Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã khép lại, song ấn tượng về công tác tổ chức, sự nồng nhiệt của khán giả, sự sáng tạo, thăng hoa của những nghệ sĩ đang dần trở thành đội ngũ kế cận trong bảo tồn, phát huy, lan toả giá trị cao đẹp của Chèo chắc chắn sẽ còn lưu luyến trong cảm xúc của những người yêu nghệ thuật truyền thống.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo Liên hoan Chèo Toàn quốc 2022 - Ảnh: Tuấn Minh
Liên hoan được tổ chức từ ngày 12/10 đến ngày 28/10/2022 tại Nhà văn hóa tỉnh Hà Nam. Liên hoan do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì phối hợp với Sở VHTTDL Hà Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Lãnh đạo một số Ban, Bộ, Ngành T.Ư và tỉnh Hà Nam đã tới dự Lễ Khai mạc. Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao: 1 giải xuất sắc vở diễn vở Đất liền và biển cả, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa. 6 Huy chương Vàng cho các vở: Khóc giữa trời xanh, Trung tâm VHNT tỉnh Hà Nam; Linh từ Quốc Mẫu, Nhà hát Chèo Hà Nội; Vang bóng một thời, Đoàn Chèo Hải Phòng; Nguyễn Đình Nghị, Nhà hát Chèo Hưng Yên; Mật chỉ giữa hoàng cung, Nhà hát Chèo Quân đội; Thiên duyên huyền tích, Nhà hát Chèo Thái Bình và cùng 6 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng. Ban tổ chức cũng trao 41 Huy chương Vàng, 66 Huy chương Bạc, 9 Huy chương Đồng cho các cá nhân.
Những dấu ấn
Mặc dù lần đầu tiên đăng cai Liên hoan Chèo toàn quốc nhưng Hà Nam được Ban Tổ chức đánh giá rất cao công tác tổ chức, đã để lại ấn tượng sâu sắc với các đoàn nghệ thuật và khán giả.
Việc phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được triển khai rất hiệu quả. Đã có hơn 30 cơ quan báo, chí Trung ương thông tin về Liên hoan. Cơ quan báo chí tỉnh Hà Nam và một số trang thông tin điện tử tổng hợp của sở, ngành địa phương mở chuyên trang, chuyên mục, truyền hình trực tiếp, phát sóng, cập nhật trực tuyến các tin, bài, phóng sự quảng bá cho Liên hoan trên Internet, fanpage, tận dụng ưu thế của mạng xã hội để đưa đến cho người dân và du khách những thông tin hữu ích, cập nhật kịp thời các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan, lịch thi diễn của các đoàn.
Sau buổi thi, các đoàn được hướng dẫn trong việc tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh tại Hà Nam đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn như: Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc - Ba Sao; Từ đường Nguyễn Khuyến, Nhà tưởng niệm Nhà văn Liệt sĩ Nam Cao, đền Lảnh Giang, đền Trần Thương, đền thờ 10 cô gái Lam Hạ, chùa Địa Tạng Phi Lai Tự...
Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên Giáo T.Ư Lại Xuân Môn và Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy trao Giải thưởng thành phần sáng tạo đối với tác giả, đạo diễn, nhạc sỹ, biên đạo múa xuất sắc - Ảnh: Ban Tổ chức
Đáng trân trọng nhất là sự cổ vũ nhiệt tình cũng như tình yêu nghệ thuật của khán giả Hà Nam. Trước mỗi vở diễn, dù ban ngày hay buổi tối, dù trời nắng hay mưa, hội trường lớn Nhà văn hóa tỉnh Hà Nam luôn kín chỗ, một số buổi cả hội trường tầng 1 và tầng 2 gồm 1.000 ghế đều không còn một chỗ trống, thậm chí các lối đi cũng được tận dụng làm chỗ ngồi, và đa phần khán giả chỉ ra về khi sân khấu đã hạ màn. Đặc biệt, mỗi buổi biểu diễn có khoảng 300 giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến xem chèo như là một hoạt động ngoại khóa. Theo ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam thì đây là hoạt động để các em biết đến Liên hoan, xem các tiết mục, từ đó mới có thể tìm hiểu và yêu chèo. Những hoạt động thiết thực này giúp thổi dần tình yêu nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ, đồng thời đó là thử nghiệm để Hà Nam hướng tới mục tiêu đưa nghệ thuật truyền thống vào trường học nhằm truyền bá, giáo dục lòng yêu mến, tự hào với những di sản văn hóa dân tộc, hướng các em tới chân - thiện - mỹ, góp phần phát triển năng khiếu cũng như nhân cách.
Nghệ sĩ ưu tú Tuyết Nga, 81 tuổi, từng là diễn viên chèo Hà Nội bộc bạch rằng bà từng lo lắng trước nguy cơ mai một của Chèo, nhưng trong những ngày lưu trú tại Hà Nam dự Liên hoan, tận mắt chứng kiến cảnh hội trường nhà văn hoá tỉnh Hà Nam luôn trong trạng thái không còn một ghế trống trước mỗi buổi diễn, cảm nhận được tình yêu lớn lao, cháy bỏng người dân Hà Nam dành cho chèo, bà rất đỗi trân trọng và vững tin chèo vẫn có một sức sống mãnh liệt, bền bỉ.
Và niềm hy vọng
Trong bối cảnh 2 năm liên tục sân khấu cả nước trong đó có sân khấu chèo rơi vào khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với những đợt giãn cách kéo dài, khó tập trung tập luyện và thưa vắng khán giả, nhưng số đơn vị nghệ thuật và lực lượng tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 lại đông nhất trong số các kì liên hoan từ trước đến nay: 27 vở diễn, hơn 1.500 diễn viên, nhạc công, kỹ thuật viên, trong đó có nhiều đơn vị dự thi 2 vở. Điều đó chứng tỏ các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ luôn âm thầm tập luyện, thai nghén những sáng tạo, dàn dựng những tác phẩm có giá trị chờ cơ hội toả sáng, phục vụ khán giả.
Trong thời gian diễn ra Liên hoan, khán phòng Trung tâm VHTT tỉnh Hà Nam luôn đông khán giả tới xem
NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Con số 16 đoàn với 27 vở diễn tham gia liên hoan là một tín hiệu rất đáng mừng, khẳng định vẫn có những hoạt động chuyên nghiệp mạnh mẽ, thông qua đó chúng ta cũng đánh giá được nhân dân vẫn rất yêu chèo. Liên hoan lần này, chúng tôi mong muốn khán giả đến xem đông nhất có thể để nghệ thuật Chèo được tràn vào nhân dân những giá trị cốt lõi”.
Điểm mới của Liên hoan lần này là không hạn chế về đề tài, nhưng khuyến khích tác phẩm đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn, mang tính dự báo, có tác động tích cực tới đời sống xã hội, nhận thức của khán giả yêu nghệ thuật và mọi tầng lớp nhân dân, mang thông điệp tích cực, có ý nghĩa đối với đời sống xã hội hôm nay.
“Có tích mới dịch nên trò”, các đoàn nghệ thuật đã chú trọng yếu tố tiên quyết đó là kịch bản nên Liên hoan lần này hầu hết kịch bản Chèo đều rất sâu sắc, chỉn chu, có lớp lang nhuần nhụy; có thắt nút, mở nút và cốt truyện rõ ràng, nhiều tình tiết xung đột, gây xúc động và lôi cuốn; có sự dàn dựng công phu, tập luyện kỹ lưỡng, diễn xuất có nội tâm, sáng tạo nhưng vẫn giữ được đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Một số làn điệu mang tầm bác học, rất khó hát, tưởng chìm vào quê lãng như: Ẩy ẩy mần chi, Tuyết sương, Chỉ có 40 đồng, Đường trường thu rồi, Tiền xướng ca hậu lâm khốc, Đặt để mà chơi… đã vang lên trên sân khấu Liên hoan. Có vở đã đưa vào nhiều làn điệu chèo cổ, điển hình như Thiên duyên huyền tích của Nhà hát Chèo Thái Bình có tới 30 bài chèo, trong đó nhiều làn điệu chèo cổ của làng Khuốc được nghệ nhân dạy lại cho các nghệ sĩ. Hay như vở Những vì sao không tắt của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam ở mỗi màn diễn đều có một bài dân ca Hà Nam đan xen vào khiến người xem thêm phần xúc động, tự hào về sự hi sinh cao đẹp của 10 nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ.
Một trong những yếu tố làm nên thành công về mặt nghệ thuật của Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 là đội ngũ tác giả dày dặn kinh nghiệm trong làng Chèo: Trần Đình Ngôn, Nguyễn Đăng Chương, Lê Chí Trung, Bùi Vũ Minh… cùng những tác giả “tiềm năng”, mang đến nhiều hi vọng cho sự phát triển lâu dài của nghệ thuật Chèo như: Lê Thế Song, Trần Phương Hạnh, Nguyễn Sĩ Sang… Đây cũng là kì liên hoan số lượng đạo diễn nữ nhiều nhất từ trước đến nay (4 đạo diễn cho 7 vở), đồng thời cho thấy những nữ nghệ sĩ từng là diễn viên xuất sắc trên sân khấu chèo với sự am hiểu và lòng say mê họ trở thành đạo diễn ngày càng nhiều…
Phát biểu tổng kết Liên hoan, PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết: “27 vở diễn là những công trình mĩ học, đạo đức học đầy nghiêm túc, công phu và đậm chất Chèo truyền thống với tính cách tân mới mẻ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Ở đó, nội dung đã vang lên bài ca về tình đời, tình người, tình nghề nghiệp sâu sắc”.
Nghệ sĩ nhân dân Thuý Ngần, Thành viên Hội đồng Nghệ thuật cho biết tín hiệu đáng mừng là Liên hoan xuất hiện những tài năng và gương mặt triển vọng có sự đam mê, nhiệt huyết với nghề, hứa hẹn có thể đảm nhiệm nhiều dạng vai diễn khác nhau; là nhân tố tiếp bước lớp nghệ sĩ gạo cội trong làng chèo. Các vở diễn chắc chắn sẽ tiếp tục lan tỏa tới đông đảo khán giả khắp các vùng miền, mang lại những giá trị tích cực trong đời sống tinh thần, góp phần bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống.
Vở Chèo Bến đợi, Nhà hát Chèo tỉnh Bắc Giang
Bên cạnh những kết quả khả quan, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 vẫn còn một số tồn tại.
Theo Hội đồng Nghệ thuật, tuy đã xuất hiện một số gương mặt mới nhưng đội ngũ biên kịch chèo chưa đông, chưa mạnh, chưa bền vững và bản lĩnh vốn sống chưa ngang tầm với đòi hỏi của Đảng, của nghề. Do đó, tác phẩm dự thi vẫn chưa có nhiều “tích hay, trò lạ”, chưa có nhiều mới mẻ, đột phá, mà hầu hết còn mang xu hướng “hoài cổ”. Một số vở kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic, chặt chẽ: lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu; mở đầu thắt nút ở tuyến này, cởi nút lại chạy sang tuyến khác; có vở diễn hết cảnh 2, cảnh 3 rồi mà người xem không biết tên nhân vật là gì; có vở cái kết dông dài, thừa thãi. Số vở diễn chuyển thể từ kịch nói sang chèo khá nhiều (13/27 vở) nên vẫn còn tình trạng tính kịch lấn át tính trữ tình hoặc tính trữ tình lấn át tính kịch, dẫn đến hiện tượng “kịch cắm ca”. Tình trạng hiếm vở diễn đề tài đương đại vẫn chưa được khắc phục. Trong số 27 vở tham gia Liên hoan thì có tới 26 vở thuộc đề tài quá khứ, chỉ duy nhất 1 vở đề tài cuộc sống hôm nay. Có vở diễn âm nhạc, trang trí, múa minh hoạ, ánh sáng, tiếng động rất hoành tráng nhưng lại khiến khán giả có cảm giác xa rời chèo truyền thống. Có vở tên gọi và nội dung không khớp nhau, lời đối thoại thiếu tính văn học, chủ đề thiếu tính triết lý nhân sinh, nhân vật phụ lấn át nhân vật chính. Một số đạo diễn tuy có nghề, có kinh nghiệm nhưng lặp lại chính mình, làm cũ chính mình. Nghệ sĩ biểu diễn còn tình trạng hát chênh, phô, chệch nhịp…
Nhưng nhìn tổng thể, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã khép lại với nhiều ấn tượng sâu sắc. Sự đánh giá, ghi nhận của Ban tổ chức là nguồn động lực to lớn để các nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn tiếp tục sáng tạo, cống hiến, mang lại nhiều vở diễn hay hơn nữa, để bảo tồn, phát triển, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật của các tác phẩm sân khấu chèo, vừa lưu giữ được giá trị truyền thống, vừa tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật của thời kỳ đổi mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.
HOÀNG OANH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022