Thực trạng, giải pháp hoạt động sáng tác tranh cổ động trong thời kỳ công nghệ 4.0

Tập huấn sáng tác tranh cổ động do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức tại Lâm Đồng năm 2023

 

Thế giới đã trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng, gắn liền với sự phát triển về khoa học kỹ thuật. Cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra năm 1784 với việc sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2, những năm 1871-1914, diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt (điện khí hóa). Cuộc cách mạng lần 3 bắt đầu từ 1968, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Cách mạng 4.0) là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai yếu tố nền tảng chính là khoa học và công nghệ để tạo ra một thế giới vạn vật kết nối thông minh.

Nhờ sự kết hợp giữa các công nghệ lại với nhau, xóa đi ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật và sinh học, máy tính, tự động hóa và con người sẽ cùng nhau làm việc theo một cách hoàn toàn mới. Những hệ thống máy tính sẽ học hỏi và điều khiển máy móc mà cần rất ít, thậm chí không cần tới sự can thiệp của con người. Đây là một thách thức không nhỏ trong phát triển kinh tế và cả trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thể hiện ở hai góc độ: góc độ thứ nhất, văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn với gìn giữ, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam, đạo đức xã hội; góc độ thứ hai, văn hóa nghệ thuật là ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp vào GDP quốc gia. Từ đó, đưa ra những phương hướng, những giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững đất nước, đề xuất lộ trình ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc xây dựng các sản phẩm chủ lực, dịch vụ, các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật  và phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 đã có những tác động tích cực cũng như đặt ra những thách thức buộc ngành Văn hóa nói chung và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng phải từng bước tiếp cận và thích ứng với xu hướng phát triển. Tác động lớn nhất đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đó là công nghệ số đã làm biến đổi chuỗi giá trị văn hóa tạo ra những thay đổi mang tính tương tác đa chiều trong từng khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thụ hưởng. Sự tương tác và nền tảng số đã cho phép nghệ sĩ sáng tạo dễ dàng nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của công chúng để điều chỉnh và tạo ra những tác phẩm của mình. Với những ưu thế vượt trội của mình, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra những không gian mới cho nghệ thuật nói chung và tranh cổ động nói riêng. Điều đó đòi hỏi những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sáng tác tranh cổ động phải có sự chuẩn bị hết sức nghiêm túc và tích cực.

Nằm trong xu thế thời đại, sáng tác tranh cổ động cũng có sự thay đổi như vũ bão. Cách xem tranh, tra cứu tài liệu với tranh trên giấy, trên tường, trên pa no đã đi vào máy tính và các trang mạng. Trong khi đó, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc sáng tác tranh cổ động và phổ biến tranh cổ động dựa trên thành quả kỹ thuật số, kéo theo đó tranh cổ động được sáng tác và phổ biến trên công nghệ số tiếp tục hứa hẹn, thu hút nhiều người xem do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các phương thức tuyên truyền. Vì vậy, việc sáng tác tranh cổ động và phổ biến phải đối mặt với các thách thức như: Kỹ năng làm việc trong môi trường hợp tác; Kỹ năng làm việc và hợp tác trong môi trường đa văn hóa; yêu cầu về ngoại ngữ… Điều này gây ra những khó khăn đối với người sáng tác tranh cổ động: nếu không phát huy hết tài năng, không có việc làm sẽ không đóng góp được nhiều cho xu thế phát triển của lĩnh vực.

Từ đó, cần đổi mới đào tạo và nghiên cứu để đào tạo được một đội ngũ sáng tác tranh cổ động có đủ tri thức và kỹ năng thích ứng với thời đại mới, với cách mạng 4.0.

Việc sáng tác tranh cổ động trước đây chú trọng đến khả năng sáng tạo, ít quan tâm tới kỹ thuật, thậm chí còn kém về các kỹ năng, điều này cần phải khắc phục trong thời đại mới. Trong thế giới công nghệ, muốn tồn tại không chỉ có tư duy sáng tác mà còn phải có kỹ thuật để biến ý tưởng thành sản phẩm hấp dẫn người xem. Yếu tố con người, nguồn lực con người vẫn không thể thiếu trong cuộc cách mạng này, thậm chí, chính trình độ văn hóa của con người sẽ ảnh hưởng, đóng vai trò không nhỏ trong nhịp bước hiện đại hóa, công nghệ này.

Sáng tác tranh cổ động thời 4.0 (thiết kế đồ họa) là những ngành an toàn trong cơn bão 4.0. Mặc dù trí tuệ nhân tạo đã có những bước tiến nhảy vọt, nhưng vẫn bị hạn chế  trong việc tư duy và sáng tạo. Mà đặc thù của ngành Thiết kế đồ họa nói chung và người sáng tác tranh cổ nói riêng lại là một  ngành cần phải có sự sáng tạo không ngừng. Đó chính là cơ hội cũng là thách thức của những người làm trong lĩnh vực này. Không thể không nói đến một số yêu cầu và giải pháp đối với việc sáng tác tranh cổ động phục vụ công tác tuyên truyền trong kỷ nguyên kỹ thuật số, gồm 5 yếu tố căn bản sau:

Một là, kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị.

Cần nghiên cứu kỹ trước khi “sắm” hệ thống thiết bị, nhằm tránh việc mua thiết bị xong, chưa vận hành được đã lạc hậu, hoặc không thích hợp.

Hai là, khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn.

Trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ thông tin và internet kết nối vạn vật, nó không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau. Do đó, việc sáng tác tranh cổ động đòi hỏi người sáng tác phải có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 vào thực tiễn để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đặt ra. Vì thế người sáng tác phải chủ động tích lũy tri thức về công nghệ thông tin, chủ động cập nhật kịp thời và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới vào cuộc sống thì chúng ta mới có cơ hội cạnh tranh việc làm, mở ra cánh cửa để bước vào sân chơi toàn cầu hóa.

Ba là, nguồn nhân lực.

Xu hướng tốc độ thay đổi công nghệ rất nhanh đang đặt ra những yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực. Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực sáng tác tranh cổ động tuyên truyền tại cơ sở đáp ứng yêu cầu của khoa học công nghệ 4.0, bao gồm đồng bộ hóa đội ngũ làm công tác tuyên truyền và nhà quản lý đủ bản lĩnh, nhân cách và năng lực tương ứng.

Bốn là, Ngoại ngữ tốt.

Trau dồi vốn ngoại ngữ là yêu cầu mang tính cần thiết. Khả năng sử dụng ngoại ngữ sẽ tạo cơ hội cho chúng ta tiếp cận với các tin tức, sách báo, tài liệu nước ngoài, giao tiếp được với bạn bè quốc tế nhằm giao lưu, học hỏi văn hóa của các miền đất trên thế giới và tiếp thu tri thức nhân loại.

Năm là, an ninh mạng.

Sự phát triển mạnh mẽ của internet tạo ra sự dễ dàng trong việc tiếp cận thông tin, gia tăng số hóa các sản phẩm trí tuệ kéo theo sự gia tăng các vi phạm về bản quyền và sở hữu trí tuệ trong môi trường số diễn ra phổ biến, cần chủ động và quyết liệt hơn trong việc bảo vệ tài sản của mình, đồng thời cũng cần tôn trọng và thực hiện tốt các điều khoản về quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ; có giải pháp kịp thời phòng và chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số, trong việc sáng tác, phổ biến tranh cổ động cũng như quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao, đưa ra các giải pháp an ninh mạng trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

 

NGUYỄN CÔNG QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

 

;