Năm 2019, tròn 30 năm nhà văn tài năng Nguyễn Minh Châu, người mở đường tinh anh, đi vào cõi vĩnh hằng. Ông thuộc số ít nhà văn sống, sáng tác vào nửa cuối TK XX, tác phẩm có thể chuyển giao cho các thế hệ TK XXI đọc. Sáng tác của Nguyễn Minh Châu có sức mạnh của cái đúng, cái đẹp, vốn là những phẩm chất văn hóa của văn chương muôn thuở dẫn dụ bạn đọc.
Sự xuất hiện của Di cảo Nguyễn Minh Châu
Người ta vẫn nói, đằng sau mỗi người đàn ông thành đạt đều có một người phụ nữ. Trường hợp đó thật đúng với nhà văn tài năng quá cố Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989). Những dòng văn trích từ Di cảo Nguyễn Minh Châu rưng rưng xúc động như tâm thế của những người đã có mặt đưa tiễn nhà văn cách đây hơn hai mươi năm. Người phụ nữ đó là bà Nguyễn Thị Doanh, vợ của ông. Những người làm công tác bảo tồn văn học của nhà xuất bản Hà Nội, trong một mối lương duyên có vẻ như từ rất xa xôi, vô hình, khó giải thích, đã tiếp cận được bà, trở thành những người bạn vong niên, được bà coi như tri âm tri kỷ, ký thác, tin tưởng giao cho cái công việc thiêng liêng là công bố một phần di cảo của chồng mình, những kỷ vật bà quý hơn vàng, đã nâng niu, gìn giữ suốt hai mươi năm.
Đọc Di cảo Nguyễn Minh Châu, tự nhiên tôi lại liên hệ tới Di cảo thơ Chế Lan Viên (3 tập, công bố lần lượt từ năm 1992 - 1996, với sự bổ sung 558 bài thơ vào sự nghiệp văn học vốn đồ sộ của nhà thơ tài năng, riêng thơ ông đã để lại một gia tài gần 1.000 bài). Tôi đồng cảm với nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành khi tìm thấy dấu vết điêu tàn trong di cảo thơ (1). Di cảo Nguyễn Minh Châu trong lần công bố đầu tiên gồm 475 trang, đây cũng chỉ mới là một phần trong toàn bộ di cảo của nhà văn (ước tính hơn 1000 trang in). Theo cách bố cục sách của nhà xuất bản Hà Nội, tập sách gồm ba phần: Tiếng vọng, Nghề văn, Riêng tư. Cũng cần phải nói thêm là bài giới thiệu in đầu sách của nhà nghiên cứu văn học Tôn Phương Lan tựa đề Cái nhìn ngược sáng từ di cảo Nguyễn Minh Châu, theo tôi là bài viết tâm huyết, thuyết phục người đọc vì như ai đó nói không quá rằng bà là chuyên gia hàng đầu về Nguyễn Minh Châu hiện nay, người có thẩm quyền phát ngôn về chuyên môn trong lĩnh vực này. Trong phần một, chúng ta chủ yếu được tiếp cận với phần lớn các ghi chép những năm 1967 - 1968, 1972 - 1973 từ chiến trường Quảng Trị - Đường 9 - Khe Sanh của nhà văn, cũng như một số ghi chép của ông năm trước, sau chiến tranh. Phần hai là những suy nghĩ, trăn trở, quan niệm, tâm sự của nhà văn về nghề cầm bút. Nghề văn bao gồm những trang viết nối từ chiến tranh sang hòa bình, đặc biệt là những trải nghiệm của Nguyễn Minh Châu những năm cuối đời đã thể hiện sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng, nhận thức của ông về tất cả các khía cạnh của nghề văn, vốn được xem là nghiệp lúc nào cũng nặng hơn nghề. Phần ba là thế giới tâm hồn, tình cảm riêng tư của nhà văn. Đặc biệt trong phần hai có một phần Tự ngẫm, do nhà xuất bản Hà Nội tự đặt tên mục, có thể giúp chúng ta hiểu rõ, sâu hơn thế giới nội tâm của nhà văn vốn không đơn giản, bằng phẳng, hay nói cách khác là tính chất thân phận của người sáng tác.
Tầm văn hóa của nhà văn trong cách nhìn đời sống, con người
Nhật ký ghi ngày 24 - 2 - 1968 có đoạn: “Sự hy sinh của người chiến sĩ ngoài mặt trận? Nó là một cái gì vô giá. Khi cũng chính người chiến sĩ ấy, con người lầm trong bùn đất và máu ấy đứng trên cái bục phủ vải hoa, có micro và lọ hoa trước mặt, ở một hội trường sang trọng nào đó ở hậu phương, và những người nghe là nhà văn, nhà báo, nhà lãnh đạo chính trị thì khi nghe anh ta nói, anh ngồi đó, anh chẳng được nghe cái đời sống thực của anh chiến sĩ và đồng đội của anh ngoài chiến hào kia đâu. Tất cả mọi câu chuyện đều trở nên dễ dãi, không khí mặt trận trở nên bình yên như dải cỏ xanh, và những chiến thắng mà anh ta đoạt được đều sạch sẽ, thắm đỏ màu hoa tươi chứ không phải là máu tươi và xương trắng. Khi một người đại đội trưởng ngồi trong chiến hào trong đoạn hào nông choèn choèn nói với anh rằng: mới đầu năm ngoái anh ta còn là một chiến sĩ và bây giờ là đại đội trưởng của chính cái đại đội mà năm ngoái anh ta là chiến sĩ, thì ta phải hiểu rằng ở đại đội này, một loạt chiến sĩ tiểu đội trưởng, trung đội, đại đội đã ngã xuống rồi. Và những thành tích của đại đội mà người đại đội trưởng trẻ kia nói với anh là thành tích của bao nhiêu con người ưu tú và anh dũng đã hi sinh làm nên. Hãy để phần công lao ấy cho những người chiến sĩ không tên đã ngã xuống” (2). Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm khó quên: năm 2004, tôi đi theo Hội Cựu chiến binh của trường Đại học KHXHNV (ĐHQG Hà Nội) lên thăm chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong buổi viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Đồi A1, chỉ thấy 5 ngôi mộ có tên, còn lại gần 1.000 ngôi mộ không có tên. Đọc những dòng nhật ký trong Di cảo Nguyễn Minh Châu, tôi chợt nhớ đến bài thơ Việt Nam máu và hoa của nhà thơ Tố Hữu, có những câu thơ rớm máu: “Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu/ Người vươn lên như một thiên thần”; hoặc “Lá cờ này là máu là da/ Của ta, của con người, vô giá”; “ Việt Nam ơi, máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau thắm những ngày”; hoặc nữa “Ta lại về ta những đứa con/ Máu hòa trong máu, đỏ như son”. Rõ ràng có một sự trùng phùng giữa hai nhà văn lớn. Cách nhìn đời sống, con người trong chiến tranh của Nguyễn Minh Châu là dưới ánh sáng nhân đạo chủ nghĩa, là sự tri ân công lao trời biển của nhân dân trong sự nghiệp giành, giữ độc lập tự do của Tổ quốc. Nói một cách hình tượng, nhà văn đã nhìn thấy giá trị của máu người không phải là nước lã. Viết đến đây tôi nhớ lại những câu thơ cháy bỏng tâm huyết của nhà thơ lớn của đất nước Hungari, của nhân loại Sando Pêtơphi viết về nhân dân bất tử “Gươm một tay, cày một tay/ Đời nhân dân muôn nỗi đắng cay/ Máu cứ đổ, mồ hôi cứ đổ”. Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấy nhân dân mình hiện hình trong những con người bình thường mà vĩ đại: “Tiếng hát của một cô văn công bị địch bắt. Nó bắt chị hát những bài hát Sài Gòn. Chị bảo chị chỉ biết hát những bài giải phóng thôi. Từ khi bị bắt vào đồn, lính đồn có rất nhiều người có cảm tình với chị: chị đẹp, hát hay, ăn nói dịu dàng. Cuối cùng chúng sợ, đưa chị đi giam nơi khác. Nơi khác chị lại có cảm tình với lính. Nó tra chị, hỏi chị những địa điểm đóng quân của giải phóng. Chị nhất định không nói. Cuối cùng nó giết chị. Kết quả hàng loạt binh lính địch bỏ hàng ngũ” (3). Hơn ai hết nhà văn là người đã cùng đổ mồ hôi, cùng sôi nước mắt, trái tim đã cùng nhịp đập với nhân dân, đã chân thành mà viết những dòng nhật ký trên, đọc lên cảm thức được như là tâm sự, tâm tình của những người trong một nhà: “Nói chuyện với những người đàn bà Vĩnh Linh, đề cập đến ngày hòa bình ta bắt Mỹ làm gì. Người thì nói bắt nó phải bồi thường chiến tranh, người thì nói đem bọn phi công Mỹ ra mà xử tội. Những người đàn bà bảo rằng cứ đem chúng nó vào cái đất Vĩnh Linh nhà tôi đây này, bắt chúng nó đội đất san bằng hết các hố bom đi thôi. Rồi, lúc chúng nó làm như thế, chúng tôi sẽ lần lượt kể cho rõ lai lịch từng cái hố một trước khi nó đổ đất xuống. Chỉ kể cái tội ác của nó cho nó lần sau chừa đi, đừng đem bom vãi lên mặt trái đất, đâu cũng thế, mặt đất chỗ nào chẳng có người, có vợ, có chồng, có cha mẹ và con cái. Thôi thôi bắt nó bồi thường làm gì? Của nó ư? Chúng tôi sống trên mảnh đất ắt chúng tôi biết bới đất ra của. Còn người chúng tôi ư? Từng người của chúng ta, từng em bé, từng đứa con trai, từng đứa con gái biết đi du kích, những người của chúng ta mất đi đem người của chúng nó mà bù vào làm sao được? Người của chúng ta là vàng, là kim cương ngọc báu chứ ít đâu?” (4). Đó như một điệp khúc ngân vang trong những trang Di cảo của Nguyễn Minh Châu. Tôi nghĩ đó là văn hóa của nhà văn. Khi có ai đó cợt nhả rằng văn chương là một trò chơi vô tăm tích có lẽ là vì người đó coi máu người là nước lã.
Tầm văn hóa trong suy nghĩ về nghề văn, nhà văn
Đã biết bao nhiêu giấy mực để bàn luận về hai chữ văn học là gì? Nhưng Nguyễn Minh châu vẫn có cách nói riêng của mình thu phục người nghe, người đọc. Ông viết giản dị mà sâu sắc: “Cứ bàn luận đi, văn học là phải thế này, văn học là phải thế nọ… Rồi đến lúc sẽ có lúc những người hay bàn luận sẽ phải nói rằng: văn học nó là như thế kia kìa. Đó là lúc một ngòi bút đứng bật dậy, một trang sách đứng bật dậy. Tự trong tác phẩm văn học ấy tự nó sẽ trình ra một cái định nghĩa cho văn học, một cái định nghĩa chưa bao giờ, chưa hề có ai nghĩ và nói như thế nhưng ai cũng phải công nhận đó là cái định nghĩa của văn học chính xác, sát hợp nhất” (5). Nguyễn Minh Châu hơn một lần khẳng định rằng văn học cần giáp mặt với cuộc sống. Ở ta, từ lâu nhiều người cũng cố gắng đưa ra một định nghĩa về nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng, theo số đông thì nhà văn là kỹ sư tâm hồn. Cái định đề này không sai nhưng có lẽ hơi văn hoa. Nguyễn Minh Châu định nghĩa nhà văn giản dị hơn: “Nhà văn là một người rất nặng nợ đối với đời, tôi đặt cho mình một nhiệm vụ phải có trách nhiệm với con người” (6). Ở đây rõ ràng là Nguyễn Minh Châu nói đến nhân cách của nhà văn, được coi như một phẩm chất hàng đầu của người sáng tác. Nguyễn Minh Châu là người rất hâm mộ Nam Cao, coi Nam cao là bậc thầy văn chương. Trong bài Nam Cao, Nguyễn Minh Châu đã dành những dòng tâm huyết nhất về bậc thầy chủ nghĩa hiện thực: “Thật thế, cuối cùng ta có thể nói rằng cả một đời cầm bút của Nam Cao cứ đau đáu nhìn vào cái nhân cách. Cái sự săn đuổi chính mình đầy ráo riết cũng chính là sự săn đuổi cái nhân cách của con người ta nói chung” (7). Nguyễn Minh Châu trong nghề văn không phải là người bảo thủ, nhưng cũng không phải là người cấp tiến. Ông là người bình tĩnh, sự bình tĩnh của một bản lĩnh sống, bản lĩnh nghệ thuật. Ông chống lại việc đóng cửa, bế quan tỏa cảng; nhưng đồng thời cũng chống lại bệnh hoắng, vốn là căn bệnh của những người non kém bản lĩnh sống, bản lĩnh nghệ thuật. Nguyễn Minh Châu trước sau kiên định quan điểm: “Chúng ta phải học tập thế giới rất nhiều, nhưng dù có đọc hàng nghìn cuốn sách đủ các khuynh hướng của những người cầm bút thiên tài của thế giới cũng để trở về với mình, trở về với những vấn đề sinh tử trong cuộc sinh tồn của những con người Việt Nam, trở về dùng ngòi bút đào sâu vào nền văn hóa, tiếng nói triết lý dân gian thâm trầm, những thói tục, trở về với tất cả những gì vừa bộc lộ, vừa bí ẩn đã có hàng ngàn năm làm nên hình hài, trí thức, tâm hồn nhà văn của chính ta” (8). Đào sâu vào nền văn hóa ở đây, theo tôi nghĩ, Nguyễn Minh Châu đã nói về cái cội rễ của con người nói chung, nhà văn nói riêng, đó là tổ quốc - dân tộc - nhân dân - quê hương xứ sở. Tôi nghĩ đó là văn hóa nghề nghiệp của nhà văn. Đã không ít lần có những người cầm bút được gọi là nhà văn, bỗng dưng vô cớ đay nghiến dân tộc mình, đồng bào mình trong những tác phẩm họ được xuất bản ở nước ngoài hay trong nước. Theo Nguyễn Minh Châu: “Cái điều đáng sợ nhất cho một người viết? Đấy là một tâm hồn bàng quan, nhạt nhẽo như một cốc nước lã, không yêu một cái gì tha thiết mà cũng không ghét cái gì thật cay đắng, bằng bằng, chung chung. Tâm hồn người viết không phải như một dòng nước, mọi cái đều trôi qua trước mặt, thấm vào lòng đôi chút, nhưng cũng qua đi rất nhanh. Mà phải như một tờ giấy thấm, một cái gì thoáng qua đều in lại rất đậm, mỗi ngày một phóng to, cùng những cái khác đóng thành khối, nhào thành thể thống nhất để tạo nên những vấn đề bắt buộc ta phải viết ra” (9). Bây giờ khi thực tế cho chúng ta thấy rõ tinh thần công dân của không ít người sáng tác đang sa sút thì những tâm sự cháy bỏng của Nguyễn Minh Châu khiến không ít người trong số chúng ta phải phải suy nghĩ về ý kiến sâu sắc của ông: “Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc, đất nước mình, như cái đai của người mẹ quấn quanh đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn, nhọc nhằn của người mẹ, cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra” (10).
Đọc Di cảo Nguyễn Minh Châu, một lần nữa chúng ta thấm thía hơn nhân cách, tài năng của Nguyễn Minh Châu. Nói cách khác, chữ tâm, chữ tài đồng thuận đã tạo nên phẩm tính văn hóa của một nhà văn xứng đáng được tôn vinh là người mở đường tinh anh đổi mới văn học Việt Nam sau năm 1975.
____________
1. Nguyễn Bá Thành, Thơ Chế Lan Viên với phong cách suy tưởng, Nxb Văn học, 1999.
2, 4, 5, 6, 8, 9, 10. Di cảo Nguyễn Minh Châu, tr.110, 129, 321, 325, 327, 329, 363.
3. Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nhật ký ghi ngày 16-4-1968, tr.119.
7. Nguyễn Minh Châu, Trang giấy trước đèn, Nxb Khoa học xã hội, 1994, tr.194.
Tác giả: Bùi Việt Thắng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019