Vào tuyến lửa khu IV học tập kinh nghiệm tổ chức văn hóa thời chiến

Cách đây 56 năm, năm 1966, đế quốc Mỹ đẩy mạnh leo thang  phá  hoại  miền Bắc bằng không quân. Để đối phó với cuộc chiến ác liệt có thể xảy ra, tháng 3/1966, một đoàn cán bộ chủ chốt của Ty Văn hóa Phú Thọ được tỉnh cử vào khu IV để học tập kinh nghiệm tổ chức văn hóa thời chiến. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Phú Thọ dù là nơi “phát tích nền văn nghệ kháng chiến ”, song đến giai đoạn đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân thì tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ chiến đấu và sản xuất. Nhiệm vụ này đặt ra cho ngành Văn hóa phải có lời giải trong thực tế. Vì vậy, ngày 3/3/1966, một đoàn công tác gồm 8 người đã lên đường vào tuyến lửa miền Trung. Thành phần đoàn có các ông: Đặng Văn Đăng (nhà thơ Bút Tre, - Trưởng ty (lúc đó đã trên 50 tuổi), Nguyễn Ngọc Chang - Bí thư chi bộ, phụ trách công tác chụp ảnh, Nguyễn Văn Mời - cán bộ sáng tác phòng văn nghệ, Đào Duy San - Chủ nhiệm quốc doanh chiếu bóng, Ma Xuân Tín - Đội trưởng đội chiếu bóng số 20 (đội lao động XHCN), Nguyễn Văn Chính -  Cán bộ nghiệp vụ quốc doanh phát hành sách, Lê Tượng - Bí thư Đoàn thanh niên, cán bộ nghiệp vụ bảo tàng, Mai Xuân Khiết - thư ký tổng hợp. Mục đích của đoàn là tìm hiểu, học tập các hoạt động văn hóa phục vụ thời chiến để về có thể áp dụng ở Phú Thọ khi chiến tranh ác liệt diễn ra. Thời gian đi trong vòng một tháng, vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và đặc khu Vĩnh Linh. Vì đây là các tỉnh trọng điểm đánh phá của địch nên đoàn đã chuẩn bị chu đáo trước khi lên đường: 8 người chia 4 nhóm,  mỗi nhóm chuẩn bị tư trang gọn nhẹ , một cân đường, một cân thịt lợn làm thành ruốc, hai cân gạo, cả đoàn mang theo 1 cái nồi, 1 cái sanh (chảo), mỗi người 1 bi đông sắt đựng nước khi cần có thể đun nước uống, một bộ kim tiêm, thuốc, bông băng cấp cứu. Riêng xe đạp thì được cấp 2 đôi săm, lốp cao su Sao Vàng và phải tháo hết chắn bùn, chắn xích cho gọn nhẹ và tránh máy bay địch phát hiện.

Từ chỗ cơ quan sơ tán, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba,  sau bữa liên hoan tổng kết năm, anh em đạp xe ra ga thị xã Phú Thọ chờ đến 7 giờ tối thì tàu hỏa đến (lúc này tàu vẫn chạy nhưng chỉ chạy về đêm để tránh máy bay). Đi đến ga Tiên Kiên, tàu đỗ lại ít phút vì  máy bay địch đang thả pháo sáng vùng Lâm Thao, Việt Trì; chúng tôi nhìn ra ngoài thấy trời sáng như ban ngày. Mọi người nói vui với nhau: Vừa  đi nghiên cứu chiến tranh thì chiến tranh đã áp sát rồi. 11 giờ đêm đến ga Hàng Cỏ, cả đoàn về nhà khách của Bộ Văn hóa nghỉ lại. Tối hôm sau, 8 giờ tối mọi người lên tàu vào miền Trung; 24 giờ 30 đến Ninh Bình, cầu Ninh Bình đã bị đánh sập nên phải tăng bo rồi lại lên tàu đi tiếp gần 3 giờ sáng đến ga Đò Lèn thì xuống hẳn, vì đường sắt từ đây đã bị máy bay Mỹ phá hỏng. Mọi người ngồi nghỉ một lúc rồi đạp xe theo dòng người vào Nam; đến 4 giờ sáng qua cầu Hàm Rồng, hai bên đầu cầu chi chít hố bom sát đường đi; ở đây, cứ dứt tiếng bom cầu lại được sửa nên vẫn thông suốt. 5 giờ sáng đến thị xã Thanh Hóa, cả đoàn nghỉ tạm ở hiên nhà Thông tin thị xã, buổi phát thanh sáng đưa tin chiến sự, mọi người nghe được chiều qua máy bay Mỹ ném bom xuống trường cấp 1 Mai Tùng, huyện Thanh Ba, Phú Thọ. Thế là chiến tranh ác liệt đã ập đến ngay quê mình rồi. 9 giờ sang, cả đoàn đến nơi sơ tán của Ty Văn hóa Thanh Hóa. Tại đây, tất cả gặp đoàn cán bộ lớp chuyên tu của Bộ Văn hóa đi thực tế, gặp nhau tay bắt mặt mừng rất cảm động. Chương trình của đoàn ở Thanh Hóa 5 ngày (từ 5/3 - 10/3) để đi thị sát hoạt động của đội văn công chèo, đội ca múa; xuống huyện Tĩnh Gia, một nơi được ví như “Cồn Cỏ” của Thanh Hóa, trực tiếp xuống thăm xã Thanh Thủy, nơi có 3 điểm nổi bật: Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, văn hóa khá. Qua tọa đàm trao đổi, mọi người có thêm bài học quý từ thực tế. Tính chất ác liệt của chiến tranh hiện diện ngay trước mắt: từ thị xã Thanh Hóa đến Tĩnh Gia, nhiều lần máy bay Mỹ bay sát qua đầu, còn đường thì ngổn ngang dấu vết bom đạn - nguy hiểm nhất là lúc ghép phà Sông Yên, bến phà bị hàng trăm quả bom lớn, nhỏ, đội thanh niên xung phong khẩn trương sửa chữa bến, ghép phà, hành khách phải qua bằng thuyền rất nguy hiểm. Sang tới bờ bên kia, cả đoàn nhìn thấy xác 3 người chết vì bom, 2 người bị thương đang được băng bó đưa đi viện cấp cứu. Tĩnh Gia có 29 xã thì giặc Mỹ đã bắn phá 111 điểm với hơn 500 lần dội bom, tính bình quân 7 người dân phải chịu 1 quả bom địch. Nhưng quân và dân nơi đây rất hiên ngang, vừa chiến đấu vừa sản xuất, làng nào cũng có đội trực chiến, có nhiều hầm trú ẩn cá nhân cho người qua lại an toàn. Cảm nhận rõ nhất là mặc cho bom đạn cày xới, sản xuất ở đây vẫn tốt, nếp sống văn hóa vẫn tốt, tiếng hát lời ca vẫn ngân vang động viên khí thế đánh giặc. Đêm đêm, trên hệ thống loa truyền thanh thông báo gương chiến đấu dũng cảm, sản xuất giỏi, phê phán một số người có việc chưa tốt, vụ lợi cá nhân; mỗi thôn có một câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt rút kinh nghiệm trong sản xuất, chiến đấu với máy bay địch, làm thơ , ca dao, hò vè cổ vũ động viên phong trào thi đua như: “Chiếc cầu thắng Mỹ, dăm chục cây tre, vài ngàn cây nứa, đêm kết cầu bè, ngày không thấy nữa”.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo và cán bộ HTX Đại Phong, Quảng Bình

 

Gập ghềnh đường vào Nghệ An - Hà Tĩnh

Khu IV là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ nhưng thời gian này, chúng tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng và hệ thống đường giao thông phía Tây cũng như đường nối với đường Trường Sơn nên nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ vẫn diễn ra phục vụ nhân dân, dĩ nhiên phải nguỵ trang để tránh máy bay. Còn ở Nghệ An, những buổi biểu diễn văn công dùng đèn măng xông, xung quanh bịt kín ánh sáng bằng những tấm vải màu xanh sẫm, chỉ để 1 cửa sáng - cửa này có 2 miếng sắt làm cánh cửa, đóng mở được. Máy bay Mỹ đánh phá ở Nghệ An ác liệt hơn. Đoạn đường từ Đô Lương đến Thanh Chương, Ty Văn hóa cử người đưa đoàn đi thăm nơi khởi nghĩa năm xưa, chiều tối mới về. Bữa cơm mà lãnh đạo Ty mời tuy đạm bạc song chứa chan tình người xứ Nghệ. Những ngày ở Nghệ An, đoàn đi thăm quê nội và quê ngoại Bác Hồ; thăm xã Ngọc Sơn, huyện Đô Lương. Ở Nghệ An, nơi nào cũng bị ném bom bắn phá nhưng con người xứ Nghệ rất dũng cảm, nghị lực và ý chí sắt đá. Qua nghiên cứu ở Nghệ An, đoàn thấy có 4 điểm đáng lưu ý: Về văn nghệ lấy sáng tác người thực, việc thực là chủ yếu, lấy dân ca các địa phương làm nền tảng để chuyển tải giúp mọi người dễ nhớ; công tác bảo tồn, bảo tàng dùng tranh, ảnh chụp hoặc cất giấu hiện vật - nhất là cái nào không có khả năng bảo vệ - để bảo tồn, sử dụng quần chúng sưu tầm hiện vật hiện đại đồng thời trực tiếp phục vụ quần chúng bằng bảo tàng hiện có; còn chiếu bóng lấy buổi chiếu là chính, không đặt vấn đề doanh thu ít hay nhiều; hoạt động văn công thì phân tán nhỏ gọn đến phục vụ tại đơn vị, vọng gác, trận địa pháo.

Tạm biệt Nghệ An, đoàn vào Hà Tĩnh, Ty Văn hóa Thông tin Nghệ An cử một đồng chí đưa đi vì không thể đi dọc đường 1 được mà phải đi tắt đường  làng, đường rừng. Mọi người vượt sông Lam không phải qua Bến Thuỷ mà phải đi trên vùng Đức Thọ rồi sang bằng thuyền. Chiều hôm ấy, tầm 4 giờ đi qua làng mới bị máy bay ném bom, đoàn nhìn thấy một số ngôi nhà bỏ không và một số chị phụ phụ nữ khăn trắng trên đầu; người dẫn đường giục mọi người phải đi gấp vì phía trước là ngã ba Đồng Lộc, nơi được ví là túi bom nên phải vượt nhanh và chia nhỏ để vượt. Sau khi vượt qua ngã ba Đồng Lộc, đoàn ra đường 1 để vào thị xã Hà Tĩnh, cách dăm km có rừng phi lao và một cửa hàng ăn uống đã bán hàng. Cả đoàn nghỉ chân vào ăn cơm, mỗi người được mua 1 suất cơm đĩa 7 hào bán theo tem gạo; thức ăn có thịt ba chỉ kho với đậu phụ. Mọi người ăn trong 10 phút rồi lên đường ngay, máy bay địch có thể quay lại bắn phá bất cứ lúc nào. Hơn  8 giờ tối mới về đến Ty Văn hóa, các anh lãnh đạo vẫn chờ đoàn.

Sáng hôm sau, mới 4 giờ, mọi người đã khởi hành đi thăm Hợp tác xã Phan Đình Phùng ở huyện Cẩm Xuyên, dọc đường liên tục phải tránh máy bay trinh sát AD6 của địch. Đến 8 giờ mới đến HTX Phan Đình Phùng, một hợp tác xã sản xuất giỏi của tỉnh. Đến đây, đoàn mới thấy hết cái phi thường của con người bản xứ, địch đánh phá ngày đêm, cả chiếc cầu nhỏ bắc qua mương chúng cũng bắn phá thế mà người dân vẫn sản xuất giỏi, lạc quan yêu đời. Tối đến,  đoàn dự buổi sinh hoạt của một đội sản xuất, số người đến khá đông, trong buổi sinh hoạt, mọi người rất tự nhiên: nào chuyện thời sự, phổ biến kiến thức nông nghiệp, ca hát, ngâm thơ. Sau bài thơ của một xã viên, một  vị cán bộ xã đề nghị nhà thơ Bút Tre cho nghe một bài, ở trong này họ biết tiếng nhà thơ lâu rồi. Nhà thơ Bút Tre đọc ngay một bài thơ ca ngợi HTX Phan Đình Phùng. Bài thơ đã động viên bà con, mọi người vỗ tay nhiệt liệt.

Không thể nói hết cái gian khổ, vất vả, nguy hiểm trên suốt hành trình vào tuyến lửa miền Trung, song có những kỷ niệm khiến mọi người còn nhớ mãi đó là tính lạc quan, yêu đời của trưởng đoàn: nhà thơ Bút Tre - Đặng Văn Đăng. Ông luôn động viên mọi người bằng những câu nói dí dỏm, chuyện tiếu lâm, những cử chỉ ung dung, tự tại. Điều này rất quan trọng trong chuyến đi lịch sử, anh em qua đèo Ngang dù máy bay Mỹ bay trên đầu vẫn có phút giây thư giãn,  dừng lại chụp ảnh rất cẩn thận sao cho có cả biển, trời, non nước, người, có cả xe đạp không chắn bùn, chắn xích, rồi lại nhớ bài thơ  Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan nữa. Ngày xưa, Bà Huyện Thanh Quan đã đến đây làm bài thơ cảm tác mang nhiều nỗi niềm. Ngày nay, đoàn đã đến đây, theo dấu chân của  bà nhưng mang  theo cả sự háo hức ra phía trước giáp mặt với quân thù tìm ra cách đánh chúng không phải chỉ  bằng súng đạn mà bằng các hoạt động văn hóa, bằng sức mạnh “mềm” của cả dân tộc.

Hành trình vượt sông Gianh vào Quảng Bình - Vĩnh Linh

Hôm vượt sông Gianh, mới 3 giờ sáng, mọi người đã thức dậy ăn sáng, chuẩn bị lên đường. Đoạn này sát cửa biển, sông rộng mênh mông, hai bờ xa tít tắp. Đoàn đến bến nhưng còn nhiều xe quân sự chưa qua nên phải chờ. Trời sáng rõ, phà cũng phải sơ tán chứ nên mọi người rất sốt ruột hỏi nhà phà xem có cách gì vượt sông sớm thì được biết phải đi tiếp dăm km đến bến phụ rồi vượt bằng thuyền nhỏ. Phải rất vất vả đoàn mới qua được sông Gianh, lúc đang trên thuyền lại gặp máy bay,  rất may chúng bay cao không phát hiện được. Đến 10 giờ, đoàn đến một làng chài, thấy có 1 tổ thợ xẻ gỗ để sửa chữa thuyền đánh cá toàn phụ nữ đứng tuổi, chỉ một hai cô thanh nữ. Chiến tranh,  đàn ông ra trận hết, ở nhà chủ yếu là đàn bà.

Thăm hợp tác xã Đại Phong và huyện Lệ Thủy

HTX Đại Phong lá cờ đầu của ngành sản xuất nông nghiệp của miền Bắc. Đoàn đến huyện lúc 5 giờ chiều, huyện sơ tán, các anh đưa đoàn đi thăm Đại Phong, ngành Văn hóa, địa phương cử người xuống thẳng cơ sở để tiếp. Sáng hôm sau, đi thăm một số cơ sở sản xuất: Lò ấp trứng vịt mỗi lần ấp được mấy nghìn con cung cấp cho xã viên chăn nuôi, thăm xưởng mộc, lò nung vôi nhưng ở đây cấy lúa vẫn là chính. Buổi tối, địa phương bố trí cho đoàn xem văn nghệ. Mọi người ngạc nhiên thấy ở đây có nhà câu lạc bộ, có sân khấu biểu diễn, có đội văn nghệ diễn khá hay, cả cán bộ chủ chốt cũng tham gia. Anh Đăng tấm tắc khen mãi là ở nơi chiến tranh ác liệt như thế mà vẫn ca hát giỏi.  Ngày hôm sau,  đoàn đi thăm trận địa phòng không bắn máy bay tầm thấp của Đại Phong cách đó chừng dăm cây số. Trận địa có 4 khẩu 37 ly, toàn nữ dân quân  điều khiển, buổi chiều máy bay đến ném bom, song trận địa phòng không vẫn an toàn, chúng còn bắn phá đầu làng chỗ con đường ngày mai đoàn sẽ đi qua. Máy bay đi khỏi, mọi hoạt động lại trở lại bình thường.

Sáng hôm sau, cả đoàn rời Đại Phong vào đặc khu Vĩnh Linh, qua đoạn đường vừa bị ném bom phải vác xe lội bì bõm từ ruộng ra đường. Thị xã Hồ Xá bị đánh phá rất ác liệt, gạch ngói ngổn ngang. Đến gần tối, đoàn mới đến đặc khu Vĩnh Linh ở xã Vĩnh Ninh. Ngày hôm sau, đi thăm cầu Hiền Lương, ranh giới của giới tuyến 1, lòng mỗi người tràn ngập cảm xúc khi nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ, nghe hệ thống loa tuyên truyền công suất lớn của ta trong đấu tranh với địch thi hành Hiệp định Giơ ne vơ 1954. Mọi người càng thấu hiểu công tác thông tin cũng là một mặt trận chiến đấu trực tiếp và quyết liệt với quân thù.

Chào Cồn Cỏ anh hùng

Cồn Cỏ là đảo nhỏ nhưng giữ vị trí tiền tiêu nằm cách Vĩnh Linh 20 hải lý, từ đây án ngữ Cửa Tùng, khống chế cả bờ Nam. Vì vậy, khi chiến tranh phá hoại xảy ra địch đánh phá Cồn Cỏ cực kỳ ác liệt, Vĩnh Linh đã thành lập đoàn thuyền chi viện cho đảo. Mọi người được bà con ở đây kể cho nghe câu chuyện rất cảm động về anh Lê Văn Ban phụ trách đoàn thuyền tiếp viện cho đảo. Với 3 khẩu súng trường, anh và các đồng đội đã mưu trí, dũng cảm đối phó với 3 tàu địch rồi bị sóng biển đánh dạt về bờ Nam gần 100 ngày mà vẫn tìm mọi cách liên hệ với du kích của ta rồi lại đưa được quân lương tiếp tế cho Cồn Cỏ và trở về bờ Bắc an toàn. Đoàn rất muốn ra thăm đảo nhưng điều kiện không cho phép. Trước khi về, Đoàn tới bãi biển nhìn ra xa để chào đảo nhỏ anh hùng, Cồn Cỏ hiện ra mờ xanh ngoài khơi, biểu tượng bất khuất, kiên cường của quân và dân Vĩnh Linh.

Hơn một tháng vào tuyến lửa khu IV miền Trung ngày nghỉ, đêm đi, vài ba lần suýt bị bom vùi nhưng đoàn thu lượm được rất nhiều điều về cuộc chiến tranh nhân dân chống lại kẻ thù có sức mạnh quân sự vượt trội. Những điều tưởng chừng như rất bình dị lại mang trong mình tầm vóc vĩ đại của một dân tộc có lịch sử mấy nghìn năm anh hùng chống giặc ngoại xâm, không một kẻ thù nào có thể khuất phục được.

Từ thực tế vô cùng sinh động trên hành trình công tác, đoàn đã đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Phú Thọ kế hoạch tổ chức văn hóa thời chiến, phát động phong trào thi đua “Tiếng hát át tiếng bom” hết sức sôi nổi ở các huyện thị, các nhà máy, công trường, lâm trường, xí nghiệp. Kết quả, các phong trào thi đua của Phú Thọ rất ấn tượng, Bộ Văn hóa đã về nghiên cứu và tổ chức hội nghị các tỉnh thành học tập kinh nghiệm Phú Thọ. Tại Hội nghị này, có câu chuyện rất thú vị giữa ông Trưởng ty Văn hóa Phú Thọ với các đại biểu Ty Văn hóa Quảng Bình (tỉnh là nơi Phú Thọ vào học tập kinh nghiệm tổ chức văn hóa thời chiến, chỉ 1 năm sau chính Quảng Bình lại ra Phú Thọ học tập vì Phú Thọ làm rất tốt phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", lan tỏa ra nhiều tỉnh bạn nên được Bộ Văn hóa chọn là nơi đăng cai tổ chức hội nghị thi đua toàn miền Bắc):

“Hoan hô các bạn Quảng Bình

Từ trong tuyến lửa thình lình ra đây”

Ông đã ứng khẩu làm 2 câu thơ mang phong cách Bút Tre thay cho lời chào tại hội trường, các đại biểu vỗ tay cười vang.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng vẫn còn đó ký ức về chuyến đi bằng xe đạp vào tuyến lửa khu IV học tập kinh nghiệm tổ chức văn hóa thời chiến của đoàn công tác năm 1966. Sắp đến ngày kỷ niệm 77 năm thành lập ngành Văn hóa Thông tin, tôi thấy rất xúc động, phấn khởi trước sự lớn mạnh không ngừng của ngành trên các lĩnh vực, lòng lại trào dâng niềm tự hào mình là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.n

 

(Ghi theo lời kể của ông Lê Tượng, 88 tuổi - nguyên Trưởng ban Quản lý khu Di tích Đền Hùng, người tham gia trong đoàn công tác Ty Văn hóa Phú Thọ vào khu IV năm 1966).

 

TRẦN VĂN QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022

;