Trong lịch sử văn học dân tộc, chỉ tính riêng thời trung đại, chúng ta đã có không ít nữ sĩ tài danh như Ngô Chi Lan (1434-1497) thời Lê Sơ với những vần thơ ước lệ, cổ kính (Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ/ Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa/ giếng ngọc sen tàn bông hết thắm/ Rừng phong lá rụng tiếng như mưa); như Đoàn Thị Điểm (1705-1749) thời Lê Trung Hưng - tác giả của “Truyền kỳ tân phả” và một bản dịch “Chinh phụ ngâm” nổi tiếng; như Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848) với những thi phẩm u hoài, trang nhã, đăng đối… Song, không ai có được sức hấp dẫn và vị trí đặc biệt như Hồ Xuân Hương, người vừa được các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, làm lễ vinh danh kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-2022), 200 năm năm mất (1822-2022) theo Nghị quyết 41C/15 của Đại hội đồng UNESCO.
Hội thảo quốc tế về “Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hóa và giá trị di sản" - Ảnh: Quỳnh Nga
Một sự nghiệp thi ca độc đáo, có sức lan tỏa rộng lớn
Nghị quyết 41C/15 được Đại hội đồng UNESCO thông qua đã xác định 7 điểm cốt lõi về danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương: 1. Hồ Xuân Hương có tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người - con người với tư cách là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu, khát vọng sống trần thế; 2. Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa - thẩm mỹ đặc biệt với cả một hệ thống quan niệm độc đáo qua các tác phẩm thi ca; 3. Hồ Xuân Hương có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ; 4. Di sản của Hồ Xuân Hương không chỉ là thơ ca mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp; 5. Hồ Xuân Hương không chỉ có đấu tranh, bảo vệ mà còn có ý thức cảnh báo, phê phán, chống lại, phủ định những gì ngăn cản sự tiến bộ của con người; 6. Hồ Xuân Hương và di sản của bà có một sức sống mãnh liệt, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng đến nhiều dân tộc, nhiều quốc gia; 7. Tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã được giới nghiên cứu nhiều nước thừa nhận và dịch sang tiếng nước mình…
Thật vậy, tính đến hết năm 2021, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng. Người ta có thể đọc thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Pháp qua bản dịch của Maurice Durand; qua bản tiếng Nga của Genadi Jaroslavtsev; qua bản tiếng Nhật của Koyumi; bản tiếng Hoa của La Trường Sơn; bản tiếng Anh của Nguyễn Ngọc Bích, Võ Đình, David Cevet, John Balaban; bản tiếng Séc của Petr Komers; bản tiếng Bungaria của Blaga Dimitrova; bản tiếng Romania của Constantine Lupeanu; bản tiếng Slovakia của Eva Antoshchenko Muckova… Theo PGS, TS Trần Lê Hoa Tranh, thơ của Hồ Xuân Hương “chu du thế giới, sánh ngang cùng các nhà thơ nữ phương Đông như Lý Thanh Chiếu (Trung Hoa), Hoàng Chân Y (Hàn Quốc)”; “không nhiều nhà thơ nữ trên thế giới có số lượng thơ, nội dung và nghệ thuật mang tính cách tân, mới mẻ như Hồ Xuân Hương”…
GS,TS Trần Đình Sử phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Thanh Hà
Ở trong nước, từ lâu cuộc đời và sự nghiệp thi ca Hồ Xuân Hương đã là cội nguồn cảm hứng cho những sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu văn học. Nói như PGS, TS Lê Thị Bích Hồng, nhiều văn nhân - thi sĩ đã khai thác các chi tiết, khía cạnh, mối quan hệ của nữ sĩ lúc sinh thời để sáng tạo nên các tác phẩm của mình. Đông Châu - Nguyễn Hữu Tiến có Giai nhân di mặc; GS Hoàng Xuân Hãn viết Hồ Xuân Hương - Thiên tình sử; Xuân Diệu viết Các nhà thơ cổ điển Việt Nam; GS Kiều Thu Hoạch nghiên cứu, khảo luận Thơ Nôm Hồ Xuân Hương; nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có truyện ngắn Chút thoáng Xuân Hương; các PGS: Đào Thái Tôn, Đỗ Lai Thúy từng làm luận án tiến sĩ văn chương về Hồ Xuân Hương - mỗi người một khía cạnh: Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục, Hồ Xuân hương hoài niệm phồn thực… Chưa nói đến, còn có hàng trăm tác phẩm hội họa về Hồ Xuân Hương hay minh họa cho các bài thơ của bà. Rõ ràng, sau hơn 200 năm, di sản thi ca Hồ Xuân Hương để lại vẫn vô cùng sống động, rất có ý nghĩa với cuộc sống hôm nay.
Một hồn thơ vừa cổ điển vừa hiện đại
Cuộc đời, sự nghiệp nữ sĩ Hồ Xuân Hương có khung niên đại là cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX thì những tưởng các sáng tác của bà hoàn toàn thuộc về “mùa cổ điển” như tên một thi tập của Quách Tấn hay cách định danh của Xuân Diệu: Các nhà thơ cổ điển Việt Nam. Ấy thế nhưng, các sáng tác của bà vừa cổ điển vừa hiện đại - thậm chí nhiều phương diện rất gần với cuộc sống hôm nay. Chẳng thế mà dù dè đặt, PGS,TS Đoàn Lê Giang cũng không khỏi ngạc nhiên khi thốt lên: Thơ Hồ Xuân Hương mặc dù không có liên quan gì đến chủ nghĩa Hậu hiện đại mà người ta đang nói hiện nay nhưng thơ của bà thì lại rất gần với tinh thần Hậu hiện đại. Bởi tinh thần Hậu hiện đại nhấn mạnh vào chỗ “giải ảo”: giải trung tâm, giải các “đại tự sự” - các huyền thoại không có thật và một trong những thủ pháp Hậu hiện đại thường dùng là giễu nhại. Tất cả những điều có vẻ xa lạ với văn chương trung đại ấy đều gần với thơ Hồ Xuân Hương. Chẳng hạn, trong thi ca nữ sĩ, nhân vật Hoàng đế không còn là một đấng thiêng liêng “con trời” với chân mệnh đế vương nữa mà cũng là một con người như bao kẻ phàm trần khác; hình ảnh nhà sư nhiều lần đi về trên luống chữ song không có một bài nào mang cảm hứng ngợi ca; mẫu người quân tử - vốn là trung tâm của nền học vấn và đạo đức xã hội lúc bấy giờ - cũng bị “giải ảo” bằng cái tục, cái giả: “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”…
Nhà văn - học giả Lady Borton (Hoa Kỳ, trái); dịch giả Eva Antoshchenko Muckova (phải) - Ảnh: Quỳnh Nga
Còn theo TS Hồ Khánh Vân, người đã tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương từ điểm nhìn của phê bình nữ quyền sinh thái thì thơ Hồ Xuân Hương được viết bằng ý thức xanh và thi pháp xanh đậm đà, mạnh mẽ, sâu sắc. “Thứ nhất, thân thể con người, đặc biệt là thân thể người nữ, được tái hiện cùng với thiên nhiên, bằng thiên nhiên. Thân thể con người cũng chính là thiên nhiên và thiên nhiên là hiện thân của thân thể người. Trong đôi mắt của nữ sĩ, con người và thiên nhiên là nhất thể, vô sai biệt. Hơn nữa, thiên nhiên cũng chính là khát vọng và biểu đạt tính dục của con người. Thứ hai, thông qua sự tái hiện thiên nhiên, Hồ Xuân Hương bộc lộ tiếng nói phản kháng những giá trị hà khắc, cổ hủ của nam quyền đã áp bức, thống trị nữ giới. Thiên nhiên chính là dấu triện biểu đạt giá trị thân thể của người nữ và khát vọng đạt được quyền sống, quyền tự do tính dục của nữ giới. Thứ ba, tinh thần nữ quyền sinh thái của Hồ Xuân Hương không chỉ thể hiện qua tư tưởng mà còn bộc lộ qua thi pháp ngôn từ. Bà viết bằng ngôn ngữ xanh: ngôn ngữ của thiên nhiên, của đời sống tự nhiên mạnh mẽ, hồn nhiên. Đời sống phóng khoáng, gắn liền với thiên nhiên của cư dân nông nghiệp, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ mẫu và cá tính sáng tạo, vượt khuôn mẫu lễ giáo của Hồ Xuân Hương là những yếu tố quan trọng hình thành nên ý thức sinh thái nữ quyền trong di sản thi ca của “bà chúa thơ Nôm”.
Phát biểu của dịch giả Slovakia Eva Antochchenko Muckova - Ảnh: Thanh Hà
Đương nhiên, một vài cách tiếp cận mới mẻ trên đây không phải là tất cả, song, các cách tiếp cận ấy đã góp phần chứng minh: thơ Hồ Xuân Hương “xưa” mà không “cũ”, vừa cổ điển vừa hiện đại, có chung những hằng số nhân văn về cuộc sống, con người ở tầm toàn nhân loại: khao khát tự do, đấu tranh cho sự bình đẳng, bác ái, sự hòa hợp giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Có thể nói, di sản văn chương của bà có những giá trị thuộc về tương lai của nền văn hóa Việt Nam và nhân loại. Thời điểm vinh danh, kỷ niệm bà cũng là dịp để chúng ta tiếp tục bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc đời cũng như sự nghiệp nữ sĩ: sưu tập toàn diện trước tác bà để lại; làm sáng tỏ hơn các mối quan hệ trong gia tộc và ngoài xã hội, thực trạng hôn nhân; lựa chọn một số địa điểm làm nơi bảo tồn, phát huy giá trị di sản như tượng đài, khu lưu niệm ở quê cha Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An; nơi bà được sinh ra (phường Khán Xuân), nơi bà ở (Cổ Nguyệt đường), nơi bà làm vợ Tổng Cóc, vợ ông Phủ Vĩnh Tường, những nơi bà từng đến làm thơ… Trên hết, chúng ta cần tiếp tục tìm hiểu, khám phá, phát hiện, luận giải, quảng bá các giá trị về tư tưởng và nghệ thuật của di sản thơ ca Hồ Xuân Hương, khẳng định bà xứng đáng là một danh nhân văn hóa tầm nhân loại, một thi hào!
Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An - Ảnh: Thanh Hà
THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022