Thuộc thế hệ 9x, Nguyễn Văn Bắc với nghệ danh - Nam Chi là một trong những họa sĩ trẻ hiện nay đang theo đuổi dòng tranh dân gian. Không chỉ nỗ lực bảo tồn, anh còn cho ra đời nhiều tác phẩm thuộc hai dòng tranh Hàng Trống và Kim Hoàng. Trong dịp đón xuân Quý Mão, Nam Chi đã trình làng các bức họa về mèo để gửi đến những người yêu thích dòng tranh mang đậm nét văn hóa Việt Nam này.
Niềm đam mê dòng tranh dân gian đối với Nam Chi đã xuất hiện từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cậu bé vùng đất Hải Dương bắt đầu bị cuốn hút và mê mẩn khi được chiêm ngưỡng bức tranh dân gian về Quan Âm trong sách giáo khoa. Sự yêu thích đó ngày càng lớn lên và cùng theo Nam Chi bước chân vào giảng đường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Tại khoa Thiết kế đồ họa, được học tập, tiếp cận nhiều dòng tranh, tìm hiểu và nghiên cứu sâu, Nam Chi càng thấy được những giá trị quan trọng của dòng tranh dân gian Việt Nam. Vì lẽ đó, ngay từ năm đầu tiên tại ngôi trường đại học, chàng sinh viên Nam Chi đã bắt tay vào thực hành, tập luyện, đồng thời đã cho ra đời các bức họa với sự sáng tạo của riêng mình, dựa trên nền tảng mẫu truyền thống của ông cha đã để lại.
Trả lời câu hỏi vì sao lại đam mê với dòng tranh dân gian, Nam Chi cho biết: “Tôi thích thú, đam mê với dòng tranh dân gian, vì nó có vị trí quan trọng trong cuộc sống của người dân nước Việt. Ở đó, phản ánh về mọi mặt tinh thần, cũng như tín ngưỡng của người dân nước ta”.
Nắm chắc về bố cục, phối màu, tạo hình, đồng thời kết hợp cả kỹ thuật đồ họa vào các tác phẩm nên nhiều bức tranh như: Phật hoàng Nhân Tông, Chúa Thác bờ, Đà Mã, Tam phủ, Phật Di lặc, Đại Việt Bạch Đằng chiến tích đồ… của Nam Chi đã được người xem đón nhận. Đặc biệt, với tác phẩm Đại Việt Bạch Đằng chiến tích đồ (tranh Hàng Trống) thuộc tranh thờ, đã được họa sĩ sáng tạo trở thành tác phẩm mới. Bức tranh kể về trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng được họa sĩ nghiên cứu rất kỹ và phác họa chân thực từ bối cảnh lịch sử, trang phục, thuyền chiến, cờ, đến đặc điểm khuôn mặt giữa tướng của ta và của giặc…; hay với bức Tiên tắm đồ (tranh Kim Hoàng) là một tích trong Nàng tiên thứ chín. Chuyện tranh kể về anh chàng nhà nghèo ngắm nhìn các cô tiên đang tắm và giấu một bộ cánh đi để một cô không về trời được… Tác phẩm đã được đánh giá cao khi tham gia dự án “Hồn nhiên như cô Tiên” cùng các hoạ sĩ trẻ tại tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, trong khuôn khổ Festival Thiết kế Sáng tạo 2022.
Tranh Phật mẫu chuẩn đề, Tranh dân gian Hàng Trống do Nam Chi vẽ
Tranh Chân dung bà Hoàng Thị Đầm, Tranh dân gian phong cách Tk 18,19 do Nam Chi vẽ
Đón xuân Quý Mão, Nam Chi và các đồng nghiệp đã thiết kế ra 5 mẫu tranh về Mèo, đó là 1 bức tranh thể loại Hàng Trống và 4 bức thể loại Kim Hoàng, với tên gọi: Miêu ngư đồ và Miêu điệp đồ, các bức tranh đã được người xem đón nhận và yêu thích. Để cho ra đời các tác phẩm đó, Nam Chi và đồng nghiệp đã nghiên cứu, tìm hiểu mất một khoảng thời gian khá dài, anh cho biết: “Hình tượng mèo trong tranh dân gian không nhiều, nên lúc đầu chúng tôi đã nghiên cứu hình ảnh mèo ở các con mèo thực, sau đó phác thảo. Nhưng sau khi tạo hình, hình tượng mèo lại mang nhiều nét hiện đại, vì thế, chúng tôi đã quay trở lại tìm hiểu trong tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và kiến trúc đình làng. Từ đó, chúng tôi đã tạo ra những nét đặc trưng, hình dáng, màu sắc cho tác phẩm Miêu ngư đồ và Miêu điệp đồ”.
Họa sĩ Nam Chi và Nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên
Khác với các bức tranh dân gian khác, họa sĩ Nam Chi sử dựng bố cục hình tròn cho các tác phẩm về Mèo thuộc dòng tranh Kim Hoàng, đây cũng là bố cục hiếm gặp của dòng tranh này. Với bức Miêu ngư đồ, hình tượng mèo ngoặm cá có ý nghĩa mang lại nhiều điều may mắn, thành công và luôn dư dả; hay trong Miêu điệp đồ biểu trưng cho sự sống lâu và trường thọ. Với ý nghĩa của các tác phẩm về mèo trong năm Quý Mão, đó cũng là lời chúc một năm mới đủ đầy, sung túc, ấm no, hạnh phúc mà nghệ nhân Nam Chi muốn gửi gắm vào tác phẩm. Thành công với các tác phẩm về Mèo đã trở thành động lực để Nam Chi tiếp nối với các tác phẩm có thể sử dụng, treo trang trí trong những ngày thường và trong dịp Tết trong những năm tiếp theo.
Trên con đường theo đuổi dòng tranh dân gian, Nam Chi cũng gặp khá nhiều khó khăn, thách thức khi dòng tranh dân gian truyền thống ngày càng bị thu hẹp so với các thể loại khác, nhưng họa sĩ trẻ vẫn kiên trì, nghiêm túc theo đuổi dòng tranh này. Với phương châm bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của dòng tranh này, Nam Chi không chỉ tìm đối tác, những người có chung sở thích cùng nhau sáng tác mà anh còn hướng đến các bạn sinh viên hội họa, để có thể truyền nhiệt huyết với mong muốn giữ gìn, phát triển dòng tranh của dân tộc. Hy vọng, trong thời gian tới, họa sĩ trẻ Nam Chi sẽ sáng tạo thêm nhiều tác phẩm, đồng thời trở thành “mạch nối” lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của ông cha đến các họa sĩ trẻ trong tương lai.
Tranh tòng giá, Tranh dân gian Hàng Trống (một bức trong bộ tranh thập vật) do Nam Chi vẽ
Tranh Miêu Điệp Đồ, Tranh dân gian Hàng Trống do Nam Chi vẽ
NGỌC BÍCH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023