Trước khi chính thức ra mắt, tiểu thuyết Ai đó chạy cùng ta đã được nhiều độc giả Việt biết đến và quan tâm qua những dấu ấn từ cuộc thi vẽ bìa sách do Nhã Nam phối hợp với Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức. Nhân dịp ấn bản tiếng Việt của tiểu thuyết được ra mắt, Nhã Nam và Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức sự kiện giao lưu cùng độc giả giới thiệu cuốn sách và những câu chuyện bên lề thú vị về văn chương của David Grossman trong một cuộc Tọa đàm mang tên Israel từ đường phố đến trang viết.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm
Trưởng thành ở Jerusalem
Cuối năm 2021, Nhã Nam và Đại sứ quán Israel phát động cuộc thi vẽ bìa sách cho tiểu thuyết Ai đó chạy cùng ta của tác giả giành giải Man Booker 2017 - David Grossman, cuộc thi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ độc giả với hơn 200 bài thi vô cùng xuất sắc được gửi về. Một năm sau, cuốn sách đã ra mắt độc giả và đúng như thông báo trước đó, bìa sách chính thức là tác phẩm của bạn Lý Quý Triều được ban tổ chức và nhà văn David Grossman lựa chọn từ tác phẩm đạt giải Nhất của cuộc thi.
Sau Con ngựa bước vào quán bar - tác phẩm đã giúp David Grossman giành giải Man Booker Quốc tế 2017 danh giá, tiểu thuyết Ai đó chạy cùng ta giới thiệu văn học Israel với độc giả Việt Nam. Cuốn sách không chỉ được giới chuyên môn đánh giá cao bởi tính thời sự và ngòi bút miêu tả cảnh vật đặc sắc, mà còn nhận được rất nhiều sự yêu mến từ người đọc trên toàn thế giới.
Thông qua câu chuyện của hai nhân vật chính là Assaf và Tamar, Ai đó chạy cùng ta không chỉ phản ánh thực trạng xã hội Israel với những mặt tối đầy cạm bẫy mà hơn hết nổi bật trên nền xám của hiện thực trần trụi là ánh sáng lấp lánh của tình yêu: tình yêu đôi lứa, tình yêu giữa cha mẹ và con cái, tình anh chị em, tình bè bạn, hay là tình yêu thương đơn thuần giữa con người và vật nuôi của mình. Bên cạnh đó, cùng với hành trình khám phá đầy gay cấn của Assaf và Tamar, David Grossman đã vô cùng tinh tế khi miêu tả và khắc họa những nét đẹp đặc trưng của cảnh vật, văn hóa, con người đất nước Israel.
Buổi ra mắt Ai đó chạy cùng ta
Để khắc họa một cách chân thực nhất về tâm lý nhân vật trong Ai đó chạy cùng ta, David Grossman đã dành một khoảng thời gian dài chuyên tâm tìm hiểu và tiếp xúc với những thiếu niên vô gia cư tại Israel. Tác phẩm khởi sự bằng việc cậu thiếu niên Assaf một ngày nọ được giao nhiệm vụ tìm lại chủ của một con chó đi lạc, và rất mau chóng câu bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ đi tìm một cô gái bí ẩn tên là Tamar, người cũng đang lao vào một cuộc phiêu lưu của riêng mình.
Trong Ai đó chạy cùng ta, Assaf và Tamar đều ở ngưỡng cửa trưởng thành. Ta biết điều ấy không chỉ qua độ tuổi của họ (cả hai đều mười sáu), mà còn qua những vấn đề mà họ gặp phải trước khi cuộc phiêu lưu xảy đến. Assaf dành kì nghỉ hè của mình để làm một công việc bàn giấy tẻ nhạt và ngột ngạt trong văn phòng Tòa thị chính. Cuộc sống của cậu khá êm đềm, nhưng dường như sự êm đềm ấy đến từ một tính cách thụ động trước mọi vấn đề, chứ không phải là kết quả của việc đối diện và giải quyết chúng. Vẻ êm đềm giả tạo ấy lộ ra ngay khi Assaf gặp Theodora và nhận ra cậu chẳng có câu chuyện nào của bản thân để kể. Tamar nhanh nhẹn, sắc sảo, đầy cá tính, và có phần liều lĩnh (hoàn toàn trái ngược với Assaf hiền lành, hơi nhu nhược), nhưng cô cũng gặp những vấn đề riêng về gia đình, về người anh trai, và đặc biệt là về tình bạn.
Trong Người hùng mang ngàn gương mặt, Joseph Campbell nói rằng người anh hùng sẽ phải rời bỏ thế giới đã biết của anh ta, an toàn nhưng chật chội, nhàm chán, để lao vào vùng không biết, một không gian nhiều nguy cơ và thử thách. Thế giới không biết ấy trong cuộc phiêu lưu của Assaf và Tamar, chính là cuộc sống đường phố của Jerusalem, thế giới của những nghệ sĩ rong, của những tên ma cô chăn dắt đầy nguy hiểm, mà đáng sợ hơn cả là Pesach, phản diện chính của tiểu thuyết. “Nồng nhiệt và chân thành… một câu chuyện vừa phổ quát vừa riêng biệt, một ngụ ngôn tình yêu lãng mạn của một Israel đương đại” - tờ The New York Times viết về Ai đó chạy cùng ta như thế.
Đại diện Đại sứ quán Israel phát biểu tại buổi Tọa đàm
Một Israel sinh động từ đường phố vào trang viết
David Grossman là một nhà văn nổi bật của Israel có biệt tài nhìn từ những cái nhỏ bé ra những vấn đề lớn sâu sắc. Ai đó chạy cùng ta đã trở thành cuốn sách best seller tại Mỹ và nhiều quốc gia, giúp tên tuổi David Grossman cùng văn học Israel được nhiều người biết đến. Trong buổi ra mắt sách tại Hà Nội, nhà văn David Grossman cũng gửi đến độc giả Việt Nam một clip trong đó ông bày tỏ sự vui mừng vì cuốn sách đã được dịch ra tiếng Việt, ông hy vọng độc giả Việt Nam sẽ yêu thích cuốn sách.
Nhà văn Hiền Trang với góc nhìn của một người viết chuyên nghiệp và một người đọc, đã đưa ra những phân tích, kiến giải về cuốn tiểu thuyết dưới lăng kính văn chương và nghệ thuật. Hiền Trang cho rằng, Ai đó chạy cùng ta là một cuốn sách lạ. Tác giả viết về tình yêu quá đỗi ngây thơ, đẹp đẽ đến nỗi khiến người ta muốn yêu lại từ đầu. Điều quan trọng hơn, hình ảnh đất nước Israel với người Việt Nam vẫn còn khá ít, thường chỉ được biết đến qua những xung đột chính trị. Bởi vậy cuốn sách đậm chất văn học này muốn mang đến hơi thở sống động về một đất nước Israel, giúp độc giả hiểu hơn về con người nơi đây.
“Ai đó chạy cùng ta một lần nữa chứng tỏ Grossman là một trong những người viết linh hoạt và hấp dẫn nhất của văn chương đương đại” - Báo San Francisco Chronicle nhận xét. Bên cạnh câu chuyện về tuổi trưởng thành, cuốn sách mở ra khung cảnh của đất nước Israel, khi cùng chú chó chạy xuyên qua các đường phố Jerrusalem, hai kẻ xa lạ bị cuộc lại với nhau. Từ đây họ dẫn dắt độc giả khám phá đường phố với đủ những người thuộc mọi tầng lớp, tiến sâu vào các ngõ nhỏ ngoằn ngoèo. Quảng trường Tziyyon, lối dành cho người đi bộ trên phố Ben Yehuda giữa dòng chảy bình thường của con phố, nơi cô gái Tamar quyết định sẽ hát để kiếm tiền trên phố “bằng tiếng hát lan tỏa khắp con phố, lấp đầy khe hở mọi ổ gà nơi đó, nhấn chìm tất cả mọi người trong một thứ dung dịch thanh tẩy, xoa dịu tâm hồn”. Nơi ấy chàng trai Assaf bị chú chó nhỏ Dinka “lôi kéo chạy khắp một nửa Jerusalem để đuổi theo một cô gái nào đó vốn chẳng có và sẽ chẳng bao giờ có dính líu gì tới cậu”. Cuộc phiêu lưu của họ đã giúp độc giả được gặp những con người bình dị nhỏ bé như bà nữ tu Theodora, ông bà Leah và Samir, cảnh sát Moti, cô gái xa lạ Sheli, anh Rhino, chàng Shai đáng thương, Pesach thô lỗ… Thời cuộc chính trị chỉ phảng phất xa xôi trong câu chuyện về người anh trai Rhino mua bức tranh xếp hình 10 nghìn mảnh ghép về để cả nhà ghép hình, “cố gắng xoa dịu bầu căng thẳng thời chiến tranh Vùng Vịnh, trong lúc tiếng còi báo động giục mọi người xuống hầm trú ẩn”.
Nhà văn David Grossman gửi lời chào tới khán giả Việt Nam
BTV Đức Anh cho biết, lần đầu anh được nghe miêu tả về Jerusalem kỹ lưỡng đến thế. Một thế giới ngầm hiện ra bên trong những con phố nhỏ, những thiếu niên ngây thơ bước vào đời, mọi thứ thật gần gũi, đời thường, thân thuộc. Nếu trước đây, nhắc đến văn học Israel là độc giả Việt Nam thường hình dung ra những chủ đề lớn về mâu thuẫn tôn giáo, xung đột chính trị thì giờ đây, ngòi bút của David Grossman đã cho ta thấy một Israel đời thường với cả bóng tối và ánh sáng, con người cùng những mối liên hệ với nó. Bối cảnh đường phố Israel sống động mang đậm hơi thở hiện đại, thật hơn, sống động hơn về quốc gia Trung Đông này. Trước khi là tiểu thuyết gia, Grossman là một nhà báo để lại nhiều dấu ấn. Ông từng phỏng vấn người dân Palestin sau khi Israel chiếm đóng bờ Tây.
David Grossman (sinh năm 1954) là nhà văn Israel nổi tiếng với các tác phẩm được dịch ra trên 30 thứ tiếng và giành vô số giải thưởng. Cuốn Con ngựa bước vào quán bar đã mang lại giải Man Booker quốc tế 2017 cho ông cùng dịch giả bản tiếng Anh của cuốn sách, Jessica Cohen. Năm 2018, ông được trao tặng Giải thưởng Israel, một giải thưởng văn hóa cấp nhà nước danh giá nhất, sau khi đã từ chối giải này năm 2015 vì lý do chính trị. Ông đồng thời là một nhà hoạt động hòa bình cánh tả.
LÊ KHÁNH VI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022