Nghệ An phát huy hiệu quả mô hình Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Nghệ An là vùng địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, nhiều anh hùng dân tộc, nhiều lãnh tụ kiệt xuất trong suốt chiều dài của lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đây là một vùng đất cổ có phương ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng và văn hóa dân gian vô cùng phong phú, độc đáo, mang đậm bản sắc của vùng đất sông Lam – núi Hồng. Trong mạch nguồn đó, nổi bật nhất là dân ca Ví, Giặm. Đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu, là dòng sữa ngọt ngào, góp phần hình thành và nuôi dưỡng cốt cách, thể hiện đời sống tinh thần của người dân xứ Nghệ.

 

Ăn sâu trong từng điệu Ví, Giặm là đời sống tinh thần phong phú, bản tính chất phác, mộc mạc nhưng sâu nặng nghĩa tình của con người xứ Nghệ. Những đêm hát Ví, Giặm là cơ duyên thiết lập, vun đắp nên các mối quan hệ giữa con người với con người; trở thành sợi dây kết nối tình cảm: tình làng nghĩa xóm, tình cảm cộng đồng, tình yêu đôi lứa... Chính những làn điệu Ví, Giặm đã chắp cánh, dung dưỡng nên các bậc nho sĩ tài danh xưa như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu... Không những thế, những giai điệu ngọt ngào, những ca từ đặc trưng của những câu Ví, Giặm xứ Nghệ đã ảnh hưởng đến cách cảm, cách nghĩ, cách tri nhận thế giới và phong cách sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Nó là mạch nguồn cảm hứng vô tận, là kho tàng tri thức nuôi dưỡng nhiều tài năng âm nhạc đương đại như: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn Trọng Tạo, An Thuyên...

Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, có những thời kỳ, hình thức diễn xướng dân ca Ví, Giặm phần nào bị mai một đi. Nhưng nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đối với đời sống tinh thần của nhân dân trong tỉnh nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung, lãnh đạo và nhân dân tỉnh Nghệ An đã và đang có những chính sách khôi phục, duy trì và phát triển thể loại dân ca này. Đặc biệt, ngày 27/11/2014, UNESCO đã chính thức ghi danh di sản dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thế đại diện của nhân loại. UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở VHTT làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, phát triển hệ thống câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm và truyền dạy dân ca Ví, Giặm trên địa bàn tỉnh. Đây được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, là điều kiện tiên quyết cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm của tỉnh nhà.

Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm là nơi tập hợp những nghệ nhân thuộc nhiều lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ khác nhau. Tất cả đều có cùng đam mê, sở thích hát dân ca Ví, Giặm; có ý thức về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa dân gian này. Ban đầu, các câu lạc bộ (CLB) được thành lập và hoạt động một cách tự phát, lẻ tẻ theo hình thức truyền miệng. Thời gian sinh hoạt của các câu lạc bộ không thường xuyên, liên tục mà chủ yếu là hoạt động theo ngẫu hứng, không có sự hướng dẫn bài bản theo chuyên môn nghiệp vụ. Sau này, một số CLB, đội văn nghệ được thành lập theo chủ trương của chính quyền cấp huyện, xã, phường, thị trấn. Các CLB hoạt động chủ yếu vào các ngày nghỉ, ngày lễ hằng tuần, hằng tháng theo định kỳ tại Nhà văn hóa khối, xã, thôn hoặc trong nhà của các thành viên. Kinh phí hoạt động của các CLB chủ yếu là tự túc, chỉ một số ít CLB, đội văn nghệ được đầu tư, tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động. Khi các CLB, đội văn nghệ tham dự cuộc thi, liên hoan, hội thảo hay tập huấn chuyên môn về Dân ca Ví Dặm Nghệ Tĩnh (DCVGNT), họ mới được hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước.

Để nhân rộng mô hình và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm, trong giai đoạn vừa qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã thực hiện khá tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước. Nghệ An đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ban, ngành Trung ương về công tác bảo tồn và phát huy DCVGNT. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và ban hành khá đầy đủ các văn bản quy định về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát huy di sản DCVGNT trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, năm 2021, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An. Nghị quyết ra đời đã tạo động lực thúc đẩy các nghệ sĩ, nghệ nhân hăng hái tích cực, có trách nhiệm trong việc truyền dạy thực hành biểu diễn, hát dân ca, duy trì sinh hoạt các CLB, phát triển mạng lưới câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm trên toàn tỉnh. Đồng thời, nghị quyết đã khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân tích cực tham gia các cuộc thi, liên hoan, các hoạt động giao lưu, quảng bá di sản văn hóa của địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, toàn quốc và quốc tế.

Bên cạnh đó, Sở VHTT Nghệ An giao nhiệm vụ cho Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An mỗi năm tổ chức từ 4 - 6 lớp tập huấn, truyền dạy hát dân ca, hướng dẫn kỹ năng tổ chức thành lập CLB và tổ chức duy trì sinh hoạt CLB cho các đối tượng là các nghệ nhân, chủ nhiệm các CLB, cán bộ lãnh đạo, chuyên môn phòng VHTT, Trung tâm VHTTTT cấp huyện. Đồng thời, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An còn tổ chức tập huấn cho đối tượng là giáo viên dạy âm nhạc tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; tổ chức các lớp truyền dạy trong cộng đồng dân cư; truyền dạy kỹ năng hát và thực hành biểu diễn cho các em học sinh có năng khiếu hát dân ca Ví, Giặm.

Ngoài ra, Sở VHTT đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo mở rộng và phát triển chương trình dạy dân ca Ví, Giặm trong trường phổ thông. Cứ 2 năm/lần, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức một cuộc Liên hoan tiếng hát dân ca trong trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Dạy hát DCVGNT còn được triển khai trên sóng truyền hình, truyền thanh của Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, chuyên mục "Dạy hát dân ca" trên sóng phát thanh, truyền hình 2 số /tháng. Ngoài ra, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An đã biên soạn giáo trình để giảng dạy dân ca Nghệ Tĩnh và một số làn điệu dân ca vùng miền khác cho học viên.

Không những thế, Sở VHTT Nghệ An còn chỉ đạo Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An cử cán bộ chuyên môn tổ chức điền dã về trực tiếp từng địa phương tiếp cận và tổ chức xây dựng các CLBDCVG tại địa phương; gặp gỡ những người cao tuổi để sưu tầm các làn điệu dân ca Ví, Giặm truyền thống.

Với sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở VHTT; sự phối hợp chặt chẽ, sự tham gia hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao của các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh, hoạt động của các CLBDCVG đạt kết quả cao, có nhiều bước phát triển vượt bậc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được gần 140 CLBDCVG tại 21 huyện, thị thành, với gần 3.000 hội viên, 42 Nghệ nhân Dân gian, 52 Nghệ nhân Ưu tú, 1 Nghệ sĩ Nhân dân. Phong trào hát dân ca trong toàn dân, công tác truyền dạy DCVGNT trên địa bàn tỉnh, trong gia đình, cộng đồng được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả với nhiều hình thức phong phú. Ngoài các buổi luyện tập ở các CLB, các nghệ nhân còn được tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, qua đào tạo trong trường Cao đẳng Nghệ thuật Nghệ An, qua những tiết học âm nhạc tại các trường phổ thông.

Đặc biệt, thành công của Liên hoan dân ca Ví, Giặm năm 2023 từ cấp cụm đến cấp liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh lần thứ V, trong chuỗi hoạt động của Festival dân ca Ví, Giặm năm 2023 lần đầu được tổ chức tại Nghệ An vừa qua đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác xây dựng phát triển CLB và truyền dạy di sản dân ca Ví, Giặm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Có thể khẳng định rằng, các nghệ nhân dân gian, các nghệ sĩ thuộc lĩnh vực DCVG và thành viên của các CLB đã làm tốt vai trò trong việc lưu giữ, sáng tác các bài mới; thành lập, duy trì sinh hoạt các CLB, trình diễn, bảo vệ và trao truyền Ví, Giặm cho thế hệ trẻ. Hệ thống các CLB đã tạo nên được một mạng lưới hát dân ca rộng khắp; các thành viên CLB sinh hoạt nhiệt tình, say mê, tự nguyện. Thông qua các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm (CLB DCVG) những giá trị, bản sắc của văn hóa truyền thống được lưu giữ, bảo tồn, phát huy và phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Đồng thời các câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm còn là cái nôi nuôi dưỡng, ươm mầm cho những tài năng nghệ thuật truyền thống. Các nghệ nhân là hạt nhân của các CLB đã rất tích cực trong việc tham gia truyền dạy trong các chương trình dạy hát, tập luyện tại các CLB, dạy hát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trường học vào giờ ngoại khóa. Họ đã làm tốt vai trò trao truyền, không chỉ tham gia truyền dạy tại CLB, tại trường học, mà còn là nguồn nhân lực chính đào tạo đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận. Không những vậy, thông qua hoạt động của các CLBDCVG, các mối quan hệ xã hội, cá nhân được thiết lập và duy trì, tạo nên sự gắn bó mật thiết, sự tương hỗ lẫn nhau trong nghệ thuật và trong cuộc sống. Đó là cơ sở để xây đắp tinh thần đoàn kết của cộng đồng, lòng tự hào về truyền thống quý báu của quê hương, dân tộc và hun đúc nên ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân. Các CLBDCVG đã góp phần to lớn nhằm bảo đảm tốt cam kết với cộng đồng quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; xây dựng đời sống tinh thần phong phú, vui tươi cho nhân dân tỉnh nhà.

Xây dựng, phát triển hệ thống câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm và truyền dạy dân ca Ví, Giặm trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc. Đây là một chủ trương đúng đắn, cách triển khai thực hiện khoa học, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt, phát huy được sức mạnh của cộng đồng, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Cách làm này góp phần rất lớn trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và quảng bá di sản văn hóa của địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, toàn quốc và quốc tế.

 

TS NGUYỄN THỊ THÚY HÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;