Người xưa quan niệm ngày Tết là phải có mâm cao cỗ đầy nhằm bồi bổ sức lực sau một năm chắt chiu dành dụm. Do vậy mà tiêu chuẩn tối thiểu của ba ngày Tết đã được nâng lên thành câu đối: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Có lẽ từ xa xưa đất phương Nam, đặc biệt là Cần Thơ, nơi được mệnh danh Tây Đô - nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất màu mỡ, với ngút ngàn màu xanh, cây lá, ruộng đồng tươi tốt, nhiều sông rạch, vườn cây ăn trái đủ chủng loại sum sê trĩu quả:
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về
Thiên nhiên đã ban tặng cho miền đất trù phú, hiền hòa bên bờ sông Hậu - nơi ẩn chứa chiều sâu văn hóa Nam Bộ. Người Cần Thơ làm chơi ăn thiệt, đời sống sung túc nên dân miệt vườn ăn Tết cũng rất rôm rả.
Dẫu xã hội đang từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cuộc sống của mỗi người cũng có nhiều thay đổi để thích nghi với nền kinh tế thị trường thì người dân Tây Đô vẫn ăn Tết theo phong tục tập quán cổ truyền của văn hóa Việt Nam.
Người dân Cần Thơ chuẩn bị Tết rất sớm. Ngay đầu tháng Chạp, hầu như nhà nào cũng lo cái ăn cái mặc. Trong những ngày này, cửa hàng, chợ búa đầy ắp hàng hóa phục vụ Tết. Khắp thôn xóm nhịp nhàng tiếng chày quết bánh phồng, bánh tráng - đặc sản của miền quê ngày Tết. Các lò tráng bánh hoạt động tất bật không kể ngày đêm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người mua.
Người dân Cần Thơ rất thích hàng chợ còn các món ăn được chế biến ở gia đình, tùy khẩu vị của mỗi nhà. Hầu như nhà nào cũng có sẵn các loại bánh ngọt, các loại mứt me, bí, gừng, dừa... Người Cần Thơ ưa thích nhất là món tôm khô củ kiệu. Dưa kiệu được làm sạch, phơi khô, để nguyên ngâm trong nước giấm cho vào một ít đường, để càng lâu càng thấm, cùng với món “dưa” thịt heo luộc ngâm nước giấm đường, dành cho phái mày râu nhậu lai rai đến ra giêng.
Dưa hấu ngày Tết khá nhiều, chất đầy ở các chợ, ven đường và cả ở dưới sông. Vào những ngày Tết, gia đình nào cũng có dưa hấu trong nhà. Họ thường chọn trái lớn nhất và ngon nhất để cúng đón ông bà. Với nhà khá giả họ chọn cặp dưa hấu thật đẹp, thật tròn, dán thêm miếng giấy hồng vuông vuông, đặt hai bên lư hương. Nhà càng giàu, cặp dưa càng lớn. Đây là một đặc tính dễ thương của người dân Cần Thơ. Đặc biệt, sáng mồng 1, mọi người trong nhà quây quần xẻ trái dưa hấu, nếu ruột đỏ tươi thì năm mới vận hạn sẽ đỏ, mọi chuyện đều hanh thông và thành đạt. Do vậy, dù dưa loại trái dài hoặc trái tròn cũng được miễn là ruột đỏ tươi hay ruột vàng như nghệ.
Mùa xuân trăm hoa đua nở, hương sắc ngọt ngào. Hoa mai được xem là biểu tượng của mùa xuân ở đất phương Nam nên được nâng niu chăm chút từng ngày kể từ khi lặt lá, thường vào khoảng 15 - 18 tháng Chạp, để nhành mai có thể nở rộ vào đúng sáng mồng 1 Tết với sắc màu vàng rực rỡ. Người Cần Thơ cho rằng đây là “sứ giả” mang đến may mắn và niềm vui, chắc chắn năm đó gia đình sẽ làm ăn phát tài, thịnh vượng.
Tết đến, đánh dấu bằng bữa cơm cúng để rước ông bà về ăn Tết với con cháu, vào trưa ngày 30.
Dù nghèo, dù giàu, là người Việt cũng phải cố trở về cho kịp giờ Giao thừa, trong thời khắc năm cũ chuyển qua năm mới rất thiêng liêng, được cắm cây nhang lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Bàn thờ được trang hoàng lộng lẫy với đĩa ngũ quả gồm năm loại trái cây, phổ biến là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài... Mỗi nhà đều mong muốn cầu vừa đủ xài, tức không tham lam, biết dừng ở mức “vừa đủ xài” thôi.
Chai rượu Tết còn mới nguyên đặt giữa bàn, bộ ly, bộ tách đã sạch bong nằm trên khay như đội quân sẵn sàng ra trận, chỉ chờ nhận lệnh, đó là lúc đồng hồ đánh 12 tiếng, trống đình giục giã, tiếng chuông chùa vang vọng… báo hiệu giờ khắc thiêng liêng: Giao thừa.
Với người dân Cần Thơ, Tết không gì thú vị bằng những chuyến về chơi miệt vườn đi dưới vườn cây trĩu trái và thưởng thức những món ăn đặc sản. Đến miệt vườn, mới cảm nhận hết sức quyến rũ của nó. Xoài bắt đầu chín vàng lơ lửng trên những cành cây, sapôchê tròn lẳn đong đưa, bưởi Năm Roi thanh ngọt, vú sữa căng phồng bóng láng, mận hồng đào đỏ tươi, mọng nước, cam quýt ngọt ngào óng chuốt. Trái cây miệt vườn nức tiếng thơm ngon:
Bưởi nào ngon bằng bưởi Ô Môn
Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ
Xuân về, miệt vườn khởi sắc, ruộng vườn bát ngát bao la. Vạn vật như bừng lên sức sống. Tiếng chim ca ríu rít trong vườn cây đầy trái chín.
Từ bến Ninh Kiều, du khách xuống thuyền hoặc xuồng ba lá khoan thai mái chèo theo những con rạch đục ngầu phù sa quanh co luồn vào các nhánh sông chằng chịt, với những rặng bầu trầm mặc ven sông, bụi ô rô mọc hoang bên bờ đất bò xuyên qua những mảnh vườn, khiến du khách tham quan được mát mắt với một màu xanh bất tận. Cảm giác thư giãn, được trở lại cội nguồn chính là yếu tố khiến khách thập phương vượt bao chặng đường đầy vất vả để đến nơi đây. Cảnh vật đúng như lời bài hát:
Con kênh xanh dấu mình dưới bóng dừa lá ngọn
Đò dọc ngang đưa khách đến quê em
Dòng sông Hậu mang nặng hạt phù sa
Bồi mảnh đất Cần Thơ thêm màu mỡ
Du khách thỏa thích ngắm nhìn những vườn trái cây bạt ngàn xanh ngát, tận hưởng hương vị các loại trái cây chín như: nhãn, sa bô, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon... ngọt ngào chắt ra từ phù sa sông Hậu. Như nhà văn Nguyễn Tuân nói: “Chỉ cần với tay đã có trái ăn liền”. Đặt chân lên những chiếc cầu dừa trơn trợt đất phù sa, để bước tới những ngôi nhà ngói xưa nằm ẩn khuất dưới những tàn cây râm mát. Ngồi trong sân vườn, du khách được thưởng thức bữa tiệc ngọt ngào hương vị đồng quê “sệt” chất Nam Bộ: bánh xèo, bánh khọt, bắp nướng, lẩu mắm, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, gà bọc đất sét nướng, tôm càng xanh nướng…, ăn cùng các loại rau sạch rất đa dạng của miệt vườn.
Nếu có thời gian, du khách có thể ở lại qua đêm, tối đến nhâm nhi vài ly rượu để rồi ngả mình trên giường, bên hàng hiên lộng gió. Những bữa cơm trưa dưới vườn chôm chôm, vườn nhãn mát rượi, hoặc những đêm ngủ lại trong vườn cây với những tấm chân tình mến khách của người dân đất Tây Đô này chắc hẳn sẽ để lại trong lòng du khách tình cảm đậm đà khó quên... Sống với các gia đình ở nông thôn, du khách sẽ hiểu được phần nào đời sống vật chất và tinh thần họ, hiểu được rằng trẻ em Việt Nam lớn lên không chỉ bằng sữa, bằng cơm gạo mà còn lớn lên trong lời ru của người mẹ, của ông bà. Về Cần Thơ giữa sông nước mênh mông, nghe vẳng câu hò:
Hò ơi...
Uống ngụm nước trong, em nhớ dòng sông Hậu
Hò ơ... mà ăn chén cơm đầy, em nhớ đất Cần Thơ
Tiếng hò từ du thuyền văng vẳng như mời gọi khách đến các chợ nổi độc đáo có một không hai của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, du khách có thể khám phá vẻ đẹp sinh động của một vùng sông nước mà nổi tiếng nhất là chợ nổi Cái Răng - chợ đầu mối giữa thành phố Cần Thơ lan tỏa hàng hóa đi các tỉnh trong vùng, mỗi sáng chủ nhật là lúc số lượng thuyền từ khắp ngả đổ về nhiều gấp đôi ngày thường, trên bờ có gì thì dưới nước cũng có thứ ấy.
Chợ nổi là một trong những sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của vùng sông nước miền Tây. Đi chợ nổi, du khách hiểu được cách mua bán trên sông nước. Thuyền chở chuối cồng kềnh. Thuyền chở rau xanh mướt… Tất cả mọi nông thổ sản đều được chuyển về đây để khách hàng lựa chọn. Khu chợ này có một phong cách quảng cáo đặc sắc: buộc một mẫu sản phẩm lên cây sào tre và cắm ở đầu thuyền. Thuyền bán rau có một mớ rau treo cao. Thuyền chở bưởi treo lủng lẳng một trái bưởi. Không ít ghe hàng này sử dụng còi thổi, hay dùng cassette để quảng bá sản phẩm. Cũng chính nơi đây, soạn giả cải lương Viễn Châu đã cảm tác, cho ra đời bản vọng cổ nổi tiếng “Tình anh bán chiếu”.
Đi chơi vườn thì phải ăn uống theo kiểu đồng quê, thưởng thức ca nhạc tài tử mới đúng điệu. Muốn lai rai thì có rượu nếp, tráng miệng với trái cây sẵn có trong vườn. Vừa thưởng thức món ăn dân dã, du khách vừa được nghe Đờn ca tài tử, hưởng không khí trong lành của đồng thơm cỏ nội và nghe tiếng ếch nhái đồng ca khi đêm xuống.
Những ngày Tết còn gì thú vị bằng khi đến những điểm du lịch sinh thái ở Cần Thơ, được thăm thú vườn tược, thả hồn trên sông nước hữu tình, thưởng thức những loại trái ngon vật lạ, những món ăn, đặc sản không nơi nào có và được sống gần gũi với thiên nhiên.
Tác giả: Nguyễn Thanh Hoàng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021