Nguồn tư liệu vô giá về Hà Nội thời cận đại từ hồ sơ lưu trữ

Ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô, cuốn sách Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) (do Nxb Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành) được đánh giá là một phác thảo toàn diện về Hà Nội thời cận đại. Cuốn sách mang đến cho độc giả cái nhìn bao quát về sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong quá trình trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây, trở thành thủ phủ của liên bang Đông Dương thuộc Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Một chuyên khảo công phu về Hà Nội thời cận đại

Theo GS,NGND Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội), tác giả Đào Thị Diến từng bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp, vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học, nghiêm cẩn nên các công trình khảo luận, các bài viết của tác giả về Hà Nội có độ tin cậy cao. Ông cũng đánh giá: “TS Đào Thị Diến đã tìm cho mình một lối đi riêng qua việc đi sâu, làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử của Hà Nội qua cuốn sách Hà Nội thời cận đại - Từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945). Trong công trình này, tác giả đã khai thác trên bình diện rộng và phân tích theo chiều sâu các nguồn tài liệu lưu trữ thời Pháp thuộc, kể từ ngày đội quân viễn chinh tấn công kinh thành cho đến khi xác lập nền cai trị thực dân, biến Hà Nội trở thành thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Khung thời gian được mở đầu vào các năm 1873, 1882 với hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp và kết thúc vào năm 1945 - năm cuối cùng của chế độ thuộc địa”. 

Khai thác một cách cẩn trọng các nguồn tài liệu nguyên gốc có trong các kho lưu trữ từ Hà Nội đến Aix-en Provence, tác giả Đào Thị Diến đã phác họa nên hình hài của một thành phố được xây dựng và tổ chức theo hướng hiện đại so với thời đó qua ba giai đoạn: 1973-1888, 1889-1920 và 1921 - 1945. Nhờ vậy, người đọc ngày nay có thể hình dung được sự hình thành một thành phố của “xứ bảo hộ” dưới quyền cai trị của người Pháp: ranh giới thành phố được xác định, bộ máy quản lý thành phố được tổ chức và các quy chế quản trị được thực thi. Đó là những bước đầu cho việc xuất hiện một thành phố tân tiến với những dãy “phố Tây”, với mạng lưới tàu điện thuận tiện tỏa rộng và cây cầu đồ sộ vượt sông Hồng mang tên Toàn quyền Paul Doumer.

Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX

Lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại (mở đầu vào các năm 1873, 1882 và kết thúc vào năm 1945) có thể xem là một giai đoạn bản lề trong việc định hình nên diện mạo của thành phố này. Đó là giai đoạn mà Hà Nội đi qua những năm tháng cả hào hùng lẫn thương đau, bị tàn phá và được kiến thiết, ở đó những biến động lớn lao đã hằn in lên trang sử của Hà Nội một dấu ấn không thể phai mờ đến tận hôm nay. Gắn với quá trình xâm chiếm, cai trị và xây dựng của thực dân Pháp, đây là một giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với sự hình thành của thành phố Hà Nội ngày nay. Nhằm giúp độc giả có một hình dung vừa bao quát vừa cụ thể, cuốn sách của tác giả Đào Thị Diến đã xây dựng một hệ thống lớp lang gồm 40 bài viết về hầu khắp các phương diện của lịch sử Hà Nội thời kỳ này.

Ở cấu trúc trục dọc, tác giả phân chia giai đoạn này gồm hai quá trình lớn: bắt đầu với quá trình tấn công, chiếm đóng và phá hủy thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp (từ 1873 đến cuối thế kỷ 19). Nối tiếp là quá trình tái thiết, xây dựng thành phố Hà Nội của chính quyền thực dân (từ cuối thế kỷ 19 đến 1945). Việc phân chia theo trục thời gian tuyến tính này giúp làm nổi bật sự vận động cùng những đặc điểm, tính chất của Hà Nội thời kỳ lịch sử này, thấy được từng bước hình thành một thành phố của “xứ bảo hộ” dưới sự chiếm đóng, cai trị của người Pháp.

Trường Nữ Trung học Hà Nội (Collège des Jeunes Filles) ở phố Félix Faure (nay là Bộ Tư pháp ở 60 phố Trần Phú)

Ở cấu trúc chiều ngang, tác giả đưa ra một bức tranh toàn cảnh nhằm phản ánh quá trình biến đổi của Hà Nội diễn ra một cách đồng loạt ở tất cả các lĩnh vực, gồm: chính trị; địa giới và tổ chức hành chính; quy hoạch, xây dựng và mở rộng thành phố; văn hóa - xã hội; giao thông; giáo dục; bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử. Chính nhờ cách khai thác toàn diện như vậy mà cuốn sách đã tái hiện lại dáng dấp của một Hà Nội năm xưa, vừa qua hình ảnh bao quát vừa ở chi tiết cụ thể.

Bởi vậy, Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) vừa là một công trình chuyên khảo với phương pháp nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn, vừa có thể xem là một dẫn nhập rõ ràng, dễ hiểu cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về lịch sử Hà Nội thời cận đại.

Tiếp cận sự thực lịch sử qua hồ sơ lưu trữ

Một trong những phương pháp nghiên cứu có thể xem đã làm nên dấu ấn riêng của tác giả Đào Thị Diến là việc các công trình của bà bao giờ cũng khảo cứu và luận định lịch sử dựa trên các tài liệu lưu trữ. Tài liệu lưu trữ được xem là nguồn thông tin gốc, là những thực chứng lịch sử trong việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử Hà Nội nói riêng. Nhờ đó, cách tiếp cận lịch sử Hà Nội ở Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945) cũng như các cuốn sách khác của tác giả khá độc đáo, riêng biệt: lịch sử được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ - những tài liệu gốc. Cuốn sách được tuyển chọn từ các báo cáo khoa học và các bài viết về Hà Nội của tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí và trên trang web của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. 

Bưu thiếp du lịch chụp ga Hàng Cỏ của Pierre Dieulefils

Gắn bó sự nghiệp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, TS. Đào Thị Diến có điều kiện khai thác các tài liệu lưu trữ về Hà Nội. Bà cho rằng: “Lịch sử luôn cần có độ lùi thời gian cần thiết để chiêm nghiệm và đánh giá công bằng, xác thực về những sự kiện xảy ra trong quá khứ. Và khi đã có đủ độ lùi lịch sử thì việc đánh giá sự kiện lịch sử lại cần theo phương pháp tiếp cận thực chứng lịch sử. Tài liệu lưu trữ chính là nguồn thông tin gốc vô cùng quan trọng, là những thực chứng lịch sử trong việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử Hà Nội nói riêng, trong đó có các sự kiện xảy ra từ 1873 đến 1897, thời kỳ thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng và phá hủy để tiến tới mục đích chính là thôn tính Bắc Kỳ, thôn tính toàn bộ đất nước Việt Nam”.

Trong cuốn sách của mình, bà đã khai thác một lượng lớn tài liệu là các phông lưu trữ như Phông Đô đốc và Thống đốc Nam Kỳ (Fonds des Amiraux et des Gouverneurs), Phông Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (Fonds de la Direction des Archives et des Bibliothèques de l’Indochine) , Phông Tòa Đốc lý Hà Nội (Fonds de la Mairie de Hanoï), Phông Sở Giáo dục Bắc Kỳ (Fonds du Service de l’Enseignement au Tonkin),… Ngoài ra còn có các tạp chí được xuất bản thời Pháp thuộc như Công báo thành phố Hà Nội (Bulletin municipale de Hanoï), Công báo của các lực lượng viễn chinh Nam Kỳ (Bulletin officiel de l’expédition de Cochinchine), Việt Nam dân quốc Công báo,…

Các phông lưu trữ và tạp chí này cung cấp một lượng lớn các quy định, nghị định, thông báo, sơ đồ của chính quyền thực dân, các thư từ, ghi chép, báo cáo của các cá nhân là quan chức, tướng tá người Pháp trong quá trình xâm chiếm và cai trị Hà Nội. Chính vì là những tài liệu xác thực, ra đời tại thời điểm diễn ra các sự kiện lịch sử, cho nên các tài liệu này chứa đựng nhiều thông tin chính xác, khách quan, đa chiều, có giá trị vô cùng quan trọng trong việc truy cầu sự thực lịch sử, đánh giá các sự kiện và nhân vật lịch sử. Các tài liệu này được xem như những “nhân chứng sống” của lịch sử.

Với việc tận dụng và khai thác triệt để tài liệu lưu trữ về lịch sử Hà Nội thời kỳ cận đại, tác giả Đào Thị Diến đã tái hiện trong sách rất sinh động cuộc tấn công, đánh chiếm thành Hà Nội từ góc nhìn của kẻ xâm lược qua thư từ, báo cáo của các sĩ quan người Pháp như Coquerie, F. Garnier, H. Rivière,… Bên cạnh đó, độc giả cũng được biết tỉ mỉ quá trình chi tiết của việc quy hoạch địa giới hành chính, việc thành lập và đặt tên cho các đường, phố thông qua các nghị định của chính quyền. Những sự kiện vẫn còn ít được biết như cuộc đấu tranh quyết liệt của Hội Địa lý Hà Nội và Viện Viễn Đông Bác cổ trong việc bảo vệ cảnh quan hồ Tây qua các kiến nghị gửi lên Hội đồng thành phố cũng được vén màn lịch sử…

Hiểu biết của không ít người về lịch sử nói chung, lịch sử Hà Nội thời cận đại nói riêng, vốn tồn tại không ít những sai lệch. Nhưng bằng cách khai thác tài liệu lưu trữ, tác giả Đào Thị Diến có cơ hội tiếp cận các sự thực lịch sử thông qua các chứng cứ xác thực, khách quan, cung cấp những cứ liệu xác đáng để chúng ta hôm nay có cái nhìn đúng đắn hơn về lịch sử Hà Nội. 

Hành trình của tên phố Hà Nội theo tiến trình lịch sử

 Ngoài 40 bài viết, cuối sách còn có thêm phần phụ lục gồm “Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954” và “Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954”. Hai phụ lục rất hữu ích cho tra cứu lẫn những ai muốn tìm hiểu về sự đổi thay khá thú vị về tên đường phố Hà Nội theo những diễn tiến của lịch sử.

Phố Paul Bert thời Pháp thuộc - nay là phố Tràng Tiền

Đặc biệt, trong phần II, bạn đọc có thể tìm thấy tập hợp nhiều thông tin thú vị như: Ai mới là tác giả thực sự của cầu Long Biên; tàu điện, xe kéo tay ở Hà Nội thời Pháp thuộc; có bao nhiêu con phố ở Hà Nội từng mang tên đại thi hào Nguyễn Du. Hay thông tin từng có một con phố mang tên Victor Hugo ở Hà Nội; hành trình xây dựng tấm bia tưởng niệm cha Alexandre De Rohdes ở Hà Nội; Câu chuyện Trường Viễn Đông Bác Cổ với việc bảo vệ các di tích lịch sử ở Hà Nội; những điều ít biết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội như nơi đây từng được sử dụng làm nơi cách ly người bị dịch hạch; thực hư về quyết định lấp hồ Gươm năm 1925... Tất nhiên đây không phải là những thông tin hoàn toàn mới và “độc quyền”, trước đây độc giả có thể đã tìm thấy rải rác ở các nguồn khác nhau. 

Quá trình tìm kiếm lịch sử tên gọi của các con phố này không phải điều dễ dàng. TS Đào Thị Diến đã phải dựa vào rất nhiều bộ hồ sơ. Nhờ đó, bà đã phát hiện rằng năm 1891, Công ty Fontaine đã trúng thầu trong việc cung ứng biển tên phố và số nhà ở Hà Nội. Từ năm 1902, chính quyền thực dân ở thành phố bắt đầu tiến hành xếp hạng các con đường cũ, mới và quy định các tiêu chí để xét duyệt. Căn cứ vào đó, tên phố sẽ được đặt lại. Năm 1904, các con đường trong thành phố đã được xếp thành 5 hạng. Sau đó, vào năm 1905, bộ hồ sơ lập và đặt tên phố lần đầu được hình thành bởi thực dân Pháp. Những cái tên này được sử dụng trong 18 năm. Cho đến giai đoạn 1926-1943, một bộ hồ sơ mới lại cho thấy có thêm rất nhiều con phố của Hà Nội bị thực dân hóa. 

Sau năm 1945, quy hoạch thành phố Hà Nội bắt đầu từ việc đặt tên lại cho các con đường. Thay vì những tên gọi lai căng như Abbattoire, Chapuis... Hội đồng thành phố của nhân dân ta đã chỉnh sửa thành những cái tên mới. Chẳng hạn tên gọi Hàng Thiếc bị người Pháp đổi thành Ferblantiers đã được trả lại, Hàng Vải (Etoffes), Hàng Vôi (Chaux) cũng tương tự. Địa danh 36 phố phường dần sống lại.

Từ góc độ khai thác tài liệu lưu trữ, cuốn sách đem đến cho độc giả những hiểu biết mới về nguồn gốc của các công trình đang được bảo tồn ngày nay. Đồng thời, những nhà quy hoạch cũng sẽ tìm thấy những bài học từ các dự án quy hoạch đầu thế kỷ XX.

NGUYỄN THỊ HẰNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024

;