Xem ông gói bánh chưng.
Ảnh: Phan Huy
Quay lại tuổi ấu thơ, tựa như nghĩ về một chuyến hành trình xa thẳm. Có bao nhiêu chuyện, bao nhiêu sự việc, bao nhiêu con người không còn nhớ rõ. Mỗi khi kết thúc một năm, tôi thường thức khuya, ngồi một mình rất lâu để nhớ lại khởi nguồn cuộc đời mình: những kỷ niệm, những bước thăng trầm, những niềm thương nhớ, cả những mong cầu cho chặng đường sắp đến. Và không hiểu sao, mỗi lần như vậy, trong ký ức của tôi lại hiện lên hình ảnh của ngày Tết ở quê nhà. Đấy là một hình ảnh thiêng liêng, lung linh và mến yêu trong ký ức.
Xa quê mấy mươi năm. Niềm vui lớn nhất khi khép lại một năm của tôi là được trở về quê. Nơi ấy có mẹ thầy tôi, có những người anh em, có họ hàng, bè bạn. Nơi ấy là khởi nguồn cuộc đời tôi, lưu giữ tuổi thơ tôi, cho tôi những ước mơ đẹp thuở đầu đời.
Quê tôi là một dải đất hẹp trước biển sau sông, nghèo, buồn nhưng đẹp. Từ thuở nhỏ, tôi đã quen nghe tiếng gió thổi, tiếng sóng ào ạt vào bờ và mắt quen nhìn bầu trời cao rộng, những cánh chim tự do lướt trên những triền cát dài mút mắt. Sau này, trong một bài thơ tuổi hai mươi, tôi viết:
“Tuổi thơ tôi là bản nhạc ngân từ sóng biếc
Từ cao xanh dịu dàng huyền ước
Biển cho tôi những ước mơ thanh khiết trên đời
Những bãi bờ xa vắng, những trùng khơi…”
Từ miền quê ấy, tôi vào đại học và đi khắp mọi miền đất nước. Nhưng đi đến đâu, và lúc nào, nghĩ về quê hương là được sống lại với ký ức đẹp nhất và muôn vàn tình thân yêu của cuộc đời mình.
Khi xe chậm lại lăn bánh qua chiếc cầu mới cong cong vắt qua sông, tôi thường lặng ngắm dòng sông xanh lững lờ trôi về phía biển. Nơi đây, xưa là một bến đò. Người lái đò thường neo con đò nhỏ đợi khách sang sông. Những đêm khuya thanh vắng thỉnh thoảng có tiếng gọi đò vọng mênh mang trên mặt nước. Những ngày chợ phiên, và đặc biệt là những ngày giáp Tết, bến đò đông đúc, chật ních người. Chuyện xưa còn ghi lại, có một vụ đắm đò. Một người con trai đã vớt được người con gái trên mặt nước bập bềnh. Hai người sau đã yêu nhau, xây dựng gia đình và có một cuộc đời hạnh phúc. Đó chính là câu chuyện tình đẹp nổi tiếng một vùng của thầy mẹ tôi. Bến đò này, với tôi, vì thế còn là nơi gắn với kỷ niệm thiêng liêng của các bậc sinh thành.
Con đường nhỏ vào làng, giờ đã đổi thay nhiều. Hai bên đường những nhà mới ba bốn tầng mọc lên, những cửa hàng cửa hiệu san sát. Đêm đến, ánh điện đủ màu bừng lên thành một dòng ánh sáng rực rỡ. Trước đây, lối vào làng rợp bóng cây, nào ruối, nào đa, nào vông và nhiều nhất là tre kết lại thành từng lũy ken dày. Cây gạo cổ thụ đứng sừng sững giữa làng như một bằng chứng của cổ xưa, mỗi mùa hoa lại bừng lên như ngọn đuốc khổng lồ rực đỏ một góc trời.
Ngày ấy, làng còn thưa vắng. Nhà ngói, nhà tranh xen kẽ. Dân còn nghèo, có nhà còn phải ăn độn ngô khoai. Ấy thế mà Tết mới vui vẻ làm sao!
Khoảnh khắc đáng nhớ là đêm giao thừa. Có pháo nổ, tạo nên một âm thanh vang động như xóa tan những đen đủi, trầm lắng của một năm đã qua; có pháo thăng thiên kéo một vệt dài sáng lóa trong màn đêm tựa như mang đến một niềm hy vọng và niềm tin vào những điều may mắn. Lúc ấy, một vẻ huyền diệu linh thiêng trùm lên không gian, tạo vật. Thường thì trời có mưa xuân lất phất bay làm cho cây cối cỏ hoa tươi rói và tràn đầy sức sống.
Chuẩn bị cắm đào Tết.
Ảnh: Phan Huy
Trong ký ức của tôi, có hình ảnh không thể phai mờ về những đêm giao thừa bên gia đình: bà ngoại, thầy mẹ và các anh em. Trên ban thờ đã bày biện đủ xôi gà, hoa quả, trà rượu, trầu cau. Cả gia đình dâng hương mời tổ tiên ông bà, gửi đến các vị thần linh lời cầu nguyện một năm mới bình yên và hạnh phúc. Sau khi sang canh là lúc người thân và hàng xóm qua thăm nhau, chúc tết, uống chút rượu xuân… Gặp ai cũng hồ hởi, cũng tay bắt mặt mừng. Dường như người ta đã quên đi những gian khó nhọc nhằn của cuộc mưu sinh, trong lòng người ta lúc này chỉ có phơi phới niềm hy vọng và những dự định tươi đẹp cho tương lai.
Đối với người dân ở quê tôi, Tết không chỉ là dịp hội tụ, chung vui trong gia đình, họ hàng, làng xóm mà còn là dịp tưởng nhớ những người thân đã vĩnh viễn đi xa và cầu nguyện các bậc thánh thần phù hộ cho một năm sắp đến.
Từ trưa ngày ba mươi Tết, tiếng trống cúng họ đã vang ầm khắp cả thôn làng. Đấy là sự mở đầu cho những ngày đại tế trong các dòng họ. Nén hương thắp ba ngày tết là biểu lộ lòng thành kính với các vị bề trên; là ghi nhớ công ơn của chư vị tổ tiên. Lúc này mỗi người sẽ nghĩ về cội rễ của đời mình. Sự sống cũng như một dòng sông, bao giờ cũng có khởi nguồn của nó. Dù muốn hay không, chúng ta đều có một nguồn cội. Tâm niệm ấy tồn tại từ đời này sang đời khác, có ý nghĩa giáo dục lòng thủy chung, sự trung thành, vốn là phẩm tính quý báu của con người. Thường khi còn trẻ người ta mơ mộng, hướng đến những điều xa xôi, những giá trị mới hình thành; nhưng khi đã có tuổi, người ta hiểu rằng, những điều giản dị, gần gũi, thiết thân và sự liên hệ với quê hương, với nguồn cội trong quan hệ huyết thống là điều căn yếu của sự sống chi phối đến toàn bộ cuộc sống của con người.
Nhiều, rất nhiều lần ở nơi xa tôi mơ được trở lại ngôi nhà xưa của thầy mẹ tôi. Căn nhà bốn gian, lợp ngói nhìn ra một con đường trung tâm của làng. Sát đường, có những cây dừa tỏa bóng mát. Có một ô sân hình chữ nhật. Có giếng nước khơi trong. Có vườn rộng trồng nhiều loại hoa màu. Và những ngày cuối năm, hoa cải vàng ươm một góc vườn, hương thoảng đưa trong gió và ong bướm lượn vòng. Bà ngoại tôi ngồi giã trầu ở một góc thềm hoặc sửa soạn việc nhà, hoặc dặn con cháu lời hay lẽ phải. Giọng của bà, giờ như còn vọng bên tai tôi…
Năm tháng đã đi qua quá nhanh. Giờ Tết quê cũng có nhiều đổi khác. Lớp trẻ lớn lên ít đến nhà thờ họ hơn, ít đến nhà chúc Tết nhau hơn, thay vào đó là những chuyến đi xa, đến các khu du lịch, thưởng ngoạn thiên nhiên hoặc chiêm bái đền chùa. Tôi trở về quê, không còn gặp lại những cụ ông râu dài, áo đỏ, chống gậy trúc hoặc các cụ bà quàng khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhai trầu. Cũng không còn gặp những “salon” nho nhỏ các cụ nói chuyện thơ phú hoặc hát trò tơ, vốn là một nét đẹp văn hóa cổ truyền đã tồn tại lâu đời. Thay vào đó, người ta mặc comple, đi xe hơi, nói chuyện kinh doanh và các xu thế mới của thị trường. Nhưng có một điều vẫn mặn mà, sâu đậm, ấy là tình cảm của con người nơi đây. Những gương mặt hân hoan. Những vòng tay thiết chặt. Những câu chuyện gợi lại kỷ niệm xưa. Và những chiêm nghiệm về chuyện đời xa thẳm…
Có một điều kỳ diệu mà có lẽ chỉ khi trở về quê hương tôi mới cảm nhận được thật rõ và đầy đủ nhất. Sự ấm áp, thân thuộc, một cảm giác bình yên và gắn bó không thể tả được toát lên từ mọi con người, mọi cảnh vật.
Tết nói với chúng ta rằng: ai cũng có một quê hương.
Xuân về.
Ảnh: Nguyễn Văn Hiếu
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 523, tháng 1-2023