Làng Tây Mỗ thuộc phường Tây Mỗ - một phường nằm ở phía Tây Nam, quận Nam Từ Liêm - cách trung tâm thành phố Hà Nội về phía Tây hơn 10km. Không cần tinh ý lắm cũng có thể nhận thấy Tây Mỗ là một làng ven đô: một mặt, làng chịu tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, ngày càng mở rộng về phía Tây Hà Nội; mặt khác, làng vốn là mảnh đất văn hiến - văn vật, giàu truyền thống và sức sống nội tại, luôn biết gạn lọc, giữ lại cho mình những gì gọi là bản sắc, tốt đẹp nhất. Chẳng thế mà từ lâu, người dân cố huyện Từ Liêm từng có câu: "Nhất Mỗ; nhì La; thứ ba Canh, Cót". “Mỗ” ở đây tức làng Tây Mỗ và Đại Mỗ. Tây Mỗ là quê hương của nhiều người đỗ đạt, còn Đại Mỗ nổi danh với ba thế hệ nhà Tể tướng - Thám hoa Nguyễn Quý Đức.
Chính vì giữ được cho mình vẻ đẹp cổ kính, những nét đặc trưng nhất của một làng quê điển hình ở châu thổ Bắc Bộ mà mười lăm, hai mươi năm trở lại đây, Tây Mỗ được nhiều đạo diễn, nhiều đoàn làm phim chọn làm hiện trường, bối cảnh cho những tác phẩm về đề tài nông dân, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam. Có thể kể đến: “Gió làng Kình”, “Đám cưới giả to nhất làng”, “Khi đàn chim trở về”, “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”, “Làng ven đô”, “Ma làng”, “Lời nguyền huyết ngải”, “Bác Cả - người sung sướng”… nhất là bộ phim truyền hình dài tập “Đất và người”, chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Từ xem phim đến khảo sát thực địa, người ta có thể nhận ra nhiều không gian văn hóa như: cổng làng, con đường đi qua ngôi chùa có cùng tên gọi (chùa Tây Mỗ), đình làng, từ đường 8 mái và ngôi nhà cổ 5 gian của dòng họ Nghiêm Xuân, nơi thờ tự của dòng họ Trần Đăng…
Ấy thế nhưng, đó chỉ là mặt tiền - bề nổi hiện tại của một ngôi làng. Bởi hàng trăm năm trước, nào ai biết đến điện ảnh hay phim truyền hình? Cái làm nên giá trị, ghi tên Tây Mỗ vào hàng danh hương cố huyện Từ Liêm chính là truyền thống - chiều sâu văn hóa.
Chúng tôi về thăm Tây Mỗ vào một ngày vãn xuân 2003, được gặp bà Nguyễn Thị Hồng Hà, một cư dân “bản xứ”. Bà Hà năm nay bước vào tuổi 82, dấu ấn thời gian đã để lại trên gương mặt, mái tóc, dáng đi… nhưng khi gặp người muốn tìm hiểu về làng mình, bà bỗng trở nên hoạt bát, những bước chân cũng thanh thoát hơn nhiều. Bà không phải không có lúc tư lự, tiếc nuối về một “thời chưa xa, người chưa cũ”, những cái đầu nóng nơi đây từng hủy hoại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của làng, khi họ coi đó là tàn dư của xã hội cũ, không ích gì cho cuộc sống mới hay đại diện cho các giá trị tiến bộ, văn minh… Thật may, trải bao biến thiên dâu bể, cộng với khói lửa của 2 cuộc chiến, những gì Tây Mỗ còn giữ được cũng không đến nỗi. Bà Hà hào hứng dẫn chúng tôi đi thăm đình, đền am Tây Mỗ, địa điểm đặt bia lưu danh những con người đỗ đạt của làng… Theo PGS Bùi Xuân Đính - một chuyên gia khả kính về làng xã và khoa bảng thời quân chủ - thì chỉ riêng làng Tây Mỗ xưa đã có đến 7 vị đại khoa (đấy là chưa nói đến 72 người khác nữa cũng được xếp vào hàng thành đạt trên con đường học hành khoa cử, trong đó có 29 Hương cống thời Lê, 14 Cử nhân thời Nguyễn - chủ yếu là con em hai dòng họ Nghiêm Bá, Trần Đăng). 7 vị đại khoa này là: Nguyễn Am - thi đỗ Tiến sĩ năm 19 tuổi khoa Quý Mùi (1453), làm quan đến chức Chuyển vận sứ; Hoàng Thiệu - thi đỗ Tiến sĩ năm 33 tuổi (1475) đời vua Lê Thánh Tông, năm Ất Tỵ (1485) nhậm chức Lại bộ đô cấp sự trung, làm các chức thuế sứ, dịch thừa rồi Hình bộ Thượng thư; Nghiêm Hoàng Đạt - thi đỗ Bảng nhãn năm 39 tuổi (1583), làm quan cho cả nhà Mạc và nhà Lê Trung Hưng, giữ chức Lại khoa đô cấp sự trung; Nghiêm Bá Đĩnh (1683-1755) - thi đỗ Tiến sĩ năm 51 tuổi (1733), giữ chức Đô đốc đồng xứ Sơn Tây, Tham hiệp nhung vụ rồi Đông các Đại học sĩ, khi mất được truy tặng là Đại lý tự khanh; Nguyễn Đương Bao (1647-1727) - thi đỗ Tiến sĩ năm 27 tuổi (1673), năm 1716 giữ chức Lễ bộ Thượng thư, khi mất được truy tặng chức Thiếu bảo; Đỗ Huy Điển - thi đỗ Phó bảng năm 1975; Nghiêm Xuân Quảng (1869-1941) - thi đỗ Tiến sĩ năm 1895 thời Nguyễn, ban đầu ông làm tri huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), hai năm sau (1897) ông cáo quan về rồi lại ra Hậu bổ Hưng Hóa, lần lượt giữ các chức đốc học Hưng Yên, Án sát Lạng Sơn trước khi đồng sáng lập ra Đông Kinh Nghĩa Thục…
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà bên tấm bia của làng vinh danh những người đỗ đạt xưa nay…
7 vị đỗ đại khoa tuy chưa đủ tiêu chuẩn của một “làng khoa bảng” nhưng là con số đáng kể. Và người làng Tây Mỗ không chỉ trân trọng quá khứ vẻ vang mà còn biết giữ gìn, tiếp nối truyền thống đó đến thời hiện tại. Chuyện các dòng họ Nghiêm Xuân, Trần Đăng… còn giữ được từ đường, nơi thờ tự cả trăm năm gần như nguyên vẹn cùng vẻ cổ kính, u hoài, trang nhã đã cho thấy sự nền nếp, gia phong được truyền từ tiền nhân đến hậu thế. Cũng cần nói thêm, nếu cuối thời quân chủ, nội dung bản hương ước của làng lập năm Chiêu Thống nguyên niên (1787) đã đề ra các quy định khuyến học rất đáng được quan tâm như: Người nào đỗ Tiến sĩ, làng làm lễ dùng cỗ thịt trâu, xôi, trà, rượu và 20 quan tiền kính biếu; người thi Hội lần đầu trúng Tam trường, kính biếu cỗ xôi lợn, rượu và 3 quan cổ tiền; người đỗ Hương cống biếu cỗ xôi gà, rượu, 2 quan cổ tiền; người thi Hương trúng Tam trường kính biếu cỗ xôi gà, rượu và 1 quan 2 mạch… thì đến thời Pháp thuộc, làng trích ra một mẫu ruộng để trao thưởng cho người nào đỗ Tiến sĩ các khoa về tân học. Người đỗ được hưởng hoa lợi một năm; nếu nhiều người đỗ thì ai nhiều tuổi được hưởng năm trước; ít tuổi hưởng năm sau. Trong dịp lễ hội, người đỗ Tiến sĩ được ngồi chiếu trên gian giữa đại bái, nếu không có Tiến sĩ mới đến quan hàm nhất phẩm. Hiện tại, các dòng họ ở làng Tây Mỗ đều có Quỹ Khuyến học của riêng mình, trị giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng dành cho con em có thành tích xuất sắc trong học tập, đỗ đạt hằng năm. Đặc biệt, làng đã cho dựng những tấm bia đá khắc tên từ các vị Tiến sĩ, Hương cống, Cử nhân… thời Nho học đến những Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ thời hiện tại như một sự tiếp nối truyền thống, mạch nguồn khoa bảng!
Ngoài mạch nguồn khoa bảng, làng Tây Mỗ còn được biết đến với một lễ hội đặc sắc mang tên "Lễ rước xôi" - nghi lễ tôn vinh, thờ phụng hạt gạo vào mỗi dịp năm mới. Theo truyền thống, mỗi năm dân làng sẽ chọn ra một gia đình đăng cai lễ hội. Gia đình được “chọn mặt gửi vàng” phải là một mái ấm nền nếp, gương mẫu, con cái thành đạt, cha mẹ song toàn. Xôi rước được đựng trong chum đồng đặt trên ba kiệu. Mỗi chum xôi nấu từ 30kg gạo nếp cái hoa vàng loại thượng hạng. Để có gạo lễ, từ trước đó khá lâu, người ta phải chọn loại thơm ngon, tinh khiết nhất. Lễ hội là nét văn hóa độc đáo riêng của Tây Mỗ, là dịp để người làng một mặt tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, mặt khác giáo dục cho thế hệ trẻ biết nâng niu, quý trọng lao động nông nghiệp bên cạnh việc chuyên tâm học hành.
Có thể nói không sợ quá lời rằng, Tây Mỗ không chỉ xứng là danh hương đệ nhất của Từ Liêm cố huyện mà những nét đẹp, giá trị truyền thống nơi đây rất đáng để nhiều làng quê khác ở Thủ đô và cả nước tham chiếu, học hỏi.
THANH HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 531, tháng 4-2023