LTS: Tháng 9/1931, nhân dịp tham dự Đấu xảo Thuộc địa Quốc tế ở Paris với vai trò là người chịu trách nhiệm về mỹ thuật cho Khu trưng bày của Đông Dương, họa sĩ Victor Tardieu đã có một tham luận quan trọng tại “Hội nghị giáo dục liên thuộc địa và các vùng lãnh thổ hải ngoại”, trong đó ông đề cập khá chi tiết về hoàn cảnh ra đời, thời điểm thành lập và ngày khai giảng đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương (ngày 27/10/1924), chúng tôi xin công bố một phần bản tham luận của họa sĩ hiệu trưởng sáng lập Victor Tardieu với mong muốn đem đến cho độc giả một góc nhìn cận cảnh của người mở đường cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tên bài do người dịch đặt*.
Chân dung họa sĩ Victor Tardieu, khoảng 1890-1902. ©Atelier Nadar/BNF
[…] Kể từ ngày người Pháp đặt chân đến Đông Dương, ảnh hưởng của Trung Quốc ở xứ sở này ngày càng mờ nhạt. Người Việt sẵn sàng tiếp thu những thị hiếu, phương pháp cùng ý tưởng mới lạ của phương Tây trong mọi lĩnh vực, và do đó tất nhiên bao gồm cả những hình mẫu nghệ thuật ít nhiều có giá trị. Do thiếu một nền giáo dục nghệ thuật, lại mất phương hướng và không có niềm tin vào những bậc thầy tiền bối, người Việt không biết rằng khước từ truyền thống là sai lầm và do đó sẽ sớm dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Trong tình hình đó, vẫn có những người có khiếu thẩm mỹ và thiện chí tập hợp với nhau thành các hội đoàn, và bắt đầu hoạt động có hiệu quả: Hội những người bạn Huế xưa, Hội Mỹ thuật Thuộc địa ở Sài Gòn, Hội Ái hữu Nghệ thuật Pháp-Việt ở Hà Nội… Nhưng làm sao cải thiện được năng lực sáng tạo của những người nghệ nhân bản địa? […] Rõ ràng sự cách tân nghệ thuật Việt chỉ có thể đến từ một tầng lớp nghệ sĩ bản địa ưu tú có ảnh hưởng tích cực đến thị hiếu và sản phẩm của đồng bào mình.
Trang bìa ấn phẩm “Sự thích ứng về giáo dục tại các thuộc địa” (Kỷ yếu “Hội nghị liên thuộc địa về giáo dục tại các thuộc địa và vùng lãnh thổ hải ngoại”, Paris, 25-27 tháng 9/1931), Nxb Henri Didier, 1932 ©gallica
Việc thành lập một trường mỹ thuật là vô cùng cần thiết. Ý tưởng của những người sáng lập là tận dụng “Giải thưởng Đông Dương” - một giải thưởng đã tồn tại gần hai mươi năm, do Hội Nghệ sĩ Thuộc địa Pháp đề xướng. Giải thưởng này được trao vào cuối các kỳ triển lãm (Salon) hằng năm. Người đoạt giải được trợ cấp du hành với vé hạng nhất từ Paris sang Đông Dương và ngược lại và được miễn phí mọi phương tiện giao thông trong thời gian ở đó. Ngoài ra, khi đến Đông Dương, anh ta cũng được nhận một khoản một nghìn quan để chi tiêu. Người ta hy vọng rằng sau khi trở về từ Đông Dương các nghệ sĩ đoạt giải thưởng sẽ tuyên truyền cho xứ sở này và tôn vinh vẻ đẹp thuộc địa bằng những tác phẩm của họ.
Giải thưởng Đông Dương trong thực tế không được nhiều người quan tâm vì số tiền thưởng quá nhỏ; chỉ những ai giàu có, mà số này lại rất ít, mới dám mạo hiểm chi thêm một khoản khá lớn cho chuyến đi Đông Dương kéo dài vài tháng. Nói chung họ chỉ lưu lại Đông Dương trong thời gian rất ngắn, thậm chí có người chỉ ở đó đúng một tháng và quay về Pháp bằng chính chiếc tàu đã đưa họ sang.
Một phần trang đầu “Báo cáo về giáo dục nghệ thuật ở Đông Dương” của Victor Tardieu, Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương, đăng trong ấn phẩm “Sự thích ứng về giáo dục tại các thuộc địa” (Kỷ yếu “Hội nghị liên thuộc địa về giáo dục tại các thuộc địa và vùng lãnh thổ hải ngoại”, Paris, 25-27 tháng 9/1931), Nxb Henri Didier, 1932 ©gallica
Người đoạt Giải thưởng Đông Dương năm 1920, (họa sĩ Victor Tardieu - ND), sau khi đặt chân đến Bắc Kỳ đã ký được với Chính quyền một hợp đồng trang trí công trình Đại học Đông Dương sắp xây dựng. Do có sự thay đổi kiến trúc sư và các bản thiết kế, công trình chậm hoàn thiện, và họa sĩ cũng phải kéo dài thời gian lưu trú. Có cơ hội làm việc với một số nghệ sĩ bản xứ trẻ tuổi, ông rất ấn tượng với phẩm chất nghệ thuật của dân tộc này, đồng thời, khi có cơ hội nghiên cứu kỹ lưỡng về nền nghệ thuật bản địa, ông nhanh chóng hiểu ra nguyên nhân dẫn đến sự suy vi của nền nghệ thuật Việt lúc đó. Ông đã đề xuất với Toàn quyền Merlin, và được thông qua, đề án thành lập một ngôi trường đào tạo các giáo viên có đủ năng lực kích thích sự hồi sinh của nghệ thuật xứ này. Và Trường Mỹ thuật Đông Dương đã được thành lập theo Nghị định ngày 27/10/1924.
Thiết chế của ngôi trường có một đặc điểm độc đáo là sẽ tuyển dụng những người đoạt Giải thưởng Đông Dương làm giảng viên. Muốn vậy, người sáng lập Trường đã đưa ra sáng kiến cải tổ giải thưởng theo những nguyên tắc mới. Giải thưởng vẫn được trao vào cuối các kỳ salon hằng năm. Hội đồng giám khảo gồm ba ủy viên thuộc Viện [Hàn lâm Nghệ thuật] Pháp, ba ủy viên thuộc các hội nghệ thuật lớn của Pháp là Hội Nghệ sĩ Pháp, Hội Mỹ thuật Quốc gia, Hiệp hội Salon Mùa Thu và một đại diện đến từ Hội Nghệ sĩ Thuộc địa Pháp. Lợi ích gắn liền với giải thưởng này rất lớn, nên giờ đây có rất nhiều người muốn tham dự. Uy tín của ban giám khảo cũng đảm bảo giá trị cho các nghệ sĩ đoạt giải.
Mẫu bằng chứng nhận “Công trái Đông Dương 1922” do họa sĩ Victor Tardieu thiết kế, Nhà in Viễn Đông, Hà Nội - Hải Phòng, 1922 ©Đỗ-Viết-Tuấn
Từ nay trở đi, giải thưởng sẽ chu cấp cho người đoạt giải hai năm lưu trú tại Đông Dương với mức trợ cấp mỗi tháng 500 đồng (piastre), tương đương với 5.000 quan (franc). Trong năm đầu tiên, ông ta có thể tự do đi khắp Đông Dương bằng các phương tiện hạng nhất miễn phí. Năm thứ hai, ông ta phải ở lại Hà Nội, sống trong một biệt thự nhỏ trong Trường Mỹ thuật, gồm có một xưởng vẽ lớn và một căn hộ tiện nghi, hiện đại. Ở đó, ông ta sẽ dạy vẽ và dạy sáng tác cho sinh viên của ba năm đầu thuộc bộ môn Hội họa. Giống như các giảng viên cao đẳng/đại học, ông ta chỉ phải dạy 14 giờ mỗi tuần; và vì giờ học hằng ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng nên giảng viên sẽ rảnh từ 9 giờ 25. Với thời gian còn lại trong ngày, ông ta có thể sáng tác trong khung cảnh đẹp như tranh của Hà Nội, hoặc tập hợp các nghiên cứu và phác thảo từ các chuyến khảo sát và chuẩn bị cho cuộc triển lãm báo cáo khi trở về chính quốc.
Người may mắn đoạt giải, sau hai năm sống trong môi trường khác biệt với cuộc sống ở Pháp, có thời gian tiếp xúc lâu dài với nghệ thuật vùng Viễn Đông và làm quen với những kỹ thuật độc đáo, vốn liếng nghệ thuật của ông ta gia tăng và tầm nhìn cũng mở rộng hơn. Như thế thì mục tiêu quảng bá chắc chắn đạt được. Trải qua hai năm ở một xứ sở tráng lệ, phần lớn đã bị xói mòn bởi nhiều nguyên nhân, người đoạt giải thưởng Đông Dương không có mối quan tâm nào khác ngoài việc lưu giữ những kỷ niệm tươi đẹp và thể hiện vào tác phẩm một cách hùng hồn.
Một số phác thảo của Victor Tardieu trưng bày tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, khoảng 1930 ©Lưu trữ Hải ngoại Pháp
Mặt khác, nhờ giải thưởng này, sinh viên bản xứ được học với những người thầy ưu tú đến từ nước Pháp, và trong suốt ba năm đầu tiên, các em được hưởng lợi rất nhiều vì được những nghệ sĩ có khuynh hướng khác nhau kèm cặp. Nhờ thế, sinh viên có thể tìm ra hướng đi thích hợp với mình một cách tốt hơn.
Giải thưởng Đông Dương được cải tổ đồng nghĩa với việc có sự thay đổi cơ cấu giảng dạy ở Trường Mỹ thuật Đông Dương ít nhiều, đáp ứng tốt cho sự thâm nhập lẫn nhau giữa tư tưởng phương Đông và tư tưởng phương Tây vốn được các nhà thẩm mỹ và triết học hiện đại ấp ủ. Các nghệ sĩ Pháp được định kỳ tiếp xúc với vùng Viễn Đông, nơi lưu giữ rất nhiều bài học quý giá cho họ, đồng thời các nghệ sĩ Viễn Đông có cơ hội làm quen với nghệ thuật phương Tây, khơi gợi và phát huy tinh thần tự do biểu đạt phù hợp với cảm xúc và truyền thống cùng những quan niệm nghệ thuật của cá nhân.
Ngôi trường này đào tạo nên những nghệ sĩ tài ba, nhưng không phải với mục đích duy nhất là giúp họ tạo ra những tác phẩm đẹp đẽ, có khả năng dẫn đến một phong trào phục hưng. Hành động của họ phải trực tiếp hơn; những nghệ sĩ [tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương] phải cống hiến hết mình cho sứ mệnh cao cả là Giáo dục. […] Thông qua sứ mệnh giảng dạy của họ ở các cơ sở khác nhau, qua các khóa học buổi tối dành cho các nghệ nhân đã trông đợi họ từ lâu (các khóa học đó cần thiết lập ngay khi chúng ta có đủ đội ngũ giáo viên), những nghệ sĩ này sẽ nhanh chóng tham gia vào hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ bản địa.
Ngụ ngôn tuổi thơ. Sơn dầu (Tác phẩm thuộc bộ tranh ba tấm Năm tháng cuộc đời đã đoạt Giải thưởng Đông Dương, 1920) ©Hôtel de Ville de Montrouge, Pháp
[…] Trường Mỹ thuật Đông Dương khai giảng vào ngày mùng 1 tháng 11 năm 1925. Mục tiêu chính của nhà trường là bằng giáo dục [nghệ thuật] giúp người Việt tìm lại ý nghĩa sâu xa cùng nguồn cảm hứng cơ bản về truyền thống của chính mình. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi đã thu thập và giới thiệu cho sinh viên càng nhiều ví dụ điển hình của nghệ thuật Việt từ thời xa xưa càng tốt, đồng thời liên tục cho các em tham khảo những tác phẩm lớn của nghệ thuật Trung Hoa vốn là [một trong những] khởi nguồn trực tiếp của nghệ thuật Việt. Tuy nhiên, để có được sự phục hưng thực sự chứ không chỉ đơn thuần bắt chước quá khứ, thì kiến thức về truyền thống không thể là nỗi ám ảnh độc đoán và xơ cứng, mà nên làm nền tảng cho công việc. Nhờ xác định rõ và kiên trì đường lối đó thì ắt nghệ thuật sẽ được canh tân.
Đây là lý do vì sao việc giảng dạy tại Trường [Mỹ thuật ở] Hà Nội vừa mang lại cho những nghệ sĩ trẻ người Việt cách nhìn và suy nghĩ mang bản sắc dân tộc - mà nếu xa rời nó thì họ sẽ chỉ như những kẻ lang thang vô ích - và mặt khác, mang đến cho họ một nền văn hóa nghệ thuật rộng lớn và chiết trung, có khả năng phát triển trong họ trí tưởng tượng và gu thẩm mỹ mới. Tựu trung, mục tiêu của chúng tôi nằm gọn trong công thức sau: tăng cường phẩm chất hiện đại trong khi phát huy nghệ thuật truyền thống.
Là một bộ phận của Viện Đại học Hà Nội, Trường Mỹ thuật Đông Dương gồm hai ban: ban Vẽ, Hội họa và Điêu khắc; và ban Kiến trúc. Thời gian học của hai ban đều là 5 năm, với một hoặc hai năm dự bị trước đó. […] Hằng năm, kỳ thi tuyển sinh cho mỗi ban sẽ diễn ra vào tháng 8 đồng thời ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnom Penh và Viêng Chăn. Số lượng thí sinh của mỗi ban là hơn một trăm người. Mười sinh viên được nhận vào năm đầu tiên; mười sáu người được nhận vào lớp dự bị, trong đó một số người sẽ thi kiến trúc; sau một năm học dự bị, tám người đã được tuyển chọn để trở thành sinh viên ban kiến trúc.
Sau 5 năm học tập, sinh viên không phải lo lắng về vật chất - bởi hầu hết các em đều có học bổng - mà chỉ đắm mình vào nghệ thuật, thật dễ hiểu rằng quá trình đào tạo của họ sẽ hoàn tất. Có một nền giáo dục nghệ thuật vững chắc, và nói chung được trang bị nền tảng kiến thức [văn hóa] về hầu như ngang bằng với các nghệ sĩ trẻ châu Âu, những sinh viên tốt nghiệp [Trường Mỹ thuật Đông Dương] có khả năng tiếp nối truyền thống, vượt xa tiền nhân, sáng tạo nên những tác phẩm xứng tầm với sự nghiệp canh tân nghệ thuật nước nhà.
___________________
* Nguồn: L’Adaption de l’enseignement dans les colonies, Rapport et Compte-Rendu du Congrès intercolonial de l’enseignement dans les colonies et les pays d’outre-mer, 25-27 Septembre 1931, Préface de M. Paul Crouzet, Henri Didier Libraire-Éditeur, Paris, 1932.
VICTOR TARDIEU
ANDREA TRẦN & PHẠM LONG, sưu tầm và dịch
Nguồn: Tạp chí VHNT số 586, tháng 10-2024