Xuất hiện trên mảnh đất Tây Nguyên từ cách đây trên 3000 năm, đàn đá là một trong số những nhạc cụ cổ xưa nhất, chiếm một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân bản địa và là “sợi dây” kết nối giữa con người với thế giới tâm linh từ thời tiền sử. Ngày nay, đàn đá vẫn luôn sống động trong tâm thức và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đối với các dân tộc Tây Nguyên, đàn đá, cồng chiêng không chỉ là một loại nhạc cụ mà nó còn như một người bạn tâm giao chia sẻ nỗi lòng cũng như gắn kết tinh thần. Ngày nay, việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của đàn đá không chỉ mang tính bảo tồn bền vững một nhạc cụ độc đáo mang đậm bản sắc Tây Nguyên mà còn góp phần thu hút quảng bá du lịch.
Một số thanh - mảnh trong bộ sưu tập đàn đá Bình Đa hiện lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai được công nhận bảo vật quốc gia
Nhạc cụ cổ xưa mang âm hưởng Tây Nguyên
Trong nền văn hóa dân gian, nhất là các dân tộc phía Bắc, nhạc cụ gõ cổ xưa nhất là trống đồng, hay còn gọi là trống đồng Đông Sơn, có niên đại cách ngày nay từ 2500 - 2000 năm (trước công nguyên). Cùng với giai đoạn lịch sử ấy, người Tây Nguyên bản địa cũng đã chế tác nhạc cụ đá hàng ngàn năm tuổi. Đó là loại nhạc cụ thuộc hệ gõ thường gọi là đàn đá, các dân tộc Tây Nguyên gọi là Goong lǔ (tức là “cồng đá” - “đá kêu như tiếng cồng”). Không chỉ là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam, đàn đá còn là một trong những loại nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người.
Bộ đàn đá thời tiền sử gồm 11 thanh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1949 tại tỉnh Đắk Lắk. Những người phu làm đường phát hiện tại Ndut Liêng Krak, Đăk Lăk, Tây Nguyên một bộ 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo bởi bàn tay con người, kích thước từ to đến nhỏ trong đó thanh dài nhất 101,7cm nặng 11,210kg; thanh ngắn nhất 65,5cm nặng 5,820kg. Tháng 6/1950, giáo sư Georges Condominas - một nhà khảo cổ người Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ đưa những thanh đá này về Paris và chúng được giao cho giáo sư âm nhạc André Schaeffner nghiên cứu. Sau đó, Georges Condominas công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Âm nhạc học (năm thứ 33 - bộ mới, số 97-98 tháng 7/1951). Ông gọi đây là loại đàn lithophone ở Ndut Liêng Krak và khẳng định: “nó không giống bất cứ một nhạc cụ bằng đá nào mà khoa học đã biết”. Hiện, bộ đàn đá này được trưng bày ở Bảo tàng Con người Paris, Pháp.
Bộ đàn đá B'lao được phát hiện ở tỉnh Lâm Đồng
Bộ đàn đá thứ hai được phát hiện năm 1956, trong chiến tranh chống Mỹ và một đại úy Mỹ mang về trưng bày ở New York. Năm 1980, Georges Condominas lại phát hiện bộ đàn đá thứ ba có 6 thanh tại buôn Bù Đơ thuộc xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Đây là bộ đàn do dòng họ Ksiêng (người Mạ) lưu giữ qua 7 đời.
Cho đến nay, đã có khoảng hơn 200 bộ đàn đá được phát hiện rải rác ở các tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Sông Bé và Phú Yên.... Nổi tiếng nhất là các bộ đàn đá Khánh Sơn, Bình Đa, đàn đá Bắc Ái, đàn đá Tuy An, đàn đá Đăk Kar (gọi theo địa danh phát hiện).
Đàn đá Khánh Sơn với nhiều khối đá và mảnh tước thuộc loại đá phún trào có nhiều ở Khánh Sơn, cũng chính là loại đá để chế tác đàn đá. Dấu hiệu chế tác đàn đá tại chỗ chứng tỏ dân tộc Raglai - những cư dân từ xưa ở nơi này là người chủ thực sự của những bộ đàn đá.
Những thanh đàn đá trong cuộc khai quật Bình Đa (P.An Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) năm 1979 được xác định thuộc niên đại khoảng 3.500 - 3.000 năm. Sưu tập thanh - đàn đá Bình Đa đã trở thành bảo vật quốc gia, gồm 51 hiện vật, trong đó có 5 thanh nguyên và 46 đoạn, mảnh. Các nhà khảo cổ cho rằng khu vực Đồng Nai là một trong những trung tâm chế tác đồ đá như công cụ sản xuất, đồ trang sức các loại đạt trình độ cao thời tiền sử ở vùng đất Nam Bộ. Sưu tập thanh đàn đá Bình Đa là kết tinh của những thành tựu này.
Nghệ nhân Điểu Duyên biểu diễn đàn đá tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
Bộ sưu tập này cũng được nghiên cứu, so sánh với các phát hiện sau năm 1975 tại các địa điểm khảo cổ học khác thuộc các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước và Bình Thuận. Từ đó, các nhà khoa học xác lập được hai truyền thống đàn đá. Đó là truyền thống Ndut Liêng Krak - Bình Đa phân bổ ở vùng Đông Nam Bộ, Nam Tây Nguyên và truyền thống Khánh Sơn - Bác Ái thì phân bố ở khu vực Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Thuận. Truyền thống Khánh Sơn - Bác Ái được đánh giá là chế tác đơn giản hơn, dạng hình không ổn định, các vết ghè đơn giản và thô, dễ được chế tác.
Linh thiêng đàn đá
Đàn đá đã góp phần làm phong phú thêm nền âm nhạc truyền thống, cũng như đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của một số dân tộc ở nước ta từ cách đây hàng nghìn năm.
Nghệ nhân Điểu Duyên tham gia biểu diễn trong Đoàn nghệ thuật của dân tộc M’nông tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ, kích thước của đàn đá thường khá dài nên ít được treo mà được các nghệ nhân đặt nằm song song nhau trên một giá đỡ ngang trong quá trình diễn tấu. Nhạc cụ này được chế tác từ những thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Các thanh đá càng dài, càng to thì âm thanh càng trầm. Ngược lại, thanh đá càng ngắn, càng nhỏ và mỏng thì âm thanh càng cao. Người M’nông xưa quan niệm rằng, thanh âm của đàn đá là sợi dây linh thiêng, là phương tiện để nối liền giữa con người với trời đất thần linh, nối quá khứ với hiện tại và hướng con người đến những điều tốt đẹp trong tương lai.
Đàn đá - nhạc cụ bí ẩn, cổ xưa nhất của các tộc người, trong đó có người M’nông
Đàn đá thường được hình thành từ nhiều thanh, làm bằng đá sừng, hoặc đá nham... Cách thức ghè đẽo khá tinh xảo và chau chuốt; kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau để cho được các thang âm trầm bổng, thánh thót khi gõ. Thanh đá dài, to, dày thường có âm trầm và trong. Ngược lại thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh...
Có những bộ đàn đá được chế tác theo kỹ thuật độc đáo. Đàn đá Đăk Kar được làm từ chất liệu đá sừng cordierit, qua gia công ghè đẽo, chế tác, người tiền sử đã tạo ra bộ đàn đá hoàn chỉnh gồm 3 thanh: thanh Tru (cha), thanh T’rơ (mẹ) và thanh Tê (con). Thanh âm của đàn đá được GS,TS Trần Văn Khê ca ngợi là “biểu hiện tâm tư hệt như con người”. Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm. Ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá.
Đàn đá đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của một số dân tộc ở nước ta từ cách đây hàng nghìn năm
Nghệ nhân Điểu Duyên trải lòng, qua hàng ngàn năm, dù đã chuyển sang sử dụng nhạc cụ đồng như cồng và chiêng, nhưng người Tây Nguyên nói chung và người M’Nông nói riêng vẫn lưu giữ được những bộ đàn đá cổ. Tập quán chơi đàn đá phổ biến của đồng bào M’nông cổ xưa vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ như tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc. Đàn đá cổ xưa đã được đồng bào M’Nông dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng và sau này phục vụ các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đối với người M’nông, các phiến đá rất linh thiêng và chúng được gìn giữ như một bảo vật của gia đình. Ngày thường, người dân thường cất chúng trong gùi lớn, đến lễ tết mới mang ra trưng bày, biểu diễn. Vì ý nghĩa linh thiêng, đây là nhạc cụ duy nhất được trình tấu trong những ngày lễ hội như: Lễ mừng lúa mới, mừng được mùa, lễ hội ăn trâu, uống rượu cần…
Bảo tồn và phát huy giá trị của đàn đá
Năm 2005, đàn đá được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên kiệt tác truyền khẩu, phi vật thể của nhân loại”. Điều này khẳng định thêm giá trị về lịch sử văn hóa hàng ngàn năm, giá trị về nghệ thuật âm nhạc cổ đại của đàn đá Tây Nguyên.
Tây Nguyên sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị lịch sử và thẩm mỹ độc đáo như nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội, nghệ thuật diễn xướng và kho tàng văn học dân gian mà tiêu biểu là những bản trường ca (sử thi) được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, thời gian qua, văn hóa Tây Nguyên ngày càng mai một bởi nhiều nguyên nhân.
Đàn đá Khánh Sơn
Rừng - vốn được coi là cội nguồn của đời sống tâm linh người dân đang bị thu hẹp dần. Quy mô, không gian làng bản truyền thống dần nhường chỗ cho những khu định cư mới, cho các công trình thủy điện; những nhà rông, nhà dài, nhà sàn cũng ít đi. Việc di dân làm tỷ lệ người dân tộc giảm sút, bản sắc văn hóa bản địa có phần bị phá vỡ, lai tạp. Trong dòng chảy cuộc sống hiện đại, một bộ phận thanh niên ít quan tâm đến văn hóa của dân tộc mình. Và điều hết sức quan trọng là đời sống các dân tộc Tây Nguyên còn rất nhiều khó khăn nên đồng bào chưa có nhiều điều kiện gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống. Việc phát huy và bảo tồn đàn đá cũng không tránh khỏi những hạn chế trên. Nhưng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và ngay trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên cũng ý thức được sự cần thiết và cấp bách của việc gìn giữ bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của đàn đá nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống nói chung của dân tộc mình.
Từ những năm 1979 vấn đề nghiên cứu, sưu tầm đàn đá đã được giới khoa học Việt Nam chú ý bởi giá trị văn hóa lịch sử của nhạc cụ cổ đại này. Trong công cuộc bảo vệ, gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc Việt, nhạc cụ dân tộc là yếu tố được các nhà nghiên cứu văn hóa quan tâm hàng đầu. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trở nên cấp bách và có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm không ngừng nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào các dân tộc.
Lo ngại trước sự lên ngôi của các loại đàn điện tử lấn át nhạc cụ truyền thống, một số nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà văn hóa miệt mài níu giữ và bảo tồn những “đặc sản” tinh thần và văn hóa dân tộc. Nhiều nghệ nhân đã bỏ công truyền nghề cho các thế hệ sau để gìn giữ âm nhạc dân tộc. Nghệ nhân Điểu Duyên tâm sự: “Trong các loại nhạc cụ của người Tây Nguyên thì đàn đá khó làm và khó chơi nhất. Ngày trước, chỉ có một vài người trong làng biết làm và chơi loại đàn này. Nhiều năm qua, các cấp các ngành ở địa phương đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân, nhất là thế hệ trẻ chung tay vào việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, ngoài cồng chiêng, hát dân ca, đàn t’rưng còn phổ biến thì đàn đá hiện ít xuất hiện. Nếu được gìn giữ và nhân rộng, đàn đá sẽ cùng các loại hình âm nhạc khác góp phần giúp đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phát triển loại hình du lịch văn hóa”.
. Đàn đá Bình Đa
Hiện, nhiều địa phương ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã triển khai song song việc phục dựng các bộ đàn đá, tổ chức tập huấn về phương pháp bảo tồn và kỹ năng biểu diễn đàn đá cho các nhạc công người tại địa phương với việc tổ chức quảng bá giá trị về các loại nhạc cụ cổ truyền gắn với phát triển du lịch.
Việc nghiên cứu và bảo tồn loại nhạc cụ độc đáo này cần tiếp tục được quan tâm bởi đàn đá ngày nay vẫn sống động trong tâm thức và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đối với các dân tộc Tây Nguyên, đàn đá, cồng chiêng không chỉ là một loại nhạc cụ mà nó còn như một người bạn tâm giao chia sẻ nỗi lòng cũng như gắn kết đời sống tinh thần. Đồng thời, bảo vệ và phát huy tốt giá trị di sản sẽ giúp người dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch.
Tại các vùng đất phát triển du lịch, việc bảo tồn đàn đá có thể gắn với giới thiệu, quảng bá nét độc đáo của các nhạc cụ của người Tây Nguyên đối với du khách mọi miền. Các địa phương nên tổ chức các lễ hội trong năm gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đặc biệt các lễ hội lớn như: Lễ hội Cồng Chiêng, Lễ hội đua voi, Lễ ăn cơm mới, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Lễ tạ ơn cha mẹ, Lễ cúng bến nước chính là không gian diễn xướng rất thích hợp để biểu diễn và tôn vinh đàn đá cùng với các nhạc cụ khác.
Công tác bảo tồn và phát huy các nhạc cụ truyền thống người Tây Nguyên cũng nên thực hiện hiệu quả tại các nhà trường thông qua các mô hình trường học mới như “Trường học gắn với thực tiễn”, “Trường học đa văn hóa”, “Trường học hạnh phúc”, hoạt động giáo dục STEM, trải nghiệm văn hóa truyền thống. Hiện, có nhiều nhà trường đã tổ chức các hoạt động bảo tồn rất phong phú, sinh động và thiết thực.
NGÔ HỒNG VÂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023