Sân khấu 2023 - Dấu hiệu của sự khởi sắc

Người hâm mộ nghệ thuật sân khấu khá lạc quan khi mà bối cảnh nền kinh tế trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn nhưng sân khấu lại có một năm hoạt động khá sôi nổi, có được những dấu ấn sáng tạo, những sự khởi sắc từ chất lượng các vở diễn, từ sự hoạt động tích cực của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa.

 Diễn viên Nguyễn Trang Linh (Nhà hát Đương đại Việt Nam) giải B Cuộc thi Tài năng múa toàn quốc 2023 với tác phẩm Lụa mây

Trước hết là những sự kiện sân khấu được tổ chức với quy mô toàn quốc, có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật trong và ngoài công lập. Ðó là Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023 được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ VHTTDL, UBND tỉnh, Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam tổ chức giữa năm 2023. Các nghệ sĩ, diễn viên thuộc 32 đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống chuyên nghiệp công lập và đơn vị nghệ thuật hoạt động theo mô hình xã hội hóa với sự góp mặt của 2.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, trình diễn 130 trích đoạn tiêu biểu, đặc sắc của tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói, xiếc... đã tham gia. Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo, Liên hoan là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống; giới thiệu những tiết mục nghệ thuật xuất sắc, trích đoạn hay, mảng miếng “độc, lạ” nhất của sân khấu với đông đảo khán giả. Ðây cũng là hoạt động tôn vinh các nghệ sĩ sân khấu ở mọi lứa tuổi đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo và khát vọng cống hiến trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm sáng tạo ra nhiều trích đoạn, vai diễn hay, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Thông qua các trích đoạn hay của sân khấu, những vấn đề từ đời sống đương đại của quốc gia, dân tộc và cộng đồng sẽ được soi chiếu, khám phá, rút ra nhận thức thẩm mỹ về đời sống, giá trị nhân văn cao đẹp, cách đối nhân, xử thế văn minh… Liên hoan cũng là cơ hội để Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các nhà quản lý nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên từ đó có những giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Những đánh giá của các nhà chuyên môn, sự thích thú tham dự của đông đảo người dân Hà Nam đã giúp sân khấu có thêm sức lan tỏa nhất định. 

 Vở diễn Bản tình ca trên núi của Nhà hát Múa rối Việt Nam tham dự Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc 2022 để lại nhiều ấn tượng với khán giả

Trong năm 2023 liên tiếp có các cuộc thi tìm kiếm tài năng do Bộ VHTTDL chỉ đạo, Cục Nghệ thuật biểu diễn phối kết hợp với các hội nghề nghiệp như Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cùng các Sở VHTT địa phương tổ chức. Ðó là Cuộc thi tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2023 (diễn ra ở Thanh Hóa) hay Cuộc thi tài năng Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói và các cuộc thi diễn ra tại Hà Nội như Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc - 2022, Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc - 2023 và Cuộc thi Tài năng Diễn viên Kịch nói toàn quốc - 2023 được các nghệ sĩ tham gia nhiệt tình.

Giống như trước đây, mục đích của các cuộc thi chính là nhằm khuyến khích, động viên các diễn viên trẻ đã có những đóng góp cho sân khấu tiếp tục thể hiện tài năng biểu diễn trên sân khấu cả nước. Số lượng diễn viên tham gia, sự nghiêm túc, đầu tư công sức của các cá nhân dự thi và sự giúp đỡ vô tư của đồng nghiệp… đã khiến các cuộc thi đạt được yêu cầu, đem tới sự nhiệt tình trong nghề nghiệp cho anh chị em diễn viên trẻ, giúp họ thêm quyết tâm gìn giữ và phát huy các giá trị nghệ thuật của ngành mình theo đuổi.

Vở Bến nước thời gian của Nhà hát Tuổi trẻ được đạo diễn, NSƯT Sỹ Tiến dàn dựng khá ấn tượng, thiết kế trang trí sân khấu lạ, đẹp mắt, hấp dẫn

Cũng có thể điểm qua một số sự kiện sân khấu đáng chú ý trong năm ở các sàn diễn phía Bắc. Ðó là Mùa kịch Lưu Quang Vũ hằng năm của Nhà hát Tuổi trẻ với những vở diễn tiêu biểu của tác giả này như: Ông không phải là bố tôi, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy và Sống mãi tuổi 17 đã đem tới sinh khí rất đáng kể cho một năm hoạt động của đơn vị này. Cũng là Nhà hát Tuổi trẻ đã ghi tiếp dấu ấn cho một kịch bản cũ qua vở Bến nước thời gian do nhà viết kịch Tạ Xuyên chuyển thể từ truyện của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Vở diễn được đạo diễn, NSƯT Sỹ Tiến dàn dựng khá ấn tượng, có được một thiết kế trang trí sân khấu lạ đẹp mắt, hấp dẫn. Ðiểm nhấn đặc biệt là đạo diễn và họa sĩ thiết kế đã mạnh dạn đưa cả một bể nước 500 lít lên sân khấu để diễn tả cảnh bến nước bồng bềnh một cách chân thực và đầy tính thị giác... khiến khán giả trầm trồ. Ðạo diễn Sỹ Tiến cũng như các đạo diễn khác đều đi theo xu hướng mở rộng không gian diễn tả cho sân khấu, tạo sự mới mẻ. Ở vở diễn này, cách bố trí sân khấu quay mở rộng ra nhiều không gian, khi là bến nước, khi là dòng sông, khi lại trở thành những chiếc cầu... khiến khán giả không bị trùng cảm xúc. 

NSƯT Thành Lộc khai trương sân khấu Thiên Đăng với vở Giáng Hương rúng động lòng người - Ảnh: Hoàng Kim

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã và đang khẳng định vị trí với các tác phẩm dựng lại và dựng mới. Quan thanh tra, kịch bản kinh điển được NGƯT Lê Mạnh Hùng dàn dựng cho thấy sự thay đổi đáng kể trong tư duy đạo diễn, nghệ sĩ. Khá mạnh tay cắt cúp kịch bản gốc để giảm thời lượng xuống còn một nửa, đạo diễn vẫn giữ được tinh thần của bản gốc, song thêm một số tình huống, lời thoại phù hợp với thực tế cuộc sống. Gần đây nhất, vở diễn Bóng rối của tác giả Hoàng Hoa do đạo diễn, NSND Tạ Tuấn Minh dàn dựng cũng được khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ yêu thích. Sự kết hợp để được gọi là sự sáng tạo mới mẻ đầy tính thách đố của sân khấu hiện đại. Rất nhiều thủ pháp sân khấu đã được đạo diễn đưa vào cùng với những ánh sáng, âm thanh… ngôn ngữ cơ thể, ngôn từ đối thoại rất đời mà vẫn chắt lọc, giàu tính văn chương. Ở đây có nghệ thuật kịch, nghệ thuật rối, kịch câm, kịch hình thể… cùng kết hợp để đem tới bữa tiệc cho thị giác, thính giác người xem. Sự thành công của vở diễn đến với công chúng trẻ tuổi là điểm hấp dẫn, đáng chú ý của tác phẩm này.

Tiết mục khai mạc Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc 2023 tại Hà Nam

Còn rất nhiều những sáng tạo mới mẻ của sân khấu mà đáng chú ý là sân khấu xã hội hóa mới chỉ dừng lại ở con số 2 đơn vị phía Bắc như các vở diễn từ những kịch bản kinh điển thế giới như Vua Lear, Lôi vũ của Sân khấu Lệ Ngọc hay vở Búp bê của Sân khấu Lucteam… đều là những vở diễn có cách dàn dựng thuyết phục, dùng nhiều tới ngôn ngữ cơ thể, biên tập chắt lọc những đối thoại vốn rất dài của kịch kinh điển… Ðặc biệt tháng cuối năm, sự góp mặt của Sân khấu Lệ Ngọc cùng bốn đơn vị công lập nhà nước tại Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc - Asian đã được bạn bè quốc tế tán thưởng. Và vở Lôi vũ của Sân khấu Lệ Ngọc đã xuất sắc đạt giải Huy chương Vàng tại Tuần lễ sân khấu lần này. 

Nhưng nếu nói tới sự khởi sắc đầy tính bất ngờ thì người ta phải dõi về sân khấu TP HCM. Ðã từng có nhiều báo động về sự thoái trào của sân khấu xã hội hóa nơi đây, nhưng kịch nói thành phố đã luôn tìm được cách để tự đứng lên, phát triển tốt hơn, giữ được khán giả. Theo báo cáo của thành phố, năm 2023, đã có 106 vở diễn được phúc khảo và công diễn tại các đơn vị sân khấu công lập và xã hội hóa trên địa bàn. Hai năm qua, kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây tổn thất rất lớn đến thành phố, nhưng năm nay, người yêu sân khấu bất ngờ với sự ra đời của một số sân khấu mới với dàn diễn viên gạo cội, trình làng những tác phẩm rất có chất lượng. Ðó là sự ra đời sân khấu Thiên Ðăng của NSƯT Thành Lộc tại Quận 1, TP. HCM; Sân khấu Trương Hùng Minh có sự hợp tác của nghệ sĩ Việt Hương với Trung tâm văn hóa Hòa Bình (Quận 10, TP. HCM) do nghệ sĩ Minh Nhí quản lý và điều hành. Hay cuối năm 2022 là Nhà hát Thanh niên của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM phối hợp… Nét đáng chú ý của các sân khấu xã hội hóa phía Nam là có sự rõ ràng trong phân khúc khán giả, trong tôn chỉ hoạt động. Các sân khấu này, ngoài việc dựng vở và trình diễn, còn tự đặt ra mục tiêu đào tạo diễn viên nâng cao, góp phần cung cấp thêm dàn diễn viên trẻ, tài năng cho thị trường sân khấu phía Nam. Các sân khấu vẫn đang sáng đèn cũng có những thay đổi tích cực để kéo khán giả, phát huy tốt nhất khả năng của mình như Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh tổ chức biểu diễn theo mùa đạt được hiệu quả tích cực, Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần phát triển mảng sân khấu kịch thiếu nhi bên cạnh việc duy trì ra mắt các vở diễn dành cho người lớn, NSND Hồng Vân mở điểm diễn mới tại Nhà Văn hóa Sinh viên...

 Kịch thể nghiệm Mình nói chuyện mình của đạo diễn Đoàn Khoa chính thức có buổi công diễn tại Nhà hát Thực nghiệm thuộc Trường Múa TP. HCM

Cũng như sân khấu phía Bắc, sân khấu TP. HCM hướng tới sự thay đổi về chất, về các biện pháp dàn dựng sao cho hấp dẫn, mới mẻ. Như vở Mình nói chuyện mình (tác giả, đạo diễn Ðoàn Khoa) tại Nhà hát Thực nghiệm Trường Múa TP. HCM được thể hiện mới lạ, phá vỡ các quy tắc thường thấy trong kịch. Các vở diễn của Nhà hát 5B Võ Văn Tần cũng rất giàu tính thể nghiệm như Chuyện tình nữ phạm nhân, Công lý như mặt trời… nhận được sự yêu thích cho khán giả. 

Một số tác phẩm thực sự mang tính đổi mới như vở thể nghiệm Biết thì nói, không thì bói của Trà Nguyễn hay Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn của Chinh Ba đã đem đến sự thay đổi triệt để khi kịch không có cốt truyện, không xung đột, không cao trào, thậm chí phi lý nhưng lại rất thu hút, hấp dẫn khán giả và được công chúng thành phố đón nhận tốt. 

 Các nghệ sĩ tham gia vở Lôi vũ của Sân khấu Lệ Ngọc với niềm vui đoạt giải Huy chương Vàng tại Tuần lễ Sân khấu Trung Quốc - Asian 2023

Từ Bắc vào Nam, các nghệ sĩ sân khấu đốt lên ngọn lửa nghề rực sáng, giàu trí tuệ, tâm huyết và cả những cố gắng tận cùng sức lực, tài chính để tự cứu mình, để hồi sinh và vươn cao. Mong rằng, những tín hiệu đó mau chóng trở thành dòng chảy chủ lực của sân khấu trong năm tới, để sân khấu trở lại vị trí tiên phong của mình, cánh chim báo bão của tương lai.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 559, tháng 1-2024

;