Hoàn thiện chính sách phát triển điện ảnh

Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021 đã tiếp tục khẳng định quan điểm của đảng phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thực hiện kết luận của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, các Bộ, ngành, địa phương đã có sự chú trọng, đầu tư thích đáng, xứng tầm cho văn hóa. Đặc biệt, Bộ VHTTDL đã có sự thay đổi lớn về tư duy, chỉ đạo với phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: “Chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa”.

Luật Điện ảnh (sửa đổi) được nhiều cấp, ngành góp ý trước khi trình Quốc hội ban hành

 

Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025). Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, quản lý, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng bước đưa văn hóa thấm sâu trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội…

Trong số các ngành nghệ thuật thì điện ảnh là ngành có độ mở cao từ hội nhập khu vực và quốc tế. Những thay đổi của công nghệ, sự dễ dàng trong quảng bá đã đặt điện ảnh Việt Nam trước vô vàn những cơ hội và thách thức. Ý thức rõ điều đó, điện ảnh cũng là ngành nghệ thuật đầu tiên xây dựng bộ luật từ rất sớm (năm 2006) và đã qua một lần chỉnh sửa (2009). Tuy nhiên, những biến động quá nhanh của công nghệ, kỹ thuật, môi trường làm phim đã khiến Luật Điện ảnh không còn theo kịp thực tế, bộc lộ những hạn chế, rào cản, ngăn trở sự phát triển. Sửa đổi Luật Điện ảnh đã trở thành vấn đề cấp thiết để tạo đà cho điện ảnh phát triển và hội nhập sâu rộng cùng khu vực và thế giới. Sau nhiều hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến các cấp quản lý, các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu… Luật Điện ảnh sửa đổi đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 15/6/2022 và thực sự mang tới một thay đổi lớn cho sự phát triển của ngành. Có thể xem điện ảnh là ngành nghệ thuật đã hoàn thiện thể chế sớm nhất theo kết luận, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Hàng loạt những sửa đổi, bổ sung như quản lý phim trên không gian mạng, thu hút, kêu gọi liên doanh, hợp tác làm phim đã được quy định trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022. Các quy định về đấu thầu, đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước, quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh… được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường thuận lợi và chuyên nghiệp hơn cho điện ảnh Việt Nam trong quá trình hoạt động.

Chương trình phim hoạt hình miễn phí tặng trẻ em Việt Nam

 

Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng được xem là một bước tiến để thu hút các đoàn phim nước ngoài đến với Việt Nam qua đó thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển và góp phần quảng bá thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Về quy định đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ các phim có sử dụng ngân sách nhà nước, Luật Điện ảnh sửa đổi đã bỏ bớt các thủ tục rườm rà, một rào cản khiến nhiều năm qua điện ảnh không thể thực hiện việc sản xuất phim bằng nguồn vốn ngân sách thông qua đấu thầu. Các quy định “giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu” đã tạo ra những thông thoáng về thủ tục, các bước tiến hành để phim nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng được nhanh chóng thông qua, đưa vào sản xuất.

Một nét đáng chú ý nữa nằm ở Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Việc Quốc hội thống nhất vẫn giữ quy định về quỹ trong luật sẽ hỗ trợ cho các tác giả trẻ, những dự án nghệ thuật, những hoạt động quảng bá, tham gia các Liên hoan, hội chợ phim…

Một nội dung mới được bổ sung là quy định về thẩm định, phân loại phim với việc phân cấp rất mạnh về cho địa phương. Theo đó, UBND các tỉnh, thành trong cả nước nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, các điều kiện để đảm bảo cho việc tổ chức hoạt động của Hội đồng thẩm định và phân loại phim thì đều được quyền cấp giấy phép. Với quy định này thì việc cấp giấy phép phân loại phim không chỉ còn là công việc của Bộ VHTTDL mà đã được giảm tải.

Cùng với Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, các nghị định, thông tư cũng gấp rút được xây dựng để ngày 1/1/2023 Luật Điện ảnh (sửa đổi) chính thức đi vào cuộc sống. Với các quy định cụ thể, rõ ràng, có tính cập nhật cao, các điều luật không chỉ mở đường cho sự phát triển mà còn giúp bảo vệ các tác phẩm, tác giả. Sự rõ ràng trong luật cũng sẽ hạn chế bớt những tranh cãi, tạo môi trường thuận lợi để điện ảnh hoạt động và phát triển.

Lễ trao giải Màn ảnh xanh quy tụ nhiều tác giả trẻ

 

LHP quốc tế Hà Nội để lại nhiều ấn tượng với nghệ sĩ nước ngoài

Luật Điện ảnh năm 2022 cũng bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh. Luật Điện ảnh năm 2022 được các nhà sản xuất, phát hành, phổ biến phim, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, các nghệ sĩ… đánh giá cao. Cùng với Luật Điện ảnh sửa đổi sự đồng bộ từ luật, các nghị định, thông tư được ban hành cũng tạo điều kiện, khuôn khổ, hành lang pháp lý để các hoạt động sản xuất, phát hành, hợp tác quốc tế có không gian, môi trường để phát triển. Trong đó, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh đã được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2022; Thông tư số 17/2022/TT-BVHTTDL quy định các mẫu văn bản trong hoạt động điện ảnh đã được Bộ VHTTDL ban hành ngày 27/12/2022. Thực hiện Luật Điện ảnh (sửa đổi), Cục Điện ảnh - cơ quan quản lý ngành đã xây dựng nhiều chương trình, các hoạt động, Liên hoan Phim, các giải thưởng… nhằm khuyến khích, động viên, tìm kiếm các tài năng mới cùng các sản phẩm chất lượng.

Có thể nói, kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp đã nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương về văn hóa. Khi được trả về vị trí xứng đáng, kinh phí được cấp, đầu tư cho văn hóa cũng được nâng lên. Các khâu từ đào tạo, sáng tác, biểu diễn, phát hành đến xây dựng luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn cũng có bước phát triển khi nhận được sự quan tâm, đầu tư hơn từ Nhà nước, các cấp, ngành. Nhiều mô hình, thiết chế văn hóa được hình thành, xây dựng và bước đầu có thành quả. Với điện ảnh, sự cởi mở trong tư duy, trong luật định cũng mở ra cơ hội xã hội hóa sâu rộng cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nghệ sĩ, các bộ phim được tham dự các LHP khu vực và quốc tế. Năm 2022, có thể được xem là năm thành công của điện ảnh khi một số bộ phim Việt được vinh danh tại các LHP quốc tế. Nhiều êkip, dự án tự tin tranh tài, giành được những hỗ trợ từ các quỹ đầu tư điện ảnh khu vực và thế giới. Các tuần phim nhân kỷ niệm năm ngoại giao như Chương trình Giao lưu điện ảnh Việt Nam-Hàn Quốc nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022) cũng tạo nhiều dấu ấn về văn hóa trong ngoại giao. Với mục đích lưu trữ, bảo tồn, số hóa và quảng bá phim Việt, Cục Điện ảnh đã phối hợp với Trung tâm Chiếu phim quốc gia xây dựng, hoàn thiện đề án “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”, phối hợp với Viện phim Việt Nam xây dựng Quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung, quy trình cung cấp dịch vụ và định mức kinh tế - kỹ thuật lưu trữ, bảo quản tư liệu, hình ảnh động quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước…

Tuần phim Việt Nam tại Venezuela tháng 7 - 2022

 

Lần đầu tiên, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam phối hợp với Trung tâm chiếu phim quốc gia ở Hà Nội tổ chức chiếu phim hoạt hình Việt Nam miễn phí từ đợt hè tới hết năm 2022. Hoạt động này được thực hiện dưới hình thức tổ chức chương trình Chiếu phim hoạt hình Việt Nam giá 0 đồng. Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và Trung tâm Chiếu phim Quốc gia chia chương trình làm 2 giai đoạn: Chương trình phim hè từ ngày 28.5 đến 30.6.2022 với các suất chiếu vào lúc 9 giờ 30 sáng các ngày thứ 3, 5, 7 hằng tuần. Tiếp theo là chương trình chiếu phim định kỳ với suất chiếu vào 9 giờ 30 sáng Chủ nhật hằng tuần từ 1.7 đến 31.12.2022.

Đặc biệt, LHP màn ảnh xanh do Hiệp hội xúc tiến và phát triển điện ảnh phát động, chấm thi, trao giải đã quy tụ được nhiều đơn vị, các nhà tài trợ, gắn kết hoạt động điện ảnh cùng với môi trường, với xã hội, đi theo hướng tiêu dùng xanh, kinh tế xanh đã nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực.

Từ kết luận của Tổng bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, mỗi bộ, ngành đã có những triển khai một cách thiết thực, hiệu quả. Cùng với điện ảnh, các ngành nghệ thuật khác như sân khấu, nghệ thuật truyền thống, nhiếp ảnh… cũng đang có các hoạt động, chương trình, dự án thực hiện theo kết luận của Tổng Bí thư. Tất cả đã tạo nên một sự thay đổi từ nhận thức, tư duy, cách làm, cách quản lý, vận hành, sáng tác, biểu diễn… để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một trong những trụ cột quan trọng trong ổn định và phát triển đất nước.

Số hóa sẽ giúp lưu trữ và quảng bá tốt hơn các hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới

 

TÔN QUẾ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023

;