Nghệ thuật > Văn học
Nổi bật
Thân phận con người trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu từ góc nhìn Phật giáo
Nhật Bản là một quốc đảo có nền văn hóa Á Đông đặc sắc kết tinh từ bản nguồn dân tộc và tiếp biến các giá trị văn hóa bên ngoài một cách tài tình. Từ lịch sử phát triển, xã hội Nhật Bản tiếp nhận tư tưởng Phật giáo từ rất sớm và lan tỏa mạnh mẽ đến các thành tố văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, đặc biệt đậm đặc trong Truyện Genji. Bài báo tập trung làm rõ sự ảnh hưởng của Phật giáo ở Nhật nói chung, quan niệm của Phật giáo về thân phận con người nhằm làm rõ những ảnh hưởng của nó trong văn học nghệ thuật. Trên cơ sở đó, làm rõ dấu ấn triết lý Phật giáo về số phận con người qua các yếu tố như con người trước nghịch cảnh của số mệnh, sống tự tại và mộ đạo. Từ đó, phát hiện màu sắc Phật giáo độc đáo trong sự hài hòa với tôn giáo tín ngưỡng bản địa thể hiện trong tác phẩm.
Sự tích hợp Đông - Tây trong thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945
Nếu tư duy phương Đông nghiêng về đơn tính, kiến tạo thi ảnh đơn diện, một nghĩa, gắn với các thủ pháp ẩn dụ thì thơ tượng trưng phương Tây nghiêng về phức tính, kiến tạo thi ảnh nhiều lớp nghĩa, nhiều bình diện nghĩa chồng lên nhau, vì vậy họ phải xây dựng các biểu tượng mà ở đó hội tụ các nghĩa giao thoa, tương giao giữa các mặt nghĩa. Cũng chính vì vậy, thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945 đã có sự ảnh hưởng, tác động qua lại để tích hợp cách kiến tạo giữa thơ Pháp và thơ Đường, sử dụng và “chuyển hóa” nhuần nhuyễn giữa các yếu tố Đông - Tây, tạo nên chất liệu đặc trưng trong thơ tượng trưng ở Việt Nam giai đoạn 1932-1945.
Tiếp nhận Truyền kỳ tân phả từ góc nhìn tín ngưỡng dân gian và tam giáo
Truyền kỳ tân phả là tác phẩm văn chương tiêu biểu của Đoàn Thị Điểm, cũng được coi là một tập truyện truyền kỳ nổi tiếng thời trung đại. Tôn giáo - tín ngưỡng là một trong những vấn đề quan trọng được Đoàn Thị Điểm đề cập trong tác phẩm này. Nhìn chung, đã có nhiều các nghiên cứu tiếp cận Truyền kỳ tân phả từ góc nhìn tín ngưỡng dân gian và tam giáo. Các nghiên cứu đã lý giải được ảnh hưởng của các tín ngưỡng dân gian của người Việt cũng như các tầng văn hóa đến tác phẩm của Đoàn Thị Điểm. Bài viết tìm hiểu các hướng tiếp nhận trong nghiên cứu Truyền kỳ tân phả dưới hai góc nhìn tín ngưỡng dân gian và hệ thống tam giáo Nho - Phật - Đạo trong thời gian gần đây.
Sự chi phối của Nho giáo đối với bi kịch gia đình trong văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại
Tại Việt Nam, Nho giáo được xem như một tôn giáo, cùng với Lão giáo và Phật giáo, tạo thành tam giáo đồng nguyên. Luận thuyết Nho giáo không chỉ minh định các quan hệ xã hội mà còn được giáo hóa rộng khắp theo cấp độ không gian văn hóa. Trong đó, cấp độ nhỏ nhất là gia đình - nơi đầu tiên góp phần hình thành, nuôi dưỡng nhân cách. Bên cạnh những nhân tố tác động tích cực, Nho giáo để lại nhiều dư địa bi kịch trong gia đình Việt. Điều này được phản ánh khá rõ nét ở văn xuôi tự sự Việt Nam trung đại
Thiên nhiên trong truyện ngắn của các nữ văn sĩ từ 1986 đến nay
Thiên nhiên tự bao đời đã trở thành mạch nguồn trong sáng tác của văn học dân tộc, nhưng cảm thức và sự thể hiện thiên nhiên không hoàn toàn giống nhau qua các thời kỳ. Thời trung đại, thiên nhiên được phản ánh trong cảm quan vũ trụ rộng lớn; giai đoạn Thơ Mới, thiên nhiên mang đậm màu sắc trữ tình của cái tôi lãng mạn. Trong truyện ngắn của nữ văn sĩ Việt Nam từ 1986 đến nay, thiên nhiên cũng trở thành đề tài cuốn hút các nữ văn sĩ. Không thiếu trong truyện ngắn của các tác giả nữ những bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, nên thơ của tạo hóa, làm nên bối cảnh sống, không gian sống của các nhân vật nữ. Nhưng ở đây, chúng tôi quan tâm đến những nội dung ẩn tiềm đằng sau những bức tranh thơ ấy. Các nữ văn sĩ đã sử dụng thiên nhiên như một ký hiệu để biểu đạt những điều rất riêng của giới nữ.