Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giấy chứng nhận cho các tác giả đạt Huy chương Vàng
Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024 được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì tổ chức, với sự phối hợp của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Sở VHTT Hà Nội, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan, đơn vị hữu quan nhằm Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và các ngày lễ lớn của đất nước. Sự kiện được đánh giá là ngày hội lớn của các nhà nhiếp ảnh trên khắp đất nước Việt Nam. Lễ trao giải thưởng và khai mạc triển lãm tại Hà Nội diễn ra ngày 4/10/2024 tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử giám. Sau đó, triển lãm tiếp tục được tổ chức tại tòa nhà số 15 Lê Lợi, TP Huế (Thừa Thiên - Huế) từ ngày 25/10 đến 3/11.
Sân chơi mới cho nhiếp ảnh Việt Nam
Sau hơn 3 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được tổng số 9.500 tác phẩm (thể loại ảnh hiện thực 8.873 tác phẩm, thể loại ảnh ý tưởng 627 tác phẩm) của 1.373 tác giả thuộc 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi tới tham dự. Hội đồng Nghệ thuật do Bộ VHTTDL thành lập gồm các nhà nhiếp ảnh uy tín đã tiến hành chấm chọn nghiêm túc, công tâm, đã chọn được 250 tác phẩm (thể loại ảnh hiện thực 200 tác phẩm, thể loại ảnh ý tưởng 50 tác phẩm) của 194 tác giả để trưng bày triển lãm, trong đó có 33 tác phẩm xuất sắc được trao giải (27 giải thưởng thể loại ảnh hiện thực, 6 giải thưởng thể loại ảnh ý tưởng), gồm 3 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 15 Giải Khuyến khích; 1 tác phẩm được trao giải Tác phẩm xuất sắc về Huế.
Các cụ cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1, Dương Thị Anh (Hà Nội). Huy chương Bạc
Tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu: “Bộ VHTTDL mong muốn, thông qua Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024 khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm mới có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế; giúp cơ quan quản lý, ngành nhiếp ảnh có cái nhìn khái quát, đánh giá đúng thực trạng về giới nhiếp ảnh Việt Nam, những vấn đề về sáng tác ảnh trong thời gian vừa qua, từ đó tìm ra hướng phát triển cho nhiếp ảnh Việt Nam thời kỳ mới. Đây là những tác phẩm tâm huyết, là thành quả sáng tạo nghệ thuật của các tác giả trong 2 năm qua, phản ánh những cảm xúc cũng như nhận thức, suy nghĩ của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống. Ở thể loại ảnh hiện thực, hình ảnh đất nước Việt Nam trong quá trình phát triển, hội nhập hiện lên với những góc máy chân thực, sống động, phong phú. Ở thể loại ảnh ý tưởng, các tác giả đã có sự đầu tư, tìm tòi và thành công bước đầu trong lĩnh vực sáng tạo ảnh ý tưởng, góp phần làm phong phú thêm những sáng tác nhiếp ảnh phù hợp với xu hướng mới”.
Thứ trưởng hy vọng và mong muốn Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, sự tham gia của đông đảo nhiếp ảnh gia. Từ đó, góp phần quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam, góp phần tạo sự gắn kết, quan tâm của các nhiếp ảnh gia, người yêu nhiếp ảnh, công chúng trong và ngoài nước.
Giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Các tác phẩm trong triển lãm đã góp phần thể hiện hình ảnh đất nước Việt Nam đa sắc, giàu truyền thống, hiện đại. Phong cảnh mùa lúa chín vàng ở thung lũng làng Quỳnh Sơn (xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) được tác giả Doãn Tuấn Dương (Lạng Sơn) gói gọn trong một khung hình. Bức ảnh được chụp từ trên cao xuống, cho người xem có được cái nhìn bao quát nhất về sự trù phú, tốt tươi nơi thung lũng yên bình. Bức ảnh được đặt tên Mùa vàng đã giành được Huy chương Đồng. Tác giả chia sẻ, bức ảnh được anh chụp tại chính quê hương mình. Ở đây, một năm có 2 mùa lúa chín vào tháng 7 và cuối tháng 10. Anh mong muốn rằng, bức ảnh này sẽ lan tỏa vẻ đẹp của quê hương mình tới đông đảo công chúng, góp phần thu hút thêm nhiều du khách đến tham quan.
Hải Phòng những đêm không ngủ, Vũ Văn Lâm (Hải Phòng). Huy chương Vàng
Ghé thăm đồi A1 - là nơi diễn ra trận đánh mở màn ngày 31/3/1954, một trong những trận đánh quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ, tại thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), tác giả Dương Thị Anh (Hà Nội) đã bắt trọn được khoảnh khắc những cựu chiến sĩ năm nay đã ngoài 90 gặp nhau tại chiến trường xưa. Tại đây, họ dành cho nhau những cái ôm thắm thiết. Bức ảnh Các cụ cựu chiến binh Điện Biên năm xưa gặp nhau trên đồi A1 đã xuất sắc giành được Huy chương Bạc. Chị chia sẻ thêm, giây phút hội ngộ của những chiến sĩ năm xưa đã góp phần khắc họa nên truyền thống yêu nước được hun đúc từ ngàn đời xưa của dân tộc Việt Nam.
Cứu con với, Tăng Hùng Sơn (Sóc Trăng). Huy chương Đồng (Giải thưởng Thể loại Ý tưởng)
Mạch truyền thống lại được nối dài qua chuỗi các bức ảnh Tái hiện nghi thức đổi gác ở Kinh đô Huế của tác giả Lê Đình Hoàng (Thừa Thiên - Huế). Theo thông lệ, nghi thức này hiện được diễn ra vào 8 giờ sáng mỗi ngày ở đước cổng Ngọ Môn, thuộc quần thể di tích Cố đô Huế. Các bức ảnh được chụp ở nhiều góc: từ trên cao, từ chính giữa, nhằm mô tả một nghi thức được phục dựng rất hoành tráng, có quy mô. Anh chia sẻ, thông qua bức ảnh, mong muốn làm sống dậy di sản văn hóa gắn liền với một triều đại vàng son trên vùng đất Thần kinh. Tác phẩm của anh cũng giành được Huy chương Bạc.
Nét xẩm xưa (trong bộ ảnh 5 bức), Nguyễn Thị Lý Giang (Hà Nội). Huy chương Đồng
Hình ảnh về một Việt Nam hiện đại, bắt kịp với xu thế phát triển được khắc họa rõ nét qua các bức ảnh về những tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, những cây cầu vững chắc, nối liền đôi bờ ở Hải Phòng, Vĩnh Long,… Trong đó, phải kể đến bức ảnh Hải Phòng những đêm không ngủ của tác giả Vũ Văn Lâm (Hải Phòng). Được biết, cây cầu được chụp là cầu Hoàng Văn Thụ, bắc qua sông Cấm, nối liền phường Minh Khai (quận Hồng Bàng) với xã Tân Dương (huyện Thủy Nguyên). Bức ảnh mô tả Hải Phòng sáng rực trong màn đêm với những ánh đèn đô thị, và tấp nập, sôi động với dòng xe cộ lưu thông trên cầu và dưới chân cầu. Từ điểm nhìn là cây cầu, người xem được phóng tầm mắt ra xa hơn, trông ra ánh đèn được thắp sáng từ những cột đèn, cần cẩu, những tòa nhà. Có thể thấy được, sự huyên náo của thành phố cảng cứ thế kéo dài như không có điểm kết thúc. Bức ảnh đã giúp tác giả nhận được Huy chương Vàng trong cuộc thi năm nay.
ĐỨC DŨNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024