Phim độc lập - Dòng chảy ngầm mạnh mẽ - Bài 2: Làn sóng mới của phim độc lập

Từ chỗ chỉ mới manh nha với một cộng đồng làm phim nhỏ bé, dòng phim độc lập của Việt Nam đã dần trở nên lớn mạnh với sự tham gia của ngày càng nhiều các nhà làm phim, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ. Nhiều dự án phim độc lập nhận được tài trợ từ Chợ dự án của các Liên hoan phim quốc tế, nhiều bộ phim độc lập giành được giải trong nước và quốc tế. Phim độc lập bắt đầu được phát hành ngoài rạp và lập nên những kỷ lục doanh thu. Những điểm sáng từ dòng phim độc lập thời gian qua đã mang đến niềm hy vọng về một đội ngũ các nhà làm phim độc lập sẽ ngày càng đông đảo, tạo nên một làn sóng mới, góp phần trở thành một lực lượng sáng tác quan trọng của điện ảnh nước nhà.

Đoàn làm phim Tro tàn rực rỡ trên thảm đỏ LHP Tokyo

Góp phần ghi danh điện ảnh Việt Nam trên bản đồ điện ảnh quốc tế 

Nhìn vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam những năm gần đây, có thể thấy, phim được Nhà nước đặt hàng (tạm gọi là dòng phim Nhà nước) chỉ còn một vài phim được Nhà nước tài trợ một phần vốn làm phim. Thay vào đó, phim của các nhà sản xuất tư nhân đang chiếm lĩnh thị trường trong nước. Bên cạnh những bộ phim của các hãng phim tư nhân, mà trong đó hầu hết là phim thương mại, thì vẫn còn sự tồn tại của dòng phim độc lập tuy khiêm tốn hơn về vốn đầu tư sản xuất cũng như mức doanh thu nhưng lại gặt hái được thành công tại các liên hoan phim và giải thưởng điện ảnh cả trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh đó, dòng phim độc lập lại đang đại diện cho “tiếng nói” của điện ảnh nước nhà trên trường quốc tế thông qua các nỗ lực không mệt mỏi của các nhà làm phim độc lập.

Giờ đây, khi dòng phim Nhà nước đặt hàng trở nên hiếm hoi, bên cạnh dòng phim giải trí nhiều năm thống lĩnh là vị trí của dòng phim độc lập. Việc khán giả dành sự quan tâm hơn với dòng phim độc lập bắt nguồn từ việc chất lượng các bộ phim đã ngày một nâng cao. Sau này, tham gia đội ngũ làm phim độc lập là các đạo diễn trẻ trong nước. Họ cũng sản xuất phim với nhiều mảng đề tài khác nhau. Điện ảnh ngoài việc phục vụ nhu cầu giải trí của số đông công chúng thì còn cần là tấm gương phản ánh thời đại, thể hiện những sáng tạo mang tính tiên phong với những góc nhìn mang đậm nét riêng của mỗi tác giả. Và dòng phim độc lập đáp ứng được tiêu chí đó. 

Cảnh phim Cha cõng con

Liên tiếp trong những năm gần đây, phim độc lập của Việt Nam góp mặt tại nhiều liên hoan phim quốc tế lớn nhỏ, góp phần ghi danh điện ảnh Việt trên trường quốc tế. Tại LHP Cannes 2017, phim độc lập của Việt Nam có dự án Vị của Lê Bảo cùng với dự án phim Culi không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân được lựa chọn tham dự giải thưởng L’Atelier của Quỹ điện ảnh Cinéfondation. Năm 2018, phim Người vợ ba (The Third wife) của đạo diễn Nguyễn Phương Anh giành giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất (Best Asia Film) tại LHP quốc tế Toronto ở Canada, giải TVE-Another Look tại LHP San Sebastian ở Tây Ban Nha, giải Phim hay nhất tại phần thi quốc tế của LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ) lần thứ 24, giải Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất trong phần thi quốc tế tại LHP quốc tế Cairo lần thứ 40… Cũng trong năm 2018, bộ phim Nhắm mắt thấy mùa hè của đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi phát hành ra rạp, tham dự các LHP trong nước và quốc tế đã tạo nên hiện tượng, được giới phê bình đánh giá là một dự án phim độc lập đúng nghĩa và đáng trân trọng với một ê-kíp đa phần là người làm phim trẻ dưới 30 tuổi. 

Từng trải qua nhiều nghề trước khi đi học điện ảnh và trở thành đạo diễn, Cha cõng con là phim truyện điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lương Đình Dũng do anh và biên kịch Bùi Kim Quy chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của anh. Dự án này được anh thai nghén suốt 10 năm, quay phim trong khoảng thời gian hai năm với nhiều vất vả. Cho đến nay, Cha cõng con đã được công chiếu ở hơn 10 quốc gia, tham gia nhiều LHP quốc tế và đoạt các giải thưởng danh giá: Phim châu Á xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Fajr (Iran) lần thứ 36; Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20; Phim nước ngoài hay nhấtGiải đặc biệt của ban giám khảo cho Quay phim ấn tượng nhất tại Liên hoan phim quốc tế Arizona lần thứ 26; Giải Tinh thần Độc lập cho Phim có cốt truyện hay nhất Liên hoan phim Quốc tế Boston lần thứ 15; Phim xuất sắc nhất ở hạng mục NETPAC của Liên hoan phim (LHP) châu Á Barcelona 2019; giải Quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Milano lần thứ 17. Đặc biệt, bộ phim được chọn làm đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscars lần thứ 90. Có thể nói, Cha cõng con là một bộ phim đặc biệt bởi dù đã phát hành từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn liên tiếp được khán giả trong nước yêu cầu chiếu, nhiều tổ chức đề nghị mua bản quyền và được nhiều LHP mời tham dự.

Những ngày cuối năm 2022, thêm một bộ phim độc lập nữa ghi dấu ấn của điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam được chọn vào đề cử hạng mục chính thức (Main Section) tại LHP quốc tế Tokyo. Kịch bản phim từng giành giải Busan Award tại Asian Project Market và giải thưởng Inaugural Southeast Asia Co-Production Grant do Ủy ban Điện ảnh Singapore (SFC) trao tháng 11/2019 trị giá 4,3 tỉ đồng. 

Cảnh phim Đoạn trường vinh hoa

Không chỉ có phim truyện, phim tài liệu độc lập cũng đã ghi được dấu ấn của mình với những tác phẩm có nhiều tìm tòi thử nghiệm nghệ thuật. Nối tiếp hành trình của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, các bộ phim tài liệu như Lửa Thiện Nhân (đạo diễn Phạm Hồng Giang, 2015), Đi tìm Phong (đạo diễn Trần Phương Thảo, 2018), Đoạn trường vinh hoa (đạo diễn Lê Mỹ Cường, Thanh Nguyễn 2020), Màu cỏ úa (đạo diễn Lan Nguyên, 2020)… đều không theo cách phổ biến thông thường là phát sóng trên truyền hình mà mạnh dạn chủ động phát hành tại rạp và gây được tiếng vang. 

Năm 2020 đánh dấu nhiều thành công của dòng phim độc lập tại các LHP quốc tế. Đó là Mây nhưng không mưa (Vũ Minh Nghĩa và Phạm Hoàng Minh Thy) chính thức tham dự tranh giải tại hạng mục Orizzonti Short Conpetition tại LHP quốc tế Venice. Thiên đường gọi tên - Dòng sông không nhìn thấy - An act of Affection của Dương Diệu Linh, Phạm Ngọc Lân và Việt Vũ lọt vào danh sách tranh giải ở hạng mục phim ngắn quốc tế dưới 40 phút tại LHP quốc tế Locarno 2020...

Để có được những bộ phim tài liệu “trở thành hiện tượng” như vậy, nhiều nhà làm phim trẻ đầy đam mê đã “dành cả thanh xuân” để làm phim. Nếu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được nhà làm phim trẻ Nguyễn Thị Thắm ấp ủ thực hiện trong vòng 5 năm, quay trong 13 tháng với sự giúp đỡ của bạn bè thì đạo diễn trẻ Lan Nguyên cũng bắt tay làm phim Màu cỏ úa khi mới 25 tuổi và hoàn thành khi đã 30. Màu cỏ úa không có tiền tài trợ, do một đạo diễn không được đào tạo về điện ảnh tự bỏ tiền túi cùng bạn bè thực hiện trong suốt 5 năm với 15 đợt quay. Đạo diễn Trần Phương Thảo cũng dành cả tuổi thanh xuân để thầm lặng làm những bộ phim ngắn như Giấc mơ công nhân, Đi tìm Phong, Đường Bưởi...

Và những kỷ lục doanh thu 

Điện ảnh là một ngành công nghiệp, bởi vậy dù có làm phim vì mục đích gì, cuối cùng đích đến của tác phẩm vẫn là khán giả. Một điều không thể phủ nhận là điện ảnh phải gắn với khán giả, với doanh thu phòng vé. Nếu như trước đây, các tác phẩm thuộc dòng phim độc lập thường rơi vào tình trạng được các nhà chuyên môn đánh giá cao hay nhận giải thưởng tại các LHP quốc tế nhưng khi về Việt Nam lại không thu hút được khán giả như mong đợi, thì những năm gần đây, ngày càng nhiều các tác phẩm điện ảnh độc lập được khán giả trong nước hào hứng đón nhận và một vài bộ phim đã lập nên những kỷ lục doanh thu tuy còn khiêm tốn nhưng cũng đủ để truyền cảm hứng cho các nhà làm phim độc lập tiếp tục hành trình đam mê nhưng đầy gian nan của mình.

Thành công này không đến dễ dàng, hầu hết của các đạo diễn trẻ được đào tạo bài bản, đã có nhiều năm làm phim ngắn để tìm cơ hội trước khi làm phim dài. Và những tác phẩm đầu tay nhiều tâm huyết đều mang đến cho họ trái ngọt.

Có thể nói, bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã góp phần thay đổi hoàn toàn cái nhìn của công chúng với dòng phim tài liệu lâu nay. Nếu trước đây, khán giả hầu như đều cho rằng phim tài liệu không mấy hấp dẫn, thường chỉ chiếu miễn phí hoặc phát trên truyền hình thì nay, phim tài liệu đã thu hút được đông đảo khán giả cả trong nước và quốc tế, được phát hành tại rạp và lập nên kỷ lục mới cho phim tài liệu ở Việt Nam. Khi công chiếu tại Liên hoan Điện ảnh Hiện thực, Paris vào tháng 3/2014, phim nhận nhiều phản hồi tích cực từ các nhà phê bình điện ảnh và được Hãng phim Xanh phân phối ở Việt Nam tháng 12/2014. Tuy chỉ được phát hành với quy mô nhỏ và mang tính thử nghiệm để những bộ phim ít tính giải trí nhưng có giá trị cao về nghệ thuật có thể đến với công chúng nhưng phim đã lập nên một kỷ lục phát hành phim tài liệu ở Việt Nam. Theo thống kê, đã có 10.000 vé bán ra trong vòng 11 ngày trình chiếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, phim thu hút khoảng 30.000 khán giả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Khởi chiếu trong dự án CGV Art House từ 5/1/2015, bộ phim liên tục “cháy vé”. Sau khi tham dự nhiều LHP quốc tế, bộ phim đoạt giải Special Mention tại Liên hoan Phim tài liệu Đông Nam Á Chopshots và được trao bằng khen trong hạng mục Phim tài liệu tại giải Cánh diều vàng 2013. 

Cảnh phim Tro tàn rực rỡ

Năm 2020 là một năm khá buồn với điện ảnh Việt về số lượng phim, doanh thu và chất lượng. Nhưng trong tình hình chung ảm đạm, vẫn có một vài điểm sáng đến từ dòng phim độc lập. Đó là hiệu ứng phòng vé đến từ phim điện ảnh Ròm - bộ phim tiên phong ra rạp trong thời điểm dịch COVID -19 chỉ vừa tạm lắng. Đạo diễn Trần Thanh Huy đã có 8 năm theo đuổi dự án Ròm, khởi đầu từ phim ngắn tốt nghiệp mang tựa đề 16:30 - tác phẩm từng đoạt giải Cánh diều Vàng 2012, được trình chiếu tại Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013. Sau đó, anh triển khai kịch bản phim điện ảnh với nguồn tài trợ từ nhiều quỹ điện ảnh, hoàn thiện bộ phim từ 27 bản dựng khác nhau. Sau khi giành được giải Phim hay nhất - giải quan trọng nhất tại LHP quốc tế Busan (Hàn Quốc) 2019, Ròm đã ra mắt khán giả Việt Nam tạo nên hiện tượng cho dòng phim độc lập với doanh thu 63 tỷ đồng khi ra rạp. Thành công thương mại bất ngờ của Ròm được cho là dấu mốc quan trọng của điện ảnh Việt khi một đạo diễn thế hệ trẻ 9X dũng cảm khai phá chủ đề được coi là khó và gai góc nhưng đã đạt được thành công nhất định, hài hòa được cả yếu tố nghệ thuật và doanh thu. Quan trọng hơn, doanh thu 63 tỷ đồng của Ròm không chỉ khích lệ tinh thần các nhà làm phim mà còn mang lại tín hiệu tích cực, góp phần hồi phục thị trường điện ảnh trong nước. 

Trước đó, bộ phim Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh ra mắt khán giả Việt Nam tháng 8/2019 cũng tạo được hiệu ứng tích cực. Phim tham gia tranh giải tại nhiều LHP quốc tế và giành Giải khán giả (phim dài hay nhất do khán giả bình chọn) tại LHP quốc tế châu Á Toronto 2020, Giải khán giả (phim dài hay nhất do khán giả bình chọn) tại LHP Á Mỹ Philadelphia 2020. Sau khi phát hành tại rạp, Thưa mẹ con đi được phát hành trên hệ thống Netflix và là phim Việt duy nhất lọt vào top 10 phim được xem nhiều nhất trên hệ thống này tại Việt Nam. Bộ phim còn ra mắt tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 3/2020, phát hành tại Nhật Bản trên nền tảng Rakuten TV vào tháng 1/2021 và trở thành một trong 5 phim nước ngoài bán chạy nhất trên hệ thống này trong nửa đầu năm 2021.

Đầu năm 2022, trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam từng bước hồi phục sau đại dịch, bộ phim độc lập Đêm tối rực rỡ của đạo diễn đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto thực hiện tại Việt Nam cũng tiếp tục đạt doanh thu kỷ lục 21 tỷ đồng, vượt qua rất nhiều phim Việt và thậm chí cả một số bộ phim nước ngoài cùng thời điểm. Trước khi ra mắt khán giả, Đêm tối rực rỡ từng chiến thắng tại Liên hoan phim Santa Fe 2022 với hai giải thưởng: Câu chuyện xuất sắc và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc

Thành công về mặt doanh thu của những bộ phim độc lập tuy chưa hoành tráng như các bộ phim thương mại khác nhưng cũng là những con số rất ý nghĩa, khích lệ tinh thần các nhà làm phim độc lập và khiến các nhà đầu tư, công chúng tin tưởng hơn vào dòng phim vẫn còn non trẻ nhưng đầy tiềm năng này. Nếu như trước kia, phim độc lập vẫn còn được coi là “kén” khán giả bởi những thể nghiệm nghệ thuật khác lạ, cách lựa chọn đề tài hợp gu khán giả nước ngoài để tìm tài trợ thì nay, không còn phản ánh những vấn đề có phần xa lạ với khán giả Việt, các nhà làm phim độc lập đã đi vào khai thác những vấn đề xã hội thiết thực, về thân phận con người. Ngày càng có nhiều đạo diễn trẻ đứng vào hàng ngũ những nhà sản xuất phim độc lập dù biết đây là hành trình chông gai với vô vàn khó khăn. Hiệu ứng tích cực từ các giải thưởng quốc tế và cả doanh thu trong nước đã mang đến cho các nhà làm phim và khán giả nhiều hy vọng. 

Lý giải thành công phòng vé của Đêm tối rực rỡ cũng chính là điểm mấu chốt dẫn đến thành công của một bộ phim: dù không có kinh phí nhiều cho khâu PR nhưng chính chất lượng nội dung của phim đã kích thích khán giả tự tạo hiệu ứng thông qua nhận định đánh giá trên các diễn đàn. Bộ phim đã “đánh” trúng tâm lý người xem và họ tự lan truyền cho bộ phim để tạo nên cú lội ngược dòng ngoạn mục. Và điều đó đã chứng minh, một phim dù kinh phí thấp, không có diễn viên ngôi sao, không có chiến lược PR khổng lồ vẫn có thể thu hút khán giả, nếu nội dung phim chạm đến trái tim người xem. Phim độc lập vốn luôn có một hành trình không dễ dàng để đến được rạp chiếu, càng khó khăn hơn để neo lại trong lòng khán giả. Vì thế, những con số kỷ lục doanh thu tuy khiêm tốn nhưng là món quà rất quý giá, có ý nghĩa động viên lớn lao đối với các nhà làm phim độc lập. Sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhà làm phim độc lập không chỉ giúp họ trở thành một lực lượng sáng tác quan trọng của điện ảnh nước nhà, mà còn góp phần đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

NGÔ HỒNG VÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;