Dưới đây là phần 2 bài viết của nhà báo Liz Shackleton được đăng trên tờ Deadline với những nhận định của tác giả về thị trường điện ảnh Việt Nam. Bài 1 là đánh giá về những yếu tố tăng trưởng của thị trường phim nội địa, thị hiếu khán giả. Bài 2 sẽ là nhìn nhận những thách thức đặt ra trong việc phát triển thị trường của điện ảnh Việt Nam và nỗ lực vươn ra thị trường thế giới.
Nhà báo Liz Shackleton
Nền công nghiệp vẫn còn sơ khai
Mặc dù rõ ràng nền điện ảnh Việt Nam rất tham vọng, nhưng các nhà sản xuất và nhà làm phim đều đồng ý rằng ngành Điện ảnh Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu, các nhà đầu tư vẫn thận trọng rót tiền sau đại dịch và nguồn nhân tài không đủ đáp ứng hết nhu cầu của khán giả.
Bà Hằng Trịnh, nhà sáng lập hai công ty sản xuất và phân phối phim Silver Moonlight và Skyline Media, cho biết: “Khi bắt đầu một dự án mới, chúng tôi không có nhiều lựa chọn giữa dàn diễn viên và đoàn làm phim để khiến bộ phim có cảm giác mới mẻ và khác biệt. Hiện nay, đào tạo là vấn đề then chốt, chúng tôi luôn muốn có nhiều nhân tài hơn để lựa chọn và thị trường có thể thực sự phát triển.”
Đạo diễn Phạm Thiên Ân nhận giải thưởng tại LHP Cannes cho phim Bên trong vỏ kén vàng
Ông Nguyễn Hoàng Hải, cũng là người đứng đầu công ty sản xuất V Pictures đồng tình: “Trước đại dịch, Việt Nam sản xuất khoảng 40-45 phim mỗi năm, nhưng giờ chỉ còn dưới 30 vì nhiều nhà đầu tư ngoài ngành Điện ảnh và các doanh nghiệp của họ hiện đang đang gặp khó khăn về tài chính.”
Tuy vậy, ông Hải vẫn lạc quan về tiềm năng phát triển lâu dài của thị trường và cho rằng doanh thu hàng năm có thể đạt 200 triệu USD trong vài năm tới. Trong khi đó, V Pictures cũng đang huy động vốn cho dự án phim mới, còn CGV đang hỗ trợ các tài năng mới bằng chương trình tài trợ các bộ phim ngắn. Phạm Thiên Ân, đạo diễn đoạt giải Camera d’Or Cannes với tác phẩm Bên trong vỏ kén vàng, là một trong những nhà làm phim bắt đầu sự nghiệp bằng việc thực hiện một bộ phim ngắn do CGV hậu thuẫn.
Không giống như các thị trường Đông Nam Á khác, Việt Nam không phải là thị trường được các nhà phát hành toàn cầu nhắm tới, ngay cả trước khi quy mô sản xuất phim nội giảm dần như hiện nay. Netflix đã quay bộ phim Anh ngữ do Mỹ sản xuất, A Tourist's Guide to Love (Hành trình tình yêu của một du khách), tại Việt Nam và mua lại một lượng kha khá phim và phim truyền hình Việt Nam (ngoài Tết ở làng Địa Ngục, Netflix gần đây đã mua lại loạt chương trình truyền hình thực tế Hành trình kỳ thú của BHD). Nhưng chưa có nhà phát hành trực tuyến nào mạo hiểm rót vốn vào phim nội địa Việt.
Đạo diễn Trấn Thành tham dự buổi ra mắt phim Mai tại bang California, Mỹ vào tháng 3/2024
Vẫn còn đó rào cản với dòng vốn đầu tư nước ngoài đến với điện ảnh Việt, bao gồm cả khâu kiểm duyệt. Ngoài ra còn quy định các công ty nước ngoài muốn thành lập phải có đối tác lớn ở Việt Nam, hay thiếu các quy định về thuế và các biện pháp khuyến khích sản xuất phim.
Tuy vậy, các nhà sản xuất phim Việt cũng cho biết cơ quan quản lý đã có nhiều nỗ lực trong việc nắm bắt nguyện vọng của họ và có nhiều quyết sách nhằm tháo gỡ các khúc mắc cản trở sự phát triển thị trường. Theo Luật Điện ảnh có hiệu lực từ tháng 1/2023, hệ thống phân loại phim đã được cập nhật, giúp việc xếp loại phim trở nên minh bạch và dễ dàng áp dụng hơn, đồng thời các công ty tư nhân giờ đây đã được phép tổ chức các liên hoan phim. Bởi vậy mà bên cạnh Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội và Liên hoan phim Việt Nam, mới đây đã có thêm một liên hoan phim nữa ra đời: Liên hoan phim Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIFF) diễn ra từ ngày 6 /4 đến 13/4/2024.
Nhà sáng lập đồng thời là Tổng Giám đốc công ty BHD Ngô Thị Bích Hạnh chia sẻ: “Ngành của chúng tôi đã trải qua thời kỳ khó khăn trong thời kỳ đại dịch, nhưng chúng tôi vẫn còn nhiều câu chuyện để kể và không thiếu các cơ hội. Chúng tôi đã đạt đến điểm bùng phát mà chúng tôi có thể thực sự làm được một điều gì đó khác biệt nếu tất cả chúng tôi đồng thuận cùng nhau và nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý.”
Lấn sang thị trường Bắc Mỹ và vươn xa hơn nữa
Năm 2023 là một năm đầy tự hào của các nhà làm phim Việt tại các liên hoan phim quốc tế với nhiều giải thưởng. Có thể kể đến Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân và bộ phim Pháp ngữ Muôn vị nhân gian đã giúp đạo diễn Trần Anh Hùng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023. Cùng với việc được biết đến rộng rãi qua các liên hoan phim quốc tế, phim Việt cũng đang bắt đầu mở rộng các kênh phân phối chính thống, đặc biệt là ở thị trường Mỹ.
Đạo diễn Trần Anh Hùng nhận giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 với bộ phim Muôn vị nhân gian
Đạo diễn Phạm Thiên Ân - cũng là nhà sáng lập Hãng phát hành 3388 Films tại Mỹ cho biết, ba năm trước, mỗi năm chỉ có một bộ phim Việt được phát hành tại vài địa điểm nhỏ lẻ ở Mỹ. Song, Bố già của Trấn Thành ra rạp năm 2021 đã đạt được những thành tựu nhất định tại thị trường này. Tiếp nối thành công đó, quy mô và số lượng phát hành đã tăng lên chóng mặt. Mới đây, Hãng phát hành 3388 cũng vừa phát hành bộ phim Mai tại thị trường Mỹ. Ông chia sẻ: “Vào năm 2023, chúng tôi có ít nhất sáu phim Việt Nam tại các rạp ở Bắc Mỹ, nhiều phim trong số đó được chiếu ở 40-70 địa điểm,” đồng thời nhận định rằng những bộ phim này đang tiếp cận “một phân khúc khán giả hoàn toàn mới mà trước đây chưa bao giờ bước chân vào một rạp chiếu phim nào.”
3388 Films vốn nhắm tới thị trường cộng đồng người Việt truyền thống, song, họ cũng đã bắt đầu mở rộng sang các tiểu bang như Kansas, Ohio và North Carolina, “Những bang này chưa từng chiếu phim Việt Nam trước đây, nhưng chúng tôi cảm thấy có rất nhiều tiềm năng thị trường dựa trên nghiên cứu của chúng tôi và kinh nghiệm thực tế” - Ông Ân lạc quan.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ở Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm các phim remake và hợp tác sản xuất như một phương pháp tiếp cận thị trường quốc tế. Ông Justin Kim của CJ đang tìm kiếm cơ hội làm phim remake, lấy ví dụ về bộ phim kinh dị Satan’s Slaves (Nô lệ của quỷ) của Indonesia, đang chuẩn bị được chuyển thể sang tiếng Anh: “Phim Việt Nam cũng có thể đi theo con đường này trong tương lai và CJ, với mạng lưới quốc tế, có thể hiện thực hóa tham vọng đó.”
Đoàn làm phim Bên trong vỏ kén vàng đến từ Việt Nam và các nhà sản xuất Singapore, Pháp, Tây Ban Nha
Nhà sản xuất Hằng Trịnh cùng Skyline cũng đang thực hiện một loạt phim hợp tác sản xuất với các nước Mỹ, Hàn Quốc và Mông Cổ. Bà cho biết: “Mối lo ngại chính của chúng tôi là các thị trường khác chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, nhưng chúng tôi tin rằng nếu kiểm soát chi phí và có chiến lược quảng bá và tiếp cận phù hợp, chúng tôi có thể tiếp cận nhiều thị trường quốc tế hơn”.
Skyline là một trong hai nhà phát hành của Việt Nam cùng với Công ty Truyền thông BHD thường xuyên thâm nhập thị trường quốc tế. Nhưng không giống như các quốc gia Đông Nam Á khác bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia, các nhà phát hành Việt Nam hiện không nhận được sự hỗ trợ của chính phủ cho việc quảng bá ở nước ngoài. Các nhà sản xuất phim Việt Nam đang hy vọng rằng trong giai đoạn chính phủ đang tiếp thu những ý tưởng và thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, đây là một trong những vấn đề sẽ được quan tâm giải quyết.
(Tiếp theo số 568 và hết)
(Dịch từ bài viết gốc của tác giả Liz Shackleton được đăng trên tờ Deadline ngày 23/2/2024)
HÀ VŨ KHOA BẢO dịch
Nguồn: Tạp chí VHNT số 571, tháng 5-2024