Dù xã hội có phát triển đến đâu thì truyện cổ tích vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống con người, bởi đó là mạch nguồn nuôi dưỡng tình cảm, đạo đức, giúp con người sống đẹp, nhân văn hơn. Truyện cổ tích gồm ba loại là: truyện cổ tích thần kỳ, truyện cổ tích sinh hoạt và truyện cổ tích loài vật, trong đó, truyện cổ tích thần kỳ là bộ phận quan trọng, tiêu biểu nhất. Làm nên giá trị, diện mạo của kho tàng truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam nói chung, truyện cổ tích các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói riêng phải kể đến sự đóng góp của truyện cổ tích hai dân tộc Tày và Thái. Số lượng truyện cổ tích của hai tộc người này rất phong phú. Tư tưởng phổ quát trong truyện cổ tích các dân tộc là ước mơ, niềm tin về hạnh phúc của những con người bất hạnh, bé nhỏ trong xã hội. Những câu chuyện này được lưu truyền ở vùng cư trú của người Tày, người Thái thuộc vùng Đông Bắc, bao gồm các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình.
Hệ thống nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ thường được chia thành hai tuyến đối lập rõ rệt là: nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Nhân vật chính diện là nhân vật thể hiện những giá trị tinh thần, phẩm chất đẹp đẽ, hành vi cao cả của con người. Nhân vật được nhà văn miêu tả, khẳng định, đề cao trong tác phẩm theo một quan điểm tư tưởng, một lý tưởng xã hội, thẩm mỹ nhất định. Nhân vật phản diện là nhân vật văn học mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lý, lý tưởng của con người, nhà văn miêu tả với thái độ chế giễu, lên án, phủ định. Trong truyện cổ tích, loại nhân vật phản diện điển hình, quen thuộc được miêu tả là những kẻ giàu có, đầy quyền lực nhưng có bản chất xấu xa, ích kỷ, tham lam, độc ác. Đó là những ông vua, ông quan, tên nhà giàu, người anh cả, các cô chị hay người mẹ kế. Những nhân vật phản diện trong truyện cổ tích thực sự đã để lại một ấn tượng mạnh trong tâm trí bao thế hệ. Ở đây, chúng tôi tìm hiểu một số môtip liên quan đến nhân vật phản diện trong truyện cổ tích thần kỳ của người Tày - Thái, trong đó có hai môtip điển hình liên quan đến nhân vật phản diện là: môtip vay mượn, đổi tráo, chiếm đoạt và môtip bắt chước không thành công.
Hiện chúng tôi thống kê được 22 truyện của 2 dân tộc xuất hiện các môtip kể trên. Các môtip xuất hiện thuộc nhiều kiểu truyện khác nhau như: kiểu truyện về người con mồ côi, người em út, người con riêng, người đội lốt xấu xí. Có những truyện một môtip được trở đi, trở lại nhiều lần. Dân tộc Tày có các truyện và các nhân vật: Ông Vua xấu tính (ông vua), Viên ngọc cóc (Tài Voòng), Hai anh em mồ côi (người anh), Hai anh em (người anh), Con cầy hương (người anh), Truyện bà Giả Gỉn (Giả Gỉn), Ba chị em gái và người chồng thuồng luồng (người chị), Chàng rể dê (hai người chị), Con rùa vàng (bốn cô chị), Chàng Lùn (quan), Dì ghẻ con chồng (mẹ con dì ghẻ), Tua Gia Tua Nhi (Tua Nhi), Người con riêng (dì ghẻ). Dân tộc Thái có các truyện và các nhân vật: Khạ Lang Núm (Tạo mường), Nàng Căm (Tạo Ín), Nàng Căm - chàng Ín (chàng Ín), Ý Cáy - Ý Pết (Ý Cáy), Nàng Khao - nàng Đăm (Đăm), Ông vua túi (vua), Tham thì thâm (người anh), Chàng Rắn (cô chị)¸ Bả nưng bả soong (người anh). Kết quả khảo sát chắc chắn chưa thật đầy đủ nhưng đó là con số đáng kể để khẳng định mức độ phổ biến của các môtip này (1).
Môtip vay mượn, tráo đổi và chiếm đoạt có cấu trúc diễn biến như sau: nhân vật phản diện giàu có, quyền lực với bản chất tham lam tìm mọi cách để chiếm đoạt vật quý báu của người nghèo khổ, bất hạnh. Kết cục, nhân vật phản diện phải trả giá đắt. Trong môtip này, sự chiếm đoạt diễn ra một cách dễ dàng, nhanh chóng, dưới nhiều hình thức. Được miêu tả là những người có địa vị, quyền lực nên các nhân vật không khó khăn thực hiện ý định chiếm đoạt những thứ họ muốn có. Hành động chiếm đoạt được tiến hành qua ba hình thức: giả vay mượn, đổi tráo và chiếm đoạt. Nói cách khác, bản chất của hình thức vay mượn, đổi tráo chính là nhằm chiếm đoạt. Có ba thứ mà nhân vật phản diện tìm cách chiếm đoạt là: tài sản, của cải; những người con gái đẹp; những người vợ, người chồng hiền lành, chăm chỉ. Hơn nữa, nhân vật phản diện còn âm mưu chiếm đoạt tính mạng của nhân vật đàn em, bề dưới. Như vậy, trong môtip này, nhân vật phản diện hiện lên với bản chất tham lam đến tột độ. Họ luôn cậy quyền, cậy thế, sẵn sàng chiếm đoạt cả cuộc sống vật chất, đời sống tinh thần, quyền được sống của những người nghèo khổ. Môtip này bắt nguồn từ thực tế đời sống ở thời kỳ xã hội có sự phân hóa giai cấp sâu sắc. Những con người ở tầng đáy của xã hội luôn phải chấp nhận sự đối xử bất công, sự bóc lột trắng trợn của tầng lớp trên. Môtip này có ý nghĩa làm nổi bật bản chất phản diện của tuyến nhân vật trong các truyện cổ tích thần kỳ Tày - Thái.
Trong truyện Hai anh em mồ côi (dân tộc Tày), nhân vật phản diện là người anh. Người anh là kẻ ích kỷ, tham lam, luôn tìm cách chiếm đoạt, vơ vét tài sản của em. Người anh bốn lần đổi tráo, chiếm đoạt tài sản của em mình. Hắn chiếm toàn bộ nhà cửa, đất đai, tài sản của cha mẹ để lại. Người anh chiếm luôn mấy con trâu chỉ chia cho vợ chồng người em một con chó nhỏ. Thấy con chó biết cày ruộng, người anh lại tìm cách chiếm con chó. Biết người em có sọt gà thần kỳ, gà thi nhau nhảy vào đẻ trứng, người anh lại nảy lòng tham sang mượn sọt gà hòng chiếm nốt của em. Hắn thấy rừng bí ngô giúp người em trở nên giàu có, liền tìm cách đổi tráo và chiếm đoạt để được bầy khỉ đưa đến núi vàng. Nhưng kết cục, không lần nào hắn đạt được mục đích. Thậm chí còn bị trừng phạt đích đáng. Người anh bị chó cắn, bị đàn gà rừng đến ỉa đầy sân, bị rơi xuống vực sâu chết thảm.
Tạo mường trong truyện Chàng Khạ Lang Núm (dân tộc Thái), khi thấy nàng Chăm Pa (vợ của Khạ Lang Núm) đẹp quá liền quát: “Vợ mày tao lấy”. Nói rồi, hắn bắt nàng đi luôn. Nhưng khi về đến nhà, nhà hắn bỗng biến thành túp lều như túp lều của Khạ Lang Núm trước đây. Nàng Chăm Pa trở thành con kỳ đà xấu xí. Tạo mường hoảng quá đành để Chăm Pa về nhà với chồng cũ.
Môtip bắt chước không thành công liên quan mật thiết với môtip vay mượn, đổi tráo, chiếm đoạt đã phân tích ở trên. Có thể hình dung công thức diễn biến môtip như sau: nhân vật phản diện với bản chất tham lam muốn có những thứ mà nhân vật chính diện đang có → nhân vật bắt chước làm theo cách của nhân vật chính diện (bắt chước hoàn toàn hoặc không hoàn toàn) → kết cục không như mong muốn.
Trong truyện Ý Cáy - Ý Pết (dân tộc Thái), nhân vật phản diện là cô em Ý Cáy đã bốn lần bắt chước cô chị Ý Pết nhưng không thành công. Thấy chị Ý Pết ngày ngày phải đi ra đồng vất vả mà có đôi môi xinh đỏ hồng, Ý Cáy bắt chước chị đi chăn vịt để có đôi môi đẹp. Tưởng chị nói thật, Ý Cáy bôi phân vịt lên môi. Chẳng những môi không đỏ mà mùi hôi thối xông nồng nặc, ra suối súc miệng mãi không hết hôi. Thấy chị có quần áo mới đẹp, Ý Cáy lại bắt chước đòi mẹ cho đi chăn trâu. Chờ mãi chẳng thấy trâu ỉa ra quần áo đẹp, Ý Cáy sốt ruột thọc tay vào đít trâu làm con trâu lồng lên, chạy tứ tung, kéo theo Ý Cáy. Lần thứ ba, cô em thấy tiếng giã gạo từ cối của chị vang lên nghe rất vui tai: “tùm lác đác tùm đơng khơng”, “không được làm vợ của Khun Chương thì không thỏa”, “không được làm vợ của quan của chá thì không vui”. Cô em đòi đổi cối giã hòng bắt chước chị tạo nên những tiếng giã gạo vui tai nhưng không thành. Cô em giã cối của chị nhưng toàn vang lên những lời tục tĩu. Lần thứ tư, Ý Cáy thấy chị trở về hồng hào, xinh đẹp hơn xưa đã nghe theo lời chị tìm đến cụ bà giúp Ý Pết trở nên xinh đẹp. Bà cụ nhận lời sai Ý Cáy đun nước sôi để tắm. Cuối cùng, Ý Cáy chết trong nồi nước sôi.
Các nhân vật phản diện với bản chất ngu ngốc, tham lam không chỉ muốn có mọi thứ bằng cách chiếm đoạt mà còn bắt chước để làm sang, che giấu bản chất xấu xa. Với các nhân vật phản diện trong truyện cổ tích Tày, Thái, đó là hành động lặp lại, cách làm theo máy móc, ngu xuẩn, luôn thể hiện sự ghen tị, động cơ gây hại cho các nhân vật đàn em, bề dưới. Vì thế, kết quả của hành động bắt chước bao giờ cũng thất bại thê thảm. Đây là môtip được hư cấu nhưng vẫn có cơ sở từ đời sống hiện thực, chắp thêm dụng ý của tác giả dân gian. Dụng ý thâm thúy của tác giả dân gian là thái độ phê phán, chế giễu sự tham lam mà ngốc nghếch của các nhân vật phản diện.
Có thể thấy, hai môtip trên không phải là môtip riêng chỉ có trong truyện cổ tích hai dân tộc Tày Thái. Nhưng nếu làm phép so sánh đơn giản cũng dễ nhận ra tần số xuất hiện, mức độ bắt chước và hậu quả của nó được miêu tả lặp đi lặp lại nhiều lần, có mức độ tăng tiến trong truyện cổ tích các dân tộc. Môtip này cũng góp phần vạch ra bản chất tham lam mà ngu dốt của nhân vật phản diện. Ý nghĩa của nó không chỉ quan trọng đối với con người trong xã hội xưa mà còn có giá trị giáo dục con người trong xã hội hiện đại.
Với một số môtip tiêu biểu, nhân vật phản diện trong truyện cổ tích Tày Thái được miêu tả thật rõ nét bản chất tham lam, ngu ngốc. Bản chất xấu xa của nhân vật phản diện càng đậm nét thì những phẩm chất tốt đẹp của nhân vật chính diện càng được tôn vinh. Đặt nhân vật chính diện bên cạnh nhân vật phản diện càng làm rõ những phẩm chất tốt đẹp như: chăm chỉ, trung thực, nhân hậu. Xây dựng nhân vật phản diện bên cạnh nhân vật chính diện để hoàn thiện với triết lý dân gian: “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”, “gieo nhân nào, gặt quả đấy”.
Mỗi dân tộc có một điều kiện tự nhiên, đời sống văn hóa xã hội khác nhau. Chính vì vậy, mỗi dân tộc có kho tàng văn học cũng như kho tàng truyện cổ tích độc đáo, ấn tượng. Điều này đã làm nên sự phong phú, đa dạng nhiều màu sắc lung linh cho viên ngọc quý truyện cổ tích Việt Nam. Trong đó, không thể không kể đến kho tàng truyện cổ tích các dân tộc Tày - Thái, một viên ngọc thô chưa được khám phá, mài giũa nhiều. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu truyện cổ tích của dân tộc Tày - Thái là hướng đi đúng để viên ngọc thô ngày càng trở nên lấp lánh.
_______________
1. Viện Nghiên cứu văn hóa, Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 14 - 15, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 392, tháng 2-2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ MINH THU - HOÀNG THỊ NGUYỆT