Sắc màu nghệ thuật quốc tế ấn tượng năm 2023

Màu sắc luôn có sức sống riêng của nó. Không có nghệ thuật, không có con người, màu sắc vẫn hiện hữu ở khắp mọi nơi, trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới. Mặc dầu vậy, những thành công của con người với màu sắc đôi khi trở thành một tặng phẩm thật kỳ diệu. Năm 2023 đã để lại những ấn tượng nghệ thuật sâu sắc về màu sắc qua những triển lãm nghệ thuật đặc sắc.

Bức The Scream - Tiếng thét của Edvard Munch năm 1893

Triển lãm Edvard Munch tại Viện Nghệ thuật Clark

Triển lãm nghệ thuật với tựa đề Edvard Munch: Trái đất run rẩy là triển lãm đầu tiên ở Hoa Kỳ thể hiện cách nghệ sĩ nổi tiếng người Na Uy, Edvard Munch (1863-1944) sử dụng hình ảnh thiên nhiên để truyền tải ý nghĩa trong nghệ thuật của mình như thế nào. Edvard Munch ban đầu được coi là một họa sĩ vẽ hình. Những hình ảnh nổi tiếng nhất của ông (bao gồm cả bức tranh The Scream - Tiếng Thét, mang tính biểu tượng của ông) đều liên quan đến các chủ đề về tình yêu, sự âu lo, khao khát và sự sống còn. Tuy nhiên, phong cảnh đóng một vai trò thiết yếu trong phần lớn tác phẩm của Munch. Triển lãm tranh với tựa đề Edvard Munch: Tremble Earth (Edvard Munch: Trái đất run rẩy) coi đây là khía cạnh quan trọng nhưng ít được khám phá hơn trong sự nghiệp của nghệ sĩ. 

Qua triển lãm này người xem được chiêm ngưỡng những kiệt tác, mà ở đó Munch đã truyền tải cảm xúc và mối quan hệ của con người, tôn vinh tập quán trồng trọt và công việc làm vườn cũng như khám phá những bí ẩn của khu rừng ngay cả khi quê hương Na Uy của ông phải đối mặt với quá trình công nghiệp hóa. 

Bức họa Những cây Olive ở Collioure của Henri Matisse

Triển lãm Edvard Munch: Trái đất run rẩy trưng bày hơn 75 tác phẩm: tranh phong cảnh, ba bức chân dung tự họa tuyệt đẹp và các bản in, bản bản vẽ bao gồm cả bản in thạch bản về tác phẩm nổi tiếng nhất có tựa đề là The Scream (Tiếng Hét). Ngoài ra, trong dịp này tại triển lãm còn trưng bày thêm hơn ba mươi tác phẩm từ bộ sưu tập nổi tiếng thế giới của Munchmuseet (các tác phẩm quan trọng từ các bảo tàng khác ở Hoa Kỳ và châu Âu) cộng với với gần bốn mươi bức tranh và bản in từ các bộ sưu tập cá nhân.

Triển lãm mang tên Vertigo of color (Sự choáng ngợp của màu sắc) tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan

Suốt chín tuần làm việc căng thẳng vào mùa hè năm 1905 tại làng chài đơn sơ Collioure trên Ðịa Trung Hải thuộc nước Pháp, hai nghệ sĩ Henri Matisse và Andre Derain đã hợp tác tạo nên một ngôn ngữ nghệ thuật hoàn toàn mới, cấp tiến mà sau này được gọi là Chủ nghĩa Dã thú. Những thử nghiệm đầy năng lượng và táo bạo của họ với màu sắc, hình thức, cấu trúc và phối cảnh đã làm thay đổi hướng đi của hội họa Pháp, đánh dấu sự ra mắt của chủ nghĩa hiện đại thời kỳ đầu và giới thiệu tác phẩm quan trọng đầu tiên của Matisse trong sự nghiệp lâu dài của ông. Triển lãm này do Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và Bảo tàng Mỹ thuật Houston đồng tổ chức. Sự trưng bày các tác phẩm của Henri Matisse và Andre Derain nhấn mạnh hơn bao giờ hết di sản của mùa hè năm đó thông qua 65 tác phẩm được mượn từ các bảo tàng trong nước và quốc tế, bao gồm bảo tàng Musée National d’Art Moderne, Centre Pompidou; Phòng trưng bày Quốc gia Scotland; Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Washington, D.C.; Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco; Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York cũng như các bộ sưu tập tư nhân.

Bức họa Khiêu vũ của André Derain năm 1906. Sơn dầu trên toan

Với hướng đi mới này trong hội họa, hai danh họa nổi tiếng Matisse và Derain đã vận dụng màu sắc đậm nét, sặc sỡ, gây cảm giác mạnh, tạo ấn tượng đặc biệt.

Triển lãm Doyle Lane tại phòng trưng bày nghệ thuật David Kordansky 

Doyle Lane (1923-2002) là một tài năng đặc biệt trong lĩnh vực gốm sứ bờ tây nước Mỹ trong thế kỷ 20. Ông cũng là một nhân vật quan trọng trong cộng đồng các nghệ sĩ da đen đã thành danh ở Los Angeles thời hậu chiến. Sau khi từ New Orleans chuyển đến năm 1946, Lane làm việc tại xưởng vẽ ở nhà thuộc quận El Sereno, Los Angeles trong suốt phần lớn sự nghiệp của mình. Ðồ gốm, tranh đất sét, đồ trang sức trong xưởng và tranh tường quy mô lớn đều thể hiện khả năng điêu khắc và cách tiếp cận sáng tạo của ông đối với nghệ thuật tráng men. Lane không quan tâm đến những khác biệt giữa mỹ thuật và thủ công, không phải vì chúng bị cảm thấy hạn chế, mà bởi vì ông luôn tìm cách tạo ra những đồ vật đẹp đẽ, xuyên thấu có thể vươn ra thế giới và với mong muốn khi được bán, ông có thể sống theo ý muốn của mình. Tác phẩm của ông có sức mê hoặc và được ví như những tuyên ngôn cô đọng về hình dạng và màu sắc, vừa đơn giản vừa tinh tế. Từ giữa những năm 60 đến đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Lane đã trưng bày các bức tranh bằng gốm và đất sét của mình tại phòng trưng bày Ankrum, phòng trưng bày Brockman ở Los Angeles và Galleria Del Sol ở Santa Barbara. Trong suốt hai thập kỷ cuối đời, khi những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo đồ gốm hoặc những tác phẩm nghệ thuật bằng gạch lớn hơn của ông, Lane chuyển sang sản xuất hạt gốm và mặt dây chuyền có cùng loại men mang tính biểu tượng giống như nhiều tác phẩm trước đây của ông.

Những bình gốm cỏ dại của Doyle Laynenăm 1960-1978

Lần này, cuộc triển lãm tại phòng trưng bày nghệ thuật David Kordansky là sự trưng bày riêng đầu tiên các tác phẩm của ông gồm hơn 100 bình gốm cỏ dại ở New York. Với thân hình cầu nhỏ và cổ ngắn, hẹp (để giữ thân cỏ), những chiếc bình của Lane có vẻ ngoài lạ thường một cách quyến rũ. Nhưng màu sắc và kết cấu bề mặt khác thường mà ông tạo nên chúng có một sức mạnh đáng kinh ngạc. 

Triển lãm Henry Taylor tại Bảo tàng nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney

Trong hơn ba mươi năm, nghệ sĩ Henry Taylor (sinh năm 1958) ở Los Angeles đã miêu tả những con người có hoàn cảnh xuất thân rất khác nhau - các thành viên trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, người nổi tiếng, chính trị gia và người lạ - với sự kết hợp chân thực giữa sự gần gũi và tính dịu dàng. Cách tiếp cận ngẫu hứng của ông đối với nghệ thuật được gợi ý trong tiêu đề của triển lãm này: Henry Taylor: B Side (Henry Taylor: Mặt B)

Bức Không đề của Henry Taylor năm 2019

Những bức tranh của Taylor, được thực hiện nhanh chóng và theo bản năng từ trí nhớ, những mẩu báo, những bức ảnh chụp nhanh và những cuộc gặp gỡ trực tiếp, mang nhiều phong cách nhẹ nhàng, thân mật và cả u sầu. Trong đó, ông kết hợp các mặt phẳng có màu sắc đậm, gợi cảm với các vùng có chi tiết phong phú, gần gũi và nét vẽ phóng khoáng để tạo ra những bức tranh có cảm giác sống động. Ðược hướng dẫn bởi sự đồng cảm sâu sắc với con người và trải nghiệm sống của họ, Taylor nắm bắt được tinh thần nhân văn, môi trường xã hội và tâm trạng các đối tượng của mình, những người mà bản năng của họ được biểu hiện độc đáo nhờ những hình ảnh được cắt xén khéo léo, thường có kích thước như đời sống thật. Taylor thể hiện một cái nhìn về cuộc sống hàng ngày ở Hoa Kỳ dựa trên kinh nghiệm và những hiểu biết về chính cộng đồng của ông (bao gồm cả việc giam giữ, sự nghèo đói và những tương tác thường xuyên với cảnh sát ảnh hưởng không đến người Mỹ da đen). Ði sâu vào lịch sử nghệ thuật, tác phẩm của ông tạo thành một sự liên tục với bức tranh tượng hình đầy biểu cảm.

Triển lãm tranh với tựa đề “Henry Taylor: B Side”(“Henry Taylor: Mặt B) giới thiệu các bức tranh của Henry Taylor cùng với tuyển tập các tác phẩm điêu khắc của ông cùng các bức vẽ ban đầu hiếm khi được trưng bày gồm một nhóm lớn các đồ vật được vẽ trên bao thuốc lá tái chế và các vật dụng hỗ trợ hằng ngày khác, cùng hai tác phẩm sắp đặt mới, một tác phẩm được làm riêng cho triển lãm này. 

Triển lãm Bob Thompson tại phòng trưng bày nghệ thuật Michael Rosenfeld Gallery và 52 Walker  

Rất ít họa sĩ sử dụng màu sắc một cách mạnh mẽ và đa dạng như Bob Thompson, một nghệ sĩ người Mỹ xuất sắc (1937 - 1966) ở Louisville, Kentucky. Sự nghiệp của ông chỉ kéo dài 8 năm, nhưng ông đã để lại hàng trăm bức tranh, bản vẽ và những công trình nghiên cứu về sơn dầu - một bộ sưu tập khổng lồ đầy giá trị lớn lao mà vẫn chưa được nhiều người biết đến. 

Bức họa Circus - Rạp xiếc của Bob Thompson

Nghệ thuật của Thompson được nuôi dưỡng chủ yếu bởi tiêu chuẩn hội họa châu Âu. Ông đã phá vỡ và biến đổi những kiệt tác của một số danh họa nổi tiếng bằng cách khắc họa lại các hình tượng nhân vật và phong cảnh thành những gam màu sẫm vẫn mang hơi hướng đương đại. Sự trưng bày triển lãm riêng các tác phẩm của ông tại phòng trưng bày nghệ thuật Michael Rosenfeld và 52 Walker là một trong những triển lãm trưng bày đầy đủ đầu tiên ở Thành phố New York dành tặng cho Thompson kể từ buổi triển lãm hồi tưởng của ông do Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Whitney tổ chức vào năm 1998.

TRỊNH THANH THỦY

 (Tổng hợp từ các bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ)

Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024

;