Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số: Tái hiện lễ hội Then Kin Pang của người Thái đen tỉnh Lai Châu

Với nhiều nghi lễ, trò diễn, điệu múa phản ánh quan niệm tín ngưỡng, ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa tộc người, Then Kin Pang là lễ hội quan trọng và có sức lan tỏa nhất trong cộng đồng người Thái đen ở Lai Châu hiện nay.

Ngay khi phần lễ kết thúc, thầy cúng phát động cuộc chơi hội với các điệu múa, trò diễn tạo nên sự hấp dẫn, vui nhộn và độc đáo cho lễ hội

Người Thái chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân số toàn tỉnh Lai Châu. Họ sống tập trung ở những khu vực ven sông, suối, thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Có hai ngành là Thái Đen (Tay Đăm) và Thái Trắng (Tay Khao hoặc Tay Đón). Người Thái đen cư trú ở các huyện: Shìn Hồ, Phong Thổ, Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường còn người Thái trắng cư trú tại các huyện Phong Thổ, Mường Tè, Shìn Hồ và thành phố Lai Châu. 

Từ xa xưa, trong thế giới tâm linh, đồng bào Thái ở Lai Châu luôn tin vào sự trường tồn của Mường Then, nơi có các đấng thần linh cai quản. Họ quan niệm rằng con người dưới trần gian chịu sự chi phối của trời và các thần linh. Người nhà trời thông qua người đại diện là Then sẽ xuống trần gian ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng yên vui. Then cũng là người đại diện cho hạ giới giãi bày tâm tư, nguyện vọng của muôn dân với trời và các đấng thần linh. Mỗi khi gặp bế tắc trong cuộc sống người dân bản sẽ tìm đến mo Then vì tin rằng chỉ có ông mới có thể cầu xin Then che chở, giúp đỡ cho họ. Và cứ vào tháng 3 hằng năm, thầy mo sẽ cùng bà con dân bản và các con nuôi - những người được mo Then cứu giúp thành công tổ chức lễ hội Then Kin Pang để tạ ơn của Then. 

Đến giờ làm lễ, các con nuôi quỳ gối trước bàn thờ Then và mâm cúng

Theo quan niệm của người Thái, Then có nghĩa là tiên, người trời; Kin có nghĩa là ăn, ăn mừng; Pang là lễ, người dự lễ. Then Kin Pang là lễ hội cúng mừng con nuôi đồng thời cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình và con cái của người Thái ở Lai Châu. Lễ hội này thường do một thầy mo trong bản tổ chức hằng năm.

Tại Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023 tại Làng văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, thầy cúng Lò Văn Vương cùng các nghệ nhân, diễn viên dân tộc Thái đen xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên tỉnh Lai Châu đã tái hiện lại lễ hội Then King Pang, thu hút sự chú ý của nhiều du khách. 

Theo thầy cúng Lò Văn Vương các thầy mo then là người có uy tín trong cộng đồng, thường ở trong các gia đình có truyền thống làm Then và là người am hiểu về phong tục, có thể thực hiện tất cả các nghi lễ tâm linh truyền thống, từ ma chay, cưới hỏi đến mừng thọ. Và quan trọng hơn cả là người đó phải chữa khỏi bệnh cho vài trăm người thì mới được tổ chức lễ Then Kin Pang. Trong cuộc đời của mình, mỗi thầy mo chỉ có thể tổ chức lễ Then Kin Pang được 4 lần. Và đây là lần thứ 2 thầy cúng Lò Văn Vương tổ chức lễ này. 

Thầy mo là người phụ giúp cho thầy cúng chuẩn bị mâm cúng dâng lên mời Then

Lễ hội Then Kin Pang của người dân tộc Thái gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hiện các nghi thức cúng, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn với trời đất, thần linh, cầu mong các vị thần ban phước lành, che chở cho nhân dân trong vùng vượt qua khó khăn, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như Thỉnh đoàn quân mo, Thỉnh thần linh bản mường, Điểm mâm, Dâng rượu cần... 

Ngày thầy mo then làm lễ, các con nuôi của Then từ khắp các bản mường xa đều đến phụ giúp, mỗi người mang theo một lễ vật. Thầy cúng phải tự mình chuẩn bị mâm cúng gồm: trứng gà, xôi, rượu, bát gạo, đĩa trầu cau, nến… Sau đó thầy cùng các con nuôi dựng cây nêu để ngày hội thêm tưng bừng và làm vui lòng các Then. Cây nêu được làm từ thân 1 cây chuối rừng và 2 cây cau rừng ghép lại với nhau. Cây chuối được chọn phải có hoa vì hoa chuối là món ăn yêu thích của các loài thú rừng. Cây nêu được trang trí đẹp mắt bằng những đồ vật mà Then và các thần yêu thích. Những bông hoa tươi và những bông hoa bằng chỉ màu tượng trưng cho núi rừng, bản làng tươi đẹp; các con côn trùng bằng giấy tượng trưng cho cuộc sống no đủ, muôn loài đều có ăn; hai quả trứng nhuộm là đồ chơi yêu thích của thần mưa, thần nắng. Trên cây nêu còn treo rất nhiều dải lụa đủ màu sắc. 

Đến giờ làm lễ, các con nuôi quỳ gối trước bàn thờ Then và mâm cúng. Khi tiếng sáo cất lên, thầy cúng tiến hành hát Then thỉnh đoàn âm binh đến bảo vệ và phù trợ cho mình khi làm lễ để không cho ma xấu về phá hoại. Trong lúc thầy mo hát mời các quan và Then vào ngự ở bàn thờ Then, đoàn con nuôi ngồi ở dưới múa động tác cúi đầu, đưa khăn tôn kính, chào Then đi qua. Trong lời hát, thầy cúng cũng xin Then và các vị thần ban cho ông sức khỏe để hầu hạ các ngài và làm việc tốt cứu giúp dân bản; xin Then che chở cho các con nuôi và người dân được khỏe mạnh: “Vua thiêng trên trời xuống/Quan lớn xuống trần theo/Mo tôi xin tạo bản mường/Che chở cho thầy cúng, con nuôi/Luôn mạnh khỏe, no ấm/Ban mưa cho tưới mát nhân gian/Cho mùa màng xanh tốt, nhà nhà no đủ”. Trong quá trình làm lễ, thỉnh thoảng thầy cúng lại làm động tác nhặt gạo để xem linh hồn của các con nuôi có bị thần ma nào bắt đi hay không. Ông bốc ngẫu nhiên vài hạt gạo lên xem nếu đúng số lượng mong muốn thì nghi lễ vẫn thể tiếp tục nhưng nếu không đủ sẽ tạm dừng để gọi hồn con nuôi trở về. 

Thầy cúng hát Then

Khấn xong, thầy cúng làm nghi thức trừ tà, tẩy uế cho các con nuôi. Ông dùng một cành cây xanh quét qua thân thể các con nuôi, vừa làm ông vừa khấn: “Cầm lá xanh ta tìm kiếm ngươi/Ma quỷ, cái xấu đi xa, chui vào mó nước/Cái ác, cái bệnh đi xa, chui xuống đáy biển/Cầm lá cây xanh ta tìm kiếm ngươi/10,20 năm cũng không được quay về/Người dám đến đây ta chặt chém đầu chém cổ”. 

Tiếp đó thầy cúng nhai lá trầu rồi nhấp một ngụm nước, giậm chân, phun qua đầu một đứa con nuôi hay đau ốm nhất. Cây xanh và lá trầu là vật tối kỵ với tà ma, hành động phun nước này giúp xua đuổi ma mãnh, gột rửa những cái xấu ra khỏi người con nuôi. Sau đó ông dùng 3 sợi chỉ trắng, đen, đỏ buộc vào cổ con nuôi, giúp giữ linh hồn luôn ở cùng thể xác, không bị ma quỷ dẫn dắt đi. Đến đây nghi lễ coi như đã hoàn thành. Thầy cúng dâng gà tạ ơn Then tại bàn thờ nhỏ, treo những dây hoa bằng vải màu, người Thái còn gọi là hoông mậy. Đây cũng là nơi trú ngụ của Then, các quan mường trời và linh hồn các con nuôi khi được thầy mo thỉnh về. 

Người Thái quan niệm phục vụ vua quan mường cũng như các tạo bản quan mường thuở xưa, sau khi ăn uống no say thì phải được xem múa hát. Vì vậy ngay khi phần lễ kết thúc thầy cúng phát động cuộc chơi hội với các điệu múa, trò diễn tạo nên sự hấp dẫn, vui nhộn và độc đáo cho lễ hội. Mọi người cùng tập trung xung quanh cây nêu, múa các điệu truyền thống của dân tộc Thái. 

Mở đầu là điệu múa khăn do các con nuôi biểu diễn. Đoàn người bước đi uyển chuyển trong nhịp trống chiêng, tay cầm khăn đưa lên xuống và sang hai bên rất nhịp nhàng. Múa khăn là điệu múa phổ biến trong đời sống văn nghệ của người Thái. Từ thuở xa xưa, các “xao tre” tức đội múa phục vụ nhà vua thường múa điệu này trong các dịp trọng đại của bản mường. Vua quan bản mường khi mất đi sẽ hóa thân về mường trời, trở thành các thần cai quản trần gian nhưng vẫn rất thích xem điệu múa khăn của các cô gái Thái. Người Thái quan niệm, các Then và các vị thần trời cũng đang hòa vào các điệu múa, cùng uống rượu và say sưa múa hát. Điệu múa khăn càng vui, càng tưng bừng thì các ngài càng vui và ban cho dân bản những điều tốt đẹp nhất. 

Sôi động hơn cả là điệu múa Sinh thực khí (tiếng Thái là Xe quay luông) mang đậm tính phồn thực, phản ánh ước vọng của người Thái về sự sinh sôi nảy nở của muôn loài và điệu Tăng bẳng - điệu múa dành riêng cho thần mưa, thần sấm chớp. 

Cây nêu trong ngày hội - Ảnh: Báo Dân tộc & Phát triển

Các con nuôi mỗi người cầm một ống tre, cùng nhau nện ống tre xuống sàn gỗ, tạo âm thanh vang vọng giữa đại ngàn. Âm thanh phát ra từ ống tre được người Thái coi như là tiếng sấm, mang ước vọng gửi tới thần sấm chớp và thần mưa xin ban mưa về tưới mát nhân gian, cho cây cối tốt tươi, cuộc sống no đủ. Điệu múa Tăng bẳng là kết quả của sự sáng tạo nghệ thuật từ hoạt động lao động sản xuất của người Thái, cho thấy tập quán sản xuất nông nghiệp lúa nước đã có từ lâu trong cộng đồng người Thái. 

Đến lúc các vua quan phải về mường trời thì phần hội cũng kết thúc với điệu múa Khảm nặm ta khái (nghĩa là Vượt thác mường trời), mô phỏng hành động chèo thuyền vượt thác. Người Thái quan niệm, đường lên mường trời phải đi qua một ngọn thác cao. Đoàn vua quan hàng ngàn người được các con nuôi chèo thuyền đưa về và thầy cúng là người hát lời tiễn biệt. Cùng lúc này các con nuôi quấn vải thổ cẩm quanh cây nêu để mô phỏng động tác đóng cửa trần gian. Trước khi cánh cửa mường trời đóng lại, thầy cúng làm nghi thức thoát hồn để kết thúc hành trình tâm linh huyền bí của mình. Nghi lễ Then Kin Pang như vậy là đã thành công tốt đẹp, người Thái tin rằng những ước nguyện của con người đã được Then và các quan chấp thuận, từ đây, thầy cúng, con nuôi và dân bản sẽ có nhiều sức khỏe, may mắn và làm gì cũng thành công.

Lễ hội Then Kin Pang còn là dịp để đồng bào các dân tộc cùng hội tụ, giao lưu, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, từng bước đưa lễ hội trở thành điểm đến du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách khi đến Lai Châu.

BẢO BẢO - Ảnh: TUẤN MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;