Chưa bao giờ tưng bừng đến vậy là cảm nhận của không chỉ khán giả mà ngay chính những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí trong thời gian qua. Có thể nói, trong vòng hơn một năm trở lại đây, đời sống nghệ thuật giải trí vừa trải qua một giai đoạn đầy tính tương phản.
Âm thầm
Chẳng đâu xa xôi, chuyện xảy ra với chính thành viên nhóm nhạc của người viết trong những ngày đầu năm 2022. Khi chuẩn bị ghi hình cho chương trình nghệ thuật đặc biệt của VTV phát sóng ngay sau giao thừa Tết Nguyên đán, cả nhóm Xẩm Hà Thành cùng các ca sĩ, rapper, nhóm nhảy háo hức được tham gia sau những ngày dài chủ yếu hoạt động... tại gia, vậy nhưng khi test covid trước khi vào nhà đài, không may nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, một trong hai giọng hát chính của tiết mục, bất ngờ “dính” dương tính buộc nhóm phải có giải pháp tình thế.
Trước thời điểm đó chừng hơn một tháng, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 1 do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ VHTTDL tổ chức tại Hải Phòng được coi là ngày hội của giới âm nhạc chuyên nghiệp cả nước. Mấy năm mới có một lần, nhiều anh chị em nghệ sĩ, công chúng ở Hà Nội và các địa phương, trong đó có người viết, muốn tham dự cũng đành ngồi nhà dõi theo tin tức từ đồng nghiệp. Sở dĩ vậy là vì sợ nếu có đi không biết vào được Hải Phòng hay không. Trong trường hợp vào được cũng lại sợ nhỡ đâu thành phố này hoặc địa phương nơi mình cư trú bất ngờ áp dụng biện pháp giãn cách phòng chống dịch khẩn cấp thì đường về sẽ khó khăn.
Bùng nổ liên hoan
Nhưng sau thời điểm đó chỉ chừng vài tháng, mọi chuyện đã khác hẳn. Hàng loạt hoạt động nghệ thuật biểu diễn được tổ chức gối tiếp nhau. Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 2 được tổ chức tại Đắk Lắk (tháng 6/2022) chỉ sau đợt 1 hơn nửa năm nhưng không khí sôi động đã trở lại, bất kỳ ai muốn tham gia cũng có thể tự do đi dự và trở về một cách bình yên.
Sau đó liên tiếp các cuộc thi, liên hoan được tổ chức khắp nơi trên toàn quốc. Tại Hà Nội, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V- tháng 9/2022 được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, quy tụ 13 vở diễn đến từ 13 đơn vị. Cũng trong tháng 9, Liên hoan Hát Xẩm Ninh Bình mở rộng do Cục Văn hóa cơ sở và tỉnh Ninh Bình tổ chức. Tại TP.HCM vào tháng 10, Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang năm 2022 được tổ chức. Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 tổ chức trong tháng 10 tại Hà Nam thu hút 16 đơn vị với 27 vở diễn, hơn 1.200 nghệ sĩ diễn viên. Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2021 tổ chức từ ngày 5 - 20/11/2022 tại Long An thu hút 22 đơn vị tham dự, 27 tác phẩm và gần 1.000 diễn viên, nghệ sĩ đăng ký dự thi.
Nghệ sĩ nhiều nước đã có mặt tại Việt Nam để tham dự các liên hoan như: Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm (15 - 26/11) với 15 vở diễn của các đơn vị trong nước và 4 vở diễn của các đơn vị nghệ thuật quốc tế đến từ Italia, Ba Lan. Singapore, Hàn Quốc; Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 (2-7/12) tại Hà Nội có sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Canada, Belarus, Ai Cập, Lào và Campuchia. Và Liên hoan âm nhạc ASEAN (19-25/12) tổ chức tại Hội An khép lại một năm với quá nhiều các cuộc thi, liên hoan.
SpaceSpeakers bùng nổ cùng 5.000 khán giả trong live concert kỷ niệm 11 năm ca hát
Tưng bừng liveshow
Liveshow “Bài hát anh dành tặng riêng em 2” với sự tham gia của 4 giọng ca vàng của làng nhạc Việt: Bằng Kiều, Lệ Quyên, Quang Dũng, Quang Hà tổ chức 2 đêm liền (7 - 8/5) tại Nhà hát Lớn Hà Nội là chương trình lớn được tổ chức sau thời gian ngưng trệ do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Chưa hết, Quang Hà còn tiếp tục tổ chức “Hà show” trong 2 đêm 28-29/5 cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội và còn thêm một đêm vào 30/5 với chủ đề “Bài hát anh dành tặng riêng em 3” dành cho khán giả không mua được vé hai đêm trước.
Hơn 30.000 khán giả có mặt tại Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) tối 5/11 để tham dự liveshow “Tri âm” của Mỹ Tâm. Nhiều khán giả trở về từ Mỹ và châu Âu, rất nhiều người có nhu cầu mua vé nhưng không được. Tối 19/11, đêm concert “Ca sĩ mặt nạ” (The Masked Singer Vietnam) tại Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM) có hơn 20.000 khán giả tham dự, nhiều người bỏ bạc triệu mua vé vị trí đẹp rốt cục không có chỗ ngồi. Có lẽ chưa bao giờ có một đêm trao giải của một chương trình truyền hình lại trở thành cơn sốt như trường hợp “Ca sĩ mặt nạ” và cũng có lẽ sẽ còn lâu nữa mới có một liveshow của một ca sĩ phá kỷ lục của Mỹ Tâm như ở “Tri âm”. Một sự kiện dành cho giới trẻ cũng rất đáng chú ý, đó là “Kosmik live concert” - đêm diễn kỷ niệm 11 năm hoạt động của SpaceSpeakers diễn ra tại Nhà thi đấu Quân khu 7 tối 12/11. Các nghệ sĩ SpaceSpeakers chiêu đãi 5.000 khán giả “bữa tiệc âm nhạc” với hơn 50 ca khúc được yêu thích.
Ca sĩ Mỹ Tâm trong liveshow Tri ân
Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội) với 4.000 chỗ ngồi chật kín khán giả trong liveshow “Tùng Dương 20 năm ca hát” đêm 25/11. Trước đó, từ tháng 8 live concert “Dáng em” với sự tham gia của Bằng Kiều, Thu Phương, Lệ Quyên, Ngọc Anh cũng được tổ chức tại đây và kín chỗ. Nhiều nghệ sĩ cũng chọn thời điểm gần đây để tổ chức liveshow như NSƯT Việt Hoàn và Lương Nguyệt Anh với đêm “Tự tình quê hương” (26/11), NSƯT Tố Nga kỷ niệm 30 năm ca hát với liveshow “Dòng sông đa tình” (18/11) tại Nhà hát lớn Hà Nội...
Ca sĩ Tùng Dương song ca cùng NSƯT Thanh Lam trong liveshow Tùng Dương 20 năm ca hát
NSƯT Việt Hoàn và ca sĩ Lương Nguyệt Anh trong liveshow Tự tình quê hương
Xuất hiện nhiều gương mặt trẻ
Có khá nhiều gương mặt trẻ với âm nhạc có nét riêng được chú ý trong năm vừa qua. Đầu tiên phải kể tới Tăng Duy Tân làm mưa làm gió mạng xã hội với ca khúc hit Bên trên tầng lầu. Không những chỉ ở Việt Nam, nam ca nhạc sĩ trẻ này còn rất được yêu thích ở Trung Quốc. Thậm chí mới đây cái tên Tăng Duy Tân một lần nữa gây bất ngờ khi xuất hiện trong bảng xếp hạng cuối năm của QQ Music - một trong 3 nền tảng nghe nhạc lớn nhất Trung Quốc. Ở bảng xếp hạng này Tăng Duy Tân xuất hiện cùng nữ ca sĩ Huang Ling với ca khúc Thán (bản tiếng Việt có tên là Ngây thơ). Tăng Duy Tân là hiện tượng âm nhạc thế hệ GenZ. Giọng ca 9x này xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật với người ông là nhạc sĩ Trần Hoàn và anh họ là ca sĩ Tùng Dương.
Cái tên đầy cá tính tiếp theo tạo được nhiều ấn ấn tượng tới công chúng, đặc biệt trên mạng xã hội. Đình đám nhất là sản phẩm Có em (Feat. Low G) đạt 27 triệu view trên YouTube trong 7 tháng qua, Vì anh đâu có biết (Feat.Vũ.) đạt 19 triệu view trên YouTube trong 4 tháng qua. Ngoài ra, Có khi (Feat. Low G) đạt 2,5 triệu view YouTube trong 2 tháng. Trước đó hai năm Madihu đã có bản Thôi hẹn em đạt triệu view, hiện là 1,6 triệu view. Madihu cũng xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông ngoại là nhà nghiên cứu - Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều - một trong những người đặt nền móng cho Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, dì ruột là nhạc sĩ Giáng Son.
Trong danh sách những cái tên mới thuộc thế hệ GenZ tạo nhiều ấn tượng thời gian qua còn phải kể tới Mono, Mỹ Anh, Wren Evans, ...
Ca sĩ Low G tạo được nhiều ấn tượng với khán giả trẻ, đặc biệt trên mạng xã hội
Những dòng chảy
Tất nhiên, trên đây chỉ là một lượng nhỏ so với rất nhiều chương trình nghệ thuật đã được tổ chức trong vòng hơn nửa năm qua. Thông qua những hoạt động này cũng có thể nhìn thấy mặt bằng chung, những hiện tượng và xu hướng cũng như thị hiếu nghệ thuật, âm nhạc trong thời điểm hiện nay.
Đầu tiên là hoạt động nghệ thuật đang diễn ra rất đa dạng từ các cuộc thi, liên hoan cho đến các chương trình nghệ thuật kinh doanh, các liveshow cá nhân ghi dấu ấn một chặng đường hoạt động của nghệ sĩ rồi các chương trình truyền hình. Đồng thời, tính đa dạng còn thể hiện ở các nghệ thuật đang hiện hữu, từ nghệ thuật sân khấu kịch hát truyền thống (chèo, cải lương) rồi kịch nói, xiếc... cho đến âm nhạc.
Tiếp theo là, thời đại công nghệ 4.0 với công cuộc chuyển đổi số có tác động không nhỏ đồng thời cũng mang lại những lợi ích đáng kể đối với nghệ thuật biểu diễn. Nếu như trước đây các hội diễn, liên hoan dường như chỉ sôi động trong cộng đồng các nghệ sĩ, đơn vị hoạt động nghệ thuật có liên quan với nhau thì thông qua Liên hoan Chèo và Cải lương khán giả dễ dàng tiếp cận trên các hạ tầng số như fanpage, YouTube của nhà tổ chức và của mỗi đơn vị. Công nghệ về sân khấu, màn hình led, ánh sáng, âm thanh... cũng đã có sự tham gia khá sâu của một số đơn vị nghệ thuật Cải lương đã khai thác mạnh mẽ tiện ích công nghệ và mang đến cho Liên hoan Sân khấu Cải lương vừa qua những màu sắc mới lạ cho nghệ thuật truyền thống.
Đặc biệt, công nghệ cùng sự bùng nổ mạng xã hội đã làm thay đổi cơ bản thói quen xem, nghe, theo dõi các cuộc thi mang tính giải trí. Như trường hợp “Ca sĩ mặt nạ” là một điển hình thành công trong khía cạnh này. Về bản chất đây là một gameshow truyền hình nhưng có khai thác tối ưu mạng xã hội nhằm tăng tính tương tác, thu hút sự chú ý từ khán giả. Cũng vì vậy, nó đã tạo nên một kỳ tích dường như chưa có chương trình truyền hình nào làm được đó là tạo một cơn sốt về người hâm mộ, một đêm chung kết trao giải một cuộc thi giải trí truyền hình mà khán giả sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để có được tấm vé trên tay là một điều khá đặc biệt. Tuy không phải chương trình truyền hình nhưng “Kosmik live concert” của SpaceSpeakers cũng là một thành công trong việc tối ưu tính năng mạng xã hội nhằm thu hút và kéo khán giả vào sự kiện của mình.
Thêm một điều đáng chú ý nữa là hầu hết các chương trình nghệ thuật đều bán vé và đều được khán giả hưởng ứng. Thậm chí có chương trình còn "cháy" vé. Điều này cho thấy nhu cầu về thưởng thức nghệ thuật giải trí là có thực trong giai đoạn hiện nay. Đây là một may mắn với nghệ thuật biểu diễn vì có nguồn khán giả tiềm năng, đồng thời nó cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu và nghệ sĩ tin rằng chúng ta hoàn toàn có thể có một nền công nghiệp giải trí trong tương lai không xa.
Như vậy, sau một khoảng thời gian “ngủ đông”, hoạt động biểu diễn nghệ thuật đã chính thức hồi sinh, đồng thời nó đã cho thấy những chuyển động phù hợp với điều kiện bình thường mới trong công tác phòng chống dịch và có những hướng đi. Một mặt vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có, mặt khác, cho thấy sự uyển chuyển, thay đổi phù hợp với sự phát triển tất yếu của thời đại.
Chương trình Ca sĩ mặt nạ tạo nên một cơn sốt cho người hâm mộ
LONG NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023