Là vùng đất có thời gian dài là Kinh kỳ, Huế từng tồn tại song song hai loại hình Tết Nguyên đán. Đó là Tết dân gian của những người dân sống bên ngoài Hoàng thành Huế và Tết cung đình của vua chúa triều Nguyễn. Do đó, Tết Huế vừa mang đậm bản sắc của ngày Tết cổ truyền dân tộc, vừa mang dấu ấn riêng của văn hóa Huế, con người Huế.
Tết dân gian xứ Huế
Ở Huế, hình thức Tết dân gian vẫn được người dân Cố đô giữ gìn. Chính vì vậy, những lễ nghi trong Tết Huế thường được bà con chú trọng, duy trì thực hiện rất trang nghiêm, bài bản và có phần cầu kỳ như cúng ông Táo, cúng tổ nghề, cúng tất niên, lễ lên nêu, rước ông bà về ăn Tết, cúng giao thừa… Bên cạnh đó, nét văn hóa truyền thống Tết đặc trưng của Huế không thể tìm thấy ở bất cứ vùng miền nào là hoa giấy Thanh Tiên.
Tết ở Huế do đó thú vui chơi cũng lắm, địa điểm du xuân cũng nhiều. Vào những ngày Tết, vạn vật đâm chồi nảy lộc, hoa nở rộ đủ sắc màu làm cho những ngôi chùa Huế như chốn bồng lai tiên cảnh. Du khách ngoài việc đi chùa để cầu sức khỏe, may mắn và làm ăn thịnh vượng còn có thể tham quan cảnh trí chùa ngày xuân, thưởng thức trà bánh, xin chữ... Một số ngôi chùa du khách nên đến viếng thăm ở Huế ngày Tết là chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế, chùa Huyền Không Sơn Thượng…
Ngoài ra, từ mồng 1 Tết cho đến Rằm Tháng Giêng, ở Thừa Thiên Huế có hàng loạt lễ hội như: lễ hội Đu tiên ở xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) và thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); lễ hội Cầu ngư ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang); hội vật làng Sình (huyện Phú Vang), lễ hội vật làng Thủ Lễ (huyện Quảng Điền); lễ hội đền Huyền Trân ở phường An Tây (thành phố Huế)…
Ngao du Hoàng thành Huế
Nếu phải bầu chọn những nơi bắn pháo hoa đẹp nhất trên đất nước Việt Nam thì khu vực Hoàng thành Huế là một trong những địa điểm đầu tiên mà chúng ta sẽ nghĩ đến, nhất là vào đêm giao thừa - một xứ Huế vốn ngủ trước mười giờ trong tâm khảm du khách đã có một đêm không ngủ thực sự. Hàng vạn người dân xứ Huế đã đổ ra đường, hướng về phía quảng trường Ngọ Môn để thưởng thức chương trình ca nhạc đón Xuân và chờ đón thời khắc giao thừa thiêng liêng của vùng đất Cố đô.
Khó có thể tả hết được vẻ đẹp tráng lệ của Hoàng thành Huế vào thời khắc giao thừa. Những đền đài cổ kính, rêu phong, trầm mặc bỗng nhiên rực sáng, sắc vàng chói lóa khắp tứ phương. Đó chính là “hiệu quả ánh sáng” của những quả pháo hoa liên tục được bắn lên vào trời đêm từ những khẩu đại bác được đặt xung quanh Hoàng thành Huế. Để rồi, những quả pháo hoa đủ sắc màu như trăm hoa đua nở báo hiệu một cái Tết Nguyên đán yên vui đã về trên đất Cố đô.
Hoàng thành Huế từng là nơi ở của vua chúa nên không thiếu cảnh đẹp như hệ thống các hồ lớn nhỏ, vườn hoa, cầu đá, các hòn đảo và các loại cây. Vào những ngày Tết, khi những loại kỳ hoa dị thảo nở rộ cũng là lúc du khách nên chớp lấy cơ hội để tham quan chiêm ngưỡng và thụ hưởng khí khái thanh cao của bậc vương giả ngày xưa. Có thể kể đến, hàng trăm gốc mai tại công viên Lê Duẩn trước Hoàng thành Huế cùng bung nở vàng rực và trở thành địa điểm để nhiều người dân và du khách khắp nơi kéo về chiêm ngưỡng và chụp hình lưu niệm. Bên cạnh đó, là một số địa điểm “đẹp như mơ” bên trong Hoàng thành Huế không thể bỏ qua trong dịp này như: Hồ Thái Dịch, Cầu Trung Đạo; các vườn ngự uyển Cơ Hạ, Thiệu Phương… Du khách hãy cùng với bạn bè hòa vào dòng người xứ Huế để ngắm vẻ đẹp “có một không hai” này và lưu giữ cho riêng mình những tấm hình, thước phim kỷ niệm đáng nhớ.
Ngoài ra, nhiều hoạt động tái hiện Tết cung đình cũng sẽ được diễn ra ở Hoàng thành Huế. Đặc biệt, lễ dựng nêu và lễ hạ nêu tại Hoàng thành Huế, một đặc trưng của ngày Tết xưa, luôn gắn liền với âm nhạc cung đình Việt Nam và với các nghi thức rất trang trọng. Điều này khiến cho du khách như sống lại hương vị Tết xưa chốn cung đình.
Hoàng tử mở chợ chơi Tết
Huế lúc trước có chợ Gia Lạc mở trong ba ngày Tết. Chợ được Định Viễn Công Nguyễn Phúc Bính (1797-1863), hoàng tử thứ sáu của vua Gia Long, thành lập vào Tết Nguyên đán Bính Tuất (1826) dưới thời vua Minh Mạng. Cái tên Gia Lạc có nghĩa là “Tăng thêm niềm vui”.
Ban đầu, chợ Gia Lạc chỉ dành cho hoàng thân quốc thích và quan lại nhưng về sau, chợ mở rộng cho cả dân thường đến tham gia vui chơi. Bởi vậy, người đi chợ lấy sự vui vẻ, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau rất ý tứ, lịch thiệp. Họ không tranh luận, không to tiếng như các phiên chợ trong năm. Bởi tại nơi đây, dân nông thôn giao lưu với dân thành thị, giới quý tộc gặp gỡ giới bình dân. Hai bên đều có chung niềm vui là du Xuân đón Tết.
Hàng hóa mua bán trong chợ khá phong phú như chén bát, ly cốc, áo quần, trang sức, hoa tươi, rau củ quả... Đặc biệt là các đặc sản của Huế như phấn nụ, hoa giấy Thanh Tiên, bánh canh Nam Phổ; bánh bèo, nậm, lọc, ít, ram, ướt, khoái… Trẻ con thì mua tượng bà Trưng cưỡi voi, ông Trạng cầm quạt, gà đất, lung tung ngũ sắc, tò he, kẹo cau, kẹo gừng… Chợ Gia Lạc còn thu hút đông đảo người đi chơi Tết nhờ hàng loạt trò chơi thú vị như hò giã gạo, bài chòi, bài vụ, bầu cua, ném vòng vịt, leo cột mỡ, đu tiên, kéo co, vật võ…
Chưa hết, Định Viễn Công còn phát động thi nấu bún giò heo ngay tại chợ Gia Lạc, đầu bếp nào giành giải Nhất thì nhận được 4 chữ: “thập toàn, ngũ đắc”. Thập toàn là mười điểm hoàn thiện hoàn mỹ của món đặc sản chốn kinh kỳ: ngon lành, thơm tho, ngọt ngào, đậm đà, tinh khiết, bổ dưỡng, bắt mắt, giỏi chọn, rành nấu, khéo bày. Ngũ đắc là 5 yếu tố: ai cũng biết được, mua được, ăn được, chế biến được, tìm được nguyên vật liệu ngay tại địa phương mình. Trong cuốn sách “Văn hóa ẩm thực Huế”, bác sĩ Bùi Minh Đức cho rằng, xưa nước ta cần sức kéo từ bò và trâu nên không giết hai loài vật này lấy thịt. Bởi vậy, lúc đầu dân xứ Huế chỉ có món bún giò heo.
Như vậy, có thể thấy, Định Viễn Công là người có công làm cho Tết Huế vui hơn vì đã sáng lập nên một cái chợ mang tính chất “vui chơi” mở trong những ngày Tết. Phiên chợ Gia Lạc được duy trì đến năm 1945, tức là gần cả trăm năm sau khi Định Viễn Công mất.
Con trâu trong nghi lễ chốn cung đình
Lễ Tiến xuân được tổ chức vào tiết Lập xuân. Hai cơ quan là Khâm Thiên giám và Võ khố sẽ lấy nước và đất ở phương thần Tuế đất rồi nặn hình 3 con trâu cùng 3 vị thần chăn trâu (Mang thần) với hình tượng đứa bé. Mỗi con trâu đất thân cao 4 thước, dài 8 thước tượng trưng cho 4 mùa và 8 tiết, đuôi dài 1 thước 2 tấc tượng trưng 12 tháng. Mang thần cao 3 thước, 6 tấc, 5 phân để tượng trưng 365 ngày; cái roi làm bằng cành liễu, dài 2 thước 4 tấc để tượng trưng 24 khí trong năm. Sáng sớm ngày Lập xuân, các quan đại thần mặc triều phục rước trâu đất và Mang thần với đủ nghi trượng, tàn, lọng cùng nhã nhạc, đi vào Hoàng thành đứng đợi. Đến giờ, Nội giám tiếp nhận tiến lên nhà vua. Xong việc, các quan đều lui ra. Quan phủ Thừa Thiên về phủ thự đưa trâu đất ra đánh 3 roi để tỏ ý khuyên việc cày cấy, khuyến khích nông nghiệp. Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ ghi lại rằng: “Mang thần và trâu đất là lễ đời cổ để khuyên cày, lại là việc đầu xuân, có quan hệ đến gốc lớn của sinh dân... nguyên là ý chăm việc làm ruộng, khuyên bảo, giúp đỡ, ở Kinh thành đã cử hành trước thì các địa phương cũng nên tuân làm tất cả...”.
Đại Việt sử ký toàn thư chép là vào đầu Xuân năm 987 vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền, cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt sản xuất. Đó là lễ tịch điền đầu tiên ở Việt Nam được sử sách ghi nhận lại. Các triều đại như Lý, Trần… sau đó rất coi trọng lễ tịch điền. Vào thời nhà Nguyễn, vua Gia Long đã quy định ruộng tịch điền và vua Minh Mạng khôi phục lại nghi lễ này, coi như một đại lễ quan trọng. Sau nghi lễ, vua là người đầu tiên xuống ruộng cày, 3 lần đẩy cày đi, 3 lần đẩy cày lại, sau đó đến các vị hoàng công thân phiên cày 5 lần rồi đến bá quan văn võ mỗi người cày 9 lần, cuối cùng là các vị kỳ lão hương thôn và lão nông... lần lượt cho đến khi kết thúc. Sau lễ, các hạng trâu (vàng và đen) chuyển cho phủ Thừa Thiên tiếp nhận rồi giao cho nông phu xã Phú Xuân chăm nuôi.
Trong sách Đời sống cung đình triều Nguyễn, tác giả Tôn Thất Bình cho biết công chúa lấy chồng gọi là hạ giá, con rể vua gọi là phò mã. Trong đám cưới này, lễ vật là con trâu xuất hiện trong lễ Nạp thái, lễ Vấn danh, lễ Nạp trưng, lễ Nạp cát. Lễ Nạp thái gồm có 1 con trâu, 1 con lợn, 2 mâm trầu cau, 2 vò rượu, 2 cây gấm, 10 tấm lụa, 4 thỏi vàng, 1 đôi bông vàng, 1 cái trâm vàng, 2 chuỗi ngọc và 16 thỏi bạc. Lễ Vấn danh gồm có 2 con trâu, 2 con lợn, 2 vò rượu. Lễ Nạp trưng gồm có 2 con trâu 2 con bò, 2 con lợn, 1 mâm trầu cau, 2 vò rượu, 2 tấm lụa hoa, 2 tấm lụa trơn, 6 thỏi vàng, 20 thỏi bạc. Lễ Nạp cát thì gồm có 2 con bò, 2 con trâu, 2 con lợn, 2 vò rượu.
Đại nhạc là dàn nhạc hết sức quan trọng trong hệ thống nhạc lễ cung đình Huế. Nó là dàn nhạc diễn tấu với những trình thức quan trọng nhất trong các buổi lễ, thường được dùng trong các lễ tế như: Tế Nam giao, tế miếu, Đại triều… Đây là dàn nhạc có âm lượng lớn. Đại nhạc cung đình Huế gồm 42 nhạc cụ. Trong đó có 20 trống, 8 minh ca, 4 tù và bằng sừng trâu, 4 sa la, 4 đại sa, 2 tù và bằng ốc biển.
Tác giả: Nguyễn Văn Toàn
Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021