Cuộc thi sáng tác truyện “Đóa hoa đồng thoại” lần thứ VII thu hút 3.687 tác phẩm

Lễ trao giải cuộc thi “Đóa hoa đồng thoại” lần thứ VII được tổ chức vào ngày 23-11-2024 tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả yêu văn học, yêu sáng tác văn chương. Cuộc thi năm 2024 được phát động từ tháng 3, trải qua 5 tháng, với 10 lần tổ chức workshop “Bút kể ta nghe”, cuộc thi đã nhận được 3.687 tác phẩm của 2.504 thí sinh ở mọi lứa tuổi đến từ 63 tỉnh thành. Sức lan tỏa của cuộc thi năm nay còn vượt qua cả biên giới Việt Nam, đó là những tác phẩm dự thi đến từ Ý, Phần Lan, Thụy Điển.

Ngài Ito Naoki - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ trao giải, ngài Ito Naoki - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao về ý nghĩa và kết quả cuộc thi Đóa hoa đồng thoại lần thứ VII đạt được, đặc biệt, đây là lần đầu tiên cuộc thi đã thu hút các thí sinh đến từ 63 tỉnh thành ở Việt Nam và cả các thí sinh ở nước ngoài. “Tôi cho rằng qua cuộc thi này, các em nhỏ từ miền Bắc tới miền Nam ở những hoàn cảnh khác nhau, cũng có thể được nuôi dưỡng trí tưởng tượng khám phá thế giới mới và trải nghiệm niềm vui sáng tác truyện” - ngài Ito Naoki cho biết.

Ban giám khảo vòng chung kết là những người gắn bó với văn học, với trẻ em, đó là nhà văn Lê Phương Liên, với hơn 50 năm gắn bó với văn học thiếu nhi Việt Nam; Tổng biên tập Nxb Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên; TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh; bà Lê Thị Thu Hiền - người đam mê gắn bó với tranh truyện ehon suốt hơn 15 năm. Ban Giám khảo đánh giá cao những truyện ngắn sinh động, phản ánh chân thật cuộc sống thường nhật và cảm xúc vui buồn của trẻ em khắp mọi miền đất nước.

Nhà văn Lê Phương Liên đánh giá cao về chất lượng các bài viết tham gia cuộc thi năm nay

Nhà văn Lê Phương Liên đại diện Ban Giám khảo cuộc thi chia sẻ: “Trí tưởng tượng văn học phải gắn liền với trải nghiệm có thực của tác giả. Người viết có biết nỗi đau khổ khi bị rụng tóc và thèm có mớ tóc dài của em bé gái bị bệnh ung thư thì mới có thể viết được truyện ngắn Tú tóc tai. Người viết phải là người hiểu cuộc sống của gia đình thu nhập thấp, không có tiền đi du lịch mà lại có tình yêu thương và trí tưởng tượng vô bờ bến thì mới có thể viết được truyện ngắn Chuyến du lịch đặc biệt. Viết được những câu chuyện hay, không chỉ cần trí thông minh mà điều cần nhất là từng câu văn thấm thía cảm xúc yêu thương và khát vọng vươn lên sống tốt đẹp hơn của tác giả. Trong cuộc thi Đóa hoa đồng thoại lần thứ VII này, Ban Giám khảo đánh giá cao những truyện ngắn sống động mang hơi thở của cuộc sống thực, những câu chuyện phản ánh sinh hoạt đời thường và cảm xúc vui buồn của các em nhỏ ở mọi miền đất nước”.

Tác phẩm xuất sắc nhất thuộc về thí sinh Lã Duy Long (11 tuổi, Hà Nội) với tác phẩm "Tú tóc tai"

Tác phẩm xuất sắc nhất thuộc về thí sinh Lã Duy Long (11 tuổi, Hà Nội) với tác phẩm Tú tóc tai. Bí mật cảm động của cậu bé về việc nuôi tóc dài đã được hé lộ: cậu muốn tặng tóc cho những em bé bị ung thư tại trại trẻ gần nhà. Qua câu chuyện này, bạn bè cũng chia sẻ với Tú nỗi đau mất em gái. Để cảm thông với những người xung quanh, các bạn trẻ đã thể hiện sự kiên nhẫn và tôn trọng những suy nghĩ, hành động khác biệt.

Các thí sinh đoạt giải Nhất ở 3 hạng mục

Cuộc thi sáng tác truyện Đóa hoa đồng thoại là cuộc thi sáng tác truyện ngắn dành cho thiếu nhi do Công ty TNHH ENEOS Việt Nam tài trợ. Ông Tsuyoshi Endo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH ENEOS Việt Nam - nhà tài trợ cho cuộc thi từ năm 2018 đến nay cho biết: “Năm nay, cuộc thi đã nhận về 3.687 bài dự thi từ 2.504 thí sinh, một con số thể hiện sự lớn mạnh và hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng, đánh dấu sự tăng trưởng đáng kể so với các năm trước. Độ tuổi của người tham gia năm nay cũng rất đa dạng, từ các em nhỏ chỉ mới 7 tuổi cho đến những người cao tuổi ở độ tuổi 86 tuổi, chứng tỏ rằng cuộc thi đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của mọi thế hệ”. Hơn nữa, chính niềm đam mê và sự sáng tạo mà mỗi tác giả gửi gắm vào tác phẩm của mình đã đưa người đọc vào những chuyến hành trình đầy cảm xúc. Các nhân vật được khắc họa vô cùng độc đáo và sống động, mở rộng thế giới quan và trí tưởng tượng của người đọc hơn bao giờ hết.

“Qua mỗi câu chuyện đậm chất văn hóa và truyền thống Việt Nam, các tác giả đều khéo léo lồng ghép những thông điệp vô cùng ý nghĩa, từ niềm vui, lòng biết ơn, niềm hy vọng đến tình yêu thương và sự sẻ chia dành cho những người đang gặp khó khăn, lòng can đảm vượt qua định kiến và rào cản xã hội hay sự kính trọng đối với môi trường và thiên nhiên hùng vĩ. Dù mỗi quốc gia đều có sự khác biệt văn hóa, tôi tin rằng giá trị cốt lõi làm nên một cuộc sống tốt đẹp vẫn đều được chia sẻ và trân trọng ở mọi nơi. Các em nhỏ - những độc giả chính của cuộc thi sẽ học được nhiều bài học quý về cuộc sống thông qua những câu chuyện đồng thoại đầy ý nghĩa này” - ông Tsuyoshi Endo chia sẻ.

Học bổng khuyến đọc của cuộc thi được Nhà tài trợ ENEOS trao cho Dự án “Cầu Vồng Vui – đọc sách cùng bệnh nhi” do Quỹ Bắc Cầu triển khai tại khoa nhi các bệnh viện

Cuộc thi được tổ chức hằng năm với 3 hạng mục dự thi: Hạng mục Tiểu học, Hạng mục Trung học cơ sở và Hạng mục tự do. Tất cả các tác phẩm đều viết cho thiếu nhi. Để khuyến khích các tác giả sáng tác, đặc biệt là tác giả học sinh tiểu học và học sinh THCS, các workshop Bút kể ta nghe đã ra đời và góp phần rất lớn hỗ trợ các em học sinh và những người yêu sáng tác có những tác phẩm cho chính mình.

Đóa hoa đồng thoại thực sự đã trở thành một sân chơi sáng tác, một cộng đồng kết nối, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam, góp phần làm phong phú cho nền văn học Việt Nam. Hơn thế, cuộc thi không chỉ là một cuộc thi sáng tác truyện thiếu nhi mà còn là một trong những hoạt động thiết thực góp phần kết nối văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các thí sinh đạt giải

LIÊN HƯƠNG

;