Trong suốt quá trình lãnh đạo các mạng, Đảng ta luôn xác định xuất bản là bộ phận quan trọng trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, góp phần tích cực vào nhiệm vụ tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vai trò to lớn trong việc tích luỹ, truyền bá tri thức và các giá trị tinh thần, nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách và trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngành Xuất bản Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh truyền bá tri thức, nhân lên các giá trị tinh thần
Trong suốt chặng đường hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách của thế kỷ trước, giờ đã vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực với hệ thống 57 nhà xuất bản trên toàn quốc, xuất bản trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm.
Nội dung sách ngày càng phong phú, toàn diện, đa dạng về chủ đề; chất lượng chính trị, văn hóa trong các xuất bản phẩm không ngừng được nâng cao; đội ngũ những người làm xuất bản đã và đang phát huy vai trò tiên phong, không quản khó khăn, gian khó, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của của mình; tích cực, chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo...; mảng sách có nhiều ấn phẩm thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, văn học, khoa học công nghệ, tôn giáo, sách cho thiếu nhi, sinh viên thuộc nhiều xu hướng, góc nhìn khác nhau đã được xuất bản, cung cấp đến bạn đọc cả nước.
Điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh mềm quốc gia, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, những người làm xuất bản Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, không quản hiểm nguy, kịp thời cung cấp thông tin, tri thức đến bạn đọc cả nước bằng nhiều hình thức, bảo đảm đời sống tinh thần của người dân.
Trong thư gửi ngành Xuất bản nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống (10/10/1952 - 10/10/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Đây là nội dung quan trọng, vừa mang tính định hướng, vừa để khẳng định vai trò của xuất bản với tư cách là thành tố của văn hóa trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa, qua đó giới thiệu, phổ biến tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) và công cuộc chuyển đổi số quốc gia, ngành xuất bản cần đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động, triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển; góp phần thực hiện thắng lợi một trong ba đột phá chiến lược của phát triển đất nước mà Đại hội XIII nêu ra là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Song hành với đó, ngành Xuất bản Việt Nam cần chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, “xây dựng ngành Xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc”. Chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hằng năm và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật, không chỉ trong lĩnh vực xuất bản mà trong các hoạt động văn hóa; không chỉ ở trong nước mà cho kiều bào và bạn bè quốc tế; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về truyền thông sách quốc gia, góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội, đồng thời biểu dương, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản và văn hóa đọc nước nhà.
Mặt khác, ngành Xuất bản, Thư viện cần tạo lập thêm các mô hình sinh hoạt nghề nghiệp như: Câu lạc bộ biên tập viên, Câu lạc bộ những người làm sách trẻ, Câu lạc bộ phát hành sách, Câu lạc bộ văn hóa đọc; tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc do các bộ, ngành, địa phương tổ chức. Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương để xây dựng các phố sách, đường sách tại các khu dân cư, đồng thời vận động hội viên tham gia các hoạt động phố sách, đường sách tại địa phương. Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản, in và phát hành, nhất là với Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương.
Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của ngành xuất bản ước đạt: 2.390 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 57,6% so với kế hoạch năm 2023.
Theo thống kê xuất bản phẩm lưu chiểu, tổng số xuất bản phẩm trong 6 tháng đầu năm 2023 là 14.968 cuốn với 176.830.566 bản (giảm 28,8% về cuốn và giảm 51% về bản so với cùng kỳ năm 2022)
Hiện nay, số lượng nhà xuất bản đủ điều kiện thực hiện xuất bản phẩm điện tử tuy đạt và vượt mục tiêu (mục tiêu 15 - 20%) nhưng so với yêu cầu chiếm tỷ lệ còn thấp so với tổng số nhà xuất bản (19/57 nhà xuất bản, chiếm 33%);
Thời gian tới, ngành Xuất bản Việt Nam cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động xuất bản theo hướng tinh gọn, hiện đại, cung cấp thông tin phù hợp, đẩy mạnh phong trào văn hóa đọc trong cộng đồng.
Ngành Xuất bản cần triển khai đồng bộ 4 nhóm giải pháp gồm: (1) Hoàn thiện thể chế; (2) Tăng cường đầu tư; (3) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; (4) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện hiệu quả các hoạt động quảng bá, phát triển văn hoá đọc.
Cần con đường “tái sinh” cho sách
Ngành Xuất bản, In và Phát hành (ngành Xuất bản) là một ngành có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội. Trong chặng đường hơn 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Xuất bản đã khẳng định và đảm nhiệm tốt nhiệm vụ chính trị, vừa văn hóa, vừa kinh tế. Chính trị là giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng. Văn hóa là qua sách để lưu trữ, tích luỹ và bồi đắp các giá trị Việt Nam. Xuất bản, In và Phát hành là lĩnh vực kinh tế với quy mô trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm và đang tiếp tục tăng trưởng với 57 nhà xuất bản, hàng ngàn cơ sở in, phát hành, hàng trăm ngàn lao động.
Thực tiễn cho thấy, ngành Xuất bản, In và Phát hành còn là ngành kỹ thuật, công nghệ. Các công nghệ mới nhất của các CMCN đều được ứng dụng đầu tiên là vào ngành Xuất bản. Đặc biệt là công nghệ số của CMCN4.0 sẽ không chỉ được ứng dụng, mà còn làm thay đổi căn bản cách sáng tạo ra sản phẩm, cách sản xuất, phương tiện truyền tải và phân phối của ngành Xuất bản. Bởi vậy, ngành Xuất bản cần làm ra nhiều phiên bản của sách phù hợp với mỗi loại nền tảng.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Báo chí cách mạng Việt Nam đang tập trung chuyển đổi số, hình thành những cơ quan báo chí chủ lực, tòa soạn hội tụ đa nền tảng thì sách bây giờ cũng phải chuyển đổi đa nền tảng. Vậy là nghề xuất bản bây giờ không chỉ còn là làm nội dung mà còn là làm công nghệ. Ít thì cũng 30% nhân lực của xuất bản phải là công nghệ. Nhà xuất bản có thể tự làm công nghệ hoặc hợp tác. Cái gì dễ thì làm, cái gì khó thì hợp tác.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu ra câu hỏi đổi với ngành Xuất bản: “Sách có thể làm như vậy không? Nếu có phiên bản sách tóm tắt, số trang giảm đi 10 - 20 lần thì mỗi người Việt Nam mỗi năm sẽ đọc nhiều quyển sách hơn, mặc dù là phiên bản tóm tắt với các tri thức và tư tưởng chính. Tri thức của người Việt Nam vì thế mà tăng lên đáng kể và số người đọc sách nguyên bản cũng vì thế mà tăng lên.
Phiên bản ngắn có thể do chính tác giả viết. Phiên bản ngắn cũng có thể do nhà xuất bản làm. Ai có thể giúp chúng ta tóm tắt sách theo yêu cầu, chất lượng chắc cũng được 80 - 90%, người biên tập làm thêm 10 - 20% còn lại. Vậy là câu chuyện tóm tắt sách cũng dễ đi, làm nhanh hơn với sự trợ giúp của công nghệ.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thời chuyển đổi số thì một quyển sách ra đời là phải nghĩ ngay đến các phiên bản của nó. Phiên bản trên Facebook, Youtube là thế nào? Phiên bản trên Tik Tok, Zalo, phiên bản để Google tìm kiếm là gì? Rồi phiên bản để ChatGPT đưa vào hệ tri thức của nó ra sao? Phiên bản tóm tắt, phiên bản điện tử đầy đủ, phiên bản hoạt hình, phiên bản nhắn tin trên di động, phiên bản dưới dạng các câu trích dẫn ngắn để khai sáng, gây cảm hứng tư duy, phiên bản âm thanh, rồi cả phiên bản in đẹp và cao cấp,... Đây là yêu cầu đặt ra đối với ngành Xuất bản Việt Nam trong thời gian tới và phải giải được bài toán này để sách “tái sinh” đi theo con đường riêng của Việt Nam.
Người đứng đầu ngành TT&TT nêu dẫn chứng: “Quyển sách vẫn là quyển sách nhưng vô vạn hình tướng. Vô vạn hình tướng là cách để sách đến được hàng triệu người. Một quyển sách in có thể tiếp cận chỉ hàng ngàn, chục ngàn, trăm ngàn người nhưng hình tướng ngắn gọn và đa nền tảng của nó có thể tới được hàng triệu người và nhiều hơn thế nữa, vì thế mà giá trị của nó cũng tăng lên”.
Bởi vậy, không nên ngại vô vạn hình tướng vì con người có xu thế tìm đến cái gốc khi thực sự quan tâm và đó là tương lai của sách. Nhưng để vô vạn hình tướng và đa nền tảng thì chỉ có công nghệ, nhất là công nghệ số mới có thể giúp được. Vậy là sách bây giờ có thể đi xa hơn trước đây rất nhiều. Mặt khác, đưa sách lên một nền tảng số thì không chỉ là giới thiệu sách mà còn có thể là một phiên bản thu tiền, hoặc một phiên bản miễn phí nhưng vì view cao mà có nguồn thu từ quảng cáo. Vậy là cách để thu tiền từ sách cũng sẽ rất đa dạng. Tương lai của sách là xán lạn, nếu nhìn dưới góc nhìn này - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng.
Tuy nhiên, ngành Xuất bản chuyển đổi số và đưa sách lên môi trường số thì có vấn đề bản quyền số. Đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, của Bộ TT&TT. Cục Xuất bản, In và Phát hành phải coi việc xây dựng thể chế số cho ngành Xuất bản là ưu tiên hàng đầu. Do đó, xây dựng một nền tảng số làm sách cho các nhà xuất bản, cung cấp các công cụ tự động và thông minh cho người làm sách từ khâu sáng tác, biên tập, sản xuất, giới thiệu, truyền thông và phân phối đa nền tảng, làm ra nhiều phiên bản đa hình tướng của sách, rồi đến thu thập phản hồi của người đọc, tương tác với người đọc, rồi người đọc cũng tham gia vào các công đoạn của sách, phân tích dữ liệu để phục vụ riêng từng khách hàng theo hướng đối tượng, phân tích dữ liệu để phát hiện xu thế,...
Cũng theo Bộ trưởng ngành TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Gốc của viết sách là sáng tạo ra tri thức. Đặc biệt, gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là có người đọc, có nhiều người đọc. Tức là có thị trường. Vậy hãy bắt tay vào khuyến đọc. Nhiều quốc gia có giờ đọc trong trường phổ thông. Những người có uy tín, chính trị gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng hãy đọc sách và tham gia giới thiệu sách.
NGÔ XUÂN LỘC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023