Hindu giáo trong một số tác phẩm văn học của Campuchia thời kỳ Angkor (802-1442)

Chung một mẫu số với nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, ngay từ đầu công nguyên, qua con đường thương mại và truyền giáo, Campuchia đã có sự giao lưu, tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ. Quá trình giao lưu, tiếp xúc này dẫn tới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Campuchia, đặc biệt là các tôn giáo lớn, trong đó có Hindu giáo. Cũng như văn hóa Ấn Độ, Hindu giáo du nhập một cách hòa bình và dần dần thấm sâu trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây. Bài viết đề cập đến ảnh hưởng của tôn giáo này lên đời sống văn học, nghệ thuật Campuchia thời kỳ Angkor (802 - 1442), khẳng định sự chi phối mạnh mẽ của đạo Hindu lên đời sống văn hóa người Khơme; nhấn mạnh tính chủ động và sáng tạo của cư dân bản địa trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các luồng văn hóa đến từ bên ngoài.

1. Khái quát về Hindu giáo và quá trình du nhập Hindu giáo vào Campuchia

 Khái quát về Hindu giáo

Hindu giáo (còn gọi Bà la môn giáo/Ấn Độ giáo) là tôn giáo đứng thứ 3 thế giới (sau Phật giáo và Thiên chúa giáo với số lượng tín đồ 1,2 tỷ, chiếm khoảng 15% - 16% số lượng công dân toàn cầu) (1). Ở Ấn Độ, Hindu giáo là tôn giáo cổ xưa nhất và có số lượng tín đồ đông đảo nhất hiện nay (2).

Thoạt kỳ thủy, tôn giáo này chỉ tôn thờ một vị thần tối cao: Brahma; lấy Veda làm thánh kinh. Kinh Veda là một bộ sưu tập gồm 1.028 bài thánh ca và 10.600 câu thơ, được sắp xếp thành 10 tập (Mandalas) (3) với mục đích ngợi ca thế giới các vị thần và thể hiện khát vọng tâm linh của con người, mong được các vị thần che chở trong cuộc sống.

Đến TK VI TCN, trên đất Ấn Độ, bên cạnh Bà la môn giáo còn xuất hiện nhiều tôn giáo khác như đạo Phật, đạo Sikh, đạo Jain… Các tôn giáo, ở phương diện nào đó, luôn “cạnh tranh lành mạnh” với nhau để khẳng định tính ưu việt của mình. Thấy nguy cơ có thể bị lu mờ trước các tôn giáo khác do sự bất bình của tầng lớp nhân dân về vấn đề đẳng cấp (4), Bà la môn giáo buộc phải có những thay đổi nhất định sao cho phù hợp với bối cảnh mới. Thay vì chỉ thờ thần độc nhất Brahma thì các thủ lĩnh chủ trương thờ thêm hai vị nữa là Vishnus và Shiva. Ba vị thần: Brahma - Shiva - Vishnus tượng trương cho quy luật mang tính vận động của vũ trụ là: Sáng tạo (Brahma), Hủy diệt (Shiva) và Bảo tồn (Vinus). Lúc này, “Đạo Bà la môn đã hoàn thành bước quá độ sang đạo Bà la môn mới hay còn gọi là Ấn Độ giáo, Hindu giáo” (5).

Từ việc thay đổi vai trò, vị trí và hệ thống thờ cúng thần linh, hệ thống giáo lý và kinh kệ cũng phải có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Kết quả là, ngoài thánh kinh Veda thì Upanidsad, sử thi Ramayana, sử thi Mahabrata cũng được coi là các thánh điển của tôn giáo này. Như vậy, Bà la môn giáo hay Hindu giáo (Ấn Độ giáo) thực chất là ba tên gọi để chỉ một tôn giáo mà đa số người dân Ấn Độ tin theo.

Do phù hợp với mỗi giai đoạn khác nhau tùy theo nhu cầu của đời sống thực tiễn nên Hindu giáo trở thành tôn giáo chính thống của người Ấn Độ trong suốt chiều dài lịch sử. Ấn Độ là quê hương của nhiều tôn giáo lớn, song tôn giáo lớn nhất và chiếm số đông các tín đồ là Hindu giáo. Đó không chỉ là tài sản văn hóa quý giá riêng đối với người Ấn Độ mà còn lan tỏa sâu rộng ra thế giới bên ngoài, bao gồm các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Nói như nhà nghiên cứu Cao Xuân Phổ: “Đóng góp quan trọng nhất của Ấn Độ giáo vào xã hội Đông Nam Á là đã giúp cho người bản địa thể chế hóa, quy tắc hóa các hoạt động văn hóa xã hội, chính trị của mình, đặc biệt về mặt tinh thần, tâm linh” (6).

Hindu giáo với những đặc tính ưu việt của mình đã mang lại cho nhân loại, trong đó có nhân dân Campuchia những nguồn tri thức quý báu.

Quá trình du nhập và phát triển của Hindu giáo ở Campuchia

Sự xuất hiện của Hindu giáo gắn liền với quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa Ấn Độ - Campuchia. Ở Campuchia, căn cứ vào huyền thoại cũng như tư liệu khảo cổ học và các văn tự trên bia ký thì Hindu giáo được du nhập khoảng TK I SCN. Đến TK VI, dưới thời vua Kaundydinya Javacnman (470-514) tôn giáo này phục hưng và phát triển, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Sau khi vua nước Phù Nam qua đời, các hoàng thân quốc thích chém giết lẫn nhau, tranh giành địa vị và quyền lợi làm cho vương triều mất ổn định trong thời gian dài. Mãi đến thời Jayavacman II (802-854), ông này mới lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành lại độc lập cho Chân Lạp, thoát khỏi sự chiếm đóng của người Java. Sau đó, Jayavacman II tiếp tục công việc bình định, chinh phục các vùng đất xung quanh và đánh lui cuộc tiến công xâm chiếm của quân Champa vào khoảng năm 809. Chưa hết, ông còn bền bỉ công việc tìm kiếm địa điểm xây dựng kinh đô. Jayavacman II cho mời tu sĩ Bà la môn tiến hành các nghi lễ cần thiết nhằm tuyên bố trong nhân dân về việc đăng quang ngôi báu của mình, cũng là sự chuẩn bị cho việc xây dựng một triều đại mới trong lịch sử - triều đại Angkor; đồng thời, lấy Hindu giáo làm quốc giáo (7).

Như vậy, với tư cách là vị vua đầu tiên mở ra một chương mới trong lịch sử huy hoàng của Campuchia, Jayavacman II đã chọn Hindu giáo làm hệ tư tưởng chính thống cho vương triều mình. Nhờ sự chọn lựa sáng suốt, kịp thời, đúng đắn đó, vị vua này không những đã củng cố, xây dựng, phát triển được vương quốc của mình trong một thời gian dài mà còn đạt được những thành tựu rực rỡ, lưu lại mãi muôn đời sau. Với hai lĩnh vực là văn học và nghệ thuật, dấu ấn của Hindu giáo thể hiện rất đậm nét.

2. Ảnh hưởng của Hindu giáo trong văn học

Cùng với văn hóa Ấn Độ và sự du nhập của Hindu giáo, những tác phẩm văn học cổ đại Ấn Độ như hệ thống truyện kể dân gian, những áng sử thi như Mahabharata Ramayana đã nhanh chóng thâm nhập vào quốc gia này, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong đời sống văn học Campuchia.

Trước hết, nói về sử thi Ramayana: Trong văn học Ấn Độ, Ramayana nghĩa là “Cuộc hành trình của chàng Rama” hay “Kỳ tích của chàng Rama”, tương truyền ra đời vào khoảng TK VI - V TCN, tác giả là đạo sĩ Vanlmikl. Tác phẩm kể về cuộc chiến giữa hai bộ tộc người Aryan và Đravidia; về mối tình giữa hoàng tử Rama và công chúa Sita… Qua đó, góp phần minh họa cho giáo lý cơ bản của Hindu giáo về Atman - Brahman (Tiểu Ngã - Đại Ngã), Karma - Samsara (Nghiệp báo - Luân hồi), Dharma - Moksha (Bổn phận - Giải thoát). Đối với mỗi người dân Ấn Độ, “bất cứ ai mà đọc câu chuyện cao quý này cùng những chiến công của Rama, người đó sẽ thoát ra khỏi vòng tội lỗi và sẽ cùng họ đạt tới hạnh phúc thần tiên” (8).

Ngoài việc minh họa cho giáo lý cơ bản của đạo Hindu, tác phẩm đã nêu bật được khát vọng chiến thắng cái ác, đem lại nguồn an ủi cho các tầng lớp nhân dân bị áp bức, do đó được nhân dân Campuchia rất ưa chuộng. Trong những thời kỳ văn học Campuchia phát triển lên đến đỉnh cao, người Khơ me đã vay mượn đề tài, cốt truyện của sử thi này, tái tạo lại thành văn phẩm bản địa hóa với tên gọi Riêm kê. Theo khảo sát của nhà nghiên cứu Vũ Tuyết Loan - Nguyễn Sỹ Tuấn thì khoảng TK VI, Riêm kê xuất hiện ở Campuchia (9). Đây là bản anh hùng ca kể về mối tình của cặp đôi trai tài, gái sắc là Riêm và Xê đa cũng như cuộc chiến của người anh hùng chống lại quỷ dữ. Dẫu các nhà nghiên cứu khi nói tới tác phẩm này đều nhấn mạnh tính bản địa hóa thì Hindu giáo vẫn để lại dấu ấn đậm nét trong kiệt tác Riêm kê. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thu Hà: “Giai đoạn Riêm kê hình thành cũng chính là giai đoạn hình thành nền văn hóa Khơme… Các vua Khơme muốn tự phong vương cho mình, trở thành đại diện cho dân tộc và cũng muốn tìm trong dân tộc một sức mạnh cho vương quyền của mình. Chính vì vậy, lúc này xã hội Campuchia cần những con người lý tưởng để làm khuôn mẫu cho toàn thể dân tộc. Đây chính là lý do khiến cho các nhân vật trong Ramayana được người Campuchia chú ý và mượn làm hình mẫu để tạo ra các nhân vật lý tưởng của thời đại và dân tộc mình” (10).

Bên cạnh Riêm kê chịu ảnh hưởng từ thánh kinh của Hindu giáo thì nhiều truyện kể dân gian của Campuchia trong giai đoạn này cũng mang dấu ấn của đạo Hindu. Qua khảo sát kho tàng truyện kể dân gian Campuchia, chúng tôi thấy có một số truyện sau:

Truyền thuyết Preah Thong: Truyện kể rằng thời xa xưa, vua Intapata có năm người con trai. Preah Thong là con cả lại thông minh, tài giỏi, đức độ hơn người nên vua cha có ý định nhường ngôi cho chàng, song bốn người em còn lại không đồng ý. Họ tìm cách đày chàng xuống phía Nam vùng Angkor. Do tình cờ, chàng được đưa xuống cung điện vua Rắn Neak và được tiếp đãi tử tế. Vào một đêm trăng đẹp, chàng gặp nàng công chúa Rắn có tên Soma (Soma là vị thần Mặt trăng trong Thần thoại Hindu giáo). Hai người bén duyên nhau, Preah Thong được vua Neak nhận làm phò mã. Họ kết hôn và một quốc gia mới được thành lập. Preah Thong trở thành vị vua đầu tiên của nước Campuchia. Sau khi vua băng hà, các đời vua tiếp theo đều có truyền thống kết hôn với nữ thần mặt trăng làm vợ (11).

Như vậy, trong huyền thoại lập quốc hay truyền thuyết về vị vua đầu tiên của Campuchia, đã có những mối liên hệ với nhân vật trong Kinh Veda. Trong hệ thống thần linh của đạo Hindu, Soma chính là Nữ thần Mặt trăng. Về mặt nguồn gốc, nữ thần ban đầu là loại cây của đất trời. Nước của loại cây này sau khi chưng cất tạo thành loại rượu cao quý dâng lên tế lễ các vị thần. Về sau, thần rượu Soma chuyển hóa và đồng nhất thành nữ thần Mặt Trăng, vị thần bảo trợ cho hạnh phúc của loài người. Trong Kinh Veda có tới 120 bài thơ để ca ngợi công đức nữ thần này (12).

Bên cạnh đó, Sự tích đền Angkor (13) cũng là truyện dân gian nhuốm sắc màu Hindu giáo. Truyện kể rằng: Indra (vị thần cai quản thượng giới trong Kinh Veda) đi lại với một người phụ nữ dưới trần gian, sinh hạ được một người con trai mang tên Preah Ket Mêlêna. Thần Indra định cho con trai về thượng giới sống với mình nhưng các thần linh không hài lòng vì theo quy tắc của linh giới, người phàm trần không được sống trên cao. Thần Indra đành đưa con trai trở về trần gian, cho chàng cai quản vương quốc giống như cung điện của các thần trên thượng giới. Nhờ sự trợ giúp của các thần linh, trong một đêm, Angkor Vat được xây xong và Preah Ket Mêlêna trở thành vị vua cai quản cung điện này. Về sau, Preah Ket Mêlêna được Khơme hóa dưới tên gọi Têvônđa, nghĩa là “ông vua thần thánh”, vị thần bảo trợ hạnh phúc cho người dân Khơme.

Trong giai đoạn tiền Veda, thần Indra được suy tôn là vị thần số một với 250 bài thơ ca ngợi ân đức, công năng và sức mạnh của Ngài (14).

Các truyện kể và truyền thuyết đều lặp lại mô tip kết hôn giữa người bản địa với người Bà la môn. Sự xuất hiện của hệ thống thần linh thuộc Hidu giáo trong truyện dân gian chứng tỏ dấu ấn của đạo Hindu trong truyện kể dân gian xứ sở này khá đậm nét. Nếu những vị thần trong Veda được miêu tả với nét phóng đại, tượng trưng thì khi sang Campuchia, đã được tái sinh trong dân gian, trở nên gần gũi với các tầng lớp nhân dân. Họ vẫn mang trong mình sức mạnh huyền bí nhưng rất đỗi thân quen với những người nông dân trồng lúa nước.

Truyện Ông vua dưa leo mang dấu ấn của đạo Hindu, xoay quanh mối quan hệ hôn nhân giữa người Ấn theo Hindu giáo với người Khơme bản địa, kể về lần gặp gỡ giữa một vị đạo sĩ nọ với cô thôn nữ tên Rén. Sau đó, vị đạo sĩ lên núi Bát Diện tiếp tục sự nghiệp tu hành, còn Rén sinh được cậu con trai tên Pu. Có lần, Pu lên núi, tình cờ được sự chỉ giáo của cha. Chàng ăn ở lương thiện rồi lập nghiệp bằng nghề trồng dưa. Một ngày nọ, sau vụ thu hoạch, chàng chọn giống dưa quý mang vào thành dâng vua. Vua lại đột ngột qua đời và dân chúng hoang mang vì đất nước không có người cai trị bèn làm lễ cầu thần Indra. Trong nghi thức cầu thần, thần dân mang ra một con Voi (trong Hindu giáo là nhân vật hầu hạ thần Shiva, có tên Ganesha). Con Voi dừng lại bên người nào, người đó được lên làm vua. Sau một hồi đi lại, Voi dùng vòi thiêng cõng Pu lên lưng. Người dân Khơme hiểu rằng, thần Indra đã chỉ định một ông vua mới cho họ (15).

Tóm lại, các vị thần Hindu giáo đi về trong các câu chuyện dân gian Campuchia như một sự kết nối giữa con người và thánh thần. Người dân làm nông nghiệp rất cần sự che chở của thần linh, mong được mùa màng tươi tốt, đời sống an lành, khỏe mạnh. Rõ ràng, đã có sự dung hợp và hòa trộn một cách nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng bản địa và tôn giáo bên ngoài trên đất nước của “xứ sở nụ cười”. Hơn nữa, thời kỳ Angkor là thời kỳ tín ngưỡng vua - thần (các vua thường đồng nhất mình với thần linh để tăng thêm quyền lực và thiêng hóa chế độ cai trị) phát triển nổi trội. Tín ngưỡng này có nguồn gốc từ đạo Hindu của Ấn Độ nên các truyện kể dân gian nhìn chung không thiếu bóng dáng của các vị thần trong Hindu giáo.

Kết luận

Hindu giáo từ Ấn Độ qua con đường truyền giáo và thương mại đã du nhập vào Campuchia, bén rễ ngày càng sâu sắc trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây suốt nhiều thế kỷ của triều đại Angkor. Sự tiếp xúc với nền văn hóa Ấn Độ đã tăng thêm nguồn cảm hứng sáng tạo của các nghệ sĩ nhân dân Campuchia trong lĩnh vực văn học. Dựa trên nền tảng và nguyên lý đặc sắc của Hindu giáo, người Khơme đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa của riêng mình. Sự tiếp thu một cách tài tình và sáng tạo của người dân bản địa trong quá trình đón nhận các luồng văn hóa từ bên ngoài cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và từ nền văn minh Angkor.

____________

1. Số liệu này trích dẫn theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo và đời sống công cộng, The Global Religious Landscape - Hinduism, A Report on the Size and Distribution of the World’s Major Religious Groups, (Bối cảnh tôn giáo toàn cầu - Đạo Hindu, Báo cáo về quy mô và sự phân bố của các nhóm tôn giáo lớn trên thế giới), Pew Research Foundation, cập nhật ngày 10-8-2020.

2. Huỳnh Kim Quang, Các tôn giáo lớn tại Ấn Độ, thuvienhoasen.org, cập nhật ngày 1-1-2012.

3. Stephanie Jamison & Joel Brereton, The Rigveda: the earliest religious poetry of India (Kinh Veda: tuyển tập thơ tôn giáo sớm nhất của Ấn Độ), Oxford University Press, 2014, tr.4.

4. Vấn đề lớn nhất của Hindu giáo tin vào chế độ đẳng cấp và được ghi chép đầy đủ trong luật Manu. Theo quy định này, Hindu giáo cho thành 4 đẳng cấp và sự phân chia này do thần Manu tạo ra từ các bộ phận trên cơ thể của Ngài. Từ đầu của Manu sinh ra con người ưu tú và thánh thiện nhất, thầy Bà la môn. Từ bàn tay Manu sinh ra người cai trị và kỵ sĩ, gọi là Ksatriya. Từ bắp đùi Manu sinh ra thợ thủ công, gọi là Vaisya. Và từ bàn chân Manu sinh ra loại người còn lại để phục vụ các lớp người trên, gọi là Sudra. Vấn đề đẳng cấp tồn tại trong Hindu giáo cho đến thời điểm hiện tại vẫn là vấn đề nóng hổi trên đất nước Ấn Độ.

5. Nhiều tác giả, Ấn Độ xưa và nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr.83.

6. Trương Sỹ Hùng (chủ biên), Mấy tín ngưỡng tôn giáo Đông Nam Á, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2003, tr.129.

7. Trương Sỹ Hùng, Tôn giáo và văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007, tr.28 - 31.

8. Lê Nguyên Cẩn (chủ biên), Tác gia tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường - Vanmiki, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006, tr.163.

9. Vũ Tuyết Loan - Nguyễn Sỹ Tuấn, Văn học Campuchia qua những chặng đường lịch sử, Nxb Khoa học Xã hội, 2000, Hà Nội, tr.35.

10. Đỗ Thu Hà, Vấn đề bản địa hóa Ramayana Ấn Độ, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2002, tr.166.

11. Ngô Văn Doanh, Truyện cổ Campuchia, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2014, tr.11 - 13.

12. Nguyễn Thừa Hỷ, Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1986, tr.105 - 106.

13. Ngô Văn Doanh, Truyện cổ Campuchia, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2014, tr.11 - 13.

14. Cao Huy Đỉnh, Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2004, tr.28.

15. Lê Hương, Truyện cổ Cao Miên, tập 1, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1962, tr.90 - 92.

Tác giả: Hà Đan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

;