Tầm cao văn hóa trong “thơ chúc Tết của Bác Hồ"

Quá trình giác ngộ và hoạt động cách mạng của Bác Hồ kính yêu là luôn luôn nung nấu một niềm tin sắt đá vào chiến thắng. Niềm tin ấy đã được tỏa sáng trong những vần thơ chúc Tết của Bác hằng năm đón mừng Xuân mới theo truyền thống dân tộc.

 

Tuy Bác Hồ đã đi vào cõi vĩnh hằng, song mỗi lần Tết đến vào đêm Giao thừa, mọi người lại tưởng nhớ đến những vần thơ dồi dào sức xuân. Từ già đến trẻ bao năm từng xao xuyến đón đợi thơ chúc Tết của Bác hướng về Tổ quốc, tổ tiên, ông bà, cùng các bậc tiền bối kính yêu đã khuất…

Trước hết, chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ Chúc Tết Bính Tuất - 1946, lễ Tết đầu tiên sau bao năm dài đất nước bị nô lệ dưới ách thống trị của kẻ thù ngoại bang. Không khí mùa xuân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời rộn ràng tiếng pháo nổ xen lẫn tiếng hát mừng xuân:

Tết này mới thực Tết dân ta,

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia.

Độc lập đầy vơi ba chén rượu,

Tự do vàng đỏ một rừng hoa.

Mọi nhà vui đón xuân dân chủ,

Cả nước hoan nghênh phúc cộng hòa.

Ta chúc ta rồi ta nhớ chúc,

Những người chiến sĩ ở phương xa….

Không khí mừng xuân tưng bừng ngay từ câu thơ mở đầu “Tết này mới thực Tết dân ta”gợi lên truyền thống ngàn năm từ thời Vua Hùng dựng nước, con cháu đã tạo ra chiếc bánh chưng xanh đậm mùi hương cốm quê nhà quyện chặt mọi người, gắn bó bên nhau. Đó cũng chính là mồ hôi và nước mắt của toàn thể cộng đồng nông dân từng lao động và chiến đấu với mọi kẻ thù để dựng xây nên non sông gấm vóc. Và cũng chính truyền thống sâu đậm ấy đã thấm sâu vào tình cảm - tư tưởng của Bác Hồ, cho nên sau chiến thắng Điện Biên trước khi Trung đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô, thì tại đền Hùng lịch sử, Bác Hồ đã thân mật dặn dò: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ lấy nước”.

Nếp sống đoàn kết thương yêu nhau giữa đồng bào ruột thịt đã tạo dựng được nền móng vững bền của Tổ quốc Việt Nam ngày càng lớn mạnh mà không tách rời nếp văn hóa chúc Tết truyền thống quý báu từ bao đời. Đúng như thế! Thoát khỏi vòng nô lệ, sau cuộc cách mạng Tháng Tám, toàn dân được chung hưởng cái Tết đầu tiên. Tổ quốc ta bước vào thời đại mới. Bài thơ đăng trên báo Quốc gia vang lên như lời reo mừng toát ra từ trái tim hồng của Bác Hồ hòa cùng muôn triệu trái tim tận hưởng cái Tết đậm đà hương vị dân tộc sau 30 năm Bác rời xa quê hương đi tìm đường cứu nước. Niềm vui tràn ngập:

Nước độc lập - Dân tự do

Cả nước hoan nghênh phúc cộng hòa!

Hạnh phúc đến thật rồi! Tuy vậy, Bác vẫn không quên nhắc nhở nhiệm vụ trước mắt là lời chúc hướng về Những người chiến sĩ ở phương xa đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất ở miền Nam để cho hậu phương vui vẻ ăn Tết tựa như lời chúc Tết của toàn dân gửi tới các anh bộ đội nơi chiến trường xa.

Thơ chúc Tết của Bác luôn gắn bó với những mùa xuân lịch sử hào hùng theo nhịp bước hành quân ra trận Ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch công bố Lời kêu gọi toàn quốc khángchiến với lời thề độc lập:“Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ”, bởi lẽ “Ta càng nhân nhượng thì địch càng lấn tới”.

Lời kêu gọi của Bác Hồ phảng phất lời Hịch tướng sĩ của tướng quân Trần Hưng Đạo năm xưa từng kêu gọi toàn thể quân dân đoàn kết diệt giặc Nguyên Mông. Đúng vào đêm giao thừa Tết Đinh Hợi (1947), Đài Tiếng nói Việt Nam từ Chùa Trầm (Hà Đông) phát đi lời Chúc năm mới của Bác Hồ:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập nhất định thành công!

Vào giờ phút thiêng liêng ấy, vận mệnh Tổ quốc đang lâm vào tình thế ngàn năm treo sợi tóc. Lời thơ đón xuân của Bác kêu gọi toàn dân hãy sẵn sàng đứng lên chiến đấu với niềm tin vào chính nghĩa tất thắng. Bài thơ vang lên nhịp điệu hùng tráng, trong khi kẻ thù đang lớn tiếng dọa dẫm dân ta phải trở lại làm nô lệ cho chúng một lần nữa. Không! Người xưa đã thề:“Bao giờ nước Nam hết cỏ thì mới hết người đánh Tây!” Giờ đây lời thề càng mãnh liệt hơn. “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không làm nô lệ”.

Cả bài thơ phơi phới như buồm căng trước gió. Đó là lời tâm tình của một niềm tin vững chắc của một người đang chiến thắng” (Hoài Thanh).

Niềm tin ấy thấm đẫm vào lòng dân tạo nên sức mạnh dời non lấp biển. Sự thật lịch sử hào hùng đó được chứng minh cụ thể trong chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng khiến hàng vạn quân thù của một đế quốc to phải bỏ súng xuống, giương cờ trắng đầu hàng. Hơn 70 năm đã trôi qua, giờ đây mỗi chúng ta “hãy thử đọc lại. Nghe như có thể chuyển động của cả lịch sử, núi sông trong ấy ”(Chế Lan Viên).

Quả là bài thơ xuân tràn đầy hào khí ngàn năm của toàn dân chưa bao giờ chịu khuất phục trước mọi thế lực cướp nước...

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp.
Ảnh: Tư liệu

Đọc thơ xuân của Bác, nghe phảng phất hồn thiêng sông núi từ thuở ông cha với chiếc gậy tre vót nhọn đã quyết tâm chiến đấu trước kẻ thù đầy mưu mô xảo quyệt nhằm bảo vệ Tổ quốc vững bền. Đó cũng chính là ý chí kiên cường trong Bình Ngô đại cáo, qua lời Nguyễn Trãi như cùng vang lên dõng dạc hòa cùng nhịp thơ xuân năm 1947:

Nhân dân bốn cõi một nhà

dựng cần trúc ngọn cờ phất phới.

Tướng sĩ một lòng phụ tử

hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…

Suốt bao năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mỗi mùa xuân đến, Bác lại gửi tới toàn dân lời chúc Tết tràn đầy tình nghĩa: đồng bào Nam Bắc một nhà! Tuy thế ngay thời kỳ khó khăn nhất giữa núi rừng Điềm Mạc (Thái Nguyên) vào một đêm trăng thu đẹp, hồn thơ của Bác vẫn lai láng ung dung vút lên âm điệu lạc quan cách mạng:

- Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà (1)

Niềm lạc quan cách mạng ấy lại được thể hiện rõ nét qua bài thơ Chúc Tết Kỷ Sửu - 1949, Bác khuyến khích mọi người mắm tay nhau cùng thi đua diệt giặc lập công:

Người người thi đua

Ngành ngành thi đua

Ngày ngày thi đua.

Ta nhất định thắng.

Địch nhất định thua.

Cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ vô cùng quyết liệt, Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở “già trẻ trai gái, sĩ nông công thương” hãy hăng hái thi đua yêu nước, đồng thời mỗi người dân đều phải trau giồi tinh thần lạc quan giữ vững niềm tin vào sức mạnh đoàn kết toàn dân, toàn quân. Bước chuyển biến lịch sử quan trọng của dân tộc được khắc họa rõ nét trong lời chúc Tết Xuân Canh Dần 1950:

Kính chúc đồng bào năm mới…

Toàn dân xung phong thi đua…

Kháng chiến nhất định thắng lợi.

Niềm tin tưởng vào Bác Hồ gắn liền với quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác. Bước vào dịp Tết Tân Mão (1951), Bác bày tỏ niềm lạc quan đến tặng các thành viên trong Hội đồng Chính phủ bức thiếp hồng ghi bài thơ:

Xuân này kháng chiến đã năm xuân,

Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công.

Toàn dân hăng hái một lòng,

Thi đua chuẩn bị Tổng phản công kịp thời.

Đúng mùa Xuân 1954 quân và dân ta đã chiến thắng tưng bừng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Mùa xuân của đất trời song hành cùng mùa xuân chiến thắng, Bác viết những vần thơ phơi phới, hồn hậu đến ngạc nhiên, tưởng như Bác đang kể chuyện cho đàn con cháu nghe:

- Giặc kéo từng loạt ra hàng ta.

Quân ta vui hát khải hoàn ca.

Mười ba quan năm ra hàng nốt,

Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt.

Một vạn sáu nghìn tên giặc Tây,

Đều là tù binh hoặc bỏ thây.

Thế là quân ta đã toàn thắng…

       (Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ-1954)

Tuy vậy, đất nước vẫn chưa trọn niềm vui. Miền Nam rơi vào mưu đồ thống trị của đế quốc Mỹ. Cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất non sông diễn ra vô cùng quyết liệt. Mỗi năm Tết đến, Bác Hồ lại viết tiếp những vần thơ chúc Tết cả hai miền, động viên đồng bào tiếp tục chiến đấu đến ngày toàn thắng. Những vần thơ Mừng xuân 1968 hào sảng tựa như những luồng đại bác bắn cấp tập vào khắp các hệ thống đồn bốt kẻ thù trên chiến trường miền Nam giữa đêm giao thừa. Đúng như Bác Hồ nhận định:

- Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp mọi nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

Vào giao thừa đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân bùng nổ hòa lẫn vào Lời thơ chúc mừng năm mới của Bác Hồ đánh dấu bước tiến vượt bực vô cùng quan trọng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ ở cả hai miền đã làm rung chuyển chính trường nước Mỹ buộc Tổng thống Johnson phải từ chức và bè bạn năm châu nức lòng ủng hộ... Rõ ràng là thế tiến công bão táp của toàn quân - dân ta trên mọi mặt trận đã làm rung chuyển Lầu năm góc khiến Chính phủ Mỹ phải tìm cách rút quân khỏi miền Nam, bởi lẽ “vào đầu năm 1968, gần 16.000 người Mỹ đã bị giết và hơn 100.000 người bị thương tại Việt Nam. Vào thời kỳ đó, cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã trở thành điểm hội tụ trong cuộc sống của Mỹ…Nước Mỹ đã nội chiến hóa cuộc chiến tranh như thể mình đang nuốt lửa”. (Tạp chí Thời đại- Mỹ- dẫn từ báo Quân đội Nhân dân 9-1-1988).

Âm điệu “Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao ” tràn ngập cả hai miền, nên Bác Hồ viết thêm bài thơ Không đề vào tháng 3-1968 bộc lộ khí thế hào hùng của toàn quân và toàn dân ta đang tiến công dồn dập vào quân xâm lược và bè lũ tay sai:

Đã lâu không làm bài thơ nào,

Nay lại thử làm xem ra sao.

Lục khắp giấy tờ chưa tìm thấy,

Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao.

Một thời gian sau, tại cuộc họp Quốc hội, Bác Hồ công khai tuyên bố với thế giới “Mỹ thua đã rõ ràng!”

Trước khí thế tưng bừng

Nam Bắc hai miền cùng đánh giỏi,

Tin mừng thắng trận nở như hoa,…

Bác Hồ viết tiếp bài thơ cuối cùng: Chúc Tết-Mừng xuân 1969:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Tiến lên!

Chiến sĩ đồng bào!

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!

Đúng là vần “thắng vút lên cao” xuyên suốt các bài thơ Xuân của Bác được bắt nguồn từ sức mạnh truyền thống văn hóa yêu nước của toàn dân đã được hun đúc suốt hàng ngàn năm hội tụ và tỏa sáng rực rỡ trong thời kỳ chống Mỹ quyết liệt nhất. Rõ ràng là trong nhật lệnh tiến quân “thần tốc - thần tốc - thần tốc hơn nữa” xông vào sào huyệt kẻ thù của đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã vang vang vần Thắng vút lên cao” từ lời thơ phơi phới của Bác Hồ hòa cùng nhịp bước tiến quân mãnh liệt giải phóng miền Nam: thống nhất đất nước:

- Ta nhất định thắng!...

Địch nhất định thua

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!..

Tầm cao văn hóa truyền thống trong Thơ chúc Tết của Bác được bắt nguồn sâu xa từ chữ Nhân mà Bác từng giảng giải cho cán bộ quân đội vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc lại bài giảng: “Ở trong xã hội muốn thành công phải có ba điều kiện là thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa. Nhân hòa là thế nào? Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn cả.(2). Trước ngày 29 tháng 4 năm 1975, toàn bộ binh tướng của đế quốc Mỹ buộc phải nháo nhào cút chạy khỏi Việt Nam. Chả thế mà nhà báo Cuba Vanđet Vivo đã hóm hỉnh nói rằng: “Bác Hồ lãnh đạo chiến tranh bằng thơ. Tiếc rằng, đế quốc Mỹ sai lầm, vì chúng không đọc thơ Người !”.

Điều cao đẹp nhất là Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Tổ quốc và Nhân dân vốn là khát vọng muôn đời gắn bó cùng những Lời chúc Tết mừng Xuân của Bác Hồ thiêng liêng mà gần gũi với con cháu Lạc Hồng tựa như lời của Tổ tiên, ông bà…trong đại gia đình đặt nền móng tạo dựng cội nguồn văn hóa đất Việt suốt bốn ngàn năm lịch sử. Nhìn từ góc độ nào, những vần thơ của Bác Hồ bao giờ cũng gắn bó mật thiết với sức mạnh hào hùng tràn đầy ý chí quyết thắng của toàn thể dân tộc. Trước đây trong những ngày tăm tối mất tự do tại nhà tù của bọn phản động Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ từng khẳng định:

Nay ở trong thơ nên có thép,

Nhà thơ cũng phải biết xung phong!

 

______________

1. Võ Nguyên Giáp,  Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp - hai con người làm nên huyền thoại. Nxb Đồng Nai. 2011.

2. Trần Thanh Tịnh, Đại tướng nhân hòa (Tưởng niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp) - Báo An ninh thế giới giữa tháng, tháng 10/2013.

 

 

PGS,TS NGUYỄN TRƯỜNG LỊCH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023

;