Văn học mạng và nghệ thuật trên mạng ở Việt Nam, vài nét về thực trạng sáng tác

     

 Trang web về nhiếp ảnh chất lượng tại Việt Nam hiện nay
Ảnh chụp lại từ màn hình

     Internet là một trong những phát kiến vĩ đại nhất của loài người, có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Internet trở thành công cụ tiện ích giúp cho quá trình truyền đạt, trao đổi thông tin, hợp tác, giao lưu giữa mọi cá nhân, tổ chức, quốc gia trên khắp hành tinh diễn ra cực kỳ nhanh chóng, góp phần phát triển tự do ngôn luận và xu hướng dân chủ trên toàn thế giới. Với thành tựu này, có ý kiến cho rằng từ đây, lịch sử nhân loại có thể phân chia thành hai thời kỳ: trước và sau khi xuất hiện internet. Đó không hẳn là một nhận định cường điệu khi bằng chính trải nghiệm của mỗi người, có thể cảm nhận được sự tác động, ảnh hưởng của mạng đến mọi bình diện của đời sống, xã hội, thậm chí, nó còn có thể xâm nhập vào tận nội giới của con người. Internet tạo ra những khả năng tương tác đa chiều, vô cùng phong phú, một siêu không gian cho sự giao tiếp, liên lạc mà ở đây những giới hạn, rào cản của không gian vật chất thông thường bị vượt qua.

     Vượt lên trên những tiến bộ về mặt công nghệ, không gian mạng đã và đang trở thành một môi trường quan trọng cho những sáng tạo và phân phối các tác phẩm nghệ thuật. Có thể thấy, hiện nay, sách báo, âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh, văn chương… đều đã được “phân phối” đến người thưởng thức thông qua internet. Thậm chí internet đang có xu hướng trở thành “kênh phân phối chính” với một số trường hợp, tiêu biểu là âm nhạc và điện ảnh.

     Bài viết này tìm hiểu, nghiên cứu thực trạng sáng tác của văn học mạng và nghệ thuật trên mạng từ góc độ văn hóa nhằm dự báo xu hướng phát triển của văn học mạng và nghệ thuật trên mạng trong thời gian tới.

     Thực trạng sáng tác văn học mạng

     Hiện nay, ở Việt Nam, văn học mạng nếu tính theo số lượng bài viết trên các website, mạng xã hội, blog cá nhân thì rất nhiều. Ngoài ra, còn một khối lượng rất lớn các bài viết nằm trong các diễn đàn tiếng Việt, các mục văn học, lịch sử văn học. Người sáng tác văn học mạng cũng khá lớn và đa dạng. Họ có thể là nhà văn, nhà thơ hoặc không phải là nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng nhờ vào sự sáng tạo của bản thân và sức lan truyền của mạng xã hội đã nhanh chóng dành được thành công nhất định cho các tác phẩm văn học của mình.

     Có thể kể đến những người viết văn học mạng như: Trần Thu Trang với Cocktail cho tình yêu (2005), Phải lấy người như anh (2005), Tí ti thôi nhé - Ai bảo phụ nữ nói nhiều (2007), 99 tuần buôn chuyện (2008)…; Trang Hạ với Những đống lửa trên vịnh Tây Tử (2007), Chuyện kể dưới ngọn đèn đường (2010)…; Gào với Cho em gần anh thêm chút nữa (2009), Nhật ký son môi (2010), Tự sát (2011), Yêu anh bằng tất cả những gì em có, Mất anh bởi tất cả những thứ em cho, Ký ức Northumbria (2012)…; Born với những tác phẩm: Sẽ để em yêu anh lần nữa (2012), Đợi chờ ký ức (2013), 7 ngày để nói anh yêu em (2013), Tìm lại yêu thương ngày xưa (2013), Khoảng cách tình yêu, Hương vị đồng xanh, Nơi ấy có anh, Nếu như yêu...; Kawi Hồng Phương với những tác phẩm đã từng “dậy sóng” trong cộng đồng mạng như: Shock tình (2011), Bạn gái của thiếu gia (2012), Không phải là cổ tích (2013)…; Nguyễn Ngọc Thạch với những đề tài sáng tác khá nhạy cảm, xoay quanh những số phận của thế giới thứ ba, đồng tính, mại dâm…, tiêu biểu nhất là: Một con đĩ yêu nghề, Đời Callboy, Lòng dạ đàn bà, thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng và gây không ít tranh cãi. Với lối viết chân thực, dung dị, nhưng đôi khi lại khắc nghiệt, dữ dội đến đau lòng, Nguyễn Ngọc Thạch đã khẳng định được vị thế vững chắc của mình trong cộng đồng văn học mạng (1).

     Ngoài ra, có rất nhiều những người trẻ mới bước vào sáng tác như: Nguyễn Dương Quỳnh Anh, Lạc Ngân Thiên, Bạch Tử, Đặng Hằng, Bùi Đình Huệ, Nguyễn Tâm, Hồ Nguyên Trừng… với hàng trăm tác phẩm và thể loại khác nhau. Một tác giả văn học mạng cho biết: “Em đã viết được khoảng 9-10 truyện ngắn chủ đề lãng mạn, tình cảm; khoảng 9-10 bài thơ ngắn, 1 truyện dài giả tưởng đang tiến hành; 1 truyện dài tâm lý - kinh dị đã hoàn thành và sắp được xuất bản; 1 truyện dài chủ đề giả tưởng - ẩm thực đang tiến hành; 1 tập 6 truyện ngắn chủ đề kỳ ảo và khoảng trên dưới 40-50 bài quan điểm viết và quan điểm xã hội” (N.T.T.T, nữ, 27 tuổi, TP. HCM)

     Đi sâu vào mức độ và thể loại sáng tác văn học mạng, chúng tôi thu được kết quả từ điều tra khảo sát về số người có viết trang cá nhân là: 60% có viết nhật ký, 36,7% viết truyện, 33,3% viết loạt bài, và 16,7% viết nhiều loại (2). Một tác giả văn học mạng cho biết:Mình thỉnh thoảng cũng viết truyện ngắn trên wattpad. Mình thích viết truyện giả tưởng và lãng mạn. Được viết truyện và được mọi người đọc, góp ý là niềm vui đối với mình”. (N.T.L, nam, 19 tuổi, Hà Nội).

     Có 40% cho biết họ viết về những vấn đề hiện thực, 56,7% viết các chủ đề lãng mạn và 13,3% viết chủ đề giả tưởng (3). Một tác giả văn học mạng cho biết: “Em chọn viết đa thể loại, kể cả các đề tài như tình dục hoặc đồng tính, nếu nó nằm trong khả năng sáng tạo của em. Vì em muốn tiếp cận nhiều thể loại hơn để hoàn thiện trình độ viết hơn. Về việc viết các vấn đề nhạy cảm thì nếu viết theo kiểu gợi mà không dung tục, cốt truyện có ý nghĩa tốt, chỉ mượn yếu tố tình dục hoặc đồng tính để thể hiện các ý nghĩa, lý tưởng sâu sắc đằng sau thì cũng nên được ủng hộ”. (Tác giả văn học mạng, N.T.T.T, nữ, 27 tuổi, TP. HCM).

     Từ blog cá nhân, sau những thành công bước đầu, nhiều tác giả đã hướng tới một không gian chuyên nghiệp hơn thông qua việc xây dựng những trang fanpage, website riêng. Ví dụ, trên trang fanpage của Kawi Hồng Phương có cả một hội những người mê truyện của Kawi Hồng Phương, trang facebook của Gào tính đến thời điểm tháng 9-2018 đã có đến 2.728.199 lượt thích và hơn 2.700.000 lượt theo dõi... Nhiều nhà văn, nhà thơ vốn có tên tuổi từ trước với các tác phẩm được giới xuất bản săn đón cũng đã nắm bắt được xu thế của văn học trên mạng. Họ bắt đầu tạo dựng cho mình những website riêng như một kênh giới thiệu, quảng bá tác phẩm đến với người đọc như: Trần Thu Trang cho ra mắt website với tên gọi sachcuatrang.com (và tên miền khác là tranthutrang.net), Vương Trí Nhàn (vuongtrinhan.blogspot.com), Nguyễn Ngọc Tư (nguyenngoctu.net), Phong Điệp (phongdiep.net)… là một vài trong số những tác giả này. Đặc biệt, với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, văn học mạng ngày càng trở nên sôi nổi hơn với những cuộc tranh luận, nhiều ý kiến phản biện, tiếng nói nhà văn, thông tin văn học… đã được các chủ website đưa lên và khởi xướng.

     Thực trạng sáng tác nghệ thuật trên mạng

     Lĩnh vực âm nhạc

     Đối với nhiều ca sĩ ở Việt Nam, ảnh hưởng từ công nghệ truyền thông mới, đặc biệt từ YouTube cũng đã dần làm thay đổi cách thức sáng tạo của họ. Thay vì chỉ chú trọng vào giọng hát và âm thanh, các ca sĩ cũng quan tâm nhiều hơn đến nội dung hình ảnh đi kèm các tác phẩm. Hơn nữa, với việc dễ dàng tạo cho mình một kênh riêng trên YouTube, phát hành các sản phẩm âm nhạc dưới dạng các MV trên YouTube thay vì dưới dạng DVD đã trở thành lựa chọn của nhiều ca sĩ và người thực hành âm nhạc. Điển hình cho xu hướng này là hàng loạt MV của các nghệ sĩ trẻ được ra đời trong các năm từ 2007 trở đi. Đặc biệt, vào năm 2012, ca sĩ Mỹ Tâm trở thành đối tác đầu tiên tại Việt Nam của YouTube. Ðể trở thành đối tác chính thức của kênh này, ca sĩ Mỹ Tâm đã phải đảm bảo khá nhiều yêu cầu gắt gao như: video clip phải do chính mình tạo ra, có chất lượng, phải thường xuyên cập nhật clip, đặc biệt các clip phải thu hút lượt người xem (view) cũng như số người đăng ký theo dõi (subscriber) vào loại cao. Nhiều MV trên YouTube đã thu hút hàng triệu lượt nghe chỉ trong một thời gian ngắn (4).

     Vì thế, hiện nay, khá nhiều nhạc sĩ trẻ đã chọn internet làm kênh phân phối những sáng tác mới của họ. Khắc Việt sinh năm 1987, là nhạc sĩ kiêm ca sĩ khá trẻ. Tuy nhiên, tính đến nay (2018), anh đã sáng tác hơn 100 bài hát. Rất nhiều ca sĩ đã tìm đến anh để hợp tác trong vai trò nhạc sĩ. Khắc Việt từng là người sáng tác chính cho một số ca sĩ như: Nam Cường, Cao Thái Sơn, Nhật Tinh Anh, Quỳnh Nga, nhóm The Men… Những sáng tác của anh như: Yêu thương quay về, Bình yên nhé (Cao Thái Sơn), Phải là anh, Đoạn cuối con đường, Khó (Nam Cường), Chờ em trong đêm (The Men), Suy nghĩ trong anh (Duy Khoa), Tìm lại bầu trời (Tuấn Hưng)… đều lọt vào top các ca khúc được nghe nhiều nhất trên các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín. Nguyễn Hải Phong là một trong những gương mặt nhạc sĩ nổi bật từ rất sớm của làng Vpop với những ca khúc hit một thời từng gắn liền với tên tuổi của Lam Trường, Wanbi Tuấn Anh cho tới Thu Minh... Hoàng Tôn là một nhạc sĩ kiêm ca sĩ được nhiều người hâm mộ biết đến thông qua những bản hit gắn liền với tên tuổi rất nhiều ngôi sao trong làng Vpop như: Nỗi nhớ đầy vơi (Hồ Ngọc Hà - Noo Phước Thịnh), Em không cần (Thủy Tiên)…, là thành viên đảm nhiệm vai trò sáng tác của nhóm nhạc FB Boiz. Gần đây, Hoàng Tôn đã sáng tác 2 ca khúc mới là: Tìm của MinMình yêu nhau bao lâu. Hai bài hát này đã thu hút lượng người nghe khá lớn. Mr. Siro là một trong những ca sĩ, nhạc sĩ sở hữu giọng ca hot nhất hiện nay trên các trang web nghe nhạc online. Sở hữu giọng hát trầm ấm, tình cảm cùng với những sáng tác về tình yêu theo dòng nhạc ballad đầy cảm xúc, nội dung phù hợp với tâm trạng của số đông nên các ca khúc của Mr. Siro khi ra mắt đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cư dân mạng. Có thể kể đến những bản hit như: Chỉ có một người để yêu trên thế gian, Lắng nghe nước mắt, Bức tranh từ nước mắt, Không cần thêm một ai nữa... (5).

     Có thể nói, âm nhạc đã chiếm lĩnh một phần quan trọng trên không gian mạng và trở thành lĩnh vực được nhiều người dân Việt Nam quan tâm khi gia nhập vào không gian này.

     Lĩnh vực điện ảnh

     Theo số liệu từ Cục Điện ảnh, tính đến năm 2014, có tới hơn 400 website tiếng Việt đang chiếu hàng chục ngàn bộ phim trên internet, bao gồm cả phim trong nước và quốc tế (6). Do đó, với sự tồn tại của một kho phim khổng lồ trên không gian được tạo ra bởi website về phim trực tuyến, người dùng internet có thể tìm kiếm bộ phim mà mình yêu thích.

     Ngoài những bộ phim được số hóa đưa lên mạng như: Thằng Bờm, Chiếc bình cổ, Gái nhảy, Mùi cỏ cháy, Thương nhớ đồng quê… công chúng có thể tiếp cận với những bộ phim điện ảnh và truyền hình một cách nhanh chóng, thuận tiện. Bên cạnh đó, nền tảng internet còn giúp đẩy mạnh một hình thức sản xuất các sản phẩm điện ảnh riêng biệt, đó là các bộ phim trực tuyến (web dramaweb series). Đây là một trào lưu làm phim xuất hiện tại nhiều nước châu Á và đã du nhập vào Việt Nam từ năm 2010. Web drama hay web series là những bộ phim lẻ hay nhiều tập được làm và phát trực tiếp trên internet thông qua các kênh trực tuyến của các nhà làm phim, chủ yếu là YouTube. BB & BG (2012), Thích ăn Phở (2013), FAPtv (2014) là những nhóm đầu tiên tiên phong cho xu thế làm phim web drama ở Việt Nam. Nhiều bộ phim chiếu mạng đã thu hút được một số lượng lớn khán giả theo dõi như: 5S online, Kem xôi TV, Mùa hoa oải hương năm ấy, Kim chi cà pháo, Tiệm bánh hoàng tử bé, Biên tập ký ức, Hạnh phúc của hai người đàn ông, Một con điếm tội nghiệp. Năm 2017, web drama âm nhạc La La School đã nhanh chóng thu hút trên 785 ngàn subscribers (người theo dõi) và đạt hơn 160 triệu lượt xem, trong đó, tập cuối của phim đạt hơn 3 triệu lượt xem chỉ sau 24 giờ ra mắt. Diễn viên kiêm đạo diễn Kinh Quốc đã làm phim ngắn và phát hành trên YouTube. Hiện nay, Kinh Quốc đã có 10 bộ phim ngắn như: Đừng đùa với gái, Hợp đồng thể xác, Những cô gái nguy hiểm, Ngủ với kẻ thù, Gã xe ôm và cô gái điếm… Phim ngắn Gã xe ôm và cô gái điếm của Kinh Quốc cũng đã thu hút hơn 4 triệu lượt xem. Gần đây, năm 2018, bộ phim Ai nói tui yêu anh cũng đã thu hút được lượng lớn người xem trên kênh youtube, mỗi tập phim dao động từ 6 đến 8 triệu lượt xem, trong đó tập 6 của phim có con số 3,3 triệu lượt xem sau 1 ngày lên sóng.

     Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh

     Hiện nay, bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tác và lưu truyền các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Thực vậy, trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, số lượng các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh và số lượng người sáng tác có sự gia tăng đáng kể.

     Đặc biệt, việc đưa các tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh lên trên internet trở nên, dễ dàng, đã trở thành một hình thức chủ đạo trong việc giới thiệu và quảng bá các sản phẩm này. Không chỉ các nghệ sĩ được đào tạo bài bản mà cả những người không chuyên cũng quan tâm nhiều hơn đến mỹ thuật - nhiếp ảnh. Vì thế, nhiều website, facebook cá nhân, nhiều hội nhóm đã ra đời như: Art 60+ ( với 4.490 thành viên), Vietnam Art Space (hơn 9.400 thành viên), Viet Art Now (hơn 4.200 thành viên)…, đặc biệt phải kể đến nhóm All about Art and Artist (với hơn 132.083 thành viên). Đây là nhóm công khai, được thành lập cho họa sĩ toàn cầu đăng tranh và các bạn yêu thích mỹ thuật thưởng thức tranh. Trên trang web của nhóm All about Art and Artist hiện có rất nhiều tranh của các họa sĩ Việt Nam và nước ngoài. Có thể kể đến tranh của họa sĩ Vũ Tiến, Chốn bình yên, sáng tác năm 2018, tranh của họa sĩ Phan Niêm, Tuổi thần tiên, chất liệu màu nước, sáng tác vào tháng 11-2018, tranh của họa sĩ Nguyễn Duy Quang, Bếp hồng, sơn dầu trên vải toan, sáng tác năm 2017, tính đến ngày 26-11-2018, tác phẩm có tới hơn 1 nghìn lượt like… Khi đưa tranh lên mạng, họa sĩ và người thưởng thức dễ dàng trao đổi, thảo luận. Người sưu tầm, mua tranh cũng có thể tương tác trực tiếp với họa sĩ.

     Một họa sĩ chia sẻ: “Mình vẽ tranh từ nhỏ. Năm 1997, khi ấy mình 18 tuổi, mình bán được bức tranh đầu tiên. Tiền bán tranh mình dành hết cho việc mua màu vẽ. Hai năm trở lại đây, mình vẽ khá nhiều, được gần 70 bức tranh. Trung bình mỗi ngày mình làm việc 12 tiếng. Vài ngày trước, mình vừa đưa 31 bức tranh lên trang saatchiart.com để bán. Mình chọn bán tranh trên website saatchiart.com đó vì nó là trang của nước ngoài. Sân chơi rộng nên có nhiều cơ hội quảng bá tranh” (Nguyễn V.T, nam, 39 tuổi, Hà Nội).

     Như vậy, sự phát triển của internet đã tạo nên một môi trường đầy thuận lợi cho việc trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tác phẩm mỹ thuật trên mạng. Đặc biệt, với sự phổ biến của máy ảnh kỹ thuật số và các phương tiện kỹ thuật khác, việc đưa các tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh lên internet trở nên dễ dàng, trở thành một hình thức chủ đạo trong việc giới thiệu, quảng bá các sản phẩm này. Không chỉ có các nghệ sĩ được đào tạo bài bản mà cả những người không chuyên cũng quan tâm nhiều hơn đến mỹ thuật - nhiếp ảnh. Vì thế, nhiều hội nhóm, những người yêu nhiếp ảnh ngày càng tăng. Ví dụ VNPHOTO.net, được thành lập vào năm 2005 bởi một nhóm nhỏ những người Việt Nam yêu nhiếp ảnh, đến nay đã có hơn 22.000 thành viên tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới tham gia, có cơ sở dữ liệu bằng tiếng Việt lớn nhất về máy ảnh số, kỹ thuật chụp ảnh và thư viện các thể loại ảnh. Với tiêu chí “nhiếp ảnh cho mọi người”, VNPHOTO.net đang được phát triển để ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu của cộng đồng yêu mến nghệ thuật nhiếp ảnh, trở thành một nơi giao lưu, học hỏi đúng nghĩa, góp phần nâng cao trình độ nghệ thuật nhiếp ảnh cho tất cả mọi người.

     Xomnhiepanh.com cũng là một diễn đàn về nhiếp ảnh rất lớn ở Việt Nam được ra đời từ năm 2005. Hiện nay, diễn đàn có hơn 170.000 thành viên, trang Facebook page của diễn đàn có hơn 73.000 người theo dõi, là nơi lưu trữ một thư viện ảnh khổng lồ thuộc mọi thể loại và những bài viết trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật nhiếp ảnh, phương tiện và lý thuyết thẩm mỹ giữa các thành viên, nơi tổ chức các cuộc thi về nhiếp ảnh được nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đón nhận và tham gia nhiệt tình.

     Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong quá trình sáng tạo và phổ biến các tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh trên mạng, chính là sự hiện diện của các mạng xã hội như: Instagram, Facebook, Twitter. Nhờ những tiện ích được tích hợp sẵn dành cho việc lữu trữ và chia sẻ ảnh của các trang mạng xã hội mà một kho dữ liệu khổng lồ về các tác phẩm nghệ thuật cùng với những bình luận và trao đổi đã được hiện thực hóa thông qua các mạng xã hội này. Hoạt động mỹ thuật - nhiếp ảnh ở Việt Nam những năm gần đây đã trở nên khởi sắc với việc mở rộng sang không gian mạng và sự hỗ trợ của internet.

     Thay lời kết

     Sự ra đời của không gian mạng và sự phát triển của nghệ thuật mạng là hiện tượng mang tính tất yếu nhờ vào những thành tựu to lớn của công nghệ. Một khi internet đã và đang trở thành một không gian sống thì tất cả những gì có khả năng kiến tạo một đời sống đều có thể tìm thấy hoặc được tạo nên trong môi trường này. Để hiểu được bản chất, tiềm năng, những ưu điểm và hạn chế của nghệ thuật mạng, do đó, cần phải được tiếp cận nó như một hiện tượng văn hóa xã hội.

     Có thể nói, internet không chỉ tạo điều kiện cho những người hoạt động nghệ thuật tìm kiếm những phương thức thể hiện mới mà còn tạo ra những đột phá trong quan niệm về bản chất của nghệ thuật và mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng. Sự ra đời và lan truyền của những tác phẩm nghệ thuật nhờ vào khả năng kỹ thuật của máy tính, công nghệ số và đa phương tiện cũng như những tương tác xã hội gắn liền với các tác phẩm đó tạo nên những đặc tính đầy hứa hẹn của không gian nghệ thuật mới này.

________________

1. News.zing.vn/4-cay-but-tre-me-hoac-dan-nghien-van-hoc-mangpost352256.html.

2, 3. Kết quả nghiên cứu của tác giả được thực hiện từ tháng 10-2017 đến tháng 3-2018.

4. Sơn Tùng MTP là một ca sĩ điển hình trong việc tạo ra những video âm nhạc thu hút một số lượng lớn người xem. Bốn tác phẩm của anh như: Nơi này có anh, Em của ngày hôm qua, Lạc trôi, Chúng ta không thuộc về nhau đều đạt trên 100 triệu lượt xem sau 2-3 tháng ra mắt. Gần đây nhất, vào ngày 11-5-2018, Sơn Tùng MTP phát hành MV mới có tên gọi Chạy ngay đi và nhanh chóng thu về hơn 20 triệu lượt xem trong vòng 24 giờ sau khi ra mắt. Sau 3 tuần, MV đã thu hút 74 triệu lượt xem.

5. news.zing.vn/10-nhac-si-9x-xuat-sac-nhat-cua-vpop-o-zing-music-awards-2017-post808098.html.

6. ictnews.vn/xu-phat-vi-pham-ban-quyen-tren-internet-nhu-bat-coc-bo-dia-117962.ict.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 - 2019

;