Tái hiện tinh thần Điện Biên Phủ hào hùng bằng ngôn ngữ tạo hình

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã được ghi lại rất rõ nét qua những tư liệu hình ảnh, video. Tuy nhiên, có một chiến thắng Điện Biên Phủ được tái hiện lại với nhiều hình khối sinh động, sắc màu đa dạng trong Triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và các đại biểu tham quan triển lãm

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật

Triển lãm Mỹ thuật kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức từ ngày 3/5 đến hết ngày 9/5 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh. Triển lãm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người yêu nghệ thuật. Các tác phẩm được lựa chọn từ các bộ sưu tập như của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam,… và của nhiều tác giả gửi tác phẩm tham dự. 

Phát biểu trong buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: “70 năm đã trôi qua, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử to lớn. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một sự kiện trọng đại, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, góp phần quan trọng vào việc giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng cho tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc”. 

Nguyễn Hải Nghiêm, Con cúi rơm, Acrylic, 2023

Từ lịch sử bước vào nghệ thuật, chiến thắng vẻ vang ấy đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tạo của các nghệ sĩ. Để nối dài niềm tự hào dân tộc, 70 tác phẩm tác phẩm tranh, tượng trong triển lãm được khéo léo sắp xếp, như kể với công chúng câu chuyện về dặm dài lịch sử dựng nước và giữ nước, những thành tựu đổi mới của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, câu chuyện bằng ngôn ngữ tạo hình ấy tập trung kể sâu hơn vào hình tượng người lính góp sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ, tình yêu thương, đùm bọc của bà con vùng cao trong cuộc kháng chiến,… 

Vì nghiệp nước lên đường

Ai có người thân bước vào cuộc chiến, ai vì nợ nước mà lên đường trong thời điểm gian khó ấy, đâu chỉ mong muốn đất nước sớm hòa bình, mà còn mong chờ ngày đoàn tụ, sum vầy. Vì thế, bức tranh Hẹn ngày về của Đào Hoa Vinh như lời mở đầu cho triển lãm. Bức tranh mô tả lại bầu trời Hà Nội tờ mờ sáng như đang thúc giục những người chiến sĩ ngồi trên thuyền mau mau lên đường. Chàng trai đang âu yếm cô gái mình yêu cũng trong tư thế sẵn sàng xuất quân như các đồng đội của anh. Nhưng dường như, anh vẫn đang còn một lời cuối muốn nói với cô gái thì phải. Đó là Hẹn ngày về, một lời hứa mà chàng trai nói với người yêu trước lúc rời Thủ đô. Đồng thời, cũng là lời nhắn nhủ của cô gái dành cho chàng trai. Từ đằng xa, hiện lên cây cầu Long Biên sừng sững trong màn sương sớm. Cây cầu này là chứng nhân lịch sử cho cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Và giờ đây, chính nó lại chứng kiến và tiễn đưa lớp lớp những chàng trai ra mặt trận. 

Trần Thái, Sức mạnh người lính, Acrylic, 2024  

Mạch cảm xúc bồi hồi, xao xuyến ấy tiếp tục được nối dài qua tác phẩm Trước giờ lên đường của Nông Tiến Dũng. Hay biết tin người mình yêu sắp sửa rời thành đô lên vùng kháng chiến, cô gái trong trang phục truyền thống - áo dài bịn rịn bên chàng trai, không nỡ để anh rời xa cái ôm của mình. Bởi trong buổi gian nguy ấy, có ai nói trước được ngày mai lên đường liệu rằng sẽ có ngày trở về hay chăng. Giữa họ đâu phải chẳng biết nói gì, mà chỉ cần tựa vào nhau, cảm nhận hơi ấm là đủ để thấu hiểu tấm chân tình của đối phương. Quyến luyến là thế, nhưng vì non sông, chàng trai vẫn quyết chí lên đường. 

Đào Quốc Huy, Sức mạnh người lính, Sơn dầu, 2014

Bao trùm lên tình yêu đôi lứa là tình yêu nhân dân, đồng bào. Bởi những người chiến sĩ “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, như là căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là một người lính, và cũng là một người dân sống trong quê hương, đất nước, các anh bộ đội yêu lắm gia đình, dòng tộc, láng giềng, nơi mình sinh ra và lớn lên, kính trọng vô cùng cha ông, triệu triệu lớp người đi đã gây dựng nên non sông này. Chính tình yêu, lòng kính trọng đó đã vun đắp nên một nguồn năng lượng thần kỳ. Tuy không nhìn thấy, không chạm vào được, nhưng năng lượng ấy luôn sục sôi, thổi bùng lên tinh thần quật cường, ý chí chiến đấu, không quản hi sinh xương máu. Năng lượng ấy được Đào Quốc Huy đặt tên là Sức mạnh người lính, và được tái hiện lại trong tác phẩm cùng tên. Bức tranh vẽ đoàn chiến sĩ lên đường, nhưng trong số họ không ai quay đầu ngoái nhìn lại mẹ mình, vợ con mình đứng trông theo nơi quê nhà. Phải chăng, không ngoái đầu lại là đang giấu nhẹm đi giọt nước mắt chia ly. Hoặc tác giả có một dụng ý khác, không ngoái đầu lại không phải là không thương nhớ gì người thân của mình, mà điều đó thể hiện sự quyết tâm cao độ tiến về phía trước. Không ngoái đầu lại vì trong tim những người lính luôn mang theo hình bóng quê nhà. 

Nguyễn Phú Cường, Bác Hồ đi chiến dịch, Đồng, 2010

Sức mạnh người lính (tác phẩm của Trần Thái) lại được tiếp thêm bởi tình cảm nồng hậu từ bà con đồng bào vùng núi Tây Bắc. Trước lúc ra trận, bà con dành cho chiến sĩ cái ôm tuy vội vàng nhưng rất nồng hậu. Cái ôm ấy hài hòa với nền gang màu nóng của bức tranh, như tiếp thêm ước vọng hòa bình đang rực cháy trong mỗi người sống trong bối cảnh lúc bấy giờ. Trên đường ra trận (tác phẩm của Ngân Chài), cô em gái người dân tộc thiểu số đang muốn nói một lời tạ từ, cũng như lời cầu nguyện, lời chúc bình an cho các anh chiến sĩ. Đáp lại tình cảm nhiệt thành của bà con nơi đây, các anh quyết tâm hơn bao giờ hết để đem về cuộc sống thanh bình cho muôn nếp nhà. 

Sức mạnh của anh bộ đội Cụ Hồ

Con người trong tác phẩm Tuần tra biên giới 1 của Ngô Quang Nam thật nhỏ bé khi đứng giữa núi rừng Tây Bắc rộng lớn. Thế nhưng, nét độc đáo trong bức tranh là họa sĩ đã không mô tả chi tiết hơn về sự phong phú của thảm thực vật của nơi đây, mà lại để cho thiên nhiên hiện lên một cách nhạt nhòa. Bởi có lẽ, trước những người chiến sĩ hiên ngang, bất khuất, thiên nhiên cũng trở nên khiêm nhường. Từ đó, tôn thêm hình tượng người chiến sĩ Điện Biên hiên ngang, khuất phục được cả thiên nhiên rộng lớn. 

Nông Tiến Dũng, Trước giờ lên đường, Sơn dầu, 2023

Cũng trừu tượng như vậy, hình tượng những người chiến sĩ trong bức tranh Kéo pháo lên được Nguyễn Thế Hữu biểu đạt bằng những hình khối khoáng đạt, cứng cáp và có phần gai góc. Sự khỏe khoắn ấy trong tạo hình ấy như khẳng định sức bền bỉ, khả năng chống chọi lại với địa hình khó khăn, hiểm trở, và tinh thần quyết tâm kéo bằng được khẩu pháo lên chiến tuyến. Bố cục bức tranh sắp xếp các nhân vật cùng về một hướng, và lại hướng lên trên, tạo cảm giác cho người xem về sự đồng lòng, đồng sức, hướng tới một mục tiêu là đem lại hòa bình cho đất nước, cho dân tộc. 

Ngân Chài, Trên đường ra trận,Sơn dầu, 2020

Trong bức Mường Thanh 7/5/1954, Đoàn Văn Thân đã khắc họa nên trận đánh hào hùng cuối cùng quyết định sự thắng lợi của quân ta. Trong khung cảnh ấy, những người chiến sĩ tiến về làn mưa bom bão đạn phía trước mà không màng nguy hiểm. Thậm chí trong số các anh, có người trên mình vẫn còn mang đầy thương tích. Càng lao về phía trước, hình ảnh những người bộ đội lại càng được họa sĩ thể hiện phai mờ dần, chìm vào làn khói súng mịt mờ, xám xịt, rồi không còn hiện hữu. Dẫu ai cũng biết kết quả cuộc trận chiến ấy, tuy nhiên, nét vẽ của Đoàn Văn Thân lại khiến cho người xem băn khoăn, suy tưởng, liệu rằng những người chiến sĩ ấy làm nên thắng lợi năm đó liệu còn ai có thể trở về quê hương? 

Ngô Quang Nam, Tuần tra biên giới 2, Sơn dầu

Từ những tác phẩm đã chia sẻ ở trên, có thể thấy, “Triển lãm là dịp để công chúng yêu nghệ thuật ôn lại những bài học lịch sử giá trị của dân tộc; phát huy tinh thần yêu nước của các văn nghệ sĩ trong việc sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, đóng góp tài năng sáng tạo của mình trên mặt trận văn hóa, đồng thời qua đó, giáo dục thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết và phát huy tinh thần yêu nước”, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Nguyễn Thế Hữu, Kéo pháo vào, Acrylic, 2024

Đoàn Văn Thân, Mường Thanh7/5/1954, Sơn dầu, 2001

HƯƠNG THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024

;