Xây dựng làng, ấp, xã, phường văn hóa là chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền.
Thời gian qua, cùng với những thành tựu trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới, một số địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là sự ra đời của mô hình làng văn hóa kiểu mẫu đã thu hút được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương, hướng đến mục tiêu xây dựng làng quê Việt Nam ngày càng trù phú, văn minh, giàu bản sắc.
Sáng 21/10, tại Vĩnh Phúc đã diễn ra Hội thảo “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” - Ảnh: qdnd.vn
Từ chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước...
Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước với phần lớn người dân sống ở vùng nông thôn. Trải qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ người dân Việt Nam đã sáng tạo nên truyền thống lịch sử, văn hóa với những giá trị độc đáo, thể hiện ở nếp nghĩ, lối sống, phong tục tập quán, đặc biệt là sự hội tụ, kết tinh ở hệ thống di sản phong phú, đồ sộ. Hiện nay, trữ lượng nguồn tài nguyên văn hóa truyền thống vẫn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy ở những làng quê Việt Nam.
Với chủ thể là người nông dân, sinh sống trên những vùng nông thôn rộng lớn cùng nghề nghiệp canh tác, mưu sinh lâu đời là nông nghiệp, sự gắn kết giữa “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã trở thành “hằng số”, tạo nên đặc trưng, diện mạo và tính chất của nền văn hóa Việt Nam.
Trải qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bức tranh nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc; cuộc sống của người nông dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì người nông dân cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khoảng cách về giàu nghèo, mức thụ hưởng văn hóa giữa các tầng lớp, giữa các vùng miền, nhất là giữa đô thị, thành phố với nông thôn, vùng sâu, vùng xa chậm được khắc phục. Mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hội nhập toàn cầu và biến đổi khí hậu đang tạo ra những sức ép lớn trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa ngàn đời của cha ông khi không gian, môi trường văn hóa ở làng quê bị “ô nhiễm”, xâm phạm.
Trước thực trạng đó, để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các làng quê, đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm; ứng phó linh hoạt trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở trong và ngoài nước, Đảng đã xây dựng và ban hành nhiều quyết sách quan trọng, định hướng sự phát triển của nền văn hóa dân tộc, trong đó có bộ phận quan trọng là văn hóa nông thôn.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, BCH Trung ương khóa VIII (1998) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, yêu cầu các cấp, các ngành cần: “Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng, ấp, xã, phường văn hóa, nâng cao tính tự quản của cộng động dân cư trong công cuộc xây dựng nếp sống văn minh. Thu hẹp dần khoảng cách đời sống văn hóa giữa các trung tâm đô thị và nông thôn, giữa những vùng kinh tế phát triển với các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, giữa các tầng lớp nhân dân”(1).
Nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng chủ trương phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào.
Nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” rất đa dạng như: phong trào Người tốt việc tốt, Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa, Xóa đói giảm nghèo, Xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường văn hóa, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở các khu dân cư… Các phong trào đó đều hướng vào cuộc thi đua yêu nước “Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.
Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng năm khóa V, Đảng tiếp tục ban hành một nghị quyết mới về văn hóa trước những đòi hỏi, yêu cầu mới mà thời đại đang đặt ra. Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín, BCH Trung ương khóa XI (2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững đất nước, tiếp tục nhấn mạnh đến một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển văn hóa, đó là: “Xây dựng văn hóa trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách… Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội”(2).
Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và sự chênh lệch về mức thụ hưởng văn hóa giữa các vùng miền, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đảng chủ trương đẩy mạnh phát triển vùng nông thôn, ưu tiên về nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Năm 2008, tại Hội nghị lần thứ bảy, BCH Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xác định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hóa phong phú, đàm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”(3).
Nghị quyết 26-NQ/TW đã góp phần khởi động Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng Nông thôn mới (NTM), tạo sức cộng hưởng lớn trong đời sống nhân dân, mang đến cho làng quê Việt Nam diện mạo và sức sống mới.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW với những thành quả đạt được và những thách thức mới đang đặt ra, tại Hội nghị lần thứ năm, BCH Trung ương Đảng khóa XIII, Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”(4). Vì thế, nguồn lực của đất nước cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Nhấn mạnh vào ý nghĩa nhân văn của chương trình xây dựng Nông thôn mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân, cần “tiếp tục thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM theo hướng gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn về nếp sống tới từng thôn, bản, ấp, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn. Thực hiện xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng NTM cấp thôn, bản”(5).
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ và các bộ ngành cũng đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, đề án, chiến lược về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có 3 chương trình MTQG liên quan trực tiếp đến vùng nông thôn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: chương trình xây dựng Nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối với chương trình MTQG về xây dựng NTM, sau hơn 10 năm thực hiện (giai đoạn 2010-2020) với nhiều thành tựu đạt được, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách mới, hướng đến mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, kiến tạo những làng quê Việt Nam trở thành nơi đáng sống. Tiêu biểu như: Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”… Từ các chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ và các bộ ngành, nhiều địa phương đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn, tiêu biểu là sự ra đời, hình thành của các làng văn hóa, làng văn hóa nâng cao và hiện nay là làng văn hóa kiểu mẫu.
Về tiêu chí làng văn hóa, Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, xác định tiêu chuẩn danh hiệu Làng văn hóa bao gồm 5 nội dung với 27 tiêu chí cụ thể. 5 tiêu chuẩn của làng văn hóa gồm: (1) Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; (2) Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú; (3) Môi trường cảnh quan sạch đẹp; (4) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; (5) Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Đồng thời, Nghị định cũng quy định 3 trường hợp không được xét tặng danh hiệu làng văn hóa nếu để xảy ra tình trạng có khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật; có điểm, tụ điểm ma túy, mại dâm; có hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật.
Đối với tiêu chí của Làng văn hóa nâng cao và Làng văn hóa kiểu mẫu, hiện, Chính phủ chưa đưa ra bộ tiêu chí cụ thể cho đơn vị cấp thôn, bản, làng mà mới ban hành những quy định về bộ tiêu chí của xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Đối với xã NTM kiểu mẫu, Quyết định số 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: Xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 là xã: (1) Đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; (2) Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã NTM nâng cao tại cùng thời điểm; (3) Có ít nhất một mô hình thôn thông minh, do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể; (4) Đạt tiêu chí quy định xã NTM kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, về giáo dục, về văn hóa, về du lịch, về cảnh quan môi trường, về an ninh trật tự, về chuyển đổi số...) mang giá trị đặc trưng của địa phương, do UBND cấp tỉnh ban hành.
Những gợi ý, hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành tạo cơ sở, nền tảng để các địa phương có điều kiện thuận lợi về nguồn lực, đạt được những thành tựu nổi bật trong xây dựng NTM, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng mô hình Làng văn hóa nâng cao, Làng văn hóa kiểu mẫu, mang lại những giá trị và diện mạo mới cho các làng quê.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Gò Nọi, phường Định Trung, TP Vĩnh Yên, ngày 19-10 - Ảnh: qdnd.vn
Đến thực tiễn xây dựng, triển khai
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia nhiệt tình của người dân, công cuộc xây dựng NTM hơn 10 năm qua đã được những thành tựu to lớn, mang lại diện mạo, sức sống mới cho làng quê Việt Nam (ngày càng trù phú, giàu đẹp, văn minh). Chương trình MTQG về xây dựng NTM được xác định là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, đó là hành trình, là công việc thường xuyên, lâu dài để hình thành lên những vùng quê đáng sống. Với những giá trị nhân văn, tốt đẹp và những tác động tích cực, rõ rệt, sâu rộng, toàn diện, chương trình đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến của mọi người dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với những cách làm hay, sáng tạo, đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 0,6% so với cuối năm 2022), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 340 xã so với cuối năm 2022) và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 55 xã so với cuối năm 2022); bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã(6).
Toàn quốc có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 8 đơn vị so cuối năm 2022 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 1 địa phương so với cuối năm 2022), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (7).
Về công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn, đến hết tháng 7/2023 có 7.623 xã (93,2%) đạt tiêu chí về văn hóa (tăng 3,2% so với cuối năm 2020). Như vậy, so với mục tiêu đến năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 16 về văn hóa thì kết quả năm 2023 đã cao hơn so với mục tiêu đề ra (8).
Bên cạnh diện mạo, cảnh quan nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại thì chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn cũng không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 46,3 triệu đồng/người/năm (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020)(9). Thu nhập và đời sống vật chất được nâng cao là điều kiện quan trọng để người dân có thêm cơ hội, điều kiện tham gia tích cực vào quá trình sáng tạo, thực hành, trao truyền và thụ hưởng những thành quả của công cuộc xây dựng NTM.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, những bài học kinh nghiệm đúc kết từ quá trình thực thi xây dựng NTM, nhiều địa phương đã về đích sớm với 100% các xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM. Từ kết quả đó, việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục được các địa phương quan tâm, chú trọng, ưu tiên dành những nguồn lực cần thiết để giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả của Chương trình MTQG về xây dựng NTM.
Là một trong những địa phương tiên phong, đi đầu trong việc xây dựng NTM, trong giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc đã đề xuất và tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu. Các làng được lựa chọn để triển khai thí điểm là các thôn, làng, khu phố đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng NTM, đồng thời có nhiều lợi thế, tiềm năng để khai thác, phát huy những giá trị văn hóa trong quá trình phát triển bền vững của địa phương.
Việc đề xuất đề án thí điểm xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dựa trên những tiền đề mà tỉnh đã đạt được trong quá trình xây dựng NTM. Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, phong trào xây dựng “Làng văn hóa” trên địa bàn tỉnh phát triển đồng đều ở các huyện, thành phố, cụ thể: Năm 2005, có 744/1.354 đơn vị đạt thôn, làng, tổ dân phố văn hóa (54,94%). Năm 2010, có 805/1.304 đơn vị đạt thôn, làng, tổ dân phố văn hóa (61,73%). Năm 2015, có 1.150/1.384 đơn vị đạt thôn, làng, tổ dân phố văn hóa (83%). Năm 2020, có 1.150/1.237 đơn vị đạt thôn, làng, tổ dân phố văn hóa (92,9%). Năm 2021, có 1.161/1.237 đơn vị đạt thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (93,85%)(10). Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, ở khu vực nông thôn, đến hết năm 2021, “thu nhập bình quân đạt 50,79 triệu đồng/người/năm, tăng 38,66 triệu/người/năm so năm 2010 và tăng 23,29 triệu/người/năm so năm 2015”(11).
Nhận thức rõ về lợi ích của việc xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu cũng như xu thế phát triển tất yếu của các làng, năm 2022, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có chủ trương và UBND tỉnh đã ban hành Đề án xây dựng thí điểm “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 2680/QĐ-UBND ngày 29/12/2022) với 3 nội dung chủ yếu: (1) Xây dựng khu thiết chế văn hóa, thể thao; (2) Hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ, thương mại tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân; (3) Nâng cao năng lực của bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc định hướng, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Ngày16/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, trong đó xác định mục tiêu: Xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hoá dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc. Cùng với đó sớm hoàn thành các mục tiêu về xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nghị quyết của Tỉnh ủy cũng đề ra mục tiêu đến hết năm 2025 có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành. Làng văn hóa kiểu mẫu phải đảm bảo các tiêu chí và đặc trưng cơ bản như:
- Cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Môi trường sống bền vững, khai thác tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên kết với bên ngoài thuận lợi, phục vụ tốt sản xuất theo hướng hiện đại và đáp ứng nhu cầu dân sinh, từng bước tiệm cận tiêu chuẩn của đô thị.
- Môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống. Hệ sinh thái tự nhiên được khôi phục, cải tạo. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được giữ gìn, bảo vệ, tu bổ và phát huy.
- Cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Người dân được hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo sinh kế, việc làm ổn định tại chỗ, nâng cao thu nhập.
- Đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Các dịch vụ tiện ích cơ bản, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Gia đình văn hóa, cộng đồng dân cư vững mạnh. Người dân có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản; lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.
Dự kiến cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa của Đề án là 2.610 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 2.475 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp huyện xã và nguồn xã hội hóa: 135 tỷ đồng.
Có thể khẳng định rằng, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân tại các vùng nông thôn, nhất là ở các làng, bàn, thôn xóm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nhằm đem lại cho người dân cuộc sống đủ đầy, no ấm, có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú.
Từ mô hình Làng văn hóa đến Làng văn hóa nâng cao, Làng văn hóa kiểu mẫu là một bước tiến trong nhận thức, hành động, nhằm tạo ra những Làng quê trù phú, tiến bộ, văn minh, giàu bản sắc. Từ những định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, mỗi địa phương lại có cách làm hay, sáng tạo. Việc tỉnh Vĩnh Phúc chủ động trong việc xây dựng thí điểm mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ góp phần hoàn thiện, bổ sung cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như gợi mở nhiều bài học kinh nghiệm để mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ được nhân rộng khắp các tỉnh thành, từ đó phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cống hiến của mỗi người dân Việt Nam để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, t. 57, tr. 307.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr. 47-48.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, 2018, t. 67, tr. 828.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài liệu định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, Hà Nội, 2022, tr. 8.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 261.
6, 7, 8 ,9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài liệu Hội nghị sơ kết 03 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tháng 7-2023, tr. 17, 17, 23, 25.
10, 11. UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Đề án về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 5/5/2023 của HĐND tỉnh), tr. 4-5.
TS. NGUYỄN HUY PHÒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023