Ngày 2/9 của 77 năm về trước, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc - Ảnh: Tư liệu
Mở ra thời đại mới cho dân tộc
Ngày 16/8/1945, tại đình Tân Trào (Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (còn gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào). Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào. Đại hội đã thông qua Mười chính sách của Việt Minh. Điều đầu tiên trong Mười chính sách của Việt Minh là “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Đại hội cũng đã thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đại hội quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa và Quốc ca là bài Tiến quân ca.
Sau khi Hà Nội và nhiều nơi khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về ngoại thành Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Ủy ban Dân tộc giải phóng (do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra) được cải tổ thành Chính phủ Cách mạng lâm thời của nước Việt Nam. Chiều ngày 26/8/1945, Trung ương đón Người về ở căn gác 2 nhà số 48 phố Hàng Ngang. Người quyết định cần khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của Chính phủ Cách mạng lâm thời vào ngày 2/9/1945.
Từ 12 giờ trưa ngày 2/9/1945, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã bắt đầu tập trung tại quảng trường Ba Đình để đón nhận lời tuyên bố chính thức về sự độc lập của nước nhà. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố. Ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Theo Báo Cứu quốc (cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Mặt trận Việt Minh) ra ngày 5/9/1945 thì lúc đó, giữa quảng trường Ba Đình đã dựng sẵn một kỳ đài có đặt máy truyền thanh. Các đoàn thể đến dự lễ theo trật tự đã định sẵn bởi Ban Tổ chức. Gần kỳ đài nhất là đoàn thể các cụ cao niên, đoàn thể Phật giáo, đoàn thể Công giáo và đoàn thể phụ nữ. Một đội tự vệ, súng lục cầm tay, đứng chen khít nhau thành một hàng rào quanh kỳ đài. Bộ đội thuộc Việt Nam Giải phóng quân, lưỡi lê cắm ở đầu súng sáng loáng, đứng dàn ở phía sau kỳ đài. Vòng ngoài là một biển người với một rừng cờ đỏ sao vàng rực rỡ.
Quang cảnh quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 - Ảnh: Tư liệu
Hai giờ chiều ngày 2/9/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời tới để khai mạc cuộc lễ. Tất cả sự chú ý của đám đông khổng lồ tới dự lễ đều dồn cả vào vị Chủ tịch Hồ Chí Minh, người tuyên bố chính thức về sự thành lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Buổi lễ bắt đầu. Lá cờ màu đỏ sao vàng được từ từ kéo lên ngọn cột cờ, trong khi đội quân nhạc cử bài Tiến quân ca. Trên kỳ đài, các thành viên Chính phủ Cách mạng lâm thời đưa nắm tay chào. Bên dưới, một rừng cánh tay cũng giơ lên.
Sau đó, đại diện Ban Tổ chức đứng trước máy truyền thanh đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ Cách mạng lâm thời. Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một giọng rành mạch, giản dị đã đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về việc chế độ phong kiến ở Việt Nam đã chấm dứt và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, Người nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Dứt lời Tuyên ngôn đanh thép ấy, tất cả quốc dân dưới kỳ đài đều đồng thanh cất tiếng lên hoan hô như sấm vang.
Tiếp đến là cuộc tuyên thệ của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Đứng trước lá quốc kỳ và đứng trước quốc dân, các thành viên của Chính phủ Cách mạng lâm thời thề rằng: Sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, đem lại tự do hạnh phúc cho dân tộc.
Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời tuyên thệ, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày về tình hình trong nước và những chính sách của Chính phủ. Tiếp đó, đồng chí Trần Huy Liệu tường trình về sứ mệnh vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Đồng chí Trần Huy Liệu đưa ra trình với quốc dân chiếc ấn quốc bảo và thanh kiếm bằng vàng mà vua Bảo Đại đã trao, là bằng chứng từ nay đã trao chủ quyền trong nước vào tay Chính phủ của nhân dân.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, thuật lại cuộc tranh đấu đầy nỗi gian lao, khó khăn mà Mặt trận Việt Minh đã theo đuổi trong mấy năm nay để giải phóng dân tộc và kêu gọi toàn thể đồng bào thống nhất, đoàn kết lại để ủng hộ Chính phủ, để Chính phủ có thể thi hành triệt để Chương trình kiến quốc của Mặt trận Việt Minh.
Ba giờ rưỡi chiều ngày 2/9/1945, quốc dân tuyên thệ. Đại diện Ban Tổ chức đứng trước đài đọc to những lời thề. Mỗi lời đọc xong, toàn thể đồng bào đứng dưới kỳ đài đều hô to: “Xin thề!”, biểu lộ rõ ý chí bền vững không gì lay chuyển được của cả một dân tộc đã quyết giữ lấy tự do, độc lập của mình bằng bất cứ giá nào.
Cuộc lễ kết thúc. Bài Tiến quân ca do đoàn quân nhạc cử lên. Cuộc mít-tinh biến thành một cuộc biểu tình vĩ đại. Các đoàn thể lần lượt diễu quanh kỳ đài rồi chia làm ba đường kéo đi.
Phát huy tinh thần Ngày Quốc khánh
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (ngày 11/2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại: “Ngày 2/9/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, đã tuyên bố trước thế giới quyền độc lập của Việt Nam, và thực hiện những quyền tự do dân chủ ở trong nước”.
Trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh viết ngày 1/9/1954 đăng trên Báo Nhân Dân, số 220 (từ ngày 1 đến 3/9/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 nước ta tuyên bố độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tổng tuyển cử tự do được tổ chức, nhân dân toàn quốc ta đã bầu ra Quốc hội. Quốc hội thông qua Hiến pháp và bầu ra Chính phủ Trung ương. Chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh đều do nhân dân cử ra. Thế là lúc đó chúng ta đã bắt đầu thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ” .
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là những điều thiêng liêng và quý báu của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thành công và “đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”. Về bản chất tốt đẹp của chế độ chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. Bởi vậy, tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 sẽ cổ vũ tinh thần dân tộc Việt Nam muôn đời sau nhằm đưa đất nước Việt Nam tiến bước thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2021, tăng trưởng GDP của nước ta đạt 2,58%. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 vượt mốc 668,5 tỉ USD, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỷ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỷ USD, còn thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18.000 USD.
Phát triển kinh tế đã giúp cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”.
Cũng trong bài viết trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
NGUYỄN VĂN TOÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 507, tháng 8-2022