Hình tượng rồng từ trong lịch sử đã hàm chứa những ước vọng tốt đẹp mà dân gian gửi gắm trong cuộc sống nhân sinh. Chính vì vậy, hình tượng này xuất hiện nhiều trong mỹ thuật dân gian, như các đồ án trang trí tại các ngôi đình, đền, chùa, đáng chú ý là trong tranh dân gian. Ngày nay, nhiều bạn trẻ cũng đã tiếp thu và kế thừa hình tượng đó trong các sáng tạo mới của mình.
Hình 5 con rồng chạm khắc trên kiến trúc đình làng, thế kỷ XVII
Ngược theo dòng chảy lịch sử
Ðến nay, vẫn chưa có nhận định chính xác hình tượng rồng xuất hiện trong văn hóa Việt Nam từ bao giờ. Chỉ biết, từ rất sớm, trên các hiện vật đồ đồng thuộc thời kỳ văn hóa Ðông Sơn đã xuất hiện hình ảnh linh vật được cho là rồng. Loài vật này có dáng vẻ thuôn dài giống rắn, có tứ chi, vảy và mõm dài giống cá sấu. Hình tượng này được cộng đồng cư dân Bách Việt cổ cư trú từ khu vực hạ lưu sông Dương Tử đến phía Bắc bán đảo Ðông Dương sử dụng, thụ hưởng. Ðây cũng được xem là nguồn gốc của những con rồng trong văn hóa Ðông Á sau này. Nhà dân tộc học người Nga D.V. Deopik (1993) từng nhận định: “Rồng là con vật đặc thù chung cho tất cả các dân tộc Việt và chính từ đây nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa”.
Rồng mẹ, rồng con (phía dưới), Nghê mẹ, nghê con (phía trên). Chạm khắc đình làng, thế kỷ XVII
Nhưng đó cũng chưa phải là hình tượng sớm nhất về loài rồng. Bởi có điểm cho rằng, rồng có khởi nguồn từ vùng đất Trung cận Ðông. Sau đó, hình tượng này lan tỏa ra vùng đồng cỏ ở châu Âu, nhưng tại đây, rồng thường gắn với điềm dữ, tai ương, tàn ác. Thế nhưng, sang tới phương Ðông, đặc biệt là khu vực Ðông Á và Ðông Nam Á, loài vật này lại gắn với biết bao ý nghĩa tốt đẹp, đem đến điềm lành cho cư dân canh tác lúa nước. Qua Truyện họ Hồng Bàng được ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái - áng văn được xem là truyền thuyết về nguồn gốc của người Việt, ta cũng có thể thấy dáng dấp của loài rồng hiện hữu. Trong truyện, Lạc Long Quân - một nhân vật thần thoại được suy tôn làm người cha sinh ra trăm họ người Việt có lai lịch là long tộc cư trú dưới nước. Sau khi chia tay Âu Cơ, 50 người con cùng với cha “về thủy phủ chia trị các xứ”. Hình tượng rồng gắn với môi trường cư trú là nước đã phản ánh tư duy của cư dân làm nông nghiệp, trong những yếu tố góp phần giúp ích cho sự sinh trưởng của cây trồng, nước được đặt lên hàng đầu. Sau này, khi văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, không chỉ riêng nước ta mà cả các quốc gia lân cận, rồng được bậc đế vương độc chiếm làm biểu tượng cho quyền bính, sự cao quý của mình trong suốt thời gian dài. Thậm chí, hình tượng này còn không được sử dụng tùy tiện trong dân gian.
Rồng tiên, chạm khắc đình làng, thế kỷ XVII
Sang đến thời Lê Trung hưng, những biến động của thời cuộc đẩy đời sống nhân dân lâm vào cảnh khốn cực. Người dân vì vậy mới tìm đến những hình tượng cao quý như rồng làm chốn nơi nương nhờ về mặt tâm lý. Từ đó, bóng dáng loài rồng dần xuất hiện nhiều trong dân gian. Ðiều này được thể hiện trên các bậc đá, bệ đá, cấu kiện gỗ dựng nên các ngôi đình, chùa, rồi trên khí cụ thờ tự trong những không gian tâm linh ấy như bài vị, khám, ngai thờ, kiệu,… Tuy nhiên, khi đưa vào mỹ thuật dân gian, người xưa đã phá bỏ những khuôn phép, giáo điều bó buộc hình tượng rồng, như phải là giống đực, phải thật tôn quý. Sự “vượt rào” đó thể hiện qua các hình tượng tiên nữ cưỡi lên thân rồng, hay rồng uốn lượn bên thân thể của tiên nữ, hay rồng được nữ tính hóa, trở thành một người mẹ, đứng cùng với đàn con của mình,…
Rồng bước vào tranh dân gian
Sẽ là một thiếu sót lớn khi chỉ tập trung vào họa tiết rồng tại các di tích, mà bỏ sót sự hiện diện của rồng trên các dòng tranh dân gian, tiêu biểu có thể kể tới dòng tranh Ðông Hồ (Bắc Ninh) và Hàng Trống (Hà Nội). Trong tranh dân gian, có khi rồng không xuất hiện đơn lẻ, mà cùng với phượng, lân, rùa, hợp thành một bộ tranh Tứ linh. 4 loài vậy này đại diện cho sự trường thọ, tôn quý và cát tường. Người Trung Hoa xưa còn sử dụng 4 chữ này để ví von bậc hiền tài. Trong sách Ðịch phương tiến truyền viết vào thời Ðông Hán (Trung Quốc) có câu: “Thái hoàng thái hậu lâm chính, hữu quy long lân phượng chi ứng” (có thể hiểu là khi Thái hoàng thái hậu thiết triều, có sự ưng thuận của tứ linh gồm rồng, phương, lân, rùa). Rồng đôi khi không xuất đầu lộ diện, nhưng khi nhìn vào bức tranh đó, ta lại thấy hình tượng rồng. Trong bức Cá chép vượt vũ môn, việc cá chép vượt thác ghềnh hiểm trở để hóa thành rồng giống như thành quả cho quá trình nhẫn nại, kiên trì, nỗ lực vượt qua những gian lao của những thân đời nhỏ bé.
Tiên cưỡi rồng, chạm khắc đình làng, thế kỷ XVII
Hình tượng rồng còn xuất hiện trong điệu múa được vẽ trong bức Nghênh long. Ðiệu múa phổ biến ở nhiều quốc gia khu vực Ðông Á này là tổng hòa cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa võ thuật và kỹ thuật trình diễn. Nó thể hiện tinh thần hòa quyện giữa con người và tự nhiên, cũng như tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc. Thường thì người ta sẽ dễ dàng bắt gặp trong tranh Hàng Trống, đối tượng tham gia múa rồng thường là các cậu bé. Thế nhưng, trong tranh Ðông Hồ, đối tượng lại đa dạng hơn, không chỉ có mỗi các chàng trai, mà còn có thể là đàn cóc hay đàn chuột. Có thể xem những chú chuột rước rồng là những thân phận thấp cổ bé họng trong xã hội xưa mượn điệu múa này, để gửi gắm mong muốn vươn lên như rồng, thoát khỏi những áp bức dưới chế độ đương thời.
Tiên cưỡi rồng, tranh do họa sĩ Nam Chi sáng tác
Rồng là linh vật tổng hợp từ nhiều loài vật có thật trong tự nhiên, đầu hổ, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ. Do vậy, rồng mang trong mình tất thảy các ưu thế vượt trội của các loài vật, trong đó, sức mạnh và quyền năng biến hóa là 2 đặc tính quan trọng. Từ đó, rồng được tôn lên làm Vạn vật chi đế, vua của muôn loài, trở thành biểu tượng tổng hòa tất cả ước vọng tốt đẹp nhất trong cuộc sống nhân sinh. Giờ đây, bao nhiêu ý nghĩa tốt đẹp đều được dân gian gửi gắm vào hình tượng rồng. Chính vì vậy, thật khó để giải thích cụ thể rồng gắn với ý nghĩa tốt đẹp nào.
Thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống xưa
Tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc, nhiều bạn trẻ hiện nay cũng đưa hình tượng rồng vào các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng của mình. Bén duyên với mỹ thuật dân gian từ thời gian ngồi trên giảng đường đại học, họa sĩ Nam Chi đang từng bước đưa hình tượng rồng cổ xưa đến gần hơn với công chúng đương đại thông qua các thiết kế của mình. Chẳng phải sao chép hình ảnh rồng của những quốc gia khác, cũng chẳng phải sáng tạo ra hình tượng rồng mới đi ngược với truyền thống, Nam Chi biết cách tiếp thu những hoa văn trên các tấm sắc phong, kiệu thờ, điêu khắc gỗ trong đình làng,… để đưa vào các bức tranh dân gian do mình thực hiện. Từ những mô típ trang trí thế kỷ XVII - XVIII được các nghệ nhân chạm lộng trên kiến trúc, đồ thờ tự ở đình làng, với những hình khối uyển chuyển, nhiều tầng lớp hoa văn, Nam Chi đã vận dụng kỹ thuật và tinh thần thẩm mỹ của tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng để chuyển thể thành những tác phẩm có mảng mầu và đường nét đậm chất đồ họa truyền thống. Bức tranh Kim Hoàng Tiên cưỡi rồng là sự minh chứng cho cuộc tiếp thu đầy tính sáng tạo trong sự nghiệp cầm bút của anh. Hình ảnh nàng tiên bước từ điêu khắc đình làng vào trong tranh không còn mang dáng vẻ thô mộc, mà có nét mềm mại, yểu điệu hơn. Chi tiết rồng cũng là một sự sáng tạo đặc biệt khi không phải là rồng thời Lê hay Nguyễn giống như trong các ngôi đình làng thường thấy ở Bắc Bộ, mà ngược dòng thời gian trở về với dáng vẻ của thời Lý. Ðó là sự tiếp nối hiện tại không chỉ với trang sử của trăm năm trước, mà cả ngàn năm về trước.
Họa sĩ Nam Chi đang sáng tác tranh rồng phục vụ Tết Giáp Thìn, 2024
Không chỉ dừng lại ở việc phục dựng và làm giàu có thêm kho tàng các dòng tranh dân gian Việt Nam như Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), chàng họa sĩ này còn nhanh chóng bắt kịp trào lưu thực hành mặc áo ngũ thân, cổ phục của giới trẻ hiện nay và đưa hoạt tiết rồng lên quạt giấy. Những mẫu quạt do anh vẽ nên còn được nhiều người sử dụng làm vật phẩm trong thờ cúng, trang trí bởi vẻ đẹp giàu tính lịch sử của chúng. Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Nam Chi cũng đưa hình ảnh rồng mình ghi lại được qua các cuộc điền dã vào các sản phẩm quà tặng Tết như phong bao lì xì, lịch treo tường, hộp quà Tết,… Ðáng nói là sự xuất hiện của hình tượng ít được mọi người biết tới - Long hàm Thọ, hay có thể hiểu là rồng ngậm chữ Thọ in trên bìa hộp quà Tết. Chữ Thọ mang thông điệp về một lời chúc trường thọ, sức khỏe trong dịp đầu xuân năm mới, kết hợp với rồng mang đến điềm lành. Hai hình ảnh tốt đẹp này như nhân đôi lời chúc mà Nam Chi muốn gửi tới mọi người, cũng như lời chúc mà người tặng muốn trao gửi tới người nhận.
Tranh Long vân khánh hội, họa sĩ Nam Chi thực hiện theo kỹ thuật tranh dân gian Hàng Trống, Hà Nội
Nhờ có tình yêu và óc sáng tạo trên chất liệu văn hóa truyền thống của những bạn trẻ như Nam Chi, hình ảnh rồng tiếp tục được nối dài sức sống, để xuất hiện nhiều hơn trong cuộc sống đương đại. Và rồi, những giá trị đáng quý của dân tộc cứ thế được kế thừa và phát huy có hiệu quả.
________________
Tài liệu tham khảo
1. Triệu Thế Hùng, Rồng, một biểu tượng siêu linh của người Việt, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 2 (39), 2012.
2. Nguyễn Ngọc Thơ, Rồng trong văn hóa Việt Nam, Đặc san Khoa học Xã hội số 42, tháng 1/2012.
QUỲNH HOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024