Bài thơ Cùng mùa xuân này, Tây Bắc… của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn là một dòng chảy xuyên suốt của nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều trạng thái, tâm tư. Hệ thống các tính từ, động từ trong bài thơ tạo ra những chuyển biến luân phiên phức hợp trong cảm xúc thơ, tư duy thơ. Hệ thống các động từ, tính từ được sử dụng với mật độ dày đặc và luôn ở dạng thức: “chuyển trạng thái, chuyển cảm xúc”- chuyển động chứ không tĩnh lặng, khiến cho lời thơ nồng nàn chất trữ tình, lãng mạn. Bài thơ thể hiện sự lạc quan, yêu cuộc sống, sự tự hào về vẻ đẹp lãng mạn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của vùng Tây Bắc Việt Nam, là một tiếng thơ góp phần tạo nên chất trữ tình đằm thắm cho dòng thơ lãng mạn, bồi dưỡng đời sống tâm hồn, tinh thần cho con người giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống hiện đại.
Nhà thơ nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn từng được nhiều thế hệ học sinh biết đến với bài thơ từ thuở nhỏ cắp sách tới trường Bàn tay cô giáo. Ông đã từng được Giải A về thơ trong cuộc thi sáng tác văn học đề tài nhà trường (1989) và Giải thưởng thơ trong cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ em (1997). Ngoài những bài thơ về đề tài nhà trường và những bài thơ dành cho trẻ em, Nguyễn Trọng Hoàn cũng có những bài thơ giàu chất lãng mạn, trữ tình, ấm áp yêu thương. Một trong số đó là bài: Cùng mùa xuân này, Tây Bắc…
Bài thơ được bắt đầu bằng khổ thơ tám chữ với nhịp 3/5 ở hai câu đầu và nhịp 4/4 ở hai câu cuối như một khúc hát mở lối vào không gian đượm chất trữ tình của vùng Tây Bắc với những cung đường lên xuống của đồi núi, đèo, suối:
Những bản làng còn lãng đãng trong sương - nhịp 3/5
Tiếng cười nói như nước tràn xuống núi - nhịp 3/5
Vượt bảy con đèo, vượt ba con suối - nhịp 4/4
Váy áo rộn ràng, em hẹn cùng anh - nhịp 4/4
Khổ thơ đầu tiên đã khắc họa vẻ đẹp mờ ảo trong sương của vùng núi Tây Bắc với những bản làng của người dân nơi đây. Vẻ đẹp mờ ảo ấy như hút hồn độc giả vào trong cảm giác “lãng đãng” nhẹ trôi. Trong không gian lãng mạn ấy, vẻ đẹp tự nhiên, khỏe khoắn, thanh khiết của con người tạo nên âm hưởng tràn đầy sức sống cho lời thơ: “Tiếng cười nói như nước tràn xuống núi”. Người đọc cảm nhận được sự lạc quan, yêu đời, vẻ đẹp tinh khôi của người dân bản xứ qua âm thanh của “tiếng cười nói”. “Tiếng cười nói” ấy mạnh mẽ như “nước tràn xuống núi”, mềm mại như nước, lan tỏa khắp nơi như nước, trong trẻo như nước. Vượt lên mọi khó khăn của địa hình hiểm trở “Vượt bảy con đèo, vượt ba con suối”, những người con gái đã hẹn hò cùng những người con trai giữa mùa xuân của núi rừng Tây Bắc. Họ say trong điệu khèn, tiếng sáo, say trong hội xòe hoa với những điệu hát “sóng sánh hơi men”, đẹp “mãnh liệt” và tràn đầy cảm xúc.
Khèn đã âm vang, sáo thắm thiết gọi tình
Hội xòe lướt mà nhịp tim run rẩy
Bông hoa của rừng say làn hương của rẫy
Điệu hát nào cũng sóng sánh hơi men
Khung cảnh hội xòe hoa vang vọng tiếng khèn, thắm thiết tiếng sáo gọi tình, có làn hương của rẫy trong sóng sánh hơi men của tình đời, tình người khiến độc giả như lạc vào không gian văn hóa lễ hội đầu xuân của người dân Tây Bắc nồng nàn tình yêu, đằm thắm sắc xuân. Những chàng trai, cô gái đắm say trong điệu hát, điệu khèn, trong hơi men của khúc ca, của mùa xuân tình tứ. Những yếu tố “khèn”, “sáo”, “hội xòe”, “bông hoa của rừng”, “làn hương của rẫy”, “điệu hát”, “hơi men” là những tín hiệu văn hóa, kết hợp tầng tầng lớp lớp đan xen, tạo nên tính tích hợp của không gian văn hóa Tây Bắc. Độc giả không chỉ cảm nhận được chất trữ tình trong thơ mà còn cảm nhận được chất trữ tình trong tâm hồn, cảm xúc của những “nhịp tim run rẩy”. Những chàng trai cô gái tìm đến nhau, thề nguyền ước hẹn cùng nhau hướng tới một cuộc sống lâu dài bền vững “sống bên nhau chọn đá đặt nền”, cùng nhau lao động hăng say, chung tay chăm chỉ chăm lo cho cuộc sống gia đình “làm ngô lúa như bầy ong lấy mật”. Hạnh phúc ấy thật bình dị và cũng thật vô giá giữa cuộc sống bộn bề trong thời đại ngày nay. Lời thề nguyền ước hẹn của họ thể hiện giá trị nhân văn tốt đẹp trong tâm thức của người dân Tây Bắc chất phác, chịu thương chịu khó, một lòng gắn bó yêu thương nhau. Vì thế, nếu như khổ thơ trên khiến độc giả lạc nhịp con tim theo không khí sôi động, tưng bừng của lễ hội mùa xuân rộn rã tiếng khèn tiếng sáo, rộn ràng váy áo cùng những điệu xòe hoa, những điệu hát xao xuyến lòng người thì khổ thơ này lại mang đến cho độc giả sự ấm áp yêu thương, sự chân thành, sắt son yêu thương nhau mãi mãi. Tình yêu của những người con gái con trai thời đại ngày nay có sức mạnh vô song “Đã yêu người vượt thác mà yêu…”. Yếu tố vật chất trong không gian (thác) được đưa vào câu thơ như một biểu tượng cho sự khó khăn, gian khổ chồng chất, sự cản trở ở mức độ rất cao, được kết hợp với các từ “vượt”, cụm từ “mà yêu” tạo nên một kết hợp thể hiện khí chất mạnh mẽ, quyết liệt của người dân Tây Bắc: yêu mãnh liệt, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để gắn bó được với người mình yêu. “Quả còn” cũng được coi là một tín hiệu văn hóa, thể hiện đặc trưng của trò chơi dân gian “ném còn” của người Thái, Tày - một trò chơi dân gian gắn với duyên phận - tìm duyên - bén duyên của người dân Tây Bắc.
Chất trữ tình của những khổ thơ trên mải miết bắt mạch sang khổ tiếp theo, thể hiện tâm thái thong dong, bình thản và có phần ngạo nghễ, gắn với không gian bao la của trời đất, nương rẫy xanh bát ngát bạt ngàn, hào hùng khí thế của vùng núi rừng Tây Bắc hùng vĩ:
Bát rượu bén ban mai, câu hát ngấm sang chiều
Châu Mộc, Châu Yên, Mường La… nghiêng ngả
Câu hát gập ghềnh câu hát trên yên ngựa
Theo bước chân trần màu xanh trỗi lên nương
Các kết hợp bất thường về ngôn ngữ được Nguyễn Trọng Hoàn sử dụng khá uyển chuyển: “bát rượu bén ban mai”, “câu hát ngấm sang chiều”. Chúng ta dùng thao tác thay thế, cải biến như sau: nếu thay từ “bén” bằng cụm từ “uống đến”, câu thơ sẽ mất đi nghĩa hình ảnh, người đọc chỉ thấy được một hành động “uống rượu” kéo dài theo thời gian từ đêm lễ hội mùa xuân đến sáng sớm hôm sau. Nhà thơ dùng từ “bén” để tạo nên sự liên thông giữa sự vật (bát rượu) với thời gian (ban mai), khiến người đọc liên tưởng đến sự bén duyên, bén tình, bén tâm tư của những người thưởng thức rượu, say men lễ hội, say men tình yêu trong lễ hội. Từ “bén” giống như một sự khởi đầu của tình cảm, cảm xúc, tình duyên, cũng như “ban mai” của một ngày - một sự khởi đầu có ánh sáng đẹp, thuần khiết, trong sáng. Ở kết cấu tiếp theo, “câu hát ngấm sang chiều”, người đọc cảm nhận được sự chuyển biến trong bước đi của thời gian, bước đi của cảm xúc: đó là sự thấm đượm dần dần từng bước từng nấc của câu hát vào trong tâm hồn, tâm tư của người thưởng thức nghệ thuật, đưa thời gian âm thầm trôi nhè nhẹ từ ban mai sang chiều. Người thơ say sưa chìm đắm trong không gian lễ hội mùa xuân Tây Bắc, lãng quên đi sự trôi chảy của thời gian. Tình yêu, cảm xúc và men say đã làm thời gian trôi đi rất nhanh, ban mai nối tiếp buổi chiều mà người thơ vẫn “lãng đãng” say mê với men rượu và câu hát giữa đất trời vùng sơn cước mênh mang. Chất lãng tử của người thơ hòa quyện vào khung cảnh “câu hát gập ghềnh câu hát trên lưng ngựa”. Chất lãng tử ấy dội vào trong thơ, trỗi lên mạnh mẽ theo từng nhịp thơ, bừng bừng khí thế, tràn đầy sức sống “Theo bước chân trần màu xanh trỗi lên nương”.
Bài thơ khép lại bằng khổ thơ có sự kết hợp của những câu thơ 9 chữ (hai câu đầu) và 8 chữ (2 câu cuối) thấm đượm niềm tin, hy vọng về một mùa xuân tươi sáng đẹp ru hồn người:
Câu hát bâng khuâng ngọn gió cũng quên đường
Ngơ ngác hoa ban riêng sắc màu Tây Bắc
Sắc màu thanh tân mùa xuân thao thức
Gọi mặt trời bổi hổi búp chồi non.
“Búp chồi non”, “mặt trời”, “hoa ban”, “sắc màu thanh tân”, “mùa xuân” là những biểu tượng thể hiện sự lạc quan, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của cả vùng rừng núi Tây Bắc.
Bài thơ Cùng mùa xuân này, Tây Bắc… là một dòng chảy xuyên suốt của nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều trạng thái, tâm tư: lãng đãng - rộn ràng - âm vang - thắm thiết - lướt - run rẩy - say - sóng sánh hơi men - yêu - bén - ngấm - nghiêng ngả - gập ghềnh - trỗi - bâng khuâng - quên đường - ngơ ngác - thao thức - bổi hổi. Hệ thống các tính từ, động từ trong bài thơ tạo ra những chuyển biến luân phiên phức hợp trong cảm xúc thơ, tư duy thơ. Hệ thống các động từ, tính từ được sử dụng với mật độ dày đặc và luôn ở dạng thức “chuyển trạng thái, chuyển cảm xúc”- chuyển động chứ không tĩnh lặng, khiến cho lời thơ nồng nàn chất trữ tình, chất chứa nhiều tâm sự, suy tư. Những tín hiệu ngôn ngữ-văn hóa mang tính chất đặc tả được lồng ghép vào nhau khiến độc giả như được sống trong không gian sôi động của lễ hội xòe hoa đầu xuân, được cảm nhận “chuỗi” cảm xúc nối tiếp trong dòng huyết mạch dồi dào chất lãng mạn: bản làng - sương - nước - núi - con đèo - con suối - khèn - sáo - hội xòe - bông hoa của rừng - làn hương của rẫy - điệu hát - hơi men - ngô lúa - bầy ong lấy mật - quả còn - thác - bát rượu - câu hát - yên ngựa - bước chân trần - nương - hoa ban - mùa xuân -mặt trời - búp chồi non. Có thể nói, bài thơ Cùng mùa xuân này, Tây Bắc… của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Trọng Hoàn là một bài thơ giàu cảm xúc, giàu chất trữ tình. Bài thơ thể hiện tình yêu nồng nàn mà nhà thơ dành cho vùng Tây Bắc và những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Tây Bắc. Bài thơ thể hiện sự lạc quan, yêu cuộc sống, sự tự hào về vẻ đẹp lãng mạn, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống của vùng Tây Bắc Việt Nam, là một tiếng thơ góp phần tạo nên chất trữ tình đằm thắm cho dòng thơ lãng mạn, bồi dưỡng đời sống tâm hồn, tinh thần cho con người giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống hiện đại.
_______________
1. Nguyễn Trọng Hoàn, Cùng mùa xuân này, Tây Bắc, tập thơ Phút rành rang sống chậm, Nxb Hội Nhà văn, 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
2. Mai Ngọc Chừ, Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002.
3. Hữu Đạt, Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 2000.
4. Hữu Đạt, Tiến trình phát triển và đổi mới Ngôn ngữ thơ Việt Nam từ sau 1986 đến nay, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.
5. Nguyễn Thị Phương Thùy, Xu hướng tự do hóa Ngôn ngữ thơ tiếng Việt thế kỷ XX, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.
Tác giả: Mông Lâm
Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020