Điện ảnh Việt tiếp tục tỏa sáng trên đấu trường quốc tế

Tối 6/9/2024, bộ phim Mưa trên cánh bướm (Don’t Cry, Butterfly) của đạo diễn Dương Diệu Linh đã giành được 2 giải thưởng quan trọng nhất là Phim hay nhất (Iwonderfull Grand Prize) và Bộ phim sáng tạo nhất (Circolo del Cinema Verona) tại Tuần lễ Phê bình phim quốc tế (Settimana Internazionale della Critica) trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) quốc tế Venice 2024. Thành tích này không chỉ là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh mà còn là động lực cho các nhà làm phim trẻ tại Việt Nam hiện nay.

Poster Mưa trên cánh bướm

Tỏa sáng ở Venice

LHP Venice lần thứ 81 - một trong những sự kiện điện ảnh đáng chú ý nhất trong năm đã khép lại cùng sự lên ngôi của những tác phẩm điện ảnh chất lượng.  Là một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ LHP quốc tế Venice, Tuần lễ Phê bình phim quốc tế - International Critics’ Week (Settimana Internazionale della Critica) giới thiệu những tác phẩm đầu tay cũng như những tài năng mới của điện ảnh thế giới. Giải thưởng này được coi như bệ phóng cho nhiều đạo diễn tên tuổi trên thế giới trong hành trình đầu tiên của sự nghiệp. Cách đây 10 năm, bộ phim Việt Nam Ðập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp cũng từng dự tranh hạng mục này.

Năm nay, có 700 phim truyện đầu tay từ các đạo diễn trên khắp thế giới gửi đến tham dự Tuần lễ Phê bình phim quốc tế và 6 bộ phim đã được lựa chọn tham gia tranh giải. Bộ phim Việt Nam Mưa trên cánh bướm (Don’t Cry, Butterfly) của đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh được trao giải Circolo del Cinema Verona Award cho Bộ phim sáng tạo nhất, được chấm bởi hội đồng các nhà phê bình phim quốc tế dưới 35 tuổi.  và giải Iwonderfull Grand Prize cho Phim hay nhất. Ðây là giải thưởng quan trọng nhất tại hạng mục Tuần lễ Phê bình phim quốc tế, được trao tặng kèm phần thưởng 10.000 euro (hơn 270 triệu đồng). Ban giám khảo hạng mục Phim hay nhất đã khen ngợi “tính sáng tạo và độc đáo của phim, kết hợp giữa hài hước, bi kịch xã hội và yếu tố giả tưởng, đồng thời khắc họa những phức tạp trong mối quan hệ mẹ con”.  

Đạo diễn Dương Diệu Linh tại LHP Venice

Bộ phim Mưa trên cánh bướm dài 97 phút xoay quanh Tâm (Nghệ sĩ Tú Oanh thủ vai) - một người phụ nữ trung niên Hà Nội. Cuộc sống bình yên của Tâm bị đảo lộn hoàn toàn khi cô phát hiện chồng ngoại tình. Ðể chồng quay về tổ ấm, cô nhờ đến sự giúp đỡ của một thầy bùa online và hành động bùa phép kia vô tình đánh thức thế lực siêu nhiên kỳ lạ và đáng sợ không ngờ. Phim khám phá các chủ đề về tính nữ, mối quan hệ gia đình và truyền thống văn hóa, được kể qua ngôn ngữ điện ảnh hài hước, tâm lý và có yếu tố huyền ảo.  

 Ðược nhận định là có cách xây dựng câu chuyện mới mẻ và nỗ lực phá vỡ khuôn mẫu về phụ nữ, Mưa trên cánh bướm đã nhận được đánh giá tích cực từ nhiều trang điện ảnh quốc tế uy tín như IndieWire, Screendaily hay Cineuropa. Theo tờ IndieWire, “Mưa trên cánh bướm thật sự rất mê hoặc” “là câu chuyện nhuốm màu kinh dị và những ảo tưởng mộng mơ của phụ nữ... Dương Diệu Linh đã tạo nên nhiều hình ảnh khó quên trong bộ phim đầu tay, khiến cô trở thành một nhà làm phim tiếp nối thời kỳ bùng nổ của điện ảnh Việt Nam trên quốc tế, sau Bên trong vỏ kén vàng và một vài phim khác”. Còn trang tin Screen Daily đánh giá: “Sự pha trộn độc đáo giữa chủ nghĩa nữ quyền, văn hóa dân gian đã mang lại tính mới mẻ, hấp dẫn cho bộ phim”. 

 Trước đó, tại rạp Sala Perla vào chiều 3/9, Mưa trên cánh bướm đã có buổi ra mắt toàn cầu (World Premiere) trong khuôn khổ Tuần lễ Phê bình Quốc tế tại LHP Venice lần thứ 81. 

Diễn viên Lê Vũ Long thủ vai người chồng trong Mưa trên cánh bướm

Sau khi giành hai giải tại LHP Venice, Mưa trên cánh bướm sẽ tiếp tục chinh phục hai liên hoan phim uy tín khác là LHP Toronto và LHP quốc tế Busan. Phim sẽ có buổi công chiếu châu Á (Asia Premiere) tại LHP quốc tế Busan lần thứ 29 (BIFF) diễn ra từ ngày 2/10 đến ngày 11/10/2024, trong hạng mục “Cửa sổ điện ảnh châu Á”. Ðây là hạng mục tôn vinh tinh hoa của các bộ phim châu Á trong năm, đồng thời giới thiệu các phong cách và tầm nhìn đa dạng trong điện ảnh châu Á.

Mưa trên cánh bướm là một bộ phim hợp tác giữa Việt Nam, Singapore, Indonesia và Philippines với các nhà sản xuất Tan Si En (Momo Film Co), Wilfredo C. Manalang (FUSEE), Nguyễn Mai Ka (Kalei Films) và Yulia Evina Bhara (KawanKawan Media). Theo Deadline, đây là dự án hợp tác điện ảnh quy mô tầm cỡ khi quy tụ các nhà sản xuất tài năng đến từ nhiều quốc gia. Phim vừa được CJ CGV mua bản quyền để phát hành tại Việt Nam, thời gian ra rạp chưa được công bố. Trước đó, Công ty Barunson E&A của Hàn Quốc đã mua quyền phân phối toàn cầu cho bộ phim này.  

Và hành trình đầy nỗ lực của một nhà văn làm phim trẻ

Dương Diệu Linh sinh năm 1990, là một trong ba nhà làm phim trẻ có phim giành giải cao tại các liên hoan phim uy tín thế giới bước ra từ Dự án phim ngắn CJ. Cho đến nay, Dự án phim ngắn CJ mùa 1 đã có nhà làm phim thứ ba liên tiếp có phim dài đầu tay giành giải tại các LHP hàng đầu thế giới. Trước đó, đạo diễn Phạm Thiên Ân đã làm nên dấu mốc đáng nhớ đầu tiên tại Cannes năm 2023 và đạo diễn Phạm Ngọc Lân tại Berlin đầu 2024. 

Diễn viên trẻ Bùi Thạc Phong

Dương Diệu Linh bộc bạch: “Tôi rất biết ơn Dự án phim ngắn CJ, không chỉ bởi sự hỗ trợ về kinh phí mà còn vì nhờ bộ phim ngắn Ngọt, mặn tham gia Dự án phim ngắn CJ mùa 1 mà tôi mới được làm việc với diễn viên Tú Oanh, để cùng nhau đi tiếp đến với Mưa trên cánh bướm”. Cô cũng chia sẻ, ở Philippines hay Singapore năm nào cũng có tác phẩm phim ngắn dự thi tại các LHP quốc tế lớn. Một phần chính nhờ những quỹ hỗ trợ dành riêng cho phim ngắn, giúp các nhà làm phim có thể sản xuất phim ngắn liên tục. Việc có phim ngắn đi dự LHP quốc tế sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình xin đầu tư phim dài, thậm chí có thể nói đây là chiến dịch lâu dài giúp thúc đẩy nền điện ảnh độc lập. Dương Diệu Linh cho rằng, so với các nước, các nhà làm phim trẻ Việt Nam “hơi thiệt thòi vì không có nhiều quỹ hỗ trợ như vậy”.

 “Tôi bắt đầu có ý tưởng cho bộ phim này cách đây 10 năm, khi trở về Việt Nam thực hiện bộ phim ngắn đầu tiên của mình” - đạo diễn Dương Diệu Linh chia sẻ trên Deadline - “Ðó là một bộ phim ngắn về mối quan hệ giữa mẹ và con gái, trong đó người con gái có mối quan hệ với một người đàn ông đã có vợ. Người mẹ đã đến gặp một thầy bùa để thực hiện nghi lễ ‘cắt duyên’ cho mối quan hệ này. Ðó là một bộ phim ngắn mang tính thể nghiệm”.

Vào năm 2019, cô mới viết một trang giấy tóm tắt nội dung phim, nội dung khi đó cũng khác với kịch bản cuối cùng của phim. Sau đó, cô gặp một nhà sản xuất người Singapore, cả hai mất 3 - 4 năm để phát triển kịch bản và tìm nguồn vốn làm phim. Tới tháng 9 năm ngoái, phim mới được bấm máy và hoàn thành vào năm 2024. Chia sẻ về ý tưởng làm phim, Dương Diệu Linh cho rằng: “Phim là nỗ lực của tôi để phá vỡ hình ảnh khuôn mẫu về những người phụ nữ buồn bã và bất lực, thay vào đó thể hiện họ đầy sức sống và hài hước, với một chút chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và những giấc mơ”. Cô cũng bật mí, chính những người phụ nữ trong cuộc sống của cô, bao gồm mẹ, các dì và chị em họ, đã khơi dậy cảm hứng trong việc làm phim về phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trung niên.

Đạo diễn Dương Diệu Linh nhận hai giải thưởng tại LHP Venice

“Khi lớn lên, tôi đã xem rất nhiều phim Việt Nam và hầu hết đều mô tả những người phụ nữ dịu dàng, tận tụy chăm sóc gia đình, nhưng cuối cùng họ luôn bị lạm dụng, phản bội hoặc không được đàn ông đối xử tốt” - Dương Diệu Linh nói - “Khi làm phim ngắn, tôi cố gắng tìm câu trả lời cho việc tại sao phụ nữ lại phải chịu đựng nhiều như vậy”. Linh cũng nói rằng cô đặc biệt bị ảnh hưởng bởi phong cách cực đoan ở điện ảnh châu Á, với phim của các đạo diễn Nhật Bản như Shinya Tsukamoto, Kiyoshi Kurosawa, Sion Sono, cũng như các tác phẩm của các nhà làm phim Hàn Quốc Park Chan-wook và Kim Ki-duk. Cô cũng lấy cảm hứng từ các tác phẩm kinh dị của Andrzej Żuławski, David Cronenberg và John Carpenter.

 Khi mang Mưa trên cánh bướm đến với LHP Venice, Dương Diệu Linh chỉ hy vọng khán giả thế giới có thể đồng cảm với bộ phim. Ðiều khiến cô ngạc nhiên là khi chiếu Mưa trên cánh bướm ở Venice, có nhiều khán giả nói đây là lần đầu họ được xem một bộ phim đến từ Việt Nam.

 Chia sẻ về quan điểm làm nghề, Linh cho rằng nếu phim ngắn cho cô sự tự do, tập trung vào một thông điệp đơn giản thì phim dài lại cho phép khai thác các cung bậc phức tạp của nội tâm nhân vật và xây dựng thế giới quan một cách trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, yêu cầu về tính thống nhất chặt chẽ của kịch bản và tất cả các khâu trong quá trình sáng tạo cũng cao hơn. Linh yêu thích cả hai thể loại và hiện cô vẫn đang có sẵn một vài kịch bản phim ngắn, nếu có nhà đầu tư, cô sẽ bắt tay vào làm.

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 583, tháng 9-2024

;