Mỗi nhà văn thường có những vùng đất quen thuộc phù hợp với kinh nghiệm, vốn sống, hứng thú và cá tính sáng tạo. Lưu Trọng Lư cũng vậy, ông hướng đến những vấn đề gắn bó với sự trải nghiệm và khám phá của bản thân nhà văn. Dấu ấn văn hóa trong văn xuôi Lưu Trọng Lư đã tạo nên sự xuyên suốt, dưỡng nuôi và liên kết những bản sắc dân tộc có tính cội nguồn. Đặc trưng văn hóa trong văn xuôi Lưu Trọng Lư được thể hiện qua cảm quan về thiên nhiên, con người và gia đình. Đó là thiên nhiên mang giá trị truyền thống, thiên nhiên trong tâm thức con người trước cuộc sống hiện đại. Tâm hồn lãng mạn đã khiến ông tìm đến vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng, êm đềm và giàu xúc cảm. Sự sáng tạo nghệ thuật của ngòi bút Lưu Trọng Lư thể hiện rõ nét trong văn xuôi viết về thiên nhiên, một thiên nhiên mang đậm dấu ấn văn hóa.
1. Thiên nhiên mang giá trị văn hóa truyền thống
Thiên nhiên và con người luôn có sự hòa điệu, sự gắn bó chặt chẽ như quy luật tất yếu của cuộc sống. Nếu như văn học trung đại phản ánh thiên nhiên theo quan niệm “nhân dữ thiên địa tương tham”, con người và đất trời tương thông thì văn xuôi hiện đại, trong đó có văn xuôi Lưu Trọng Lư, thiên nhiên hiện lên chân thật như nó vốn có, rất thật, rất đời. Không chỉ thế, thiên nhiên còn là hình tượng non nước, được cảm nhận và miêu tả trong cảm quan văn hóa, trong dáng vẻ làng quê và tâm thức cộng đồng.
Trong thơ Lưu Trọng Lư, thiên nhiên hiện lên rõ nét qua Tiếng thu. Và giờ đây, trong văn xuôi, cảnh sắc thiên nhiên hiện lên chân thật, không hoa mỹ, ước lệ, mà rất đời thường, luôn gắn với làng quê Việt Nam. Đó là: “Đồng mạ xanh dưới ngọn gió chiều lung linh và lướt như một làn sóng dài. Một con sông bằng phẳng lặng in một vòm trời xanh sâu thăm thẳm” (1). Đó là sắc màu của cảnh vật “những ngày trong như gương, phản chiếu cái màu trắng phau của những đàn cò ở trên một thảm lúa xanh rì” (2). Tất cả đều mang một dáng vẻ dân dã, mộc mạc, yên bình. “Mặt trời đã sắp lặn ở dẫy núi chập chồng xa xa, còn gieo xuống dòng sông một dải lụa mà những sợi tơ vàng lăn tăn óng ánh như những sợi kim tuyến” (3). Cái yên ả của buổi chiều tà, sự di chuyển của những làn mây trên xa tít ấy như đánh thức tâm trạng con người: “Gió chiều ở dưới nước thổi lên vùn vụt, những tà áo đánh vào nhau phơn phớt, dội vào trí nàng như những tiếng vỗ cánh của một con chim con” (4). Phải chăng thiên nhiên còn là nơi gửi gắm những nỗi buồn, là nơi neo giữ những cảm xúc của con người. Tất cả những điều tưởng như giản dị đó đã ăn sâu vào lòng người, để rồi đi đâu về đâu họ cũng muốn quay về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi họ đã sinh ra và lớn lên. Những gì thân thuộc nhất ùa vào tâm hồn con người, để lưu giữ mãi mãi không bao giờ mất đi: “Mặt trời đã lên cao. Những cây sấu bên đường rung rinh màu xanh ở dưới ánh nắng lấp lánh. Và hai vạt ruộng mạ như một làn sóng, lướt thẳng một hơi, tới chân trời xa tắp” (5).
Những hình ảnh thiên nhiên trong văn xuôi Lưu Trọng Lư luôn gợi cảm hứng về giá trị văn hóa truyền thống. Thiên nhiên đồng nội vốn tồn tại khách quan ở làng quê Việt Nam, khi đi vào văn xuôi Lưu Trọng Lư đã được làm mới nhưng vẫn mang giá trị biểu trưng văn hóa vùng miền. Mỗi vùng miền đi vào truyện ngắn, tiểu thuyết của Lưu Trọng Lư đã được ánh xạ, hiện lên với tất cả những nét đẹp, những giá trị cần lưu giữ.
Về với miền Trung, Huế là trung tâm cảm hứng của Lưu Trọng Lư. Ông yêu thương tha thiết mảnh đất cố đô, gom góp, chắt chiu vốn hiểu biết về bản sắc văn hóa, sinh hoạt văn hóa và thiên nhiên Huế. Viết về Huế, nhà văn không chỉ am hiểu về lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế, mà còn thông thạo về kiến trúc, mỹ học, triết học, tôn giáo, lịch sử…(6). Nhắc đến Huế, người ta không thể quên linh hồn của nó là sông Hương, núi Ngự. Nếu người đọc đã từng biết đến một con sông Đà vừa hung bạo, vừa trữ tình, thì cũng biết đến một sông Hương thơ mộng, lãng mạn và rất đỗi hiền hòa dưới nét bút của Lưu Trọng Lư. “Thế giới như một bầu pha lê. Con sông Hương trắng phau như dải lụa mới phiếu” (7). Khám phá Huế để mà suy ngẫm và yêu Huế, bởi ông coi trọng tâm linh cũng là một nét cơ bản trong tâm hồn người Huế. Chính thời gian đã chứng minh rằng xu hướng tâm linh là nguồn gốc của tâm hồn Huế, tính cách Huế, quan niệm sống của người Huế từ xưa đến nay.
Những tác phẩm Chiếc cáng xanh, Khói lam chiều, Nàng công chúa đều lấy bối cảnh và câu chuyện của xứ Huế. Từ thiên nhiên đến con người, từ ngoại cảnh đến nội tâm vui buồn đều viết ra trên xứ Huế. “Cây cối ở trên xóm Cồn xum xê một cách khác thường khiến cho tôi có cảm giác rằng: cuộc đời ở đây, tựa hồ như là một cái gì rất dễ dàng, rất đáng yêu” (8). Bức tranh xóm Cồn Hến với màu xanh của cây trầu, cây cau, màu đỏ của gạch, màu của sương khói trên những mái tranh… kết tinh nên cái hồn của một vùng đất. Bằng ngòi bút sáng tạo, Lưu Trọng Lư đã phản ánh được những bức tranh của một địa phương trong một thời điểm của xứ Huế.
Khói lam chiều là một truyện mang màu sắc dân gian. “Khói thổi cơm chiều tỏa ra từng đám xanh như còn lưu luyến những mái tranh màu ảm đạm” (9), “bóng vàng còn lảng vảng trên những chòm thông xì xào hát với ngọn gió chiều” (10). Cảnh vật như nhuốm màu tâm trạng. Tấm lòng đa cảm của nhà văn như trải lên từng trang văn khiến câu chuyện như một dòng chảy cảm xúc cứ hút người đọc vào từng tình tiết. Lưu Trọng Lư thể hiện tinh tế trái tim của một nhà thơ, nhà văn yêu cái đẹp của làng quê, yêu thiên nhiên, cảnh vật thanh bình.
Tìm về với mảnh đất kinh kỳ, Lưu Trọng Lư dẫn dắt người đọc đến với con sông Gianh trong mùa mưa lũ. Lưu Trọng Lư đã làm sống dậy cảnh sắc ở đây bằng trái tim của người con xa quê. “Những đồng lúa xanh đều khỏa ngập và đỏ ngầu... Một vùng nước mênh mông, chỉ để lòi lúp xúp một đôi chòm nhà và xa xa một vài đồi núi trơ trụi” (11). Đó là cảnh vật được tái hiện trong Cầu sương điếm cỏ, một câu chuyện thương tâm về hai đứa trẻ mồ côi do nạn lụt. Mở đầu truyện, Lưu Trọng Lư đã miêu tả một cách cụ thể, chân thực cơn cuồng nộ của thiên nhiên với cảnh con sông Gianh trong mùa lũ, nước dâng cao, đỏ ngầu. Đối với những ai đã từng ở làng quê, bên con sông quê, thì những hình ảnh trên không còn xa lạ, như ẩn chứa dấu ấn khó phai trong lòng người đi xa. Thiên nhiên được miêu tả không xa lạ, màu mè, trừu tượng, mà là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi. Cảnh rất thực nhưng vẫn tạo dư âm cho người đọc, có cái gì đó bàng bạc, rưng rưng, nhức nhối trong lòng khi đứng trước cảnh ấy.
Là một nhà thơ lãng mạn, bước vào văn xuôi, Lưu Trọng Lư đã mang theo cả nguồn cảm hứng dạt dào về thiên nhiên thổi vào từng trang văn những sắc màu độc đáo, sinh động. Khung cảnh ngôi nhà của người xẩm mù chẳng khác gì chốn tiên cảnh. “Chung quanh lại có một khoảnh vườn rộng, trồng đủ thức rau quả và bông hoa… Đằng xa, một ngọn suối chảy trên gành đá, tiếng rỉ rách nghe đều đặn như tiếng tích tắc của đồng hồ” (12). Một không gian yên tĩnh dành cho những mảnh đời cư ngụ, họ đến với nhau vì tình người.
Sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên như là một tất yếu trong cuộc sống. Thiên nhiên trở thành một nét khó tách rời trong ý thức của người dân, một khía cạnh của tâm thức cộng đồng về non nước. Trong tâm thức của con người trung đại, thiên nhiên mang tính chất ước lệ. Hình tượng non nước được miêu tả qua lăng kính thiên nhiên với các biểu trưng như: núi, đèo, sông, cây cỏ… gắn với cảm quan đất nước hùng vĩ và truyền thống bất khuất của ông cha ta. Sang giai đoạn đầu TK XX, thiên nhiên hiện lên trong cảm thức trĩu nặng một nỗi niềm ưu tư về non nước quê hương. Thiên nhiên được miêu tả rộng mở, luôn vận động trong sự cảm nhận của con người văn hóa giai đoạn này.
Lưu Trọng Lư có một tâm hồn xúc cảm, và chất xúc cảm ấy đã đi vào trong sáng tác của ông. Trong văn xuôi của tác giả, văng vẳng đâu đây vẫn ríu rít “một bầy chim tuổi trẻ” đang ca hót, vẫn “giòn giã tiếng đàn tranh”, vẫn “lừng hương ngâu thơm mát”… Thiên nhiên trong văn xuôi Lưu Trọng Lư hiện lên trong trẻo, thơ mộng, chân thực, thấm đẫm tâm trạng. Lưu Trọng Lư đã bộc lộ một tấm lòng yêu thiên nhiên rất mực, một con người ham hiểu biết và một nhà văn luôn tìm tòi sáng tạo. Với cách diễn tả của mình, nhà văn đã vẽ nên bức họa quê hương với cái hồn neo lại trong từng câu chữ.
2. Thiên nhiên trong tâm thức con người
Văn hóa truyền thống kết hợp với văn hóa phương Tây tạo ra con người văn hóa đô thị với những cảm nhận riêng mang tính cá thể lớn, vì vậy thiên nhiên trong giai đoạn này ẩn chứa trong tâm thức của nhà văn. Lưu Trọng Lư miêu tả con người lẻ loi, đơn độc trong cuộc chiến với thiên nhiên. “Một chiếc thuyền nan bềnh bồng trên dòng nước lũ để kiếm bữa cơm chiều cho con” (13). Hình ảnh ấy đã gợi lên một cuộc sống đầy lo toan, thiếu thốn, bấp bênh của con người trên sông nước. Con nước dữ dội ấy đã cuốn phăng ngôi nhà với hai đứa trẻ đến một chân trời vô định (14), xa quê hương, xa những kỷ niệm tuổi thơ, xa người mẹ thân yêu. Chúng được lão U - một ông lão chuyên đi bẫy cò kiếm sống qua ngày nhưng giàu lòng nhân hậu - yêu thương, cưu mang. Những đứa trẻ ngây thơ đã phải sớm đối diện với sự khó chịu của mụ vợ lão U bởi gia cảnh của nhà mụ cũng chả khá khẩm gì (15). Hai đứa trẻ lại bị hắt hủi, bị vất ra chốn gió sương vô định và chúng tiếp tục trốn chạy đến một nơi xa lạ khác. Để đổi lấy những bữa cơm cho hai chị em, cái Bẹ phải nhọc nhằn ra sông bắt những con nhèm mặc cho mối nguy hiểm luôn ẩn hiện dưới đáy sông với những mảnh hàu sắc nhọn có thể tước đi tính mạng của nó bất cứ lúc nào. Thiên nhiên trong văn xuôi Lưu Trọng Lư không được tô vẽ bóng bẩy, nó quá khắc nghiệt, khiến ta thấu hiểu hơn về lòng người, về sự vất vả của những con người trong cuộc sống mưu sinh.
Thiên nhiên như một người bạn tâm tình sẻ chia nỗi niềm đau đớn trước mối duyên tình bị chia cắt, nhắc nhở con người về những khát vọng mãnh liệt của tuổi trẻ. “Nàng ngẩng đầu dậy. Trăng đã rải bóng xanh khắp chung quanh nàng. Cành thông thì thào gió dưới biển vụt lên từng làn mạnh” (16). Mượn hình ảnh trăng, nhà văn nói lên sự trống trải trong lòng nhân vật Nguyệt (tác phẩm Cô Nguyệt), khi cảm giác cô đơn tràn ngập. Hình ảnh trăng gợi nỗi niềm riêng tư, gợi buồn, gợi nhớ, gợi thương. Nó còn là phương tiện chuyển tải cảm nghĩ và những rung động của con người, tình yêu đôi lứa. Hình ảnh trăng đầy sức cám dỗ, có sự đồng điệu với con người. “Lòng ta như muốn tan chảy ra trong ánh trăng êm ái. Và ngực ta như hơi gió nhẹ, khoan khoái muốn phồng lên như một cánh buồm” (17). Trăng đã được vĩnh viễn hóa cùng thời gian, gắn kết với tâm linh con người. Những hình ảnh hàng giậu ven đường hay bóng trăng soi đáy hồ… lưu giữ khoảnh khắc để cho tâm hồn người neo về chốn bình yên. “Trăng le lói rọi ngang song, in bóng những cành đào phơ phất…” (18). Và: “Nàng sực nhớ đến cái hôn lúc đầu hôm, và nhớ đến nhiều chuyện khác nữa... Nàng muốn òa ra khóc” (19). Trăng chính là sự trở về trong cảm xúc của nhà văn, là khát vọng tìm đến cái tôi, nỗi khắc khoải về thân phận.
Trăng còn là chứng nhân văn hóa dân tộc. Hình ảnh trăng trong văn học hiện đại nói chung và trong văn xuôi Lưu Trọng Lư nằm trong mạch văn hóa dân tộc nhưng mang màu sắc hiện đại. “Ánh trăng tuôn chảy ra như chì trên đường sỏi, trên các lùm lá, trên các lối đi” (20); “Trăng lưỡi liềm đã gần lặn. Những tia sao lạnh lùng buông xuống sông, từ dưới nước những làn gió đưa lên từng hơi giá…” (21). Lưu Trọng Lư đã khám phá thiên nhiên trong sâu thẳm tâm hồn con người Việt Nam, mang lại cho văn xuôi hình ảnh thiên nhiên mang dấu ấn văn hóa hiện đại của con người cá nhân mới (22). Đó là thiên nhiên được nhìn từ nhãn quan của con người có tư duy biện chứng, vì thế thiên nhiên được nhìn nhận đa dạng, phong phú và nhiều màu sắc hơn.
Biển trời mênh mông cũng khơi dậy những rạo rực ái tình, nỗi nhớ thương bấy lâu giấu kín trong tâm hồn Nguyệt: “…Bên bóng trăng xanh, bên màu cát trắng, nàng cảm thấy rõ rệt, cảm thấy cái đời tình cảm của mình thiếu thốn một cách lạ thường” (23). Bức tranh đẹp đầy thi vị, có biển êm dịu, có những làn sóng nhấp nhô, dập dờn mãi không thôi. Con người như chìm đắm vào cảnh. Âm thanh, màu sắc hòa quyện vào cảnh vật và lòng người, để lại nỗi niềm xao xuyến, bâng khuâng.
Văn xuôi của Lưu Trọng Lư đã đưa bạn đọc về với đời thường, với vẻ đẹp của thiên nhiên. Bắt gặp trong những tác phẩm của ông hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt gắn với đời sống lam lũ nhưng rất tha thiết với con người. Đó chính là mối quan hệ bền chặt, là sự giao cảm giữa con người với thiên nhiên.
3. Kết luận
Trong dòng chảy văn học đầu TK XX, dấu ấn văn hóa trong văn xuôi Lưu Trọng Lư đã tạo nên sự xuyên suốt trong mạch ngầm văn hóa, nuôi dưỡng và liên kết những bản sắc văn hóa có tính cội nguồn với cuộc sống hiện đại. Đặc trưng văn hóa được thể hiện trong văn xuôi Lưu Trọng Lư qua cảm quan của con người về thiên nhiên. Những sắc màu phong phú về Quảng Bình đầy thương nhớ, về một miền Trung đẹp thơ mộng đã tiềm ẩn trong mình bản sắc văn hóa vùng miền.
Là một nhà thơ lãng mạn đi vào lĩnh vực văn xuôi, Lưu Trọng Lư đã trải lên từng trang văn nguồn cảm hứng lãng mạn dạt dào. Văn xuôi của Lưu Trọng Lư có sự xâm nhập thể loại giữa thơ và văn. Khi tiếp cận tác phẩm văn xuôi của ông, người đọc bắt gặp những hình ảnh, cảm xúc giống như trong thơ. Tâm hồn lãng mạn đã khiến ông tìm đến vẻ đẹp của thiên nhiên thơ mộng, êm đềm, giàu xúc cảm. Cùng với thiên nhiên, cái mới mẻ của cuộc sống đô thị hiện hữu trong văn xuôi, mang theo hành trang văn hóa của một dân tộc. Sự sáng tạo nghệ thuật của ngòi bút Lưu Trọng Lư thể hiện thật rõ nét khi viết về thiên nhiên.
Đến với văn xuôi của Lưu Trọng Lư, chúng ta hiểu hơn về cuộc đời và tâm hồn của một người nghệ sĩ luôn nặng lòng với quê hương, kết nối sâu sắc với cội nguồn dân tộc. Văn xuôi của ông vượt qua được sự thanh lọc của thời gian bởi một lẽ rất đơn giản, nó bắt nguồn từ cội rễ của dân tộc, đó là sự kết tinh của các giá trị văn hóa. Những truyện ngắn, tiểu thuyết của nhà văn đã lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc, neo giữ những vẻ đẹp và ý nghĩa văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại. Văn xuôi Lưu Trọng Lư gần gũi, thân thuộc với bạn đọc bởi nó mang dấu ấn văn hóa dân tộc, nó có sự đồng hiện hôm nay và cội nguồn. Có thể nói, những tác phẩm của ông đã góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng cho một giai đoạn văn học.
______________
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23. Lại Nguyên Ân, Hoàng Minh (sưu tầm, biên soạn), Lưu trọng Lư, tác phẩm - truyện ngắn, tiểu thuyết, 2 tập, Nxb Lao động - Trung tâm Văn hóa, ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2011, tr.400, 933, 429, 430, 383, 476, 145, 936, 195, 176, 196, 51, 971, 197, 201, 460, 627, 228, 447, 934, 479, 460, 461 .
Tác giả: Đặng Thị Ngọc Phượng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019