Đã là kỳ thứ V, Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) tổ chức từ ngày 15 đến 26/11 năm 2022 tại Hà Nội và Hải Phòng. Rất nhiều sự trông đợi của người làm nghề về sự đổi mới trong tư duy làm nghề, mạnh dạn thử nghiệm những thủ pháp đạo diễn, những xử lý không gian thời gian, những thách đố trong nghệ thuật diễn viên cùng rất nhiều những thành phần nghệ thuật tham gia vào tác phẩm như nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, công nghệ kỹ thuật của thời đại mới.
Vở cải lương, xiếc Thượng thiên Thánh mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam)
Với sự tham gia của 4 đơn vị nghệ thuật quốc tế và 16 đơn vị nghệ thuật Việt Nam, Liên hoan đã có 19 tác phẩm được trình diễn. Theo đánh giá của PGS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Liên hoan thì, hầu hết các vở diễn dự liên hoan, tuy mức độ có khác nhau nhưng đều tập trung vào yếu tố thử nghiệm, vào ý đồ sáng tạo và trình diễn nghệ thuật. Các vở diễn của nước ngoài đều thể hiện được ý đồ thử nghiệm với số lượng vài ba nhân vật mà diễn xuất tổng hợp các yếu tố thoại, động tác biểu hiện ước lệ, cách điệu và vũ đạo, diễn với con rối và các đồ vật (đạo cụ). Các đoàn, nhà hát sân khấu Việt Nam cũng dàn dựng theo xu thế thử nghiệm riêng ví dụ như Việt hóa các vở kịch kinh điển thế giới như Antigone của sân khấu Lucteam, hay Ê đíp của sinh viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Với những vở diễn khác như hai vở rối Bản tình ca trên núi (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Lời thề (Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng) đã có rất nhiều tính thử nghiệm về sự khác lạ khi diễn viên biểu diễn cùng rối một cách nhuần nhuyễn, kết hợp rất tốt với những thành tựu của công nghệ hiện đại. Các vở diễn ở những thể loại như kịch nói, cải lương, cải lương kết hợp xiếc... cũng đã chứng tỏ sự dụng công, lao động sáng tạo với sự thử nghiệm khá táo bạo khiến khán giả rất thích thú, thuyết phục được bạn nghề trong nước cũng như những người bạn quốc tế như vở Bến bờ bên kia (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) hay vở Người trong cõi nhớ (Nhà hát Kịch Việt Nam) đã có những thử nghiệm thành công ở nhiều không gian, thời gian như hư, như thực... Sân khấu Việt Nam cũng đã có những thử nghiệm khi chỉ một diễn viên đóng vai nhiều nhân vật, hoặc độc thoại nhưng tạo được cảm giác như đang đối thoại với rất đông nhân vật. Đó là các vở như Giác (Hội Sân khấu Hà Nội), Đối thoại âm dương (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hải Phòng). Nhìn chung, như ý kiến đánh giá xác đáng của PGS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo thì, “cần ghi nhận các loại hình sân khấu hộp, sân khấu tầng, sân khấu quay, sân khấu khung được thử nghiệm thành công trên sàn diễn của Liên hoan lần này”.
. Vở Đến bờ bên kia (Đoàn Kịch nói Hải Phòng)
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, ở liên hoan lần này, các nghệ sĩ nước ngoài học được nhiều điều thú vị từ nghệ thuật sân khấu Việt Nam, và các nghệ sĩ Việt Nam cũng học được nhiều ở sự sáng tạo của đồng nghiệp quốc tế. Phần bạn bè quốc tế học hỏi được ở những vở diễn Việt Nam vì chúng ta có những điểm riêng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, như ý kiến của nữ giám khảo người Anh, nghệ sĩ Lydia Rochelle Newman: “Tôi và Hội đồng Giám khảo đều thấy tiếc vì không có nhiều giải thưởng hơn để trao thêm cho các vở diễn và nghệ sĩ. Tôi đánh giá cao những thử nghiệm đầy sáng tạo của sân khấu Việt Nam, đặc biệt là bốn vở được trao Huy chương Vàng”. Bà cũng nhận xét, các tác phẩm sử dụng nhiều yếu tố thử nghiệm, trong đó chủ yếu là dàn dựng sân khấu, đạo cụ, sự tương tác giữa diễn viên và khán giả dù sân khấu với diện tích hạn chế nhưng sử dụng các đạo cụ để chuyển cảnh rất sáng tạo, thông minh.
Tuy nhiên, người làm nghề vẫn băn khoăn khá nhiều khi chúng ta tạo sân chơi, mong muốn được giao lưu với sân khấu thế giới có nhiều những thử nghiệm mạnh dạn để học hỏi thì dường như mục đích đó chưa đạt được như mong muốn. Đó là số lượng các đơn vị quốc tế dự thi lần này quá ít khi chỉ có 4 nước tham gia với 4 tác phẩm, chất lượng các tác phẩm có khá nhiều hạn chế. Dù PGS Tất Thắng nhận xét bốn vở nước ngoài thể hiện rõ tính thử nghiệm thông qua động tác biểu hiện ước lệ, cách điệu và vũ đạo, diễn với con rối và các đồ vật... nhưng theo cá nhân người viết thì các vở diễn nhìn chung nội dung quá đơn giản, việc vận dụng động tác giữa người và rối còn chưa thật nhuần nhuyễn, yếu tố bạo lực gây cảm giác phản cảm như vở Sự huyền bí về ngôi nhà của Yvua (Hàn Quốc) khi diễn viên sử dụng con dao bầu cắt cổ con rối… Hay vở Gia đình nhà Lehman (Italia) sa đà theo lối diễn tả chân thực, dẫn đến một vài lớp diễn trở nên thô thiển, tự nhiên chủ nghĩa, không phù hợp với tâm lý chung của khán giả.
Vở Người trong cõi nhớ (Nhà hát Kịch Việt Nam)
Với các vở diễn của Việt Nam, không phải vở nào cũng tìm được và giữ được liều lượng, đứng vững giữa ranh giới nghệ thuật và sự đi quá đà, thiếu tiết chế, gây phản cảm. Chất lượng các tác phẩm cũng là điều cần phải bàn vì nhiều vở diễn khiến công chúng băn khoăn khi biên tập lại kịch bản theo xu hướng rút gọn đã làm mất đi nhiều tầng ngữ nghĩa nhân văn của tác phẩm gốc. Có vở diễn chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng chưa đạt được sự mong đợi của khán giả, như ý kiến của PGS,TS Nguyễn Thị Minh Thái: “Tôi thấy hụt hẫng khi xem Trái tim người Hà Nội của Nhà hát Kịch Hà Nội, bởi vở diễn đã đánh mất đi thông điệp quan trọng của tác phẩm. Tôi cho rằng, công việc chuyển thể văn học sang sân khấu là cực kỳ khó khăn. Tác phẩm văn học thể hiện bằng chữ, còn vở diễn phải được gửi gắm qua các hình tượng sân khấu và qua phong cách dàn dựng của đạo diễn. Xem Trái tim người Hà Nội, tôi khẳng định đây là một chuyển thể tác phẩm văn học giữa đường đứt gánh”.
Và một trong những vấn đề lớn của các nghệ sĩ Việt Nam là nhiều đêm diễn thiếu vắng các đạo diễn, nghệ sĩ ở các đơn vị tới xem bạn nghề, nhất là các bạn quốc tế diễn. Liên hoan có tiêu chí lớn nhất là để chúng ta học hỏi lẫn nhau, học hỏi bạn bè quốc tế… nhưng không tới xem, không tận dụng cơ hội nâng cao nhận thức, hiểu biết sự phát triển hiện nay của đồng nghiệp thì quả là đáng tiếc. Tôi tin rằng, trong dịp Liên hoan như thế này, tất cả các đơn vị sân khấu trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng đều sẽ rất tán thành để các thành viên của đơn vị mình tới xem, học tập. Vì vậy, đây chính là ý thức nghề nghiệp, là sự tôn trọng đối với chính nghề mình cống hiến. Đây cũng không phải là lần đầu, và sợ rằng, cũng không phải là lần cuối, những người tổ chức và những người tâm huyết với sân khấu lo âu, tiếc nuối cho những nghệ sĩ bỏ đi cơ hội cho chính mình.
Vở cải lương, xiếc Thượng thiên Thánh mẫu (Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam)
Bốn tác phẩm được xướng tên đạt Huy chương Vàng trong lễ trao giải đều của Việt Nam gồm: Bản tình ca trên núi - Nhà hát Múa rối Việt Nam, Người trong cõi nhớ - Nhà hát Kịch Việt Nam, Thượng thiên thánh mẫu - Nhà hát Cải lương Việt Nam kết hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đến bờ bên kia - Đoàn Kịch nói Hải Phòng.
Vở kịch Lá đơn thứ 72 (Sân khấu Lệ Ngọc) được tặng giải Đặc biệt cho vở diễn về hình tượng Hồ Chí Minh.
Ban Tổ chức cũng trao giải cho các thành phần sáng tạo: Họa sĩ xuất sắc thuộc về NSƯT Doãn Bằng, Nhạc sĩ xuất sắc thuộc về NSƯT Phùng Tiến Minh, Đạo diễn xuất sắc là NSND Nguyễn Tiến Dũng, kỹ thuật Ánh sáng xuất sắc là nghệ sĩ Như Sơn, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc là NSƯT Lệ Thu.
Về diễn xuất, Ban Tổ chức trao 28 Huy chương vàng và 39 Huy chương bạc cho các nghệ sĩ. Trong đó, có các nghệ sĩ quốc tế như Tom Corradini (Italia), Slawomir Stanislaw Dadej (Ba Lan), Kim Sung-tae (Hàn Quốc)…
CAO NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022