Bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam: Không để "của riêng còn một chút này"...

Nằm trong khuôn khổ của Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam năm 2022, Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất đã diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (từ ngày 18 đến 20-11). Liên hoan đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng, góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang trình diễn trang phục truyền thống

Đa sắc màu 

Đây là lần đầu tiên tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam nhưng Ban Tổ chức chương trình Tuần Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản văn hóa Việt Nam đã thể hiện sự đầu tư, dành nhiều tâm huyết để đồng bào có cơ hội được giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa thông qua những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Bởi trang phục là một thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, nhiều bản sắc. Trang phục truyền thống của các dân tộc cũng thể hiện nhiều ý nghĩa liên quan đến nguồn gốc, đặc trưng về môi trường, hoàn cảnh sống cũng như tín ngưỡng của dân tộc đó thông qua chất liệu, màu sắc, các chi tiết thêu thùa hay thứ tự mặc các lớp quần áo. Trang phục không chỉ mang chức năng bảo vệ và làm đẹp cho cơ thể con người, mà nó còn truyền tải những biểu tượng văn hóa, những thông điệp phong phú về đời sống vật chất, tinh thần của mỗi tộc người.

Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) nhấn mạnh: “Liên hoan là dịp để các dân tộc quảng bá, tôn vinh các giá trị trang phục và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam, khơi dậy khát vọng, lòng tự hào về các di sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc. Đồng thời, là không gian văn hóa độc đáo để các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng các dân tộc thiểu số đến từ 17 tỉnh, thành phố phía Bắc có dịp giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác bảo tổn, phát huy văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó các dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ”.

17 tỉnh, thành với 22 dân tộc, cùng 500 nghệ nhân, nghệ sĩ đã hội tụ về Ngôi nhà chung, mỗi dân tộc khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống đủ màu sắc tạo nên một “rừng hoa” đa sắc. Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh tham gia Liên hoan với hơn 30 nghệ nhân, trong đó có gần 20 nghệ nhân, diễn viên trình diễn trên sân khấu. Sắc màu, sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao Thanh phán lần lượt được giới thiệu đến các đại biểu và đông đảo du khách có mặt tại Ngôi nhà chung. Trong sinh hoạt, những cô gái Dao Thanh phán thường ăn vận các loại khăn, áo, yếm, dây lưng, quần, xà cạp. Điểm đặc biệt của trang phục nữ Dao thanh phán là đều đội mũ vải. Mũ vải được làm theo lối chồng xếp các khăn hình chữ nhật, hoặc vuông thành lớp lên nhau. Khi đội mũ, phụ nữ Dao Thanh phán ở Quảng Ninh phải cạo trọc hết tóc rồi mới đội mũ, sau đó lại trùm khăn lên để giữ mũ trên đầu.

Từ trái sang: Trang phục dân tộc Dao Quần Chẹt (Vĩnh Phúc); Trang phục dân tộc Cao Lan; Trang phục dân tộc Hà Nhì (Lào Cai)

Trong khi đó Đoàn Vĩnh Phúc tham gia với 10 nghệ nhân, gồm 3 dân tộc: Sán Dìu, Cao Lan và Dao quần chẹt. Mỗi nghệ nhân đều tự hào khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống đậm chất của dân tộc mình. Nghệ nhân Trần Thị Nam (dân tộc Sán Dìu) hồ hởi chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia một liên hoan lớn như thế này. Là số ít đại diện cho dân tộc mình trong bản tham gia ngày hội lớn, được mặc bộ trang phục truyền thống giới thiệu cho bạn bè bốn phương, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Mong rằng những năm sau vẫn được Nhà nước quan tâm và tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa như thế này để chúng tôi có thể gặp gỡ và giao lưu với anh chị em các dân tộc khác”… 

Chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc 

Trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi, xu hướng hội nhập và giao lưu văn hóa ngày mạnh mẽ, ảnh hưởng phần nào đến nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, trang phục dân tộc cũng đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng, nhiều dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống, nhất là những tộc người có dân số rất ít, hay những tộc người sinh sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao. Không những vậy, hiện nay, mức độ, tần suất mặc trang phục truyền thống của thế hệ trẻ ngày càng ít nên việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống nói chung, bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng cần được chú trọng.

Điều đó có nguyên do từ tình hình phát triển kinh tế hiện nay, sản xuất truyền thống đã thay đổi, phương thức canh tác, không gian văn hóa thay đổi, sản phẩm làm ra cũng thay đổi, không có nguyên liệu để dệt may, không có không gian phù hợp để trưng diện. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp dệt và quần áo may sẵn, thị trường hàng may mặc ngày càng mở rộng, ngập tràn trên thị trường… Trong khi đó, tự thân trang phục các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức, đó là sự không tiện dụng của một số bộ trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt và sản xuất. 

Tái hiện đám cưới của dân tộc La Phù (Lào Cai)

Đặc biệt, yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ gìn và bảo tồn các trang phục dân tộc truyền thống, đó là yếu tố tâm lý, nhận thức của người dân. Ngày nay, trước sự phát triển của truyền thông đại chúng, người dân tộc thiểu số nói chung, đặc biệt là giới trẻ có cơ hội được tiếp cận những trang phục, phong cách của nhiều dân tộc khác, đất nước khác, nên nhiều người, thậm chí có không ít cộng đồng dân tộc không nhận thấy cái hay, cái đẹp trong trang phục của dân tộc mình, dẫn đến sự e ngại khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Nhiều sinh viên còn có tâm lý tự ti, mặc cảm khi sử dụng trang phục của dân tộc mình khi giao tiếp xã hội. Lẽ ra, chính những đối tượng này sẽ là “sứ giả” để quảng bá, lan tỏa những nét đẹp, độc đáo của trang phục truyền thống đến bạn bè quốc tế, nhưng hiện nay, số sinh viên người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống đi học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bạn Hoàng Nguyễn Huyên, dân tộc Tày, đến từ khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, ở một số trường học đã tạo nhiều môi trường cho học sinh có cơ hội để mặc trang phục dân tộc truyền thống của dân tộc mình, nhưng nhiều bạn chưa ý thức được vai trò của bản thân, trong việc bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc, nên có thái độ không hợp tác, hoặc mang tâm thế bị ép nên mới mặc, tỏ thái độ không mấy vui vẻ, ngại ngùng sợ các bạn cuời chê khi mặc trang phục của dân tộc mình. Đặc biệt, đến các vùng đồng dân tộc Tày sinh sống, có những người trẻ tuổi dưới 35 chưa một lần được khoác trên mình bộ trang phục truyền thống, họ cũng không biết cách tạo ra một bộ trang phục truyền thống như thế nào”.

Hai nghệ nhân đến từ đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Vĩnh Phúc là cô Phùng Thị Kiều (dân tộc Dao quần chẹt ở huyện Sông Lô) và cô Lưu Thị Thuận (dân tộc Sán Dìu ở huyện Bình Xuyên) cũng đều cho hay: “Ngoài các ngày lễ, Tết hay đám cưới, chúng tôi mặc quần áo hằng ngày như người Kinh để tiện lao động. Hơn nữa, thời tiết bây giờ quá nóng để mặc trang phục truyền thống. Các trang phục dân tộc được làm khá công phu từ khâu chọn vải đến nhuộm, thêu thùa. Vải phải là vải xô trắng, nhuộm tràm nhiều lần mới ra màu đen và phải ngâm tráng qua một lượt nước lá rừng để màu được bền hơn”. Các nghệ nhân cũng chia sẻ, con cái cô nói riêng, thanh niên trong bản nói chung dù được cha mẹ may cho quần áo truyền thống nhưng cũng ít mặc, phần lớn không biết cách mặc. Thế mới thấy, nếu không có sự quan tâm, chăm lo từ những nhà quản lý và sự chung tay của cộng đồng, nguy cơ mai một dẫn đến biến mất của trang phục dân tộc truyền thống là rất cao.

TS Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai- cũng bày tỏ quan ngại khi ông từng có một chuyến đi, có gặp một người dân tộc Mông, ông muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trang phục truyền thống của người Mông, nên đã nhờ người này mặc cho mình xem, nhưng sau 30 phút loay hoay, người này vẫn cảm thấy lúng túng không thể mặc đúng trình tự của trang phục dân tộc mình. Qua câu chuyện này, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, mỗi người cần lưu giữ một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các ngày lễ, hội, khai giảng. Cần khuyến khích người dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống nhằm tạo ra vẻ đẹp mang sắc thái riêng về điểm đến du lịch, từ đó nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù…

Từ trái sang: Trang phục dân tộc Dao Thanh Phán (Ba Chẽ - Quảng Ninh); Trang phục dân tộc Nùng (Lạng Sơn); Trang phục dân tộc Sán Chỉ (Bình Liêu - Quảng Ninh)

Những giá trị của trang phục truyền thống đã góp phần quan trọng để khẳng định bản sắc dân tộc, lan tỏa và quảng bá văn hóa Việt Nam, đến nay những trang phục truyền thống của các dân tộc đã được bạn bè thế giới ghi nhận, trở thành một phần trong kho tàng văn hóa nhân loại.

Việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số là hành trình lâu dài, không hề dễ dàng. Song, việc giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa này là vô cùng cần thiết. Nói về vấn đề này, tại Hội thảo Khoa học “Giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị trang phục đồng bào dân tộc thiểu số”, Trưởng khoa Văn hóa dân tộc thiểu số (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) Nguyễn Anh Cường mong muốn, khi sử dụng trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, nên sử dụng những bộ trang phục nguyên bản, tránh những trang phục cách tân, cải biến, lai căng, biến đổi quá nhiều. PGS,TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận: Nên áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 để lưu giữ, bảo tồn trang phục, từ đó lan tỏa sự biểu đạt đa dạng của trang phục các dân tộc, tạo nên sự tôn trọng bản sắc đa dạng các dân tộc khác nhau.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc tìm ra giải pháp để khai thác và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống trong trang phục của các dân tộc là cần thiết. Mong rằng, trong tương lai, sẽ có nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa như Liên hoan Trình diễn Trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam khu vực phía Bắc lần thứ nhất, để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng hiệu quả.

NGÔ HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;