Từ ngày 6-11/4, trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III tại Tp. Cần Thơ, Cục Văn hóa cơ sở đã phối hợp Sở VHTTDL Tp. Cần Thơ tổ chức Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; trưng bày và trình diễn giao lưu không gian Đờn ca tài tử.
Hội thi định kỳ 3 năm tổ chức 1 lần, thu hút sự tham gia của gần 800 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử thuộc khu vực Nam Bộ nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tăng cường sự liên kết vùng trong việc hợp tác, xúc tiến thương mại du lịch, xúc tiến đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông, Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Các chương trình tham gia Hội thi Nghệ thuật Đờn ca tài tử yêu cầu gồm 5 tiết mục (1 tiết mục hòa đờn, 4 tiết mục hòa ca bắt buộc trong 20 bài bản tổ và Vọng cổ nhịp 8 hoặc Vọng cổ nhịp 16), khuyến khích mỗi đoàn có ít nhất 1 tài tử ca hoặc 1 tài tử đờn dưới 18 tuổi để thể hiện tính kế thừa.
Đối với Không gian Đờn ca tài tử, mỗi địa phương được cung cấp một không gian khoảng 40m2, thiết kế theo mô hình cách điệu và có mái che. Các đơn vị tự trang trí cho phù hợp với đặc điểm văn hóa của địa phương mình sinh sống thông qua trang phục, giao tiếp và nghệ thuật trình diễn Đờn ca tài tử. Hằng đêm tổ chức trình diễn Đờn ca tài tử, giao lưu và hướng dẫn du khách tìm hiểu về nghệ thuật Đờn ca tài tử.
Các hoạt động của Hội thi diễn ra tại Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa Tp. Cần Thơ và Không gian Đờn ca tài tử tổ chức tại Quảng trường quận Bình Thủy từ ngày 6 đến 11/4.
Phát biểu tại Lễ bế mạc hội thi, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: “Mỗi ngày, Liên hoan và Lễ hội đã thu hút, đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham gia. Thông qua các hoạt động Liên hoan và Lễ hội, người mộ điệu đã có những phút giây lắng đọng và thăng hoa cùng nghệ thuật Đờn ca tài tử. Đây cũng là dịp các nghệ nhân hội ngộ, gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và thể hiện tài năng, nhằm bảo tồn và phát huy hơn nữa nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ”.
Dịp này, Ban Tổ chức cũng trao cờ luân lưu cho tỉnh Tây Ninh - địa phương đăng cai Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần IV; trao tặng 7 Huy chương Vàng và 14 Huy chương Bạc cho các đơn vị có "Không gian Đờn ca tài tử" ấn tượng; trao tặng 7 Huy chương Vàng và 14 Huy chương Bạc cho các đơn vị tham gia Hội thi Đờn ca tài tử; trao tặng 32 Huy chương Vàng cho 32 cá nhân có tiết mục thi xuất sắc tại Hội thi Đờn ca tài tử.
TUẤN LINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 495, tháng 4-2022