Mùa xuân này, áo dài truyền thống lên ngôi

Ảnh: Trang phục áo dài nam và nữ hiện diện trong Lễ dựng nêu của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội

Đó là điều ai cũng phải công nhận

Áo dài truyền thống đã thực sự lên ngôi trong đợt vui tết đón Xuân năm Giáp Thìn (2024) này!

Trên các kênh truyền hình, đặc biệt là hệ thống kênh truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV), Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân dân, các MC đua nhau khoe các kiểu áo dài với đủ màu sắc, kiểu dáng. Ðiều đáng nói là trước đây, rất ít khi các MC nam mặc áo dài thì nay chuyện MC nam mặc áo dài dẫn các chương trình lại trở nên cực kỳ phổ biến, thậm chí có những chương trình như “Chiều cuối năm”, “Bước nhảy mùa xuân”... tất cả MC nam và nữ đều mặc áo dài!

Áo dài lên ngôi ở cả ba miền

Ở các thành phố trung tâm của 3 miền đất nước là Hà Nội, Huế và TP. HCM, trong dịp đón tết vui xuân có rất, rất nhiều người mặc áo dài, bao gồm cả áo dài truyền thống và áo dài cách tân tham gia vào các hoạt động hay các nghi lễ ở gia đình, chốn công cộng và trên nhiều diễn đàn khác nhau. 

Các em học sinh Hà Nội trong Tết Việt - Tết phố 2024

Ở Cố đô Huế, áo dài muôn sắc muôn màu trên đường phố, ở các điểm vui chơi công cộng dọc hai bờ sông Hương, trong hoàng cung, lăng tẩm và các điểm di tích, danh thắng, thậm chí trong cả công sở, trường học. Huế đã và đang trở lại với thương hiệu “thành phố Áo dài”, “Kinh đô Áo dài’...

Tại Thủ đô Hà Nội, chương trình “Tết Việt- Tết phố” với một chuỗi hoạt động phong phú đã thu hút rất nhiều người mặc áo dài và các loại hình trang phục truyền thống tham dự. Ðặc biệt là cuộc diễu hành trên các tuyến phố cổ ngày 28/1/2024 với hàng trăm người tham dự đã tạo nên một không khí và vẻ đẹp đặc biệt, đậm đà bản sắc văn hóa.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã ghi một dấu ấn rất đẹp khi toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Trung tâm đều mặc áo dài tham dự lễ Dựng nêu ngày Tết ngay trước cửa Ðoan Môn!

Tại TP Hồ Chí Minh, áo dài xuất hiện ở rất nhiều nơi trong dịp tết, đặc biệt là đêm Giao Thừa và các ngày đầu năm mới Giáp Thìn trên tuyến đường hoa Nguyễn Huệ và các điểm vui chơi công cộng.

Gia đình chị Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội) trong trang phục Áo dài ngũ thân đi chơi Tết

Hãng bay Vietravel Airlines đã cho toàn bộ dàn tiếp viên của hãng này mặc áo dài ngũ thân, áo nhật bình để phục vụ du khách ở 3 chuyến bay khai xuân Giáp Thìn, tạo nên một tiếng vang lớn.

Ngoài Hà Nội- Huế - TP. HCM, ở nhiều địa phương khác cũng thấy rất nhiều áo dài xuất hiện, số lượng và mật độ vượt xa các năm trước.

Áo dài nhiều nhưng nhiều áo chưa đẹp

Rõ ràng là việc mặc áo dài truyền thống đã thực sự lan tỏa và tạo nên một trào lưu lớn được đông đảo các tầng lớp trong xã hội tham gia hưởng ứng, đặc biệt là giới trẻ. Giới trẻ không hề quay lưng với các gái trị truyền thống, trái lại, đây chính là lớp người tiếp thu nhanh và chủ động nhất các loại hình trang phục truyền thống mà không hề mặc cảm, e ngại. Ðiều quan trọng là cần có sự dẫn dắt, tạo điều kiện phù hợp của các thế hệ đi trước.

Những cán bộ ngành văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế trong trang phục áo dài ngũ thân, tại Lễ ban sóc đầu năm diễn ra trước Ngọ môn

Chính vì còn thiếu sự dẫn dắt, hướng dẫn của lớp người đi trước, những người có kinh nghiệm, và đặc biệt là các cơ quan chức năng mà hiện tượng mặc áo dài chưa đẹp, chưa chuẩn còn diễn ra khá phổ biết, đặc biệt là đối với áo dài nam. Năm nay, mặc dù xu hướng quay trở lại với áo ngũ thân (loại áo dài đã từng phổ biến đến mức trở thành quốc phục của người Việt trong thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX) diễn ra rất mạnh mẽ nhưng cũng không ít người đã chọn loại áo “cách tân” cho mình; tuy nhiên điều đáng nói là các mẫu áo dài “cách tân” này đều may không chuẩn, lai tạp nhiều phong cách áo dài của các nước Nam Á hoặc Trung Quốc, không kế thừa được các đặc trưng và ưu thế của áo dài truyền thống Việt. Cũng vì điều này mà đa số người mặc áo dài nam “cách tân” lại trông ít nam tính, thậm chí có vẻ ẻo lả, vừa không đẹp vừa tạo nên cảm giác không thoải mái đối với người mặc.

Bên cạnh đó, không ít nhà may, cửa hàng cho thuê các loại trang phục truyền thống, các loại cổ phục cũng chưa chú trọng vào việc đầu tư cho sản phẩm của mình, vì vậy áo quần, trang phục mà họ may cho khách hay cho thuê chưa được chuẩn và đẹp, thậm chí còn tạo nên vẻ lôi thôi, cẩu thả khi mặc. Ðây là điều cần sớm được nghiên cứu, chấn chỉnh.

TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) trong trang phục Áo dài ngũ thân tay thụng

Nhìn chung, trang phục truyền thống Việt, đặc biệt là áo dài, muốn mặc đẹp thì cần mặc chuẩn. Từ người cung ứng sản phẩm đến người sử dụng sản phầm đều cần phải hiểu điều này nếu chúng ta thực sự muốn gìn giữ và tôn vinh vẻ đẹp của áo dài.

Rất cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan

Rõ ràng, Áo dài truyền thống Việt đã chứng tỏ vẻ đẹp và sức hấp dẫn đặc biệt đối với rất nhiều người.

Ðây thực sự là một điều đáng vui mừng trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực để bảo tồn các giá trị truyền thống và chấn hưng văn hóa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng khẳng định Việt Nam “là đất nước của hồn sen, nón lá, áo dài”!

Tuy nhiên, việc làm cho áo dài ngày càng trở nên phổ biến, trở thành Lễ phục hay Quốc phục thì vẫn cần thời gian và sự nỗ lực của rất nhiều người, nhiều ngành ở nhiều cấp độ.

Tiếp viên Vietravel Airlines trong trang phục Áo dài ngũ thân

Chúng tôi mong rằng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Ðào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông cần quan tâm hơn và có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.

Và trước hết, mong những người làm văn hóa, du lịch, dịch vụ trong cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Ðà Nẵng, TP. HCM... tâm huyết hơn, nỗ lực hơn để đẩy nhanh quá trình đó!

Bởi giá trị và những lợi ích to lớn của áo dài truyền thống đã trở nên rất rõ ràng!

Ðây là một di sản vô giá của dân tộc, cần được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả nhất!

Mong ước những tà áo dài sẽ tung bay, tạo nên nguồn cảm hứng bất tận trong năm Giáp Thìn này!.

 TS. PHAN THANH HẢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 565, tháng 3-2024

;