Chiến thắng Điện Biên Phủ - Một nguồn cảm hứng trong văn học

Cách đây đúng 70 năm, quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng - đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Chiến thắng mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Chiến thắng này cũng mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta đã chấm dứt ách đô hộ hơn tám mươi năm của thực dân Pháp, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn được giải phóng, bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh rồi xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà. Với tầm vóc và ý nghĩa to lớn đó, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả, tác phẩm văn học.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ của Nhà điêu khắc Nguyễn Hải

 

Có một Điện Biên Phủ trong thơ…

Là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, đương nhiên Tố Hữu không thể không có những vần thơ về chiến thắng Điện Biên. Bài thơ khơi nguồn cảm hứng trực tiếp từ chiến công này của ông là Hoan hô chiến sĩ Điện Biên hừng hực khí thế tiến công cách mạng: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi/ Ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!...

Bên cạnh khí thế tiến công cách mạng, bài thơ cũng không thiếu những hình ảnh lãng mạn, đầy sức gợi với 3 địa danh và 5 màu sắc chỉ trong hai câu: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...

Ngoài thi phẩm trực tiếp “hoan hô” các chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận này, âm hưởng và tầm vóc của chiến thắng Điện Biên còn nhiều lần đi về trong thơ Tố Hữu: Đánh một trận dập đầu quỷ dữ/ Sáng nghìn năm lịch sử Điện Biên; Điện Biên lừng lẫy Việt Nam ta/ Mang tiếng khèn vui gọi mọi nhà/ Mời bạn gần xa ra tuyến lửa/ Góp phần giải phóng Á - Phi - La…

Đặc biệt, không thể không nhắc đến hai câu thơ để đời của ông, hiện được treo trang trọng ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ:

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng

Niềm tự hào của Tố Hữu cũng chính là tâm thế của nhà thơ Cầm Giang: …Từ sa mạc bão cát/ Đến thượng tầng Nhị Lang/ Từ gác chuông Luân Đôn/ Đến Mạc Xây sóng biển/ Từ mái lầu ngõ hẻm/ Đến lâu đài U Bôn/ Đều biết quê tôi quen thuộc: Điện Biên (Quê tôi Điện Biên Phủ).

Làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là những anh hùng hữu danh và vô danh. Trong số những anh hùng hữu danh - để lại tuổi tên cùng muôn thuở non sông, tấm gương Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng để lại niềm rung động sâu xa. Xuân Diệu từng viếng mộ Bế Văn Đàn cùng niềm cảm khái: Nơi đây mộ Bế Văn Đàn/ Thân làm giá súng, thân làm cành xuân/ Đang khi trận địa gian truân/ Vai khiêng núi lửa diệt quân bạo tàn/ Quân ta cờ thắm khải hoàn/ Mà người chiến sĩ đã tàn thịt xương (Mộ Bế Văn Đàn). Vũ Cao không quên người anh hùng quê đất Cao Bằng: Tô Vĩnh Diện/ Bế Văn Đàn…/ Những cái tên thật đơn sơ giản dị/ Những người anh từ biển sông xa sóng đổ cát bồi/ Từ những xóm trung du, những bản làng dốc núi/ Từ trăm nẻo đất quê mang hờn căm nhức nhối/ Đã hành quân lên/ Không có ngày về. Chế Lan Viên thì “nhớ Bế Văn Đàn” cùng triết lý nhân sinh lay động lòng người:

Ngã xuống ở Mường Pồn, anh đâu biết có mùa cam

Anh chỉ thấy dây thép gai đồn giặc

Tôi yêu những người chửa hình dung ra hạnh phúc

Lúc đồng đội cần, dẫu chết chẳng từ nan

Thi ảnh “cam Mường Pồn” là sáng tạo đặc sắc của thi nhân, vừa mang ý nghĩa hiện thực hoa thơm trái lành trên đất quê hương, vừa tượng trưng cho hạnh phúc ngọt ngào sẽ đến sau một “thống khổ đích lịch trình” (khổ tận cam lai). Ấy thế nhưng, hạnh phúc ngọt ngào kia đang bị “dây thép gai đồn giặc” che khuất. “Có cái chết hóa thành bất tử”, cái chết của anh Bế Văn Đàn là cái chết trước bình mình của một người không mưu cầu hạnh phúc cá nhân, tự nguyện “ngã xuống” không hề đắn đo. Không phải ngẫu nhiên, câu thơ Chế Lan Viên về sau đã gợi ý tứ cho bài viết: Người anh hùng giữ mãi những mùa cam Mường Pồn. Nhạc sĩ Huy Du trong bài hát Bế Văn Đàn sống mãi cũng có lời ca: Bế Văn Đàn ơi, mười năm qua anh vẫn còn, vẫn còn sống mãi/ Đất nước quê anh lá thắm rừng xanh, cam Mường Pồn quanh mồ anh xây đỏ…

Nguyễn Sáng, Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ, sơn mài, 1963

 

Với Chế Lan Viên, mọi thứ liên quan đến chiến dịch, chiến thắng Điện Biên Phủ đều có thể là một tín hiệu thẩm mỹ đáng chú ý như tiếng cuốc đào chiến hào năm xưa bất chợt vọng về trong tâm tưởng:

Mỗi đêm một tiểu đội để xương thịt mình trong ruột đất/ Cho sáng ra chiến hào từng thước nhích dần lên/ Làm nên chiến thắng có tiếng hát vang trời các giàn đại bác/ Lại có im lìm của tiếng cuốc chim (Tiếng cuốc ở Điện Biên).

Vẫn Chế Lan Viên với cái nhìn về cuộc sống và con người mới hồi sinh trên mảnh đất hôm nào còn đầy khói bom và thuốc súng, sau khi đi thăm nghĩa trang đồi A1 đã viết bài Thóc mới Điện Biên: 

Tô Vĩnh Diện, Trần Can/ Mộ anh Giót, anh Đàn/ Năm trăm mộ anh hùng ngời chói thóc/ Dưới đồi xa/ Pháo thù gục mặt/ Lúa đã chín/ Chỗ tầm câu đại bác/ Lúa chín thơm/ Đầy một sắc trưa vàng.

Còn gì ý nghĩa hơn những câu thơ ấy? Ngay chỗ mới hôm qua còn là nơi ngự trị của thần chết (pháo thù, chỗ tầm câu đại bác) thì hôm nay sự sống đã đâm chồi, này lộc, đến mùa thu hoạch (lúa chín thơm đầy một sắc trưa vàng). Thi ảnh Thóc của dân/ Che kín mộ anh hùng rất đẹp, mang hàm ý nhắc nhở: “Máu của các chị, các anh không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam”. Sự hy sinh của các anh không chỉ là cội nguồn cảm hứng của thi ca mà còn đem lại no ấm, hạnh phúc cho mỗi người dân. Chỗ những người anh hùng nằm cũng là chỗ “ngời chói thóc”, lúa chín thơm vàng”…

Nhà thơ Tế Hanh Thăm đồi A1 nhìn trời mây sông nước, hoa ban Điện Biên mà suy tưởng đến những con người đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở”:

Chiều trầm mặc: từng cái hoa, cái lá/ Từng gốc cây, bụi cỏ cũng thiêng liêng/ C1, C2, Đồi cháy kế bên/ Trong mình mẩy còn tươi dòng máu đỏ/ Tôi lắng nghe Tổ quốc gọi thầm trong gió/ Tên những người con: Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn/ Mà tâm hồn trắng mãi với hoa ban.

Lê Vinh, Bế Văn Đàn, lụa, 1958

 

Suy tưởng của Tế Hanh cũng là suy tưởng của Chế Lan Viên trong bài Chim lượn trăm vòng: Tôi đến trước đồi Điện Biên rực lửa/ Cỏ mùa xuân che lấp chỗ anh nằm/ Đất Tổ quốc quý từng dòng máu đổ/ Hết một mùa chiến dịch, lại thành xuân và suy tưởng của Mai Nam Thắng: Vẫn tinh khôi màu trắng thuở ban đầu/ Trùng điệp cỏ lau chắn che bờ cõi/ Nhắn nhủ gì mà rì rào không mỏi/ Sáu mươi năm tiếp nối bốn ngàn năm/ Để ngày ngày Bản Kéo, Him Lam/ Độc Lập, Noong Nhai, Mường Thanh, Hồng Cúm/ Lau xao xác bạt ngàn bia mộ trắng/ Hóa vầng mây che bóng các anh nằm (Lau trắng Điện Biên); của Nguyễn Hưng Hải: Nhớ lần trở lại Điện Biên/ Sững sờ đỉnh dốc Pha Đin nhìn trời/ Chèn lưng cứu pháo đâu rồi?/ Pháo thì cứu được mà người nằm đâu/ Trắng như mây trắng trên đầu/ Hàng bia mộ trắng một màu đau thương/ Máu xương đã lát thành đường/ Nhẹ chân thôi, những đau buồn chưa qua (Trở lại Điện Biên); của Hoàng Nhuận Cầm: Bao giờ trở lại Điện Biên/ Viết câu lục bát đầu tiên trong đời/ Thắp hương hài cốt anh tôi/ Nhìn hoa ban trắng xóa đồi Him Lam (Thơ trở về nguồn)

Trên tất cả, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa là nơi để mỗi người thanh lọc hóa tâm hồn, tự thấy phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của lớp người đi trước như lời thơ Vũ Quần Phương: Hò dô ta nào!/ Cái dây tời các anh choãi chân đứng kéo/ Bây giờ vẫn căng/ Vịn vào tiếng hò xưa/ Chúng tôi nắm những dây tời mới/ Kéo qua mỗi ngày thường/ Những vất vả nhọc nhằn chưa hết/ Bao đỉnh cao mù sương/ Trong lòng người/ Phải vượt (Hò dô ta nào!); lời thơ Bằng Việt: Những mùa lúa đã vàng lên óng mắt/ Dưới chân rạ cày sâu còn bất chợt thấy xương người!/ Giành chiến thắng xong rồi/ Còn phải sống cho xứng tầm chiến thắng! (Em hãy đến cánh đồng Mường Thanh).

 

 …và văn xuôi

Không chỉ thơ, chiến thắng Điện Biên Phủ cũng từng là “điểm hẹn lịch sử” dành cho nhiều tác phẩm văn xuôi như tiểu thuyết Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng. Lúc bấy giờ, Nguyễn Huy Tưởng là người dẫn đoàn nhà văn đầu tiên lên Điện Biên Phủ bốn năm sau khi chấm dứt chiến sự. Ông tham gia vào mọi công việc lao động thường nhật của các chiến sĩ đang khẩn trương xây dựng lại mảnh đất Tây Bắc. Tác phẩm ra đời sau chuyến đi thực tế ấy!

Ngoài tiểu thuyết Bốn năm sau, chúng ta có thể kể đến tập ký Sông Đà của Nguyễn Tuân; Truyện Tây Bắc và tiểu thuyết Miền Tây của Tô Hoài; truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải... Do dung lượng có hạn của một bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến truyện ngắn Mùa lạc như một dẫn chứng tiêu biểu.

Truyện ngắn Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải có cùng cảm hứng hồi sinh như thi phẩm Thóc mới Điện Biên của nhà thơ Chế Lan Viên. Tác giả đã rất khéo léo chọn không gian nghệ thuật cho tác phẩm của mình là nông trường Điện Biên, nơi trước đó không lâu, “còn ngợp lên một rừng cây chó đẻ, dậy thép gai, mìn, vỏ đạn đại bác, nhàu nát vì những hố bom, những giao thông hào”… Đúng là thể hiện cảm hứng hồi sinh, “về sự nảy nở những chồi nụ của sự sống trên mảnh đất còn chưa lành thương tích chiến tranh, để biểu hiện cảm hứng về một Tổ quốc Việt Nam đang ửng đẹp dần lên từ khổ đau, tàn phá, một dân tộc Việt Nam đang gắng xây đắp cho mình một cuộc sống mới ngay sau khi chiến thắng quân thù”, nói như nhà giáo Đỗ Kim Hồi, “còn có nơi đâu lý tưởng hơn Điện Biên - Tây Bắc”?

Dưới ngòi bút Nguyễn Khải, sự hồi sinh trên mảnh đất Điện Biên thật đẹp, nhất là sự hoài thai của những mầm sống thiêng liêng: “Màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở khác của đất hoang… Một mảnh vải trắng làm rèm che cửa, một giàn liễu leo có những chấm hoa đỏ thắm như nhung ở mé hiên phía trước, bóng lá loáng mướt của rặng chuối, màu vàng rực của khóm đu đủ, mấy con ngỗng bì bạch ở mé nhà, tiếng guốc đi lẹp kẹp, bóng dáng nặng nề của những chị có mang ở khu gia đình, những ngọn đèn le lói, mảng thuốc bay qua ánh đèn trông rõ từng sợi xanh (…) Cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi!”…

Cũng chính mảnh đất Điện Biên ấy, đã góp phần hồi sinh cho một kiếp người: nhân vật Đào. Đào thuộc mẫu phụ nữ truân chuyên, vất vả nhưng đáo để. Cô lên nông trường Điện Biên với tâm lý “con chim bay mãi cũng mỏi cánh, con ngựa chạy mãi cũng chồn chân, muốn tìm một nơi hẻo lánh nào đó, thật xa những nơi quen thuộc để quên đi cuộc đời đã qua” - cuộc đời mà cô lấy phải anh chồng chả ra gì, rồi chồng con đều chết, mình cô thân cò lặn lội vất vả ngược xuôi. Vậy mà đến với Điện Biên, cái đất “dính người phải biết”, bằng niềm vui lao động, ý thức xây dựng cuộc đời mới, cô đã tìm thấy tình yêu và hạnh phúc. Cái “hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy tám năm nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ra ác liệt nhất. Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối tiện đầu, quét lượn sơn trắng làm bình hoa, một ống khói thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này, và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù óng mượt. Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh, gian khổ...”.

70 năm qua, chiến thắng Điện Biên Phủ đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm văn học. Nguồn cảm hứng này chúng tôi tin sẽ còn nối dài mãi bởi sau mỗi dịp kỷ niệm chiến công hào hùng năm xưa, chắc chắn chúng ta sẽ có thêm những tác phẩm mới!

Huy Toàn, Đồi A 1 Điện Biên Phủ, sơn dầu

 

THANH HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 568, tháng 4-2024

;