Trong hành trình về miền đất Tổ, chúng tôi dừng chân ở núi Cấm, nơi tọa lạc từ hàng ngàn năm nay của Hùng Vương Tổ Miếu.
Theo con đường nhỏ ngược lên sườn núi, chúng tôi dừng chân ở một không gian thoáng đãng, tịch mịch và xa rời sự ồn ã nơi phố thị. Nơi đây, cây cối um tùm, tre trúc xanh tốt, những cây đa, cây si cổ thụ tỏa bóng gợi lên sắc màu cổ kính và kỳ bí của một vùng đất. Ngôi miếu cổ tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, đây là ngôi miếu được mệnh danh là miếu cổ nhất Việt Nam.
Hùng Vương Tổ Miếu còn gọi là miếu Cấm, xưa kia có tên Ngọc Am thuộc thôn An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ). Hùng Vương Tổ Miếu thờ Hùng Vương thứ 18. Tương truyền miếu Cấm được xây dựng trên một quả đồi hình con ngựa (gọi là núi Cấm) nằm tách biệt khu dân cư, rất tĩnh mịch. Vị trí xây dựng miếu Cấm là yên ngựa. Núi Cấm xưa cây cối rất rậm rạp và có nhiều thú dữ, xung quanh núi Cấm là đầm hồ, ruộng dộc không ai qua lại được, muốn đến miếu Cấm phải đi bằng thuyền độc mộc.
Gian tiền tế ở Tổ Miếu
Sách Nam Việt thần kỳ hội lục chép về 2.824 vị thần được thờ trong cả nước có ghi rõ: “Hùng Vương Tổ Miếu ở làng An Thái tổng Phượng Lâu, huyện Phù Khang, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây là ngôi miếu cổ nhất”. Hùng Vương Tổ Miếu được tôn tạo trên núi Cấm năm 112 TCN. Nơi đây thờ các Vua Hùng và các vị Đại Vương: Hoàng Sơn Nhất Đại Vương, Linh Lang Đại Vương, Ất Sơn Đại Vương, Viễn Sơn Đại Vương, Áp Đạo Đại Vương... Các vị lạc tướng, lạc hầu từ thời Hùng Vương thứ 6 trở về trước, đã được nhân dân làng An Thái - Phượng Lâu thờ phụng suốt mấy nghìn năm qua. Ngọc phả làng An Thái có chép: “Thời các vua Hùng, các Lạc tướng thay nhau trấn giữ vùng đất này. Những khi bàn việc cơ mật quốc gia, vua Hùng triệu tập các Lạc hầu, Lạc tướng đến Núi Cấm, tuyệt đối không ai được lai vãng. Đời sau dựng miếu thờ các vua Hùng”.
Miếu Cấm nhìn theo hướng Tây - Nam, có bố cục mặt bằng hình chữ Nhất gồm ba gian nhỏ xây tường bít dốc với diện tích 40m2. Tương truyền xưa kia miếu Cấm lợp lá cọ, năm 1940 thay bằng lợp ngói mũi hà, nền lát gạch bát. Năm 2014, tu bổ hậu cung; năm 2015, xây dựng tòa tiền tế tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Nhị như hiện nay. Hùng Vương Tổ Miếu có chiều dài chỉ 5m, rộng 3m, bốn góc là 4 cột lim to, đường kính đến 35cm, mặt sàn lát gỗ, cách mặt đất 80cm, xung quanh đóng đố thưng ván. Cung cấm của Tổ Miếu được thiết kế khá đặc biệt bởi cả không gian cung được tạo tác bằng gỗ bốn phía, đặt ở vị trí giữa, trên cao, có cầu thang gỗ lên như nhà sàn, một biểu tượng được khắc trong trống đồng thời Hùng Vương. Ở giữa có bức hoành phi đề dòng chữ: “Hùng Vương Tổ Miếu”, hai bên là hai câu đối: “Linh thanh chương nhật nguyệt/Miếu mạo thọ sơn hà” (Miếu này còn cùng sông núi/Tiếng linh thiêng rõ như mặt trăng mặt trời).
Miếu Cấm được mệnh danh là ngôi miếu cổ bậc nhất Việt Nam
Trong miếu hiện vẫn còn lưu giữ 3 cỗ ngai, 3 lư hương chất liệu đất nung có niên đại thế kỷ XVIII và 3 lư hương gốm Thổ Hà có khắc chữ Hán “Thánh cung vạn tuế” có niên đại thế kỷ XIX. Ở vị trí giữa gian tiền tế đặt một chiếc trống đồng cổ, trên bề mặt và xung quanh khắc chim lạc, nhà sàn, núi non. Hằng năm, nhân dân tổ chức lễ hội làng vào ngày mồng 1 Tết và ngày mồng 7 tháng Giêng. Sau phần lễ theo nghi thức truyền thống là phần hát Xoan gồm giáo trồng, giáo pháo, thơ nhang. Tiếp theo là 13 quả cách hát thờ sau đó là phần hát đúm, hát hội, kết thúc là phần hát mó cá và các trò chơi dân gian...
Hùng Vương Tổ Miếu là di tích có giá trị lịch sử quan trọng trong quần thể di tích lịch sử đền Hùng trên vùng đất Tổ. Nơi đây lưu giữ những truyền thuyết thời Hùng Vương, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một nét đẹp cổ truyền trong văn hóa Việt Nam.
Tác giả: Nguyễn Thế Lượng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021