Điện Biên là tỉnh miền núi ở Tây Bắc nước ta, có diện tích tự nhiên hơn 9.500km2, dân số hơn 630.000 người, gồm 19 dân tộc anh em cùng chung sống từ bao đời, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80% số dân. Điện Biên có một nền văn hóa bản địa đậm đà, giàu bản sắc, giàu truyền thống cách mạng; có quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ; có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch một cách bền vững.
Văn hóa bản địa đậm đà, giàu bản sắc…
Theo một số liệu thống kê ở thời điểm cuối năm 2023, tỉnh Điện Biên có rất nhiều lễ hội truyền thống. Tiêu biểu trong số đó, có thể kể đến: lễ hội thuyền đuôi én (huyện Mường Lau); Tết Nào Pê Chầu (dân tộc Mông); lễ hội cầu mùa (dân tộc Khơ Mú); lễ cầu mưa (dân tộc Cống); lễ hội Klăng khùa và Zùsu (dân tộc Mông); lễ Xé pang ả (dân tộc Kháng); lễ Cúng bản tại di tích tháp Mường Luân, xã Mường Luân (huyện Điện Biên); lễ hội thành Bản Phủ (huyện Mường Ảng); lễ hội trên quê hương anh hùng Vừ A Dính ở Pú Nhung (huyện Tuần Giáo); lễ hội nhảy lửa (dân tộc Dao); lễ hội xuân Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ); lễ hội Xên bản - bản U Va, Co Mỵ, Noong Bua và lễ hội Xên phắn bẻ (huyện Điện Biên); lễ hội hoa ban (thành phố Điện Biên Phủ)… Ngoài ra, tỉnh Điện Biên còn có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: nghệ thuật Xòe Thái, thực hành tín ngưỡng Then của người Tày - Nùng - Thái vùng Tây Bắc Việt Nam… cùng 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: lễ hội đền Hoàng Công Chất (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên); lễ Kin Pang Then của người Thái (tại bản Na Nát, phường Nay Lay, thị xã Mường Lay); Tết Nào Pê Chầu tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà; lễ hội Mền Loóng Phạt Ái (Tết hoa mào gà) của bà con dân tộc Cống; lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của bà con dân tộc Hà Nhì; lễ Tủ cải (Lễ đặt tên âm - tên thứ hai cho người con trai đã trưởng thành) của người Dao Quần Chẹt (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa)…
Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến một không gian văn hóa vô cùng hấp dẫn của Điện Biên, không thể tìm thấy ở các tỉnh, thành miền xuôi: môi trường địa lý tự nhiên gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con 19 dân tộc. Nơi đây, địa hình được cấu tạo bởi những dãy núi chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam có độ cao từ 200m đến 1.800m, thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng dần từ Tây sang Đông. Cao nhất là đỉnh Pu Đen Đinh (1.886m) ở phía Bắc; phía Tây có dãy điểm cao Mường Phăng kéo xuống huyện Tuần Giáo. Xen lẫn hệ thống núi cao là các thung lung, sông suối nhỏ hẹp, dốc… Trong đó, thung lũng Mường Thanh rộng hơn 150km2, là cánh đồng lớn và nổi tiếng nhất vùng Tây Bắc (Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc). Điện Biên cũng không thiếu những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ, nên thơ cùng hệ thống mương - phai - lái - lín (hệ thống tưới tiêu đã trở thành thương hiệu của người Thái và các dân tộc vùng Tây Bắc); nhiều bản làng nằm ở thung lũng ven núi, những mái nhà sàn cao ráo, thoáng mát nổi tiếng với các “khau cút” (biểu tượng trên nóc nhà đầu hồi cửa chính của người Thái). Không khác vùng đất “nguồn cội” trên hành trình thiên di về phương Nam là Hà Giang mấy nỗi, người Mông ở khu vực rẻo cao hai huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo đã khéo léo dựng các nếp nhà trình tường có kiến trúc độc đáo bằng đất - vừa phù hợp với điều kiện khí hậu nơi cư trú, vừa gợi lên “mẫu số chung” của một tộc người. Ở vùng biên giới Việt - Lào, hiện diện hệ thống nhà sàn tiếp nối nhau của người Khơ Mú… Quả là một nền văn hóa bản địa đậm đà, giàu bản sắc, có sức hấp dẫn, luôn mời gọi du khách muôn phương.
Du khách tham quan tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh: Trần Huấn
Trình diễn nghệ thuật Xòe Thái - Ảnh: Doãn Khánh
Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ - những giá trị đặc biệt
Điện Biên có 33 di tích (di sản văn hóa vật thể) đã được xếp hạng thuộc đầy đủ các loại hình: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh… Trong đó, Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên
Phủ là di tích quốc gia đặc biệt.
Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ trải dài trên lòng chảo Điện Biên, bốn bề là núi rừng bao bọc với 18km chiều dài, 6km chiều rộng. Quần thể di tích được hình thành từ hai hệ thống: hệ thống di tích Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và hệ thống di tích của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hệ thống di tích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm: phân khu Hồng Cúm - phân khu Nam (Isabelle), Đồi C1, Đồi C2, Đồi D (trong cụm Dominique, có 3 ngọn đồi D1, D2, D3), Bản Kéo (Anne Marie), Đồi Him Lam, Đồi E1, Đồi A1, Đồi Độc Lập, Hầm De Castrie…
Hệ thống di tích của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, di tích Trận Hậu cần hỏa tuyến Nà Tấu Km62, di tích Đường Kéo pháo bằng tay, di tích nơi anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng…
Theo tư liệu của GS Trương Quốc Bình, quần thể di tích này từng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích quốc gia ngày 28/4/1962. Năm 1964, bắt đầu quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1996, toàn bộ Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ và Nhà trưng bày chiến thắng Điện Biên Phủ được giao cho UBND tỉnh Lai Châu (cũ) quản lý. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ xây dựng với quy mô hoành tráng, khánh thành ngày 7/5/2004. Hiện, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ lưu giữ, trưng bày hơn 500 hiện vật, tranh, ảnh, tư liệu liên quan đến chiến dịch, mô tả, tái hiện toàn bộ cuộc chiến “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non…” đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng rực rỡ chiến công của quân và dân ta để “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Những năm qua, việc tu bổ, tôn tạo các di tích thuộc Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn của Trung ương cũng như địa phương. Tỉnh Điện Biên đã tiến hành khoanh vùng, cắm mốc, tập trung vào việc trùng tu, phục hồi, đưa vào sử dụng, phát huy giá trị của các điểm di tích như cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, xây dựng hệ thống bia biển giới thiệu, làm mái che các hiện vật ngoài trời…
Du khách tham quan đồi A1 - di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ
Ảnh: Nguyễn Thanh Hà
Rõ ràng, tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch của Điện Biên là vô cùng to lớn khi tỉnh có một nền văn hóa bản địa đậm đà, giàu bản sắc của các dân tộc thiểu số anh em. Càng ý nghĩa hơn khi Điện Biên được lịch sử chọn làm “điểm tựa”, là nơi diễn ra trận quyết đấu cuối cùng giữa quân, dân ta với bọn thực dân Pháp xâm lược. Nhận thức được điều này, ngày 7/5/2021, Tỉnh ủy Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng tỉnh Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: phát triển kết cấu hạ tầng du lịch (giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm, tôn tạo các di tích lịch sử); sản phẩm du lịch (du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch văn hóa, sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe)… Chỉ 2 tháng sau Nghị quyết 03/NQ-TU, ngày 29/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có thêm Nghị quyết số 11/NQ-TU về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng phê duyệt Để án có nội dung cụ thể hóa nghị quyết này!
Gần đây nhất, trong không khí khai mạc Năm Du lịch quốc gia Điện Biên và Lễ hội hoa ban (3/2024), một hội thảo khoa học quốc gia có chủ đề Điện Biên: Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững đã được tổ chức. 55 tham luận đã cùng nhận diện tiềm năng, lợi thế, thực trạng và định hướng phát triển du lịch bền vững tỉnh Điện Biên. Nhiều ý kiến, ngoài việc khẳng định những lợi thế, đã đưa ra các gợi ý đáng lưu tâm về vai trò của hệ thống chính trị, thực trạng - cơ chế trong phát triển du lịch, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong tổng thể các ngành công nghiệp văn hóa; việc hợp tác với các tỉnh Bắc Lào, liên kết vùng, thu hút khách Trung Quốc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa các loại hình du lịch… nhất là xây dựng và hoàn thiện công tác chuyển đổi số, đầu tư kết cấu hạ tầng trong ngành “công nghiệp không khói”!
Hy vọng rằng, khi đã có chủ trương đúng cùng với những chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cơ quan, ban ngành sở tại, lại thêm “cú hích” đủ mạnh từ hàng trăm hoạt động được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, du lịch Điện Biên sẽ “cất cánh” và phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới!
Tượng đài Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa - Ảnh: Nghĩa Hân
PHẠM HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024