Một mùa Xuân nữa lại về, sắc màu trên những bộ trang phục độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số miền Tây xứ Thanh lại có dịp khoe sắc cùng hoa đào, hoa mận, hoa mơ, những tiếng cồng, chiêng, điệu nhảy sạp ngân vang khắp núi rừng đại ngàn. Người Mường, Thái, Mông, Dao, Thổ, Khơ Mú cũng ăn Tết Nguyên đán giống người Việt. Đến với từng địa danh, tiếp xúc với từng phong tục địa phương để hiểu rõ hơn đất và người nơi đây là một trải nghiệm không thể nào quên.
Năm 2020 đã khép lại, đong đầy trong tôi là ấn tượng khó quên sau những chuyến đi. Rong ruổi qua những bản làng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng riêng, được nghe những câu chuyện rất đỗi đời thường nhưng cũng không dễ thực hiện, được thưởng thức những món ăn độc đáo, cùng chung vui lễ hội với bà con tại bản thật là thú vị.
Con đường lên vùng núi xứ Thanh một bên là sông, một bên là rừng núi hoặc những sườn đồi thoai thoải, những thửa ruộng bậc thang lung linh huyền ảo, hoa dại bên đường níu chân ta bước. Thấp thoáng trong làn sương mờ ảo của thời tiết se lạnh là những nếp nhà sàn của đồng bào Mường ẩn hiện trong vườn đào căng nụ đang mỉm cười đón xuân. Những vườn cam, bưởi trĩu cành đang nóng lòng đón Tết về dâng mâm ngũ quả. Khói bếp ấm thơm lan tỏa quyện với mây trời làm cho không gian thêm bồng bềnh, mờ ảo. Tiếng trẻ con tung tăng nô đùa nơi ngõ xóm càng làm cho bản làng người Mường ngập tràn cảnh sắc của vui tươi, hạnh phúc, nghe đâu đó là câu hát Xường nhẹ đưa như mời gọi. Đàn chim cũng góp vui vào không gian xuân tiếng hót lảnh lót, chao mình bay liệng tận trời xanh, sà xuống vui chung với đàn trâu đang say mê gặm cỏ non xanh biếc ven đồi, tiếng cồng, chiêng ngân vang trong núi rừng đại ngàn gọi xuân.
Vượt đèo dốc lên với bản làng người Mông sinh sống - nơi “Cao ngang mây bay, cao bằng sấm dội”, chúng ta bắt gặp những cô gái Mông trong bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu. Tiếng ngựa hí đâu đó, tiếng vó ngựa dồn dập qua đèo, cùng chiến sĩ biên phòng đi tuần tra nơi biên cương mờ sương. Đầu bản người Mông đã dựng cây nêu - điểm hẹn của dân bản, nơi diễn ra lễ hội Gầu Tào (hội chơi ngoài bãi), những nam thanh nữ tú vui vẻ ném Pao, múa Khèn, múa ô… Người Mông rất say mê âm nhạc, ca hát và nhảy múa. Lời ca, tiếng Khèn, điệu múa luôn là cách tỏ tình trao duyên, chàng trai Mông múa Khèn say mê, du dương mời gọi bạn tình, để nàng phất ô xuống chợ. Cô gái đặt chiếc lá lên môi, khúc nhạc lòng trầm bổng bao trùm cả chợ. Họ gửi câu dân ca xuống chợ để trao nhau “Lời tỏ tình mềm như sợi lanh ngâm nước/Lời thương nhiều như lá cây rừng” và nếu bạn biết thổi Khèn và hát khúc dân ca, chắc chắn bạn sẽ là thượng khách. Chơi chợ, đón Xuân vui Tết, du khách còn được thưởng thức món thắng cố với hương vị đặc trưng rất riêng chỉ có người Mông mới làm được và uống bát rượu ngô - hương thơm thảo của lòng người, của vùng đất đá rừng thiêng, người dân hiền hòa và mến khách.
Đến vùng người Thái vào sáng sớm, buổi chiều tà hay những đêm trăng thanh, chúng ta lại được thưởng thức những bản nhạc không lời với âm thanh nhịp nhàng, khoan thai, rộn ràng, cũng có lúc dồn dập, do tiếng nhạc Khua Luống, xốn xang tiếng cồng, chiêng, những tiếng cười râm ran của các thiếu nữ đang nhanh tay rửa lá dong, vo gạo nơi dòng suối nguồn trong vắt. Ấn tượng đầu tiên trong tôi là những bộ trang phục của cô gái Thái trong nhà ra chào khách, bước chân dịu dàng của các cô gái rất hợp với bộ trang phục thanh nhã, với tài năng “Úp bàn tay thành vân muôn màu/ ngửa bàn tay thành hoa muôn sắc”. Chiếc váy hay khăn Piêu của phụ nữ Thái như khóm hoa rực rỡ sắc màu. Bên bếp lửa bập bùng, bao câu chuyện nói với nhau, được nghe người già kể chuyện những sự tích liên quan đến Tết, được cùng chuẩn bị đón Giao thừa… Nếu bạn ở lại bản Thái, sẽ được thưởng thức nếp sống tuyệt vời “Đi ăn cá, về ăn cơm/ Đêm nằm đệm, đắp chăn hoa”... nhưng bạn cũng chớ ngủ say quá bởi vào thời khắc giao thừa linh thiêng, người dân trong bản Thái sẽ cùng nhau ra suối lấy nước về thờ cúng và thực hiện tục rửa mặt vào ngày Tết để “Phủi sạch hết xấu xa, trôi theo dòng suối”, rước lấy cái tinh khiết sáng trong vào lòng.
Các chiến sĩ biên phòng vui xuân cùng đồng bào dân tộc Mông Thanh Hóa
Vui Tết với người Dao, bạn sẽ được say tình cùng hát giao duyên (Páo dung), những làn điệu dân ca dân vũ luôn thu hút mọi du khách nhất là lớp trẻ. Nếu như Tết Nhảy cùng với múa Rùa đại diện cho nét văn hóa tâm linh của đồng bào Dao thì điệu múa Bát lại thu hút người xem bởi sự mới lạ và dân dã. Đây là điệu múa không thể thiếu trong các các lễ hội của người Dao Thanh Hóa. Nghe tiếng chày đôi thập thình giã bánh dày như thúc giục mọi người nhanh tay chuẩn bị đón Tết, thưởng thức món thịt chua, rượu hoẵng ngon thơm (một đồ uống mà có thể bạn chưa từng được thưởng thức bao giờ).
Trong những chuyến du xuân về những bản làng đồng bào Khơ Mú và Thổ, ấn tượng trong tôi là sự thân thiện với tính cách ôn hòa, hiền lành như hạt lúa, củ khoai và mến khách của người dân nơi đây cùng những bộ trang phục truyền thống mộc mạc, bình dị, mang sắc màu của đất đai và hoa trái... hồn hậu, duyên dáng và kín đáo như chính tâm hồn họ đã làm rung động biết bao du khách.
Miền Tây “mê hồn” du khách không chỉ bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, những thác nước đẹp, những điệu múa xòe, múa sạp của các cô gái Thái, gái Mông hay những điệu hát Xường ngọt ngào của cô gái Mường... mà đến đây, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống của cư dân bản địa với biết bao trải nghiệm kỳ thú. Đặc biệt, vào những dịp Tết đến Xuân về, du khách còn được khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống độc đáo, lưu lại những bức ảnh đẹp và cùng tham gia các nghi lễ, phong tục ngày Tết, vui Xuân cùng với bà con.
Tết vùng cao xứ Thanh là vậy! Có ngọt ngào hoa nở, có mênh mang xuân xanh, có tình người chan hòa đầm ấm, có hội xuân tưng bừng náo nhiệt và đủ sắc màu trang phục truyền thống.
Tết đến Xuân về, một chuyến du hành đầu Xuân đã trở thành thông lệ, để mọi người được cùng nhau vãn cảnh, tái tạo năng lượng, cầu bình an hạnh phúc cho một năm mới. Nếu chưa biết đi đâu Tết này, bạn hãy thử du xuân lên vùng cao xứ Thanh nhé!
Tác giả: Lê Hường
Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021