Người Khơ Mú sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ như Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Thanh Hóa… Dân tộc Khơ Mú có vốn truyền thống văn hóa lâu đời, tuy cuộc sống vật chất còn nghèo, nhưng đời sống tinh thần phong phú với nhiều nét văn hóa độc đáo rất riêng biệt. Cùng với các dạng thức văn hóa khác, nhạc cụ dân gian và các hình thức diễn xướng của người Khơ Mú được xem như là một trong những yếu tố đặc trưng nổi bật nhất của họ.
Đội văn nghệ bản Nậm Pù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, Sơn La biểu diễn điệu múa Ong eo tại Làng VHDL các dân tộc VN
Độc đáo các nhạc cụ dân gian truyền thống
Khơ Mú là một trong những dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme của ngữ hệ Nam Á. Tại Việt Nam, theo điều tra dân số năm 2019 có 90.612 người Khơ Mú, cư trú rải rác tại 44 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, tập trung đông nhất tại tỉnh Nghệ An, ngoài ra đồng bào còn cư trú ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa…
Ông Vì Văn Thương - người dân tộc Khơ Mú, đến từ huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La và hiện đang sinh sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, người Khơ Mú, còn có tên gọi khác là người Xá Cẩu, Mứn Xen, Pu Thênh, Tềnh, Tày Hạy... Theo phong tục cổ truyền, mỗi dòng họ của người Khơ Mú đều mang tên một loài vật hoặc cỏ cây. Có dòng họ coi thú, chim hoặc lấy một loại cây là tổ tiên ban đầu của mình, nên họ kiêng giết thịt và ăn thịt các loại động, thực vật này. Hiện nay hầu hết người Khơ Mú đã định canh định cư, cây trồng ngoài lúa ngô, khoai và sắn còn có bầu bí, đỗ và các loại cây có củ. Nghề phụ gia đình chủ yếu là đan lát đồ gia dụng, một số nơi biết thêm nghề rèn, mộc, trồng bông dệt vải... Người Khơ Mú tuy không có chữ viết nhưng có tiếng nói riêng, có bản sắc văn hóa riêng biệt với dân ca dân vũ, những trò chơi dân gian và ẩm thực phong phú. Cùng với các dạng thức văn hóa khác, nhạc cụ dân gian và các hình thức diễn xướng của người Khơ Mú được xem như là một trong những yếu tố đặc trưng nổi bật nhất.
Ông Vì Văn Thương giới thiệu các loại nhạc cụ Tót tơm và Tót mu cho các em học sinh trường THCS An Đông, Hải Phòng
Ông Vì Văn Thương giới thiệu, trong kho tàng văn nghệ dân gian cổ truyền, bên cạnh làn điệu dân ca tơm, người Khơ Mú còn sở hữu nhiều thể loại nhạc cụ dân gian khá phong phú và độc đáo gồm: bộ nhạc khí (sáo dọc ba lỗ, sáo dọc bốn lỗ, sáo ngang, khèn bè); bộ gảy (đàn trống, đàn môi); bộ gõ (ống gõ, ống giỗ, cồng chiêng). Các loại nhạc cụ của người Khơ Mú thường được dùng vào các dịp lễ, Tết, cưới xin, mừng nhà mới, hay những dịp lễ hội của cộng đồng.
Tót tơm là một trong những loại sáo dọc đặc trưng của người Khơ Mú, được chế tác từ phần ngọn của một thân cây nứa nhỏ, có chiều dài khoảng 55cm, đường kích phần cuối sáo khoảng 1 - 1,5cm và thon nhỏ dần cho tới phần đầu là khoảng 0,6cm. Tại phần nhỏ này, người ta tạo lưỡi gà bằng cách khía và tách ngay một lát nứa mỏng có chiều dài khoảng 2,5cm và chiều rộng khoảng 0,3cm. Tót tơm có 4 lỗ bấm cao độ, trong đó 3 lỗ trên mỗi lỗ cách nhau chừng 3cm, 1 lỗ dưới nằm ngay ở phần lỗ đầu tiên cách nhau khoảng 4cm. Lỗ bấm dưới này do ngón tay cái điều khiển. Âm thanh của loại sáo này không trong mà hơi khàn khàn. Ngoài dùng để độc tấu, Tót tơm được sử dụng phổ biến để đệm theo giai điệu của những bài Tơm. Tót tơm do nam giới sử dụng, không dùng trong tang lễ và các lễ tục tín ngưỡng khác.
Th’roông (đàn môi) của người Khơ Mú được làm từ một thanh tre hoặc nứa già để khô. Dài chừng 14cm, phần rộng nhất của thân đàn khoảng 1,5cm. Hình dáng chiếc đàn này cơ bản giống với những chiếc đàn môi bằng kim loại của nhiều dân tộc thiểu số khác. Do đó phương pháp diễn tấu giống nhau nhưng khi biểu diễn, âm thanh của chiếc đàn môi này không vang sâu như những chiếc làm từ kim loại mà hơi khàn khàn, cộng với tiếng lách cách của thanh tre tạo ra sự độc đáo riêng. Đàn môi cũng là nhạc cụ không dùng cho mục đích tín ngưỡng. Nhạc cụ này chủ yếu do nam giới sử dụng, dùng độc tấu, đôi khi dùng đệm cho hát trong những dịp hội vui của bản làng.
Múa tăm đao là điệu múa dành riêng cho nữ giới với đạo cụ là tăm đao
Tót mu (sáo mũi) được làm từ thân cây nứa già, nhỏ, có chiều dài trung bình khoảng 60cm, đường kính từ 2 - 2,5cm. Sáo chỉ có một lỗ duy nhất nằm cách cuối thân sáo khoảng 2cm, lúc thổi cho ra hai cao độ khác nhau. Khi nghe, ta sẽ được nghe một cuộc “đối đáp” giữa hai loại âm thanh: một phát ra từ cây sao và một là những lời hát phát ra từ miệng người biểu diễn. Người ta thổi tót mu theo giai điệu của những bài ru con, hoặc giai điệu của bài Tơm. Tót mu sử dụng trong sinh hoạt giải trí, không dùng trong các nghi lễ tín ngưỡng.
Nghệ nhân Lò Thị Lau người dân tộc Khơ Mú hiện đang sống tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây, Hà Nội) giới thiệu và biểu diễn đao đao - một nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình. Đao đao được làm từ một ống nứa, vốn là một công cụ sản xuất vô cùng sáng tạo của người Khơ Mú. Ngôi nhà truyền thống của đồng bào là dạng nhà sàn, mái lợp cỏ gianh và liên kết với nhau bằng tre, nứa, lạt. Đo gianh, chải gianh là công việc thường xuyên khi làm và bảo dưỡng mái nhà. Ống nứa nhỏ này được sử dụng trong quá trình kết gianh làm mái nhà và trở thành một dụng cụ hữu dụng. Việc cải tiến vật dụng, công cụ lao động thành nhạc cụ của người Khơ Mú là cả một quá trình dài và là sáng tạo mang tính đột phá, kết tinh tri thức dân gian.
Ông Vì Văn Thương cho biết, ngoài những nhạc cụ trên, đồng bào Khơ Mú còn có trống, chiêng và não bạt... Trống của người Khơ Mú chỉ có một loại trống lớn, chiều cao khoảng 55cm, đường kính khoảng 50cm. Chiêng thường dùng ba chiếc loại có núm, ngoài ra còn một chiếc não bạt bằng nhôm. Những nhạc cụ này được sử dụng trong sinh hoạt văn hóa giải trí cũng như những lễ hội truyền thống của bản làng.
Khát vọng của người Khơ Mú qua những điệu dân vũ
Ông Vì Văn Thương chia sẻ, trong nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, điệu múa Ong eo (hay còn gọi là au eo, Vieng Ver Guông) là một trong những giá trị văn hóa mà người Khơ Mú vô cùng tự hào. Điệu múa Ong eo không lẫn với bất kỳ điêu múa của dân tộc nào và đã trở thành niềm tự hào được duy trì trong đời sống tinh thần của người Khơ Mú qua nhiều thế hệ. Người Khơ Mú thường múa Ong eo trong những dịp lễ hội, lễ mừng cơm mới được tổ chức ngay sau khi vừa kết thúc mùa gặt.
Múa tra hạt thường được biểu diễn trong hễ hội cầu mùa hằng năm
Ong eo là điệu múa lắc hông, uốn lượn eo, được mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hằng ngày của người dân như: gặt lúa, bẻ ngô, hái rau, nhổ cỏ, đơm tép, giặt giũ… Khi múa Ong eo, người nam thường đeo chiếc khoong khăn (vừa là nhạc khí vừa là đạo cụ), trong khi các cô gái với trang phục sặc sỡ, nụ cười duyên dáng, nhịp gót nhún rộn ràng, uốn lượn lưng eo. Khi thể hiện các điệu múa, toàn thân người múa đều rung lên thể hiện sức sống dồi dào, người múa như đắm mình trong điệu nhạc rộn ràng và thăng hoa.
Biểu tượng cho mối cộng cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, từng nhịp điệu đều liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng về tình yêu đôi lứa, điệu múa Ong eo là một phần nổi bật của Lễ hội Mừng năm mới của người Khơ Mú. Trải qua bao đời, Lễ hội Mừng năm mới và điệu múa Ong eo đã trở thành di sản văn hóa dân gian đặc sắc, được dân tộc Khơ Mú gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Một nét đặc trưng trong văn hóa của người Khơ Mú là nghệ thuật múa của người Khơ Mú thường sử dụng các đạo cụ từ những nguyên liệu tự nhiên như ống tre, ống nứa. Một số đạo cụ được sử dụng trong múa đồng thời cũng được coi là nhạc cụ tạo ra âm nhạc để dẫn dắt người múa theo những nhịp điệu, tiết tấu riêng.
Những điệu múa của người Khơ Mú như: múa tăm đao, múa cá lượn, múa Ong eo, múa đuổi chim, múa cầu mùa, múa tra hạt....đều xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hằng ngày với những khát vọng tốt đẹp.
Nghệ nhân Lò Thị Lau cho biết, với đồng bào Khơ Mú, múa tăm đao là điệu múa dành riêng cho nữ giới với đạo cụ là tăm đao. Tăm đao được làm từ thân của cây nứa nhỏ - nứa làm đao phải là nứa già vừa đủ mới tạo âm thanh vang và hay, có thể là đao to hoặc đao bé (đao mẹ và đao con), đao mẹ sử dụng tạo ra âm thanh chính. Để chế tác loại nhạc cụ này, phải vào rừng chọn lựa những cây nứa thẳng, đẹp và không quá già. Một đầu bỏ mấu, giữ lại thân ống nứa, một đầu giữ lại phần mấu, người ta đục hai lỗ nhỏ nằm ở hai bên đối xứng nhau, khi đánh ngón tay cái đặt lên phần lỗ ở thân trên, ngón tay trỏ hoặc ngón giữa đặt ở vị trí lỗ phía bên dưới để điều chỉnh âm thanh, giai điệu khi múa tăm đao. Phần phía đầu không có mấu người ta vát nhẹ hai bên thân ống tạo thành trạc hình chữ “u” dài khoảng 25 - 30cm, giữa hai cánh trạc có xẻ một khe nhỏ vào thân ống để kẹp một sợi chỉ nhỏ, sợi chỉ này cũng có tác dụng điều tiết âm thanh. Khi biểu diễn gõ phần gốc của cánh trạc vào lòng bàn tay để hai cánh trạc rung tạo thành âm thanh. Những cây đao muốn sử dụng được lâu bền và tạo âm thanh vang và hay thì phải được cất giữ cẩn thận, trước khi dùng người ta mang ngâm vào nước để đao giãn nở cũng như giữ được độ tươi của đao.
Trong lễ hội cầu mùa, vũ điệu chọc lỗ tra hạt với chiếc gậy độc đáo gắn với nhạc cụ được thể hiện tưng bừng rộn rã
Chị Lò Thị Lau bộc bạch, múa tăm đao bắt nguồn từ việc người phụ nữ cầm đao để đánh trong quá trình đi nương, đi rừng. Khi quay trở về, trên lưng họ gùi thóc, gùi măng hay các loại rau rừng họ gõ đao tạo ra những âm thanh vui tai để quên đi sự mệt nhọc. Hay những buổi tối trăng lên, người con gái thường ngồi gõ đao để gọi chàng trai đến. Tiếng đao buồn hay vui đều xuất phát từ tâm trạng của người phụ nữ.
Điệu múa cá lượn thường được múa trong lễ sửa nhà của người Khơ Mú. Ngày xưa, khi đi bắt cá, ngồi ngắm nhìn những con cá bơi đi bơi lại, người Khơ Mú về hình dung ra những động tác đuôi cá, vây cá chuyển động và sáng tác ra điệu múa, đặt tên là cá lượn. Múa cá lượn gồm sáu động tác chính giống như vẫy đuôi, xòe vòng, ghẹ đầu quấn quýt bên nhau của những con cá trắng dưới lòng khe. Trong mùa tìm nhau kết đôi hoặc trong các lễ hội, ngày vui của dân tộc mình, người Khơ Mú thường múa cá lượn.
Bên cạnh đó còn có các điệu múa độc đáo khác như múa tra hạt. Dịp tháng 3, tháng 4 là thời điểm người dân tiến hành cày cấy, để có mùa màng bội thu, người Khơ Mú thường tổ chức lễ hội tra hạt, lễ cầu mùa. Trong lễ hội cầu mùa, vũ điệu chọc lỗ tra hạt với chiếc gậy độc đáo gắn với nhạc cụ được thể hiện tưng bừng rộn rã như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Múa đuổi chim cũng thường được múa trong lễ cầu mùa. Điệu múa này phần nhiều là những vũ điệu và tiết tấu nhanh, mạnh mẽ, sôi động.
Ông Vì Văn Thương chia sẻ, nghệ thuật múa của người Khơ Mú đã trở thành phong tục của cộng đồng và cuốn hút mọi người trong các ngày lễ, ngày hội, các cuộc vui của cộng đồng. Những điệu dân vũ này thường liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa, khát vọng tình yêu đôi lứa, mang theo hy vọng của người Khơ Mú với mong muốn luôn được khỏe mạnh, mùa màng bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa và góp phần làm nên dấu ấn văn hóa độc đáo của người Khơ Mú trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 562, tháng 2-2024