng tỏ ước mơ, khao khát có con, có hạnh phúc gia đình của người Chăm.

     Môtip“sự thử thách”

     Môtip“sự thử thách” xuất hiện trong 16 truyện (39%) đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn cho các câu chuyện cổ tích. Các nhân vật phải trải qua sự thử thách thường là những nhân vật mang lốt, nhân vật xấu xí, nhân vật có hoàn cảnh nghèo khó… Nhân vật mang lốt bị mọi người ruồng bỏ, xa lánh vì hình dạng kỳ quái - hình dạng của động vật, thực vật hay chỉ là một bộ phận của cơ thể con người. Ngoài ra, có nhân vật là con người nhưng hình hài nhỏ xíu cũng là nguyên nhân khiến mọi người trong gia đình không thể chấp nhận và bị bỏ rơi. Nhân vật bị bỏ trong rừng có nhân vật Candiéng trong truyện Nàng Candiéng. Mặc dù biết rõ sự thật bản thân bị cha mẹ bỏ nhưng Candiéng không than trách, nàng lao động chăm chỉ để quên đi nỗi buồn, dáng hình nhỏ bé nhưng ở nàng có một nghị lực phi thường, nhờ đó, nàng đã vượt qua tất cả để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

     Theo V.Ia.Propp, truyện cổ lưu giữ không phải chỉ có những quan niệm về cái chết, mà còn cả những dấu ấn của những nghi lễ công nhận tuổi thành niên khi bắt đầu trưởng thành về giới tính. Bằng nghi lễ đó, chàng trai được tiếp nhận vào cộng đồng thị tộc, trở thành thành viên có đầy đủ tư cách trong cộng đồng và được phép kết hôn. Người ta cho rằng, trong thời gian làm lễ, cậu bé chết đi và rồi sau đó sống lại, trở thành một người khác. Đó chính là cái chết tạm thời. Nghi lễ này thường được tổ chức ở sâu trong rừng hoặc các vùng cây rậm rạp một cách hoàn toàn bí mật. Nó thường xuyên kèm theo sự hành hạ thể xác và gây tổn thương cho cơ thể (6). Những đứa trẻ bị xua đuổi và bỏ rơi trong rừng là một trong những biểu hiện của nghi lễ trưởng thành. Đến thời điểm quyết định, bằng các cách khác nhau, những đứa trẻ bị dẫn vào rừng, tới chỗ những con vật bí ẩn và khủng khiếp đối với chúng (7). Truyện cổ tích của người Chăm xuất hiện chi tiết đứa trẻ bị bỏ trong rừng phải đối mặt với những khó khăn, những hiểm họa khôn lường chứng tỏ sự ảnh hưởng của nghi lễ trưởng thành đến quá trình sáng tạo của người Chăm.

     Nếu như nàng bàn tay trong truyện Nàng bàn tay đối diện với thử thách phải xa người chồng hết mực yêu thương nàng thì Candiéng phải trải qua nhiều thử thách hơn: bị bỏ rơi, nuôi con một mình, thực hiện các thử thách của vua cha: làm giỏ bánh, cắt may bộ quần áo cho đến việc lớn lao liên quan đến vận mệnh của xứ sở mà vợ chồng nàng cai quản: phải đối mặt với cuộc xâm chiếm, tranh giành xứ sở do vua xứ khác gây nên.

     Những thử thách trong tình yêu tiếp tục được tác giả dân gian Chăm quan tâm, phản ánh qua nhân vật Sọ Dừa (Chàng Sọ Dừa). Sọ Dừa lao động chăm chỉ, không ngại bất kỳ công việc khó khăn nào. Phẩm chất đạo đức và vẻ đẹp ngoại hình ẩn sau cái lốt xấu xí của chàng đã khiến trái tim nàng công chúa út rung động, khó khăn lắm chàng mới tìm được hạnh phúc lứa đôi thì lại phải đối mặt với sự chia ly nhưng lòng chung thủy của chàng đã giúp chàng gặp lại vợ, đưa vợ trở về và có một cuộc sống hạnh phúc.

     Để đến được với người mình yêu, các nhân vật còn phải trải qua sự thách cưới của bên nhà gái vì vậy nhân vật chàng ếch (Chàng ếch và con út vua) phải vượt qua sự thách cưới của nhà vua để lấy được công chúa út. Sự thách cưới của nhà vua đưa ra nằm ngoài sức tưởng tượng và khả năng của con người bình thường, điều này không chỉ là một cản trở mà ẩn sâu trong đó là một sự phản đối mạnh mẽ của nhân vật nhà vua trước mong muốn lấy công chúa út của chàng ếch.

     Mỗi truyện có những thử thách khác nhau đối với các nhân vật, các thử thách mang tính cản trở nhân vật trong quá trình đi tìm hạnh phúc, tìm sự may mắn… Vượt qua các thử thách ấy, ngoài sự nỗ lực của bản thân, nhân vật luôn có sự trợ giúp của vật thần kỳ như chiếc nhẫn vàng (Sọ Dừa), gậy thần (Gậy đầu sinh đầu tử), sự trợ giúp của động vật như khỉ Kra-le (Prăm Tịch, Păm Lắc), thỏ thông minh, nhanh trí (Gậy đầu sinh đầu tử). Đặc biệt, các nhân vật siêu thực xuất hiện trong các truyện để giúp nhân vật chính diện vượt qua các thử thách khắc nghiệt như: thần tạo hóa (Po Sapajieng), thần Patao Bipo, thần nước biển, Diêm Vương (Chàng ếch và con út vua), thổ địa (Prăm Tịch, Păm Lắc) và Ngọc Hoàng thượng đế (Trời không phụ người nhân đức)…

     Các truyện về nhân vật xấu xí, mang lốt và xuất thân trong một gia đình nghèo khổ nhưng muốn kết hôn với con nhà giàu, lấy công chúa hay lấy hoàng tử thì nhân vật phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt và cả sự khinh miệt của mọi người. Kết thúc truyện, kiểu nhân vật người mang lốt, người xấu xí, người nghèo khổ có cuộc sống hạnh phúc, sung sướng nhưng đây vẫn chỉ là mơ ước của người bình dân.

     Môtip“sự bắt chước bị thất bại”

     Môtip xuất hiện trong 3 truyện (7,3%), có mối quan hệ với những không gian vắng vẻ như ruộng bỏ hoang, rừng… Ở những không gian này xuất hiện yếu tố thần kỳ như tảng đá biết cười và chứa trong nó rất nhiều vàng (Hai anh em Kadek và Kadaop), hay lũ khỉ đem người chết đi chôn ở núi vàng, núi bạc. Nhân vật người em được xây dựng với tính cách hiền lành, thật thà, chăm chỉ. Vượt qua tất cả thử thách, nhân vật người em được hưởng cuộc sống giàu sang, phú quý. Nhân vật thật thà kể chi tiết sự việc diễn ra cho người anh của mình nghe nguyên nhân về sự thay đổi lớn trong cuộc đời mình, nhân vật người anh bắt chước làm theo nhưng không thành công cho nên xuất hiện môtip “sự bắt chước bị thất bại”. Môtip này được người Chăm sử dụng để kết thúc truyện theo quan niệm của mình: “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Nhân vật người anh bắt chước hành động của người em nhưng vì quá tham lam nên hành động bắt chước ấy không thành công, hơn nữa còn bị trừng phạt thích đáng (Hai anh em nghèo) hoặc lộ rõ hơn bản chất xấu xa của bản thân (Hai anh em Kadek và Kadaop). Người Việt có truyện Hà rầm hà rạc có nhiều nét tương đồng với truyện Hai anh em nghèo của người Chăm nhưng kết thúc truyện của người Việt, nhân vật bắt chước không thành công và nhận kết cục bi thảm hơn so với truyện của người Chăm bởi qua kiểu truyện này, người Việt quan niệm: cái thiện và cái ác khó có thể dung hòa, nó luôn tồn tại và đối lập với nhau nhưng cái ác sẽ bị tiêu diệt. Truyện Hà rầm hà rạc xây dựng nhân vật người anh tham lam bắt chước mọi hành động của người em: mang theo cây rựa, chờ một đêm trăng non, một mình vác rựa lên cửa rừng, giả vờ duỗi chân nằm dưới gốc cổ thụ. Người anh cũng được bầy khỉ khiêng đi vì tưởng rằng đó là thây người chết nhưng vì lòng tham, người anh đã lên tiếng đòi được thả vào hố vàng khiến bầy khỉ phát hiện ra sự thật là anh ta còn sống và quẳng anh ta xuống. Người anh bị lăn xuống sườn núi, đầu va vào đá, vỡ sọ chết.

     Truyện Sự tích con khỉ của người Chăm xuất hiện không gian thần kỳ là giếng nước. Ở không gian này, nhân vật cô gái nghèo khổ được một cụ già râu tóc bạc phơ ban cho một bầu nước thần, nhờ đó, cô gái trở nên xinh đẹp. Mọi người trong gia đình nhà phú hộ tính tình kiêu căng, ích kỷ, gian ngoa, thường hay đánh đập, chửi mắng cô gái, cũng thực hiện theo lời cô gái kể, mong có được bầu nước thần, nhưng kết quả không như mong muốn. Thứ nước thần đó lại khiến họ trở nên xấu xí, trở thành loài khỉ phải sống trong rừng sâu.

     Môtip “sự bắt chước bị thất bại” là môtip có mối quan hệ với môtip “sự trừng phạt”, các nhân vật bắt chước là nhân vật phản diện, các nhân vật này cũng thực hiện các hành động của nhân vật chính diện và cũng gặp được nhân vật siêu thực, có được vật thần nhưng kết thúc lại khác nhân vật chính diện bởi chính lòng tham, sự tàn nhẫn, ích kỷ của nhân vật quyết định kết quả bản thân sẽ nhận được chứ không phải hoàn toàn do lực lượng siêu nhiên trừng phạt.

     Môtip“sự lên ngôi”

     Đây là môtipxuất hiện trong 10 truyện (24,4%). Nhân vật được nối ngôi là người xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, có phẩm chất đạo đức cao đẹp, lao động chăm chỉ, không quản ngại khó khăn, gian khổ (Sọ Dừa), là người mồ côi có sức khỏe phi thường và lòng dũng cảm, anh đã ra tay tiêu diệt chằn tinh ăn thịt người để cứu nàng công chúa, đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng (Chàng mồ côi). Kết hôn với công chúa là những chàng trai có đức, có tài dù cho có sự khác biệt rất lớn về thân phận, địa vị. Qua đó, tác giả dân gian Chăm gửi gắm niềm tin vào một cuộc sống công bằng, lý tưởng. Vì vậy, nhân vật nhà vua ở nhiều truyện đều được xây dựng với tấm lòng bao dung, tin vào trí tuệ, phẩm hạnh người dân (Chàng Sọ Dừa, Chàng mồ côi). Ngoài ra, các nhân vật được nối ngôi còn là chàng hoàng tử út có phẩm chất đạo đức tốt đẹp: hiền lành, có trách nhiệm, thủy chung (Nàng Candiéng). Đó là một kết thúc có hậu đúng như mong đợi của người bình dân.

     Cũng có trường hợp nhân vật chàng trai nghèo được kết hôn với công chúa, được nối ngôi vì lòng dũng cảm, sự khiêm tốn được kể tới ở truyện Chàng mồ côi hay nhân vật tài trí như chàng Rắn trong truyện Chàng rắn. Ngoài các truyện nêu trên, trong truyện Chàng lười, tác giả dân gian Chăm xây dựng nhân vật chàng lười - con rể vua lên làm vua là do nhân vật có vật thần, hóa phép ra nhiều thần dân, tôi tớ, cung điện lộng lẫy và tự xưng vua, vua cha thấy sức mạnh của chàng lười nên đã chịu khuất phục và nhường ngôi cho chàng.

     Như vậy, các nhân vật được lên làm vua hầu hết xuất thân từ những người nông dân nghèo, có tấm lòng yêu thương mọi người, thủy chung, tài trí, dũng cảm hay nhân vật gặp may mắn. Các nhân vật lên làm vua chủ yếu qua hình thức truyền ngôi, nhường ngôi trong sự tự nguyện, tin tưởng của vua cha, của dân chúng.

     3. Kết luận

     Truyện cổ tích là tiếng nói ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của những con người lao động hiền lành, chân thật, sống với lòng hiếu thảo, tình yêu tha thiết và sự chung thủy… Đồng thời, truyện cổ tích còn là những giấc mơ đẹp của người thời xưa về một xã hội công bằng, con người được sống khoẻ mạnh, no ấm và hạnh phúc. Truyện cổ tích Chăm với rất nhiều môtip khác nhau đã đem đến cho người kể, người nghe những bài học quý giá. Trong cùng một truyện thường có nhiều môtip khác nhau cùng xuất hiện, góp phần làm cho cốt truyện phát triển. Văn học bao gồm từ sáng tác đến thưởng thức là một hoạt động sáng tạo nhằm biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của con người và khẳng định các giá trị chân, thiện, mỹ bằng biện pháp nghệ thuật. Qua các môtip nêu trên, chúng ta hiểu rõ hơn về vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của người Chăm (nhân hậu, trung thực, dí dỏm, trọng lời hứa, nghiêm khắc…) và văn hóa Chăm với những tín ngưỡng, phong tục truyền thống phong phú, đa dạng. Tín ngưỡng thờ trời, thờ thổ địa, thờ thần bò, thần núi, thần tạo hóa, thần nước… cùng với các phong tục trong đó có phong tục trầu cau, phong tục cưới hỏi, nghi lễ trưởng thành đã chi phối đến sự sáng tạo của tác giả dân gian Chăm, góp phần làm cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn và có tính giáo dục sâu sắc.

________________

1, 2, 5. Sakaya (chủ biên), Truyện dân gian của người Chăm, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2017, tr.4, 42.

3. Trương Hiến Mai - Nguyễn Thị Bạch Cúc - Sử Văn Ngọc - Trương Tốn (dịch, biên soạn, tuyển chọn), Truyện cổ dân gian Chăm, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2000.

4. Dẫn theo Insara, Văn hóa - xã hội Chăm: nghiên cứu và đối thoại, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr.44.

6, 7. V.Ia.Propp, Tuyển tập V.Ia.Propp, tập 1, Nxb Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2003, tr.244-248, 298.

 

Tác giả: Lưu Thị Hồng Việt - Hoàng Văn Tý

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 - 2018

 

;